Triều Tiên bác bỏ cáo buộc giúp Syria chế tạo vũ khí hóa học
Triều Tiên đã bác bỏ thông tin cho rằng nước này đã hợp tác với Syria trong việc chế tạo vũ khí hóa học và gọi đây là lời bịa đặt của Mỹ nhằm gây sức ép với Bình Nhưỡng.
Một người dân bị nghi hít phải khí độc tại Đông Ghouta, Syria (Ảnh: AFP)
Theo Reuters, hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này nói rằng Mỹ đã đưa ra một phát ngôn “lố bịch” khi cáo buộc Bình Nhưỡng hỗ trợ Syria chế tạo vũ khí hóa học.
“Như chúng tôi đã nói rõ nhiều lần trước đây, đất nước chúng tôi không phát triển, chế tạo hay dự trữ vũ khí hóa học và bản thân chúng tôi cũng phản đối vũ khí hóa học”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết.
Tuyên bố của Triều Tiên được đưa ra sau khi New York Times tiết lộ nội dung bản báo cáo dài hơn 200 trang của Liên Hợp Quốc, dự kiến công bố vào giữa tháng này. Báo cáo cho biết các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc nghi ngờ Triều Tiên đã chuyển các nguyên vật liệu liên quan tới vũ khí hóa học và tên lửa cho Syria, bao gồm gạch chống axit, van và nhiệt kế. Báo cáo cho biết Triều Tiên đã chuyển ít nhất 40 lô hàng không khai báo tới Syria trong giai đoạn từ năm 2012-2017 và hoạt động này được cho là bắt đầu từ năm 2008.
Theo bản báo cáo của nhóm chuyên gia theo dõi việc Triều Tiên tuân thủ nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc, “các kỹ sư tên lửa Triều Tiên được nhìn thấy làm việc tại các cơ sở tên lửa và vũ khí hóa học của Syria”. Các điều tra viên của Liên Hợp Quốc đã phát hiện chuyến thăm của 3 đoàn kỹ sư Triều Tiên tới Syria năm 2016, trong đó có 2 nhóm chuyên gia về tên lửa.
Tương tự Triều Tiên, Syria cũng bác bỏ những thông tin được nêu trong báo cáo của Liên Hợp Quốc. Giới chức Syria khẳng định không có công ty kỹ thuật nào của Triều Tiên tại Syria và các công dân Triều Tiên có mặt tại Syria chỉ là các huấn luyện viên, vận động viên tham gia các hoạt động thể thao.
Cáo buộc vũ khí hóa học
Mỹ và một số nước phương Tây từng cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công tại các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát khiến nhiều dân thường thiệt mạng, bất chấp sự phủ nhận của Damascus. Đây cũng là lý do dẫn tới cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của Mỹ nhằm vào căn cứ không quân của Syria hồi tháng 4 năm ngoái.
Tuy nhiên, theo Sputnik, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 1/3 khẳng định vẫn chưa tìm thấy bằng chứng nào cho thấy quân đội chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta – khu vực ngoại ô thủ đô Damascus đồng thời là điểm nóng bạo lực khiến hàng trăm người thiệt mạng trong những tuần gần đây.
Tuyên bố trên được người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Dana White đưa ra trong cuộc họp báo ngày hôm qua khi được hỏi liệu Mỹ có tìm thấy bằng chứng nào cho thấy các lực lượng quân đội chính phủ dưới sự kiểm soát của Tổng thống Bashar Assad đã sử dụng vũ khí hóa học hay không.
Video đang HOT
Trước đó hồi tháng 2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đã cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học gần thành phố Saraqib của tỉnh Idlib. Bà Nauert cũng cho rằng Nga đã cố tình bao che cho các nhà chức trách Syria trong việc tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc, cho rằng đây chỉ là những tin đồn và là những thông tin từ các tay súng phiến quân cũng như các nguồn chưa được kiểm chứng khác.
Thành Đạt
Theo Dantri
Mối thân tình Triều Tiên - Syria trong cuộc chiến chống "kẻ thù chung"
Triều Tiên và Syria, hai quốc gia ở nằm ở hai khu vực khác nhau nhưng đều có chung lập trường chống Mỹ, đã sát cánh bên nhau trên nhiều phương diện từ hàng chục năm qua.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad (thứ hai từ trái sang) tiếp phái đoàn Triều Tiên do Bộ trưởng Ngoại thương Ri Ryong Nam dẫn đầu tại thủ đô Damascus năm 2014. (Ảnh: Reuters)
Báo cáo của Liên Hợp Quốc
Một nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc gần đây đã cáo buộc Triều Tiên giúp đỡ Syria trong việc sản xuất vũ khí hóa học bị nghi là để sử dụng trong các chiến dịch tấn công các phần tử thánh chiến và phiến quân nổi dậy ở ngoại ô thủ đô Damascus cũng như một số khu vực khác trên lãnh thổ Syria.
New York Times đã tiếp cận được bản báo cáo dài hơn 200 trang của Liên Hợp Quốc và đưa tin rằng, Triều Tiên được cho là đã cung cấp cho Syria những nguyên liệu có liên quan tới hoạt động chế tạo vũ khí hóa học như các loại gạch chuyên dụng chống axit, vốn được sử dụng cho các dự án công nghiệp hóa chất quy mô lớn, cũng như các loại van, nhiệt kế và công nghệ tên lửa.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên cũng bị cáo buộc gửi người lao động sang hỗ trợ hoạt động sản xuất vũ khí hóa học của Syria. Các nhà khoa học tên lửa Triều Tiên bị phát hiện làm việc tại các cơ sở vũ khí hóa học và tên lửa tại Syria. Đổi lại, Bình Nhưỡng có thể nhận tiền để đầu tư vào chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này, theo New York Times.
Mỹ và một số quốc gia từng cáo buộc quân đội chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học trong nhiều vụ tấn công nhằm vào lực lượng nổi dậy, dẫn tới thương vong cho dân thường. Cùng với Nga và Iran, chính phủ Syria đã bác bỏ những cáo buộc này. Tuy nhiên, Washington vẫn dẫn đầu một chiến dịch quốc tế nhằm lên án chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Hồi đầu tháng 2, một nhóm các giám sát viên độc lập của Liên Hợp Quốc đã phát hiện hơn 40 lô hàng không được khai báo do Triều Tiên chuyển tới cho Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Syria từ năm 2012-2017. Trung tâm này chịu trách nhiệm giám sát chương trình vũ khí hóa học của Syria.
Các quan sát viên của Liên Hợp Quốc đã kiểm tra các lô hàng trên tàu Triều Tiên bị các quốc gia chặn lại khi đang trên đường tới Syria. Cả hai lô hàng này đều chứa gạch chống axit. Một trong số các quốc gia chặn tàu Triều Tiên cho biết số gạch bị thu giữ có thể được sử dụng để xây tường bên trong nhà máy hóa chất.
Mối quan hệ lâu dài
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) đón Phó Tổng thư ký Đảng Phục hưng Xã hội Chủ nghĩa Ả rập (Đảng Baath) cầm quyền Syria Abdullah al-Ahmar trong chuyến thăm của phái đoàn Syria tới Bình Nhưỡng năm 2013. (Ảnh: KCNA)
Theo Newsweek, Syria đã được hưởng lợi từ mối quan hệ với Nga và Iran, song báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc đã tập trung vào lịch sử mối quan hệ lâu dài giữa Syria và Triều Tiên - hai nước cùng nằm trong danh sách tài trợ khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cảnh báo sử dụng phương án quân sự với cả hai quốc gia này.
Từ thời cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, Triều Tiên với sự hậu thuẫn của Trung Quốc và Liên Xô, đã mất 3 năm (1950-1953) cho cuộc xung đột với Hàn Quốc do Mỹ hậu thuẫn. Bình Nhưỡng khi đó đã xem Washington là "kẻ thù" lớn nhất của mình. Tình trạng căng thẳng này tiếp tục lan sang Israel - một đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực. Triều Tiên đã gia nhập nhóm các quốc gia Ả rập và can dự vào chính sách của Mỹ ở Trung Đông. Bình Nhưỡng từng điều phi công tham gia cùng lực lượng không quân của Syria và Ai Cập trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967 và cuộc chiến Yom Kippur nhằm vào Israel năm 1973.
Khi cố Tổng thống Syria Hafez al-Assad lên nắm quyền đầu thập niên 1970, ông đã đứng về phía Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh giữa hai phe do Moscow và Washington đứng đầu. Cả Triều Tiên và Syria khi đó đều cung cấp sự hỗ trợ cho các nhóm quân sự cánh tả Palestine, đối đầu với Mỹ và Israel.
Vào năm 1994, cố lãnh đạo Kim Nhật Thành qua đời và con trai ông là nhà lãnh đạo Kim Jong-il lên kế nhiệm. 6 năm sau đó, cố Tổng thống Hafez al-Assad qua đời và người kế nhiệm cũng là con trai ông - đương kim Tổng thống Bashar al-Assad. Hai nhà lãnh đạo Kim Jong-il và Bashar al-Assad đã thắt chặt quan hệ khi cả Triều Tiên và Syria đều bị liệt vào "Trục Ma quỷ" do chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush lập ra.
Một năm sau khi Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần đầu tiên vào năm 2006, Bình Nhưỡng bị Liên Hợp Quốc cáo buộc giúp xây dựng một cơ sở hạt nhân ở tỉnh Deir Ezzor phía đông Syria. Sau đó, Israel đã phá hủy cơ sở này vào năm 2007.
Hỗ trợ lẫn nhau
Tổng thống Assad hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Sin Hong Chol tại Damascus năm 2015. (Ảnh: AFP)
Khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền tại Triều Tiên sau khi cha ông, cố lãnh đạo Kim Jong-il, qua đời vào năm 2011, Syria rơi vào tình trạng hỗn loạn. Phong trào biểu tình phản đối chính quyền Tổng thống Assad đã bùng nổ thành một cuộc nội chiến khi các tay súng nổi dậy do Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Ả rập vùng Vịnh hậu thuẫn đã chiếm phần lớn lãnh thổ Syria, trong đó có nhiều khu vực sau này rơi vào tay của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Từ sau khi bạo lực nổ ra, sự hỗ trợ của Triều Tiên dành cho Syria dường như đi theo một hướng khác
Triều Tiên ngay từ đầu đã ủng hộ chính quyền Syria và ca ngợi Tổng thống Bashar al-Assad trong khi phương Tây chỉ trích nhà lãnh đạo Syria. Tương tự Trung Quốc, về mặt chính thức, sự ủng hộ của Triều Tiên với Syria vẫn giới hạn trong phạm vi ủng hộ ngoại giao. Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cho biết các lực lượng Triều Tiên đã được triển khai tới Syria để chiến đấu bên cạnh quân đội Syria và các lực lượng liên minh khác, trong đó có một số được hậu thuẫn bởi Iran - quốc gia Triều Tiên ngày càng gần gũi. Theo Diplomat, Bình Nhưỡng cũng điều xe tăng và đưa vũ khí tới Syria.
Hồi tháng 4/2017, Triều Tiên là nước phản đối kịch liệt cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vào một căn cứ không quân của Syria. Cuộc tấn công này diễn ra chưa đầy 72 giờ sau khi Washington cáo buộc quân đội Syria tiến hành cuộc tấn công hóa học tại tỉnh Idlib do phiến quân kiểm soát. Chỉ vài ngày sau cuộc tấn công vào Syria, Tổng thống Trump tiếp tục cảnh báo sẽ đưa một hạm đội tàu chiến tới bán đảo Triều Tiên và nổ ra cuộc "khẩu chiến" với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Một phụ nữ cầm cờ Triều Tiên trong lễ khai trương công viên tưởng niệm cố lãnh đạo Kim Nhật Thành ở thủ đô Damascus của Syria năm 2015. (Ảnh: AFP)
Mặc dù đều phải chịu sức ép căng thẳng từ Mỹ, song cả Syria và Triều Tiên đều gặt hái được những "thành tựu" trong năm 2017. Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên, đặt phần lớn diện tích thế giới vào tầm tấn công của vũ khí nước này. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng tiến hành vụ thử bom nhiệt hạch được cho là mạnh nhất từ trước đến nay. Trong khi đó với sự giúp sức của Nga và Iran, chính quyền Tổng thống Assad cũng giành quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria. Diễn biến cuộc xung đột tại Syria đưa Nga và Iran trở thành những quốc gia có tầm ảnh hưởng hàng đầu trong khu vực, đồng thời làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Triều Tiên và Syria.
Đưa tin về sự kiện tại Đại sứ quán Syria ở Bình Nhưỡng hồi tuần trước, hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) khẳng định: "Chính phủ Triều Tiên sẽ mở rộng sự hỗ trợ và cổ vũ trước sau như một với cuộc đấu tranh chính đáng của chính quyền và nhân dân Syria nhằm đánh bại các động thái gây hấn của đế quốc Mỹ cũng như chủ nghĩa phục quốc Do Thái, bảo vệ chủ quyền, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ".
Trong khi đó, hãng thông tấn chính thức của Syria dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Syria Hammouda Sabbagh phát biểu trong cuộc gặp với Đại sứ Triều Tiên tại Syria hồi tháng trước rằng, "Triều Tiên và Syria là hai quốc gia cùng đứng trong một chiến hào chống kẻ thù chung".
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Putin ra tay cứu dân thường khỏi "địa ngục trần gian" Đông Ghouta, Syria Để tránh đổ máu cho dân thường Syria ở Đông Ghouta, Damascus - nơi chiến sự đang diễn ra vô cùng ác liệt, Tổng thống Nga Putin đã ra lệnh "ngừng bắn nhân đạo" bắt đầu từ hôm nay (27.2) nhằm tạo ra hành lang nhân đạo cho người dân rời khỏi khu vực. Chiến sự ở Đông Ghouta, Syria đang diễn ra...