Triệt xóa 4 công ty “ma” lừa đảo
Như Báo đã đưa tin cách đây không lâu về những công ty chuyên lừa đảo xin việc làm trên tuyến đường Phạm Văn Đồng gây bức xúc trong dư luận, ngày 23-5 vừa qua, CAQ Bắc Từ Liêm đã triệu tập 14 đối tượng liên quan trong đó có giám đốc của 3 công ty, làm rõ tất cả đều thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng liên quan trong vụ án lừa đảo xin việc làm
Từ trình báo của bị hại
Từ những tờ rơi được dán đầy tại các khu vực đông người qua lại và đưa tận tay, nhiều người lao động tại khu vực quận Bắc Từ Liêm đã bị mắc lừa khi đến với những công ty này. Tuy nhiên phần lớn trong số họ khi bị lừa đều không trình báo tại cơ quan công an. Phải tới ngày 22-5, khi anh Đặng Chí Hướng, trú tại Năm Căn, Cà Mau, hiện đang là sinh viên trường Đại học Thành Tây, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông đến trình báo, CAQ Bắc Từ Liêm mới có cơ sở để làm rõ hành vi phạm pháp của các công ty “ma” nói trên.
Theo đơn trình báo của anh Hướng, qua thông tin trên tờ rơi, được biết Công ty CP thương mại dịch vụ và đầu tư Bình An, địa chỉ số 279A đường Phạm Văn Đồng, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm tuyển lái xe, nhân viên bán hàng tại các cây xăng, anh đã đến nộp hồ sơ. Tại đây, sau khi nộp phí làm hồ sơ 500.000 đồng kèm số tiền đặt cọc 4 triệu đồng, anh Hướng được nhân viên Công ty Bình An viết giấy giới thiệu đến Công ty TNHH thương mại và dịch vụ vận tải du lịch Thăng Long tại địa chỉ số 66C, tổ 8, đường Phan Bá Vành, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm để phỏng vấn và nhận việc.
Tại công ty này, anh Hướng tiếp tục phải đóng thêm 300.000 đồng kinh phí để phỏng vấn. Phỏng vấn xong, anh Hướng được thông báo “không đạt yêu cầu”, chờ để tìm công việc phù hợp sẽ thông báo sau. Càng chờ càng mất tăm, không thấy một công ty nào gọi đi làm, anh Hướng đến Công ty Bình An đòi lại số tiền đặt cọc nhưng công ty này lần lữa không chịu trả.
Phanh phui 2 đường dây “ma”
Sau khi nhận được đơn trình báo, CAQ Bắc Từ Liêm đã triệu tập Giám đốc Công ty Bình An, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ vận tải du lịch Thăng Long và các nhân viên của công ty đến trụ sở cơ quan công an làm việc. Tại đây, Giám đốc Công ty Bình An Nguyễn Văn Hùng (SN 1982) trú tại xã Vân Du, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ khai nhận, dù không có khả năng xin được việc làm cho người lao động, nhưng ngay từ khi công ty đi vào hoạt động, Hùng đã cho nhân viên đăng tin tuyển dụng lao động trên mạng Internet với mức lương cao để những người đang có nhu cầu tìm việc làm liên lạc và đến công ty nộp hồ sơ. Hùng chỉ đạo nhân viên thu phí làm hồ sơ và nhận tiền cọc với mục đích chính là chiếm đoạt số tiền đó để “nuôi” công ty của mình.
Hùng còn liên kết với Công ty TNHH thương mại và dịch vụ vận tải du lịch Thăng Long do Trương Thị Thị (SN 1990) trú tại xã Thuần Mỹ, Ba Vì làm giám đốc. Hùng thỏa thuận với Thị, người lao động đến công ty của Hùng sẽ được giới thiệu sang công ty của Thị để phỏng vấn, xin việc. Mới thành lập từ tháng 8-2014, công ty của Trương Thị Thị không hề đăng ký ngành nghề môi giới và giới thiệu việc làm trong giấy phép kinh doanh, cũng không hoạt động trong lĩnh vực mua bán xăng dầu, vận tải hành khách và cũng chẳng có cây xăng hay một chiếc xe tải, xe con nào. Và dù mới chỉ học hết lớp 7, nhưng Thị lại là người trực tiếp phỏng vấn các cử nhân kinh tế, lái xe nhiều kinh nghiệm.
Sau một thời gian hoạt động, Thị đã tuyển thêm 3 nhân viên, hướng dẫn nhân viên cách “lừa” bị hại và mỗi người được trả 4,5 triệu đồng/tháng cho việc “tư vấn” và “phỏng vấn” khách hàng. Tổng số tiền mà Nguyễn Văn Hùng và Trương Thị Thị lừa khách hàng đến nay ước tính gần 1 tỷ đồng.
Video đang HOT
Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT CAQ Bắc Từ Liêm đã xác định Công ty TNHH phát triển đầu tư thương mại Hoàng Trọng có trụ sở tại 232 đường Phạm Văn Đồng và Công ty TNHH đầu tư phát triển thương mại Nam Long có địa chỉ tại 441 đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm cũng có hoạt động kinh doanh cùng thủ đoạn như Công ty Bình An và Công ty Thăng Long, đã triệu tập Bùi Văn Thái (SN 1992) trú tại xã Điệp Nông, Hưng Hà, Thái Bình – Giám đốc Công ty TNHH phát triển đầu tư thương mại Hoàng Trọng và Nguyễn Quang Thắng (SN 1985, có 1 tiền án về tội cưỡng đoạt tài sản) trú tại An Tràng, Quỳnh Phụ, Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư phát triển thương mại Nam Long.
Tương tự như thủ đoạn của Công ty Bình An và Công ty Thăng Long, Công ty Hoàng Trọng cũng sử dụng “chiêu” giới thiệu người lao động đến Công ty Nam Long và Công ty Thăng Long để phỏng vấn. Do mới “vào nghề” nên tổng số tiền Thắng cùng nhân viên lừa đảo chiếm đoạt của bị hại từ tháng 3 đến nay là 80 triệu đồng và Thái là 15 triệu đồng.
Hiện CAQ Bắc Từ Liêm đang hoàn tất hồ sơ, ra lệnh tạm giữ hình sự đối với các đối tượng có liên quan.
Theo_An ninh thủ đô
Lật tẩy chiêu lừa đảo giới thiệu việc làm
Từ tháng 7/2014 đến nay, các đối tượng đã móc nối với nhau, lừa đảo chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng của người lao động.
Mánh khóe lừa đảo
Lên mạng internet đọc thông tin, anh Đ.C.H (Sinh viên trường ĐH Thành Tây, Hà Đông, Hà Nội) thấy Công ty cổ phần thương mại dịch vụ (CPTMDV) và đầu tư Bình An ở số 279A, đường Phạm Văn Đồng, phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội tuyển lái xe, nhân viên bán hàng tại các cây xăng với mức lương và ưu đãi hấp dẫn từ 5-7 triệu đồng/tháng...
Đang có nhu cầu tìm việc làm thêm, anh H khấp khởi đến công ty Bình An để xin việc. Đến đây, anh H phải nộp tiền phí làm hồ sơ hết 500.000 đồng và được công ty tư vấn công việc. Nhân viên công ty yêu cầu anh đặt cọc 4 triệu đồng, sau đó viết giấy giới thiệu anh H. đến công ty TNHH thương mại và dịch vụ vận tải du lịch Thăng Long tại số 66C, tổ 8, đường Phan Bá Vành, phường Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội để phỏng vấn và nhận việc.
Anh H. tiếp tục tìm đến nơi được giới thiệu và đến đây lại một lần nữa anh phải nộp phí 300.000 đồng và đưa tài liệu cho anh H. về ôn thi để phỏng vấn.
Hồ sơ xin việc của người lao động bị các đối tượng lừa đảo
Đến hẹn, anh H. đến phỏng vấn thì nhân viên công ty của Thị báo là không đạt yêu cầu và thông báo chờ để tìm công việc phù hợp. Chờ mãi không thấy công ty gọi đi làm, anh H. đến để đòi lại số tiền, nhưng công ty Bình An hẹn hết lần này đến lần khác để kéo dài thời gian và chiếm đoạt số tiền trên. Nghĩ mình đã bị lừa, anh H. kêu cứu cơ quan công an.
Từ trình báo của các bị hại, Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện công ty Bình An do Nguyễn Văn Hùng (SN 1982, quê ở Phú Thọ) làm Giám đốc và Trương Thị Thị (SN 1990, quê ở huyện Ba Vì, Hà Nội), Giám đốc Công ty Thăng Long có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người lao động có nhu cầu tìm việc làm.
Đối tượng Nguyễn Văn Hùng (Áo đen)
Tại cơ quan Công an, Hùng khai nhận tháng 7/2014, Hùng mở Công ty CPTMDV và đầu tư Bình An đặt trụ sở tại số 279A, đường Phạm Văn Đồng, phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Khi đi vào hoạt động, Hùng cho nhân viên đăng tin tuyển dụng lao động trên mạng internet với mức lương cao để những người có nhu cầu tìm việc làm liên hệ và nộp hồ sơ.
Khi người lao động đến công ty Hùng xin việc, Hùng thu mỗi người 500.000 đồng tiền phí làm hồ sơ. Sau đó, Hùng chỉ đạo nhân viên thu từ 1 triệu-5 triệu đồng/một hồ sơ của người xin việc.
Mặc dù biết không thể xin được việc cho người lao động, nhưng Hùng vẫn móc nối với công ty TNHHTM và dịch vụ vận tải du lịch Thăng Long do Trương Thị Thị làm Giám đốc để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người bị hại.
Thị và Hùng thỏa thuận, khi người lao động đến tìm việc, Hùng sẽ viết giấy giới thiệu sang công ty của Thị để phỏng vấn xin việc. Tại đây, Thị thu 200.000-300.000 đồng/người, nếu người xin việc không có tiền thì Hùng sẽ trích 200.000 đồng do họ đặt cọc để đưa cho công ty của Thị.
Bên công ty Thăng Long của Thị đưa tài liệu cho khách hàng về ôn thi phỏng vấn, sau đó bằng mọi cách đánh trượt họ. Số tiền khách hàng đặt cọc bị công ty của Thị chiếm đoạt luôn.
Theo lời khai của các đối tượng, trung bình một ngày hai công ty tiếp nhận từ 5-10 hồ sơ xin việc. Đa phần những người đến xin việc thường làm theo hướng dẫn và nộp các khoản phí mà hai công ty này yêu cầu. Khi không được tuyển dụng, một số người đến công ty yêu cầu hoàn trả phí nhưng bằng nhiều lý do khác nhau, các đối tượng đã không trả lại tiền phí cho họ như cam kết.
Cẩn trọng trước "bẫy" giới thiệu việc làm
Theo điều tra viên Phùng Văn Quyết-Công an quận Bắc Từ Liêm, nhằm lừa đảo người lao động, các đối tượng thành lập công ty tư vấn việc làm, núp dưới vỏ bọc là công ty bất động sản, hay vận tải du lịch. Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng này không mới nhưng nhiều người dân thiếu hiểu biết và mất cảnh giác đã sập bẫy, chỉ đến khi vỡ ra thì tiền cũng khó lấy lại được.
Để tạo niềm tin với người xin việc, các công ty này đã ngụy trang rất khéo. Các đối tượng thuê văn phòng rộng rãi, bên trong kê một tủ để hồ sơ bằng kính với những tập tài liệu rất dày và mỗi bàn tuyển dụng đều có máy tính, phiếu thu tiền, dấu đỏ.
Văn phòng công ty Thăng Long do Trương Thị Thị làm Giám đốc
Những người khi đến đây, sau khi nghe "tư vấn" đều tin những kẻ tuyển dụng lừa đảo này, rồi "bấm bụng" nộp các khoản phí với hy vọng tìm được một công việc nhàn hạ mà lương cao.
Lợi dụng lòng tin cũng như tâm lý muốn xin việc làm của người xin việc, các đối tượng đã móc nối, cấu kết với nhau để trục lợi. Cứ 10 người đến xin việc thì phải đến 9 người nộp tiền "giữ chỗ", tiền "làm thủ tục hành chính"... cho các công ty này. Khi biết đã bị lừa, người lao động không thể đòi lại số tiền đó bởi với lý do rất "chính đáng" là theo thỏa thuận nếu công ty họ không nhận người thì họ mới trả lại tiền, còn trong trường hợp họ vẫn nhận người nhưng người lao động không đủ khả năng làm được thì họ không chịu trách nhiệm và cũng không trả lại tiền.
Dấu đỏ của 2 công ty do Hùng và Thị làm Giám đốc
Cơ quan Công an cho biết, bằng thủ đoạn trên, từ tháng 7/2014 đến nay, 2 công ty của Hùng và Thị đã lừa đảo chiếm đoạt được gần 1 tỷ đồng của người xin việc làm.
Theo điều tra viên Phùng Văn Quyết, trong lĩnh vực môi giới việc làm, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội đã có quy định về mức phí với việc tư vấn và giới thiệu việc làm, với mức phí thu chỉ 10.000-20.000 đồng chứ không phải mức 500.000-600.000 đồng hoặc đặt cọc tiền triệu. Đây cũng là một trong những dấu hiệu để người lao động nhận biết trung tâm giới thiệu việc làm đó lừa đảo hay không.
Điều tra viên Phùng Văn Quyết khuyến cáo thêm, để không bị sập bẫy bởi các chiêu lừa từ công ty tuyển dụng lao động "ảo", người lao động khi có nhu cầu xin việc làm cần tìm hiểu kỹ các văn bản liên quan đến thi tuyển và đến cơ quan có chức năng tuyển sinh, tuyển dụng đăng ký, tránh bị các đối tượng lừa đảo khiến tiền mất, nợ mang./.
Đức Minh
Theo_VOV
Bắt quả tang nhà nghỉ Quang Minh chứa mại dâm Nguyễn Thị Huệ, SN 1981, trú tại ngõ 307, đường Phạm Văn Đồng, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm vừa được Đội Chống tệ nạn xã hội (Đội 2), Phòng CSHS CATP Hà Nội bàn giao cho CAQ Bắc Từ Liêm để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi môi giới mại dâm. Thực hiện cao điểm tấn công trấn áp...