Triết lý trị quốc qua các đời lãnh đạo Trung Quốc
Những khẩu hiệu chính trị được quy nạp bằng con số, với ngôn ngữ mang tính cổ động và trừu tượng là nét văn hóa chính trị truyền thống, có vị trí trung tâm trong nền chính trị Trung Quốc hiện đại.
Trong lịch sử nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, mỗi thế hệ lãnh đạo cao nhất đều đưa ra khẩu hiệu chính trị của riêng mình, mà đằng sau đó bao hàm một hệ tư tưởng trị quốc. “Trong những năm gần đây, các khẩu hiểu như vậy trở thành tuyên bố nguyên tắc, nhưng có thời điểm lại từng là dấu hiệu về sự thay đổi chính sách”, một bài bình luận gần đây của AP viết.
Thời kỳ Mao Trạch Đông
Cố chủ tịch Mao Trạch Đông (trái) và cố thủ tướng Chu Ân Lai. Ảnh: People.com.cn
“Phá bỏ bốn cũ” được cho là khẩu hiệu chính trị nổi tiếng nhất trong thời kỳ lãnh đạo của cố chủ tịch Mao Trạch Đông. Khẩu hiệu này lần đầu tiên được chính thức đưa ra trong bài xã luận “Quét sạch hết thảy quỷ thần” đăng tải vào ngày 1/6/1966 trên Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo đó, bài xã luận hiệu triệu người dân phá bỏ tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ và tập quán cũ. Đây cũng được coi là sự kiện đánh dấu mốc cho sự mở màn của cuộc Đại cách mạng văn hóa kéo dài 10 năm, từ 1966 đến 1976. Tháng 8/1966, Bắc Kinh thông qua quyết định 16 điều, một lần nữa điều khẳng định khẩu hiệu “Phá bỏ bốn cũ”.
New York Times dẫn lời nhà văn Dư Hoa cho biết, dưới sức ảnh hưởng của khẩu hiệu trên, hàng loạt đường phố, cửa hàng và bệnh viện đã phải đổi từ tên cũ sang tên mới. “Các cửa hàng Đông Lai Thuận và Toàn Tụ Đức đều là những cái tên đậm màu sắc phong kiến. Bệnh viện Đồng Nhân phải đổi tên thành bệnh viện Công Nông Binh”, ông nói.
Thời kỳ Đặng Tiểu Bình
Tại Hội nghị Trung ương ba khóa 11, lãnh đạo Đặng Tiểu Bình khẳng định đường lối chính trị của Trung Quốc là “một lòng thực hiện bốn hiện đại hóa”, bao gồm hiện đại hóa nông nghiệp, hiện đại hóa công nghiệp, hiện đại hóa quốc phòng và hiện đại hóa khoa học công nghệ. Sự kiện này cũng đánh dấu việc công cuộc Cải cách mở cửa chính thức bắt đầu.
Tuy nhiên, người đầu tiên đưa ra khẩu hiệu “Bốn hiện đại hóa” là cố thủ tướng Chu Ân Lai. Theo chuyên gia Sư Hà thuộc Trường đảng Bắc Kinh, trong báo cáo chính phủ năm 1954, thủ tướng Chu lần đầu đưa ra mục tiêu bốn hiện đại hóa, gồm: hiện đại hóa công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, hiện đại hóa giao thông vận tải và hiện đại hóa quốc phòng.
Sau nhiều lần sửa đổi, thủ tướng Chu Ân Lai mới chính thức công bố nhiệm vụ bốn hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng và khoa học công nghệ, tại phiên họp quốc hội hồi cuối năm 1964.
Tuy nhiên, cùng với việc Đại cách mạng văn hóa nổ ra vào năm 1966, khẩu hiệu “Bốn hiện đại hóa” bị tạm thời gác lại. “Mãi đến Hội nghị Trung ương ba khóa 11, đảng mới lại coi bốn hiện đại hóa là nhiệm vụ chính trong thời kỳ mới”, chuyên gia Sư Hà cho biết.
Cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình (phải) và chủ tịch Giang Trạch Dân. Ảnh: Sina
Thời kỳ Giang Trạch Dân
Video đang HOT
Khi đi khảo sát tỉnh Quảng Đông hồi đầu năm 2000, chủ tịch Giang Trạch Dân lần đầu tiên đưa ra học thuyết “Ba đại diện”. Một năm sau, học thuyết này được khái quát thành một trong các tư tưởng chỉ đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dịp 80 năm ngày thành lập đảng.
Theo đó, đảng đại diện cho nhu cầu phát triển của lực lượng sản xuất xã hội tiên tiến, đại diện cho phương hướng phát triển của nền văn hóa tiên tiến, đại diện cho lợi ích của đông đảo quần chúng nhân dân.
Với phương châm thứ nhất làm cơ sở, tại Đại hội 16 diễn ra năm 2002, ông Giang lần đầu tiên đề ra chính sách cho phép chủ doanh nghiệp tư nhân được kết nạp đảng. Theo BBC, một phần ba giới siêu giàu Trung Quốc hiện nay là đảng viên. Nghị trường nước này cũng tập trung hàng trăm tỷ phú, với tổng tài sản lên đến 460 tỷ USD.
Giới học giả cho rằng, Bắc Kinh muốn thông qua việc thâu nạp tầng lớp tinh hoa kinh tế, để phủ sóng sức ảnh hưởng đến khắp tất cả các tầng lớp nhân dân. “Đảng muốn thông qua biện pháp này để nâng cao năng lực cầm quyền của mình”, Giáo sư Tăng Nhuệ Sinh thuộc Đại học Nottingham cho biết.
Thời kỳ Hồ Cẩm Đào
Tại Hội nghị công tác phòng chống SARS toàn quốc diễn ra vào tháng 7/2003, chủ tịch Hồ Cẩm Đào lần đầu tiên đưa ra khẩu hiệu “Phát triển khoa học”, được định nghĩa là quan điểm phát triển hài hòa, toàn diện và bền vững.
Xuất hiện cùng thời điểm với khẩu hiệu trên còn có “Xã hội hài hòa”. Trong hai năm sau đó, tần suất xuất hiện trên Nhân dân Nhật báo của hai khẩu hiệu trên nhiều như nhau, khiến một số học giả cho rằng “Xã hội hài hòa” mới là nội dung chính trong triết lý trị quốc của ông Hồ Cẩm Đào.
“Khẩu hiệu này nhằm thẳng vào những vấn đề xã hội cần phải giải quyết, nắm được những điều căn bản của sự phát triển trong tương lai”, nhà nghiên cứu Chu Đà bình luận. “Nhưng, giới lãnh đạo cao nhất sau khi xem xét kỹ, vẫn quyết định lấy Phát triển khoa học làm khẩu hiệu đi đầu, dù còn mơ hồ”.
Nhà nghiên cứu Lý Tiểu Minh thì cho rằng, cần coi “Phát triển khoa học” là một phương pháp nhằm giải quyết những vấn đề mà Trung Quốc đang gặp phải, chứ không phải là mục tiêu hướng tới.
“Nhưng cũng bởi cách nói này tương đối mơ hồ, nên mới bổ sung thêm bốn nội dung là lấy dân làm gốc, phát triển toàn diện, phát triển hài hòa và phát triển bền vững”, ông Lý nói.
Tại Đại hội thứ 17, “Phát triển khoa học” được chính thức đưa vào Điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc, và cũng được coi là một trong các tư tưởng chỉ đạo của đảng.
Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Ảnh: Reuters
Thời kỳ Tập Cận Bình
Nối tiếp truyền thống, Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây chính thức đưa ra học thuyết “Bốn toàn diện”, khẩu hiệu chính trị và cũng là triết lý trị quốc của ông. Theo đó, bốn nhiệm vụ cần thực hiện gồm: xây dựng toàn diện xã hội khá giả, làm sâu sắc toàn diện cải cách, quản lý toàn diện đất nước bằng pháp luật và quản lý đảng nghiêm minh toàn diện.
Khi mới lên cầm quyền vào cuối năm 2011, ông Tập Cận Bình từng đưa ra khẩu hiệu “Giấc mơ Trung Quốc”, với mục tiêu phục hưng quốc gia. Đây từng được cho co thể là thuyết trị quốc của nhà lãnh đạo này.
Tuy nhiên, khái niệm “Giấc mơ Trung Quốc” được đánh giá là thiếu màu sắc lý luận, dẫn đến hiện tượng không thống nhất trong cách giải thích của truyền thông nhà nước và dư luận xã hội.
Vì vậy, giới quan sát cho rằng “Bốn toàn diện” nhằm mục đích đưa ra cơ sở lý luận cho giấc mộng phục hưng quốc gia. “Bốn toàn diện là nhằm hệ thống hóa và cụ thể hóa khái niệm trên, để tất cả mọi người cùng chung một giấc mộng”, chuyên gia chính trị Trung Quốc Lưu Nhuệ Thiệu cho biết.
Cùng chung quan điểm trên, Giáo sư Đồng Chi Vĩ cho rằng “Bốn toàn diện” đưa ra yêu cầu trong một số lĩnh vực quan trọng, nhằm bổ sung cho “Giấc mơ Trung Quốc”. Nhưng theo chuyên gia này, các nội dung trên không hề mới. “Thực chất đây chỉ là mục tiêu công việc của trung ương, chứ không phải là lý luận mới”, ông Đồng nói.
“Bốn toàn diện” có thể sẽ được đảng Cộng sản Trung Quốc đưa vào Điều lệ đảng trong Đại hội 19 dự kiến diễn ra vào năm 2017.
Đức Dương
Theo VNE
Bốn triết lý trị quốc của Tập Cận Bình
Học thuyết "Bốn toàn diện" được cho là hệ thống triết lý trị quốc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhằm hội tụ người dân nước này chung tay thực hiện giấc mộng phục hưng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters
Sau hơn hai năm cầm quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình, truyền thông Trung Quốc hôm qua đồng loạt đăng tải học thuyết chính trị "Bốn toàn diện" của ông. Việc đưa ra học thuyết chính trị mang đậm dấu ấn cá nhân là truyền thống của các nhà lãnh đạo cao nhất của quốc gia này trước nay.
"Từ việc Đại hội 18 của đảng nhấn mạnh việc xây dựng toàn diện xã hội khá giả, đến vấn đề cải cách sâu sắc toàn diện tại Hội nghị Trung ương ba, rồi đến yêu cầu quản lý toàn diện đất nước bằng pháp luật tại Hội nghị Trung ương bốn và tuyên bố quản lý đảng nghiêm khắc toàn diện, chiến lược Bốn toàn diện đã được thể hiện rõ ràng", People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm qua cho biết.
Theo giới quan sát, đây là lần đầu tiên Bắc Kinh nêu ra hoàn chỉnh triết lý và cương lĩnh trị quốc của Chủ tịch Tập. "Những người am hiểu về chính trị Trung Quốc cuối cùng cũng có thể thở dài nhẹ nhõm, bởi sau hơn hai năm cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã bật mí về triết lý chính trị của riêng mình", bình luận viên Josh Chin của Wall Street Journal cho biết.
Sau khi trở thành tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2012, ông Tập Cận Bình từng đưa ra khái niệm "Giấc mộng Trung Quốc", với mục tiêu chính là phục hưng quốc gia. Đây từng được nhận định có thể là thuyết trị quốc của ông Tập.
Tuy nhiên, khái niệm "Giấc mơ Trung Quốc" được đánh giá là thiếu màu sắc lý luận, dẫn đến hiện tượng không thống nhất trong cách giải thích của truyền thông nhà nước và dư luận xã hội.
"Mỗi người lại có một cách lý giải khác nhau về Giấc mộng Trung Quốc. Sau hai năm tư duy, ông Tập Cận Bình đưa ra thuyết Bốn toàn diện là nhằm hệ thống hóa và cụ thể hóa khái niệm trên, để tất cả mọi người cùng chung một giấc mộng", BBC dẫn lời chuyên gia chính trị Trung Quốc Lưu Nhuệ cho biết.
Cùng chung nhận định trên, Giáo sư Trương Minh thuộc Đại học Nhân dân cho rằng, đây là tuyên ngôn chính thức của Chủ tịch Tập nhằm đưa ra một lộ trình trị quốc tổng thể.
Quan điểm xây dựng toàn diện xã hội khá giả được Bắc Kinh coi là bước đi then chốt đầu tiên trong việc thực hiện giấc mộng phục hưng quốc gia. Xã hội khá giả không phải là một khái niệm mới, bởi được đưa ra từ thời kỳ cầm quyền của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Nhưng, giới học giả cho rằng điểm mới của học thuyết lần này nằm ở hai chữ "toàn diện".
"Một mặt, đây là sự kế thừa với phương châm và đường hướng trước đây, mặt khác toàn diện cho thấy phạm vi phổ cập sẽ rộng lớn hơn", Giáo sư Hứa Diệu Đồng thuộc Học viện Hành chính Quốc gia Trung Quốc, phân tích.
Trong bài bình luận đăng tải sáng nay, People's Daily cho hay xã hội khá giả toàn diện thể hiện trên hai tầng nấc: một là hướng đến tất cả tầng lớp nhân dân, hai là triển khai trên tất cả các lĩnh vực. Báo này cũng cho biết, Trung Quốc chỉ có thể thực hiện được mục tiêu then chốt trên khi tiến hành thành công ba điểm toàn diện còn lại.
Cải cách sâu sắc toàn diện và quản lý toàn diện đất nước bằng pháp luật là những nội dung quan trọng, nhằm thực hiện song song hai mục tiêu: phát triển kinh tế bền vững và thể chế hóa trên các lĩnh vực.
Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, nếu như ông Tập Cận Bình có thể thực tế hóa hai phương châm trị quốc trên, Trung Quốc sẽ có triển vọng đạt được mục tiêu dân chủ giàu mạnh vào giữa thế kỷ 21.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo về nguy cơ xuất hiện những "sai lầm trầm trọng" trong quá trình thực hiện. "Nếu như xuất hiện những sai lầm trầm trọng, thì cải cách sẽ dừng bước hoặc thụt lùi, thậm chí là mất hết những thành quả đã đạt được", Giáo sư Trịnh phân tích.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng từng nhiều lần phát biểu công khai về những nguy cơ tiềm ẩn trong công cuộc cải cách mà Trung Quốc đang tiến hành. "Trung Quốc là một nước lớn, quyết không thể có sai lầm nghiêm trọng trên các vấn đề căn bản", ông Tập nói trong một hội nghị quốc tế vào năm 2013. "Một khi (sai lầm) xảy ra thì không gì có thể cứu vãn nổi, bù đắp nổi".
Tấm áp phích có hình Chủ tịch Tập và khẩu hiệu "Cùng nhau thực hiện một giấc mơ Trung Hoa" ở tỉnh Hà Bắc. Ảnh: AFP
Mặt khác, tiến trình cải cách kinh tế và thể chế được cho là sẽ vấp phải sự phản đối của các nhóm lợi ích trong hệ thống quan liêu, vốn đang hưởng lợi từ các cơ chế hiện nay. "Nếu như hệ thống quan liêu không làm gì, thậm chí là tạo ra các loại trở ngại, thì cũng sẽ tạo ra các sai lầm nghiêm trọng", chuyên gia Trịnh Vĩnh Niên nói.
Đây chính là lý do mà ông Tập đưa ra triết lý thứ tư, quản lý đảng nghiêm khắc toàn diện. Khi đi khảo sát tỉnh Phúc Kiến hồi tháng 11/2014, ông chỉ nêu ra ba quan điểm ban đầu, nhưng một tháng sau đã bổ sung thêm điểm thứ tư này.
Quan điểm trên có liên hệ trực tiếp đến chiến dịch chống tham nhũng mà Tập Cận Bình phát động từ khi mới lên cầm quyền. Chiến dịch này không chỉ nhằm mục đích tận trừ vấn nạn tham ô hủ bại vốn ăn sâu vào hệ thống quan liêu Trung Quốc, mà còn để tạo tiền đề cho cải cách.
Trong bài bình luận "Những thay đổi chính trị sau Đại hội 18" đăng tải cuối năm 2014, Xinhua đã nhận định rằng chống tham nhũng chính là để dọn đường cho cải cách, là để thúc đẩy nhà nước pháp quyền. "Cải cách cần loại trừ sự cản trở của các nhóm lợi ích, cần một môi trường hoàn thiện và kiện toàn hơn, cần có ý thức về nguyên tắc, cần một đội ngũ cán bộ có năng lực cải cách", báo này viết.
Thuyết "Bốn toàn diện" được công bố trước thềm hội nghị thường kỳ của cơ quan lập pháp Trung Quốc, dự kiến tổ chức vào đầu tháng 3. TheoWSJ, bốn triết lý trị quốc của Chủ tịch Tập sẽ là trọng tâm thảo luận của hội nghị lần này, nhưng không rõ sẽ có tác động thực chất ra sao trong quá trình xây dựng chính sách.
Giới học giả cũng cho rằng, thuyết "Bốn toàn diện" nếu như chỉ là một lý luận đơn thuần, thì sẽ khó có thể giành được sự ủng hộ của người dân, mà cần phải đưa vào áp dụng trong thực tiễn. "Bốn toàn diện liệu có thể trở thành di sản chính trị của ông Tập Cận Bình được không, thì điều quan trọng nằm ở chỗ sau này ông ấy sẽ thực hiện lý luận của mình như thế nào", chuyên gia Lưu Nhuệ kết luận.
Đức Dương
Theo VNE
11 sự thật tàn nhẫn XX nói khiến XY tức điên vì quá đúng Người con trai từng ngoại tình cũng như tiền rơi trên đống phân, không nhặt thì tiếc, nhặt thì cảm thấy buồn nôn. 1. Con gái cũng như sách trên giá. Trước khi anh mua nó về thì đã có biết bao người lật qua trang sách, ngó qua ngó lại. Nếu quyển sách đó chưa từng được lật qua lật lại, chỉ...