Triều Tiên bị cáo buộc kiếm ngoại tệ từ những nguồn nào?
Xuất khẩu than, gửi lao động ra nước ngoài, tấn công ngân hàng được cho là những phương thức để Triều Tiên kiếm ngoại tệ, phục vụ cho chương trình vũ khí.
Công nhân ngành than làm việc ở thị trấn Sinuiju, Triều Tiên sát với thành phố biên giới Đan Đông của Trung Quốc. Ảnh: AFP
Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times hôm 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông chuẩn bị giải quyết mối đe dọa hạt nhân với Triều Tiên cho dù Trung Quốc có hợp tác hay không. Tuy nhiên, ông sẽ phải cần sự hỗ trợ của Bắc Kinh nếu muốn chặn các nguồn thu nhập của chính quyền lãnh đạo Kim Jong-un, theo CNN.
Trung Quốc là trụ đỡ của nền kinh tế Triều Tiên, chiếm đến 80% kim ngạch ngoại thương của nước láng giềng nhỏ bé.
Trong nhiều năm qua, Mỹ và các đồng minh đã nỗ lực tìm cách bóp nghẹt các nguồn thu nhập của chính phủ Triều Tiên cũng như cắt đứt nước này khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu. Song dường như tất cả những nỗ lực này đã giúp Triều Tiên phát triển khả năng luồn lách các lệnh trừng phạt quốc tế.
“Chúng ta kê quá nhiều toa thuốc trừng phạt chế độ Triều Tiên đến mức nước này đã trở thành siêu vi khuẩn kháng mọi loại thuốc”, John Park, giám đốc Nhóm công tác Triều Tiên ở Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc trường Đại học Harvard, Mỹ, nhận định.
Park cho rằng Mỹ cần phải thuyết phục Trung Quốc minh bạch các hoạt động thương mại với Triều Tiên. Những chuyên gia khác cho rằng Washington phải trừng phạt các công ty Trung Quốc được cho là đang giúp Bình Nhưỡng làm ăn.
Dưới đây là những nguồn mang lại thu nhập để Triều Tiên phát triển quân sự, theo cây bút Jethro Mullen của CNN.
Than
Than là nguồn mang lại ngoại tệ lớn nhất cho Triều Tiên vì nước này bán hàng triệu tấn than cho Trung Quốc mỗi năm. Than chiếm khoảng 1/3 kim ngạch xuất khẩu chính thức của Triều Tiên trong năm 2015. Nguồn thu nhập này bị đe dọa vào tháng hai khi Trung Quốc tuyên bố dừng mọi hoạt động nhập khẩu than từ Triều Tiên cho đến hết năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các tuyên bố của Bắc Kinh về việc hạn chế giao thương với Bình Nhưỡng thường mạnh mẽ hơn những gì xảy ra trên thực tế. Trung Quốc không muốn làm sụp đổ nền kinh tế của Triều Tiên, đất nước được Trung Quốc coi là vùng đệm quan trọng giữa nước này và Hàn Quốc – một đồng minh chủ chốt của Mỹ.
Video đang HOT
“Mục tiêu của lệnh cấm nhập khẩu than rõ ràng không nhằm làm sụp đổ chế độ Triều Tiên”, Stephan Haggard, học giả ở Viện Kinh tế quốc tế Peterson ở Washington, nhận định sau khi lệnh cấm được thông báo.
Giới phân tích cho rằng các thương nhân của hai bên khu vực biên giới có vô vàn cách để lách lệnh cấm mua bán than thông qua các giao dịch không ghi trên sổ sách cũng như nhờ tình trạng thực thi lỏng lẻo lệnh cấm này.
Bên cạnh than, Triều Tiên cũng xuất khẩu nhiều hàng hóa và nhu yếu phẩm khác bao gồm quặng sát, hải sản, áo quần sang Trung Quốc.
Quỹ dự trữ ở Trung Quốc
Cho dù bị Trung Quốc siết chặt giao thương nhưng Triều Tiên được cho là đã xây dựng được các quỹ dự trữ dồi dào từ những ngày xuất khẩu than ồ ạt cho Trung Quốc, đặc biệt là vào thời kỳ giá cả hàng hóa toàn cầu tăng vọt ở thập kỷ trước.
Park tin rằng Triều Tiên đang giữ những “khoản tiền rất lớn” ở Trung Quốc, cho phép Bình Nhưỡng có thể sử dụng để mua những gì cần thiết cho các chương trình phát triển vũ khí.
Bằng cách giữ tiền ở Trung Quốc, Triều Tiên có thể dễ dàng lách các biện pháp trừng phạt được thiết kế để cắt đứt nước này với hệ thống tài chính toàn cầu. Hạn chế sự tiếp cận của Bình Nhưỡng đối với nguồn tiền này “rốt cục phụ thuộc vào ý chí chính trị của các nhà chức trách Trung Quốc trong việc sử dụng luật trong nước để truy ra những nguồn tiền của Triều Tiên”, Park nói.
Các cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc và Mỹ cũng phát hiện bằng chứng cho thấy Triều Tiên sử dụng các mạng lưới công ty bình phong để tiếp cận các ngân hàng trên toàn cầu.
Anthony Ruggiero, học giả làm việc Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ (FDD) ở Washington, cho rằng chính phủ Mỹ có thể chỉnh đốn vấn đề này bằng cách phạt một ngân hàng Trung Quốc vì hỗ trợ Triều Tiên né các lệnh trừng phạt.
“Một khoản phạt lớn sẽ dẫn đến làn sóng lo ngại trong hệ thống tài chính Trung Quốc, khiến các ngân hàng Trung Quốc phải đánh giá các quy trình tuân thủ pháp lý”, Ruggiero cho biết.
Tấn công mạng
Kể từ đầu năm ngoái, Triều Tiên tạo ra một nguồn thu tiềm năng khác bằng cách sử dụng các tin tặc tấn công các ngân hàng, theo cây bút Jethro Mullen.
Triều Tiên được cho là có liên quan đến các vụ tấn công mạng nhằm vào các tổ chức tài chính ở 18 nước, theo một báo cáo mới từ công ty an ninh mạng Kaspersky của Nga.
“Người Triều Tiên có trình độ đặc biệt giỏi. Đó là một nguồn thu lớn trong tương lai”, Park đánh giá.
Một vụ cướp ngân hàng bằng cách tấn công mạng nhằm vào ngân hàng trung ương Bangladesh vào tháng 3/2016 đã gây chấn động trên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu của Kaspersky cho biết phương thức tấn công ngân hàng tương tự có nguồn gốc từ Triều Tiên và đã xảy ra ở các nước nằm xa Bình Nhưỡng như Costa Rica, Ba Lan, Nigeria.
Jethro Mullen cho rằng đây chỉ là phương thức mới nhất trong một danh sách dài các cách thức phi pháp mà Triều Tiên bị cáo buộc sử dụng để kiếm tiền, bao gồm buôn bán các loại vũ khí cấm và ma túy.
Xuất khẩu lao động
Công nhân Triều Tiên làm việc ở một xưởng sản xuất giày tại một ngôi làng ở rìa thành phố Đan Đông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Triều Tiên có tầng lớp thượng lưu sống ở thủ đô nhưng hầu hết người dân nước này đều nghèo khó và từng trải qua nạn đói trước đây. Triều Tiên cũng là một trong những nền kinh tế khép kín nhất trên thế giới nhưng chính quyền nước này vẫn tìm cách tận dụng lực lượng lao động để kiếm tiền, theo Jethro Mullen.
Một trong những cách đó là gửi hàng nghìn người lao động Triều Tiên ra nước ngoài để làm việc trong các điều kiện khó khăn ở những nơi như Trung Quốc, Nga và Trung Đông, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2015. Người lao động Triều Tiên được cho là làm việc trong các ngành công nghiệp như khai khoáng, khai thác gỗ, dệt may và xây dựng.
Hồng Vân
Theo VNE
Triều Tiên khai trương đường bay mới đến Trung Quốc
Hãng hàng không Air Koryo của Triều Tiên mở tuyến bay đến tỉnh Đan Đông, Trung Quốc, động thái diễn ra khi Bình Nhưỡng đang bị quốc tế lên án vì thử tên lửa.
Các tiếp viên của hãng Air Koryo tặng hoa cho hành khách trên chuyến bay đầu tiên từ Đan Đông. Ảnh: AP
Tuyến bay từ Bình Nhưỡng đến tỉnh Đan Đông hôm nay được khai trương, với tần suất hai chuyến mỗi tuần, Xinhua đưa tin.
Đan Đông được coi là nơi có các hoạt động thương mại biên giới nhộn nhịp với Triều Tiên. Các thương nhân ở tỉnh này gần đây than phiền về việc sụt giảm kinh doanh khi Bắc Kinh dường như siết chặt giao thương, thể hiện sự phản đối các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng.
Hãng Air Koryo chỉ có đường bay đến một vài địa điểm trên thế giới, trong đó có chuyến bay thường xuyên đến Bắc Kinh và thành phố Thẩm Dương của Trung Quốc.
Đường bay mới được khai trương diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng, do Bình Nhưỡng thực hiện các vụ thử tên lửa và hạt nhân.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và các lãnh đạo Trung Quốc tuần trước đã nhất trí hợp tác, sử dụng các biện pháp trừng phạt và ngoại giao để thuyết phục Triều Tiên thay đổi tham vọng hạt nhân của họ.
Khánh Lynh
Theo VNE
Triều Tiên chỉ trích Trung Quốc vì ngừng nhập than Triều Tiên hôm nay ngầm chỉ trích Trung Quốc vì nước này quyết định dừng nhập khẩu than từ Bình Nhưỡng, tố Bắc Kinh "đang nghe theo Washington". Than được chất lên tàu tại cảng Rajin, Triều Tiên, tháng 7/2014. Ảnh: Reuters. Trung Quốc tuần trước thông báo dừng nhập khẩu than từ Triều Tiên trong suốt năm nay, vài ngày sau khi...