Triều Tiên cảnh báo chiến tranh với Hàn Quốc
Bình Nhưỡng lên án các hành động của Seoul và cho rằng các nước đang thể hiện sự “đố kị” sau vụ thử bom nhiệt hạch.
Triều Tiên cho rằng các nước đang thể hiện sự “đố kị” khi lên án nước này thử thành công bom nhiệt hạch. Ảnh: AP
Phát biểu trước đám đông tại Quảng trường Kim Nhật Thành hôm nay, một quan chức hàng đầu của Triều Tiên cho rằng việc Hàn Quốc đặt loa phóng thanh, thảo luận cùng Mỹ về khả năng triển khai máy bay chiến đấu tiên tiến mang bom hạt nhân, đã đẩy bán đảo “tới bờ vực chiến tranh”, AP cho hay.
Bình Nhưỡng cho rằng việc Seoul khôi phục các loa tuyên truyền chống phá sau 5 tháng ngưng là “tương đương với hành động chiến tranh”. Liên Hợp Quốc cùng nhiều nước đã chỉ trích gay gắt Triều Tiên sau khi nước này tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch hôm 6/1.
Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia chiều qua, ông Kim Ki Nam, Bí thư đảng Lao động cầm quyền Triều Tiên đánh giá các đối thủ của Bình Nhưỡng “ghen tị” sau khi nước này thử thành công bom.
Video đang HOT
Nhằm đáp trả hành động của Hàn Quốc, Triều Tiên hôm qua cũng dựng lên hệ thống loa phóng thanh và điều quân tới biên giới. Theo Yonhap, Hàn Quốc triển khai tên lửa, pháo và các hệ thống vũ khí khác tới gần biên giới để đối phó. Tuy nhiên Bộ Quốc phòng Hàn không xác nhận thông tin này.
Triều Tiên được cho là sẽ không dừng các vụ thử hạt nhân cho đến khi đạt được hiệp ước hòa bình với Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc để chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên. Chiến tranh liên Triều 1950 – 1953 kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn, thay vì một hiệp ước hoà bình. Lệnh do Mỹ, đại diện cho lực lượng Liên Hợp Quốc, quân đội Triều Tiên và quân đội Trung Quốc ký.
Khánh Lynh
Theo VNE
Căng thẳng dâng cao ở giới tuyến liên Triều
Hai miền Triều Tiên đồng loạt nối lại hoạt động tuyên truyền chống đối nhau và tăng cường quân sự ở biên giới, sau vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Một giàn loa phóng thanh của Hàn Quốc - Ảnh: Reuters
Yonhap ngày 8.1 đưa tin ngay sau khi Hàn Quốc khởi động lại hoạt động tuyên truyền bằng loa phóng thanh dọc biên giới với CHDCND Triều Tiên nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân gây chấn động của miền Bắc hôm 6.1, Bình Nhưỡng lập tức có hành động tương tự. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng được cho là đã tăng cường số lượng binh sĩ tại một số đơn vị trực chiến tại biên giới.
"Quân đội Triều Tiên đang củng cố khả năng giám sát và tư thế chiến đấu ở một số khu vực tiền tuyến", Yonhap dẫn lời một quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết nhưng không tiết lộ động thái phản ứng của nước này.
Theo AFP, hôm qua 8.1 các hệ thống loa phóng thanh cỡ lớn của Hàn Quốc tại 11 địa điểm dọc giới tuyến liên tục phát hàng loạt nội dung từ những bài hát nhạc pop nổi tiếng đến dự báo thời tiết, tin tức và những thông tin chỉ trích chính quyền miền bắc. Seoul cũng nâng mức báo động quân sự lên mức cao nhất tại các vị trí gần loa phát thanh, khẳng định sẽ đáp trả bất kỳ hành động tấn công nào. Các tour du lịch đến khu vực phi quân sự giữa 2 miền cũng đã bị hủy bỏ theo yêu cầu của quân đội.
Năm ngoái, quan hệ liên Triều từng lâm vào căng thẳng đến mức Triều Tiên tuyên bố "sẵn sàng chiến tranh" liên quan đến hoạt động tuyên truyền bằng loa phóng thanh. Ngày 20.8.2015, Seoul bắt đầu phát loa chống miền bắc để trả đũa vụ 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương nặng do trúng mìn ở Khu phi quân sự (DMZ). Tuy nhiên, Bình Nhưỡng bác bỏ mọi cáo buộc gài mìn và nã pháo về phía giàn loa. Lập tức miền nam đáp trả bằng hàng chục quả đạn pháo nhưng cả hai bên đều không thông báo thương vong hay thiệt hại gì.
Căng thẳng kéo dài đến ngày 24.8 sau khi 2 miền đạt thỏa thuận hạ nhiệt và Hàn Quốc tắt loa phóng thanh nhưng vẫn tuyên bố sẽ mở lại trong những tình huống "khác thường".
Đến nay, giới chuyên gia bên ngoài vẫn tỏ ra nghi ngờ tuyên bố "thử thành công vũ khí nhiệt hạch" của Triều Tiên và chưa có thêm dấu hiệu nào cho thấy vụ thử ngày 6.1 thực sự là bom H hay không. Trong ngày 8.1, đúng dịp sinh nhật lần thứ 33 của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đăng bài xã luận mang giọng điệu nhẹ nhàng khác thường. "Triều Tiên sẽ có một cuộc thảo luận mở về vấn đề tái thống nhất, vấn đề quốc gia, với bất kỳ ai thực lòng muốn hòa giải và đoàn kết, hòa bình và thống nhất", tờ báo viết.
Cùng ngày, Reuters dẫn một nguồn tin cấp cao về Triều Tiên và Trung Quốc nói chính quyền Bình Nhưỡng đang muốn thúc ép Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc ngồi vào bàn đàm phán về một hiệp ước hòa bình chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên. "Họ sẽ tiếp tục thử hạt nhân cho đến khi đạt điều này", nguồn tin nói trên, được cho là giữ vai trò trung gian liên lạc giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh, tuyên bố với Reuters.
Mặt khác, cựu chuyên gia phân tích của CIA Sue Mi Terry nhận định trên tờ The Washington Post rằng vụ thử hạt nhân được chọn rất kỹ lưỡng về thời điểm khi diễn ra gần sát sinh nhật ông Kim. "Đó là "món quà" giúp ông Kim chứng tỏ sự mạnh mẽ và vị thế với dân chúng trong nước đồng thời gây áp lực cho bên ngoài", bà Terry nói.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Sinh nhật náo nhiệt của ông Kim Jong-un Hôm nay 8.1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mừng sinh nhật thứ 33 trong không khí thật náo nhiệt, buộc cả thế giới phải nhắc tới tên mình sau một thời gian dài chú ý quá nhiều tới IS hay Iran. Sau 3,5 năm lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim Jong-un nay tròn 33 tuổi và có những động thái gây...