Triều Tiên bất ngờ tiết lộ mục tiêu đầu tiên nếu tấn công hạt nhân
Triều Tiên vừa công bố mục tiêu hủy diệt đầu tiên của các vũ khí hạt nhân nước này và điều bất ngờ là đây không phải nơi mà nhiều người nghĩ đến.
Cụ thể, báo Rodong Sinmun của Triều Tiên, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động cầm quyền ở Triều Tiên tiết lộ rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có ý định tấn công một căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc.
Theo đó, căn cứ Mỹ ở Phyongthaek, Hàn Quốc sẽ trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên từ Triều Tiên. “Những kẻ xâm lược và những kẻ khiêu khích không thể trốn thoát khỏi những cuộc tấn công hủy diệt tàn nhẫn trong ống ngắm của quân đội Triều Tiên mạnh mẽ bất kẻ chúng ở đâu. Những kẻ xâm lược đế quốc Mỹ hiện diện ở Hàn Quốc sẽ là mục tiêu chính của cuộc tấn công một khi Triều Tiên nổ súng”, báo Rodong Sinmun viết.
Cảnh báo trên được đưa ra khi Triều Tiên được cho là đang lên kế hoạch bắn một tên lửa “trong vòng vài ngày tới” khi căng thẳng với Mỹ leo thang. Theo đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể lên kế hoạch cho bước đi đầu tiên sau khi Mỹ chuyển quân tới căn cứ ở Phyongthaek. Rodong Sinmun cáo buộc, Mỹ tính toán rằng, việc chuyển quân tới Phyongthaek (một khu vực duyên hải) để lập căn cứ mới là hữu ích cho việc triển khai lực lượng quân sự quy mô lớn tại đây.
“Cách đây không lâu, Bộ Tư lệnh Lục quân 8 của Mỹ hiện diện tại Hàn Quốc được chuyển từ Ryongsan (Seoul) sang Phyongthaek (thuộc tỉnh Kyonggi). Căn cứ quân đội Mỹ là gốc rễ gây ra thảm họa cho người dân Hàn Quốc. Nó không nên bị chuyển từ nơi này sang nơi khác mà nên bị dẹp bỏ”, theo Rodong Sinmun.
Hồi đầu tuần Hàn Quốc đề xuất tổ chức đối thoại quân sự với Triều Tiên vào ngày 21.7 tại làng đình chiến Panmunjom để xoa dịu căng thẳng. Tuy nhiên, cuộc đối thoại hôm nay không thể diễn ra theo kế hoạch do Triều Tiên chưa có phản hồi, Moon Sang-gyun, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.
Video đang HOT
Đây được coi là thất bại trong nỗ lực thúc đẩy đối thoại của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ông Moon nhậm chức hồi tháng 5, tuyên bố sẽ dùng cả đối thoại và áp lực để Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
Hàn Quốc còn đề xuất đối thoại Chữ thập Đỏ vào ngày 1.8 nhằm nối lại hoạt động đoàn tụ các gia đình bị chia cắt sau chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953. Động thái trên diễn ra không lâu sau khi Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên ngày 4.7 và đã làm chủ công nghệ đầu đạn hạt nhân.
Theo Danviet
Kế hoạch tuyệt mật giúp Anh chống đỡ nếu bị tấn công hạt nhân
Nước Anh có một kế hoạch hành động bí mật trong trường hợp London bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân và thủ tướng nước này thiệt mạng, theo Daily Star.
Anh luôn có sẵn kế hoạch tuyệt mật để chống đỡ trong trường hợp bị tấn công hạt nhân, thủ tướng thiệt mạng
Trong trường hợp chiến tranh hạt nhân nổ ra và chính phủ Anh bị tiêu diệt, những "người gác cổng" canh giữ vũ khí hạt nhân của Anh - các tư lệnh quân đội đáng tin cậy đã có một mệnh lệnh để thực thi.
Theo Daily Star, các thủ tướng Anh tại thời điểm nhậm chức phải tự tay viết 4 thư lệnh tối mật giống hệt nhau, chỉ thị các hành động phải làm trong trường hợp Chính phủ Anh không còn tồn tại và thủ tướng (cũng như người chỉ định thay thế) đã thiệt mạng. Thư lệnh này được gọi là "Những lá thư cuối cùng" (the Letters of Last Resort).
Thần thái của một số thủ tướng Anh được cho là đã tái đi khi viết thư lệnh này. Thủ tướng đương nhiệm của Anh Theresa May cũng đã viết thư lệnh bằng tay ngay khi bà nhậm chức.
4 bức thư sau đó được đặt trong một phong bì được đóng dấu và trao tận tay cho các tư lệnh của 4 tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard của Anh.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard của Anh
Những bức thư được bảo quản trên tàu ngầm bằng 2 lớp két sắt. Mã mở két do 2 người khác nhau nắm giữ. Thường là thuyền trưởng giữ mã lớp ngoài, một sĩ quan chỉ huy khác giữ mã lớp trong. Chỉ duy nhất thủ tướng Anh biết nội dung thư lệnh trước khi nó được mở.
Khi Vanguard mất liên lạc với đất liền trong một thời gian dài, thuyền trưởng sẽ thực hiện hàng loạt bước kiểm tra trước khi khẳng định nước Anh đã chịu một đòn hạt nhân hủy diệt (bao gồm xác định đài BBC Radio 4 ngừng phát sóng trong tối thiểu 4 giờ liên tục). Chỉ khi đó, "Lá thư cuối cùng" mới được mở và đây cũng chính là mệnh lệnh cuối cùng của Thủ tướng Anh.
Cho đến nay, chưa bức thư lệnh nào được tiết lộ nội dung vì chúng đều bị thiêu hủy ngay khi một Thủ tướng Anh hết nhiệm kỳ.
Điều này có nghĩa là công chúng sẽ không bao giờ biết được nội dung mệnh lệnh cuối cùng mà các cựu Thủ tướng Anh David Cameron, Gordon Brown hay Tony Blair đưa ra trừ phi bản thân họ tự tiết lộ.
Bên trong tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard của Anh
Ông Blair được cho là đã "tái nhợt" khi đặt bút viết thư lệnh chỉ dẫn về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp chính phủ Anh không còn trong ngày đầu nhậm chức.
Theo Daily Star, các lựa chọn cuối cùng của thủ tướng Anh thực ra rất đơn giản. Hoặc là tấn công trả đũa bằng vũ khí hạt nhân hoặc là kiềm chế, không đáp trả dù bị tấn công. Ngoài ra, có 2 lựa chọn khác tồn tại, bao gồm trao lại quyền quyết định có tấn công hạt nhân hay không cho tư lệnh của tàu ngầm lớp Vanguard hoặc ủy quyền kiểm soát tàu ngầm cho một đồng minh, chẳng hạn Mỹ.
Trước đó, bà Theresa May từng tuyên bố, bà sẽ khởi động một cuộc tấn công trả đũa bằng vũ khí hạt nhân nếu nước Anh bị đe dọa.
Một số nhà quan sát cho rằng, thế giới đang ở gần nguy cơ chiến tranh hạt nhân hơn bao giờ hết trong suốt 60 năm qua do căng thẳng leo thang không ngừng trên bán đảo Triều Tiên, căng thẳng giữa NATO và Nga, chủ nghĩa khủng bố IS cũng như xung đột ở Trung Đông...
Theo Danviet
Triều Tiên ngợp cờ hoa đón những người có công phóng tên lửa thành công Hàng nghìn người Triều Tiên, đàn ông thì ăn mặc chỉnh tề, lịch sự, phụ nữ thì xúng xinh váy áo sặc sỡ hôm nay (19.5) đổ xuống phố ở Bình Nhưỡng vẫy cờ hoa chào đón các nhà khoa học - những người được gọi là anh hùng vì có công phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung thành công hôm...