Triều Tiên cảnh báo cao độ về Covid-19, siết chặt kiểm dịch ở Bình Nhưỡng
Triều Tiên đã thực thi các biện pháp chống Covid-19 cứng rắn hơn ở Bình Nhưỡng sau khi đặt thủ đô được đặt trong tình trạng cảnh báo cao nhất nhằm chống lại đại dịch chết người đang lan rộng trên toàn cầu.
Kiểm tra nhiệt độ phòng Covid-19 được thực hiện ở Bình Nhưỡng
Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương Triều Tiên cho biết, các nỗ lực ngăn chặn để chặn đứng sự xâm nhập của virus độc hại vào Bình Nhưỡng đang được tiến hành một cách chủ động hơn.
Tất cả những người đi qua khu vực Mankyongdae, một cửa ngõ phía tây của Bình Nhưỡng, đều phải được đo nhiệt độ, trong khi hàng hóa trong kho phải được diệt khuẩn.
Các bác sĩ ở vùng Sonkyo, quận phía nam của Bình Nhưỡng, được lệnh kiểm tra những người dân địa phương bị sốt hoặc có các triệu chứng về đường hô hấp mỗi ngày. Các cơ sở cung cấp nước ở quận Moranbong của Bình Nhưỡng cũng đã được khử trùng, theo báo cáo.
Hôm thứ Tư 2/12, truyền thông nhà nước cho biết Bình Nhưỡng đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao nhất đối với Covid-19, đình chỉ hoạt động một số dịch vụ công cộng, chẳng hạn như nhà hàng và nhà tắm công cộng đồng thời hạn chế việc di chuyển của người dân ở thủ đô.
Triều Tiên đã tuyên bố là không có ca mắc Covid-19 nào từ khi dịch bùng phát cho đến nay nhưng vẫn nỗ lực trên toàn quốc để ngăn chặn sự xâm nhập của căn bệnh truyền nhiễm chết người này vào biên giới nước này, bao gồm cả việc đóng cửa biên giới được đưa ra vào đầu năm nay.
Video đang HOT
Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy khoảng 700 người ở Triều Tiên hiện vẫn đang bị cách ly vì phơi nhiễm Covid-19.
Tuần trước, cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết Triều Tiên gần đây đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với Bình Nhưỡng để ngăn chặn sự xâm nhập của Covid-19. Theo báo cáo của cơ quan này, những hạn chế kéo dài đối với việc di chuyển của người dân và hàng hóa đã làm trầm trọng thêm các điều kiện kinh tế của Triều Tiên.
Triều Tiên chặt đứt huyết mạch kinh tế để chặn Covid-19
Triều Tiên đóng cửa biên giới, chặt đứt gần như toàn bộ hoạt động thương mại với Trung Quốc, huyết mạch kinh tế của đất nước, để ngăn chặn Covid-19.
Giá trị xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Triều Tiên tháng 10 là 253.000 USD, giảm 99% từ tháng 9 đến tháng 10, theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc. Giá trị này còn thấp hơn so với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Liechtenstein và Monaco trong tháng 10.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất Triều Tiên và cũng là huyết mạch kinh tế của đất nước này, bởi về cơ bản, Triều Tiên không nhập khẩu hàng hóa từ nơi khác. Trước khi Liên Hợp Quốc đưa ra các lệnh trừng phạt chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên năm 2016 và 2017, Bắc Kinh chiếm hơn 90% hoạt động ngoại thương của Bình Nhưỡng.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ trì hội nghị tại Bình Nhưỡng hôm 29/11. Ảnh: KCNA
Số liệu hải quan mới, nếu chính xác, cho thấy lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như sẵn sàng quay lưng, thậm chí cắt đứt giao thương với Trung Quốc, để ngăn Covid-19 xâm nhập vào Triều Tiên, ngay cả khi điều này đồng nghĩa với việc đặt đất nước vào tình thế mạo hiểm với nguồn cung thực phẩm và nhiên liệu.
Triều Tiên không công khai thừa nhận sụt giảm thương mại hay lý do đằng sau nó, nhưng đại dịch là lời giải thích hợp lý nhất. Một nghị sĩ Hàn Quốc cho biết Kim Jong-un đã ra lệnh xử tử hai quan chức liên quan tới Covid-19, bao gồm một cán bộ hải quan không tuân thủ quy tắc phòng chống Covid-19 khi nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.
Triều Tiên không xác nhận thông tin này. Nhưng nếu đúng, nó cho thấy Kim Jong-un thận trọng với Covid-19 như thế nào.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 29/11 đưa tin các nhà chức trách đang ban hành những biện pháp chống dịch mới nghiêm ngặt hơn trên toàn quốc, bao gồm tăng số lượng bốt gác ở cửa khẩu và thắt chặt quy định ra khơi ở các vùng duyên hải. Các nhà chức trách thậm chí còn được lệnh kịp thời "thiêu hủy rác trên biển".
Việc Bình Nhưỡng quyết định giảm quy mô nhập khẩu từ Trung Quốc cũng ảnh hưởng tới thương mại theo hướng khác. Dữ liệu hải quan tháng 10 của Bắc Kinh cho thấy lượng hàng hóa Triều Tiên nhập khẩu vào Trung Quốc giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này buộc các ngành công nghiệp ở Trung Quốc như sản xuất tóc giả phải tìm nguồn lao động giá rẻ ở những nơi khác.
Các nhà máy sản xuất tóc của Trung Quốc thường thuê lao động phổ thông Triều Tiên, đưa nguyên liệu thô sang đó và trả tiền cho các công ty Triều Tiên để công nhân hoàn thiện sản phẩm. Nhưng từ khi biên giới Trung - Triều đóng cửa hồi tháng 1 để chặn Covid-19 lây lan, dòng chảy thương mại đã dừng lại và giá cả tăng vọt.
Triều Tiên là một trong nhữn quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa biên giới khi tin tức về Covid-19 bùng lên ở Vũ Hán, Trung Quốc. Mọi ngả dẫn vào đất nước bị chặn ngay lập tức, còn thành phố Kaesong mùa hè này đã bị phong tỏa sau khi có thông tin một người đào tẩu mang nCoV chạy từ Hàn Quốc sang Triều Tiên. Truyền thông nhà nước cũng thường xuyên nhắc nhở người dân về tầm quan trọng của việc khẩn cấp chống dịch.
Giới chuyên gia tin rằng Bình Nhưỡng phản ứng thận trọng vì ông Kim thừa hiểu họ sẽ gặp nhiều rắc rối thế nào nếu bị tấn công bởi đại dịch đã gây quá tải cho một số hệ thống y tế tốt nhất thế giới.
Cơ sở hạ tầng y tế lạc hậu của Triều Tiên khó có thể đáp ứng nhiệm vụ điều trị một lượng lớn bệnh nhân nhiễm loại virus mà cộng đồng y tế toàn cầu vẫn chưa thấu hiểu. Triều Tiên cũng đang gặp khó khăn trong điều trị các bệnh truyền nhiễm khác như lao.
Những người đào tẩu khỏi đất nước và tình nguyện viên ở Triều Tiên cho hay các bệnh viện và cơ sở y tế của Triều Tiên thường đổ nát, thiếu thốn trang thiết bị và thuốc men. Những người từng chạy trốn khỏi nạn đói những năm 1990 đã chia sẻ nhiều mẩu chuyện về việc phải cắt cụt chi mà không được gây mê, hay y bác sĩ phải bán thuốc men để mua đồ ăn.
Bình Nhưỡng không xác nhận ca Covid-19 nào, nhưng nhiều câu hỏi đặt ra quanh việc làm thế nào mà một căn bệnh truyền nhiễm khiến hơn 62,6 triệu người trên thế giới lây nhiễm và hơn 1,4 triệu người chết lại không thể vào bên trong Triều Tiên.
Evans Revere, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương, tin rằng những bước đi mới nhất của chính quyền Kim Jong-un cho thấy "tình hình vốn nghiêm trọng và đại dịch đã khiến nó nghiêm trọng hơn".
Revere cho hay tình hình ở Triều Tiên có vẻ đặc biệt nghiêm trọng vì sự kết hợp của nhiều yếu tố khiến đại dịch ngày càng nghiêm trọng như thời tiết khắc nghiệt, thiếu hụt sản lượng cây trồng, tác động của lệnh trừng phạt quốc tế và cắt đứt thương mại với Trung Quốc. Đây là những thách thức lớn mà ông Kim phải đối phó khi đất nước đang chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng nhất của đảng cầm quyền vào tháng 1, thời điểm dự kiến công bố kế hoạch 5 năm mới.
"Thực tế là chúng tôi nhận được rất nhiều báo cáo đã có một vụ phong tỏa lớn kèm đàn áp, thậm chí là hành quyết, cho thấy có việc quan trọng đang xảy ra. Và nó không phải là điềm báo tốt cho kinh tế Triều Tiên mà còn là điềm báo về khả năng kiếm sống qua ngày của nhiều người dân Triều Tiên", Revere nói.
"Đây là một tình huống khá nghiêm trọng với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Điều này cũng giải thích cho sự tĩnh lặng mà chúng ta thấy ở Triều Tiên sau bầu cử tổng thống Mỹ. Họ rất có thể đang tập trung vào tình hình nội địa và cố vượt qua khó khăn trong vài tháng tới".
Triều Tiên vẫn chưa đưa ra bình luận nào về Tổng thống đắc cử Joe Biden. Biden có thể sẽ tiếp cận đàm phán với Bình Nhưỡng khác hẳn so với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, người đã thiết lập quan hệ cá nhân với Kim Jong-un với hy vọng có thể tạo bước đột phá ngoại giao.
Triều Tiên họp Bộ Chính trị thảo luận công tác chuẩn bị đại hội đảng Truyền thông Triều Tiên ngày 30/11 đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chủ trì một cuộc họp Bộ Chính trị của đảng Lao động Triều Tiên để thảo luận công tác chuẩn bị cho đại hội đảng dự kiến diễn ra vào đầu năm sau. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị của đảng...