Triệt hạ gỗ nghiến vài trăm tuổi để lấy… thớt bán qua biên giới
Những cây gỗ nghiến hàng trăm, hàng nghìn tuổi trong vùng lõi của rừng đặc dụng Phong Quang, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đang bị những nhóm lâm tặc xẻ thịt, biến thành gỗ nghiến dạng thớt vận chuyển buôn bán qua bên kia biên giới.
Rừng đặc dụng Phong Quang, huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang với nhiều tập đoàn cây gỗ quý như nghiến, trai và nhiều loại gỗ quý thuộc nhóm 2A có tuổi đời từ 100 năm đến 1.000 năm tuổi, cần được bảo vệ để duy trì nguồn gien quý và hệ sinh thái. Thế nhưng, những cây gỗ nghiến hàng trăm, hàng nghìn tuổi trong vùng lõi của rừng đặc dụng đang bị những nhóm lâm tặc xẻ thịt, biến thành gỗ nghiến dạng thớt vận chuyển buôn bán qua bên kia biên giới.
Cây nghiến hàng trăm năm tuổi chỉ còn trơ gốc
Theo Tổ công tác liên ngành gồm Kiểm lâm Hạt quản lý rừng đặc dụng Phong Quang, Bộ đội Biên phòng Thanh Thủy, Cảnh sát cơ động Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Từ đường mòn của thôn Phìn Sảng, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên ngược lên dãy núi Răng Cưa chúng tôi tới vùng lõi của rừng đặc dụng Phong Quang để tận mắt thấy được sự tàn phá của lâm tặc đối với những cây gỗ nghiến có tuổi đời hàng nghìn năm tuổi.
Nhìn những hình ảnh cây gỗ nghiến nghìn tuổi bị đốn hạ không ai không xót xa, khi máu rừng đang chảy. Những cây gỗ nghiến trơ gốc, thân cây bị lâm tặc cắt thành từng khúc hình thớt rồi từ đây chúng vận chuyển qua đường mòn vượt núi để mang bán sang bên kia biên giới. Từ vùng lõi của rừng đặc dụng, lâm tặc hình thành thành con đường vận chuyển thớt gỗ nghiến đi khắp ngả để trốn sự kiểm tra, kiểm soát của các tổ liên ngành và dùng nhiều hình thức như gùi hàng, dùng xe máy vận chuyển xuyên đêm tuồn gỗ sang biên giới.
Video đang HOT
Lực lượng chức năng tiến hành đo đạc cây cổ thụ bị lâm tặc triệt phá
Với địa hình phức tạp, rừng đặc dụng Phong Quang nằm trên địa bàn 4 xã gồm Minh Tân, Phong Quang, Thuận Hòa, Thanh Thủy và một phần tổ 9 phường Quang Trung. Rừng đặc dụng Phong Quang luôn là điểm nóng về khai thác, vận chuyển gỗ nghiến dạng thớt sang kia biên giới. Các đối tượng lâm tặc có nhiều thủ đoạn hoạt động tinh vi và liều lĩnh, coi thường pháp luật, chống trả quyết liệt khi phát hiện lực lượng chức năng, khiến máu rừng đang chảy và máu của các chiến sỹ biên phòng, cán bộ kiểm lâm đã đổ để bảo vệ cánh rừng này.
Với giá trị từ 1,5 – 1,8 triệu đồng/gỗ nghiến dạng thớt 40 x 40cm là số tiền làm mờ mắt những kẻ hám lợi, đang tâm triệt hạ những cây cổ thụ giữa vùng lõi của rừng đặc dụng. Tận thấy 24 cây nghiến cổ thụ bị đốn hạ giữa rừng, lực lượng tổ công tác liên ngành đã hết sức cố gắng trấn áp, những do lực lượng quá mỏng nên chưa thể kiểm soát hết được các con đường. Ông Sái Minh Phương, Tổ trưởng tổ liên ngành – Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang cho hay: Các đối tượng lâm tặc hoạt động rất manh động, luôn chống trả quyết liệt lực lượng thi hành công vụ khi bị lực lượng kiểm lâm và liên ngành trấn áp.
Hàng trăm khối gỗ nghiến lâm tặc bỏ lại khi bị lực lượng chức năng truy quét
Có mặt tại trụ sở Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang, nơi đang thu giữ trên 200 khối gỗ nghiến dạng thớt của đối tượng lâm tặc, ông Nguyễn Việt Hưng – Hạt trưởng hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang cho biết: “Hiện nay vùng lõi của rừng đặc dụng Phong Quang bị xâm hại nghiêm trọng, các đối tượng phá rừng bất chấp mọi thủ đoạn sẵn sàng triệt hạ những cây gỗ nghiến hàng trăm năm tuổi. Chúng tôi đã chốt chặn nhiều điểm nóng, tuy nhiên do lực lượng quá mỏng nên lâm tặc hoạt động sâu trong rừng già vẫn chưa ngăn chặn được. Hiện nay, do được tăng cường lực lượng từ công an, biên phòng nên tình trạng chặt phá rừng đã tạm lắng”.
Địa hình hiểm trở khiến lâm tặc dễ dàng trốn thoát khỏi sự truy đuổi của lực lượng chức năng
Xác định đây là sự sống còn của rừng đặc dụng Phong Quang trước nguy cơ tàn phá của lâm tặc, tháng 3-2012 huyện Vị Xuyên đã thành lập 4 Tổ công tác liên ngành gồm các lực lượng kiểm lâm, công an, biên phòng, dân quân xã chốt chặn ở các điểm nóng 24/24 giờ, như điểm Mã Hoàng Phìn, Hoàng Lỳ Pả, Giang Nam… thuộc xã Minh Tân, Phong Quang, Thanh Thủy để cắt đứt con đường vận chuyển thớt nghiến của lâm tặc từ vùng rừng đặc dụng sang bên kia biên giới. Thế nhưng, các đối tượng thường xuyên thay đổi địa điểm di chuyển và chặt phá rừng, chúng dùng nhiều thủ đoạn để tiếp tục đưa thớt nghiến sáng bên kia biên giới Việt – Trung. Những biện pháp hiện tại, chỉ là giải pháp kiềm chế các điểm nóng về khai thác vận chuyển thớt nghiến. Về lâu về dài không thể duy trì nếu không có sự tăng cường về lực lượng, cũng như những giải pháp căn cơ của chính quyền trong việc việc xử lý các đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ quý trái phép. Sự bình yên chỉ tạm lắng ở rừng đặc dụng Phong Quang. Máu rừng, máu của các chiến sỹ, cán bộ làm nhiệm vụ bảo vệ rừng có thể sẽ lại tiếp tục đổ, nếu không có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của chính quyền, đoàn thể, các lực lượng chức năng và ý thức bảo vệ rừng của mỗi người dân trong và ngoài vùng rừng đặc dụng.
Theo ANTD
Chỉ kiểm lâm không giữ nổi rừng
Nạn chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép khiến rừng "chảy máu" đã không còn là chuyện lạ. Điều đáng nói là lực lượng kiểm lâm còn quá mỏng và hạn chế nhiều bề để có thể chống lại những thủ đoạn của lâm tặc.
Gỗ lậu được lực lượng kiểm lâm huyện Mộc Châu (Sơn La) thu giữ đầu năm 2012 - ảnh: D.H
Bằng nhiều biện pháp xã hội hóa bảo vệ rừng, ngành lâm nghiệp đã kêu gọi toàn dân vào cuộc, cùng kiểm lâm bảo vệ tài nguyên rừng đang ngày càng bị tàn phá nặng nề. Song trong thực tế, càng vào cuộc, dường như mục tiêu bảo vệ rừng ngày càng xa vời....
Kiểm lâm mỏng, lâm tặc hoành hành
Nhiều tháng qua đã xảy ra hàng loạt vụ xâm hại tài nguyên rừng nghiêm trọng như vụ phá rừng ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), "oanh tạc" rừng nghiến ở VQG Ba Bể (Bắc Cạn), chặt phá hàng nghìn cây gỗ sưa trị giá nghìn tỉ đồng ở Quảng Bình... Đây chỉ là đơn cử vài vụ việc có quy mô lớn, mức độ xâm hại tài nguyên rừng đáng báo động. Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho hay, chỉ trong vòng nửa năm đầu 2012, đã có hơn 2.000 vụ phá rừng trái pháp luật cùng hơn 1.100 vụ khai thác rừng trái phép. Tất cả đã khiến hơn 620ha rừng bị tàn phá nặng nề.
Cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp, dù số lượng các vụ vi phạm đều giảm so với 2011, song mức độ vi phạm nặng nề hơn, thủ đoạn của lâm tặc ngày càng khó lường hơn, gây ra áp lực quá lớn đối với đội ngũ kiểm lâm vốn quá mỏng hiện nay.
Bắc Cạn được xem là điểm nóng của nạn chặt phá lâm sản trái phép khi từ đầu năm đến nay, cả tỉnh đã có 130 cây gỗ nghiến với khoảng hơn 530m3 bị đốn hạ. Riêng nửa năm đầu 2012, khoảng gần 90 cây gỗ nghiến với khối lượng hơn 300m3 tại VQG Ba Bể và Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỉ đã bị lâm tặc chặt phá, tuồn về xuôi tiêu thụ. VQG Ba Bể là "miếng mồi" ngon của lâm tặc, bởi tại đây tập trung phần lớn loại gỗ nghiến quý. Tuy nhiên, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đây chỉ là số liệu bị phát hiện và lập biên bản. Một lượng gỗ nghiến không nhỏ lọt khỏi tầm kiểm soát của kiểm lâm, vẫn còn là con số chưa ai có thể thống kê được.
Cùng với Bắc Cạn là các điểm nóng của chặt phá rừng trái phép như Thái Nguyên, Lạng Sơn... Những địa bàn này có nhiều rừng đặc dụng, tập trung phần lớn các loại cây gỗ quý hiếm như nghiến, lim, sến, trai lý... Đây cũng là nơi lâm tặc dễ hoành hành bởi địa hình khá phức tạp và quá rộng, lực lượng kiểm lâm dù đã được tăng cường nhưng vẫn quá mỏng so với số lâm tặc ngày càng đông thêm- theo Chi cục Kiểm lâm Lạng Sơn.
Lạng Sơn có hai khu rừng đặc dụng bị nhiều lâm tặc nhòm ngó là Hữu Liên và Mỏ Rẹ (thuộc hai huyện Hữu Lũng và Bắc Sơn). Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định, do có nhiều loại gỗ quý như lim, sến, dổi, nghiến... nên lâm tặc mặc sức hoành hành, bất chấp kiểm lâm. Thủ đoạn mới nhất được lâm tặc sử dụng là dùng cưa máy- một loại cưa siêu nhỏ từ Trung Quốc, nhưng tốc độ tàn phá rất khủng khiếp.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay, chỉ cần hơn 1 phút, loại cưa này có thể đốn hạ cây gỗ đường kính 1m. Lâm tặc dùng cưa này chia nhỏ gỗ để dễ dàng vận chuyển và lọt lưới kiểm lâm. Giá bán một mét khối gỗ nghiến ít nhất là 5 triệu đồng, nhưng khi nhập sang Trung Quốc, giá của loại gỗ này có thể đội lên gấp 3-4 lần.
Thế nhưng rừng bị lâm tặc tàn phá không chỉ vì lực lượng kiểm lâm quá mỏng, kiểm soát không xuể, mà còn bởi có không ít địa bàn, không ít trường hợp kiểm lâm "bắt tay" với lâm tặc phá rừng, mà nổi cộm nhất là tại VQG Yók Đôn. Trong một cuộc họp về công tác bảo vệ rừng của VQG Yók Đôn, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn phát biểu: "Lực lượng kiểm lâm bị tê liệt, một bộ phận không nhỏ kiểm lâm VQG Yók Đôn cũng là lâm tặc. Họ thông đồng với lâm tặc tẩu tán tang vật, thậm chí lấy tang vật làm của riêng...".
Trong báo cáo mới nhất gửi Tổng cục Lâm nghiệp, Giám đốc VQG Yók Đôn Trần Văn Thành cho biết: Các phó giám đốc nặng về quyền lợi cá nhân, bao che người sai trái, trù dập người tích cực và có nhiều quan hệ với lâm tặc; Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm của vườn cũng có nhiều quan hệ với lâm tặc... Lãnh đạo VQG Yók Đôn đã luân chuyển 65 kiểm lâm viên, tháng 10-11 đã xem xét kỷ luật 9 cán bộ. Trước đó, một kiểm lâm viên là con trai Phó Giám đốc Hồ Văn Cầu bị buộc thôi việc vì câu kết với lâm tặc phá rừng. Mới nhất, Bộ NNPTNT điều chuyển ông Hồ Văn Cầu về văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp, cho ý kiến miễn nhiệm Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Phó Trưởng phòng tổ chức...
Không chỉ ở VQG Yók Đôn, những vụ bao che, tiếp tay của kiểm lâm với lâm tặc vẫn lẻ tẻ xảy ra ở khắp các khu rừng trên cả nước. Tháng 10, Hạt Kiểm lâm huyện Tuy An (Phú Yên) phải kiểm điểm, làm rõ sai phạm của các cán bộ, cá nhân liên quan đến việc bao che cho một xưởng cưa phá rừng ở xã An Xuân, huyện Tuy An.
Mới đây nhất, cuối tháng 11, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông, Gia Lai đã bị cách chức vì thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, để xảy ra nhiều vụ phá rừng trên địa bàn. Trong vụ phá rừng được cho là tàn khốc nhất từ trước đến nay ở Hà Tĩnh, cảnh sát đang làm rõ vai trò, trách nhiệm của 9 đối tượng liên quan, ra quyết định khởi tố đối với 2 "đầu nậu" gỗ lậu và 7 cán bộ kiểm lâm, bảo vệ rừng...
Không chỉ hoàn toàn dựa vào kiểm lâm
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, tình trạng "xẻ thịt" rừng tự nhiên, rừng đặc dụng luôn là nỗi nhức nhối của ngành. Lực lượng kiểm lâm thì mỏng, trong khi các thủ đoạn phá rừng của lâm tặc ngày càng nguy hiểm, tinh vi và liều lĩnh. Tổng cục trưởng Hà Công Tuấn cho biết: "Thời gian hoạt động chủ yếu của lâm tặc là vào ban đêm, có cắt cử cảnh giới, có sử dụng nhiều vũ khí nguy hiểm như côn, súng ngắn và khi cần có thể chống đối người thi hành công vụ".
Cũng theo ông Tuấn, trách nhiệm của đội ngũ kiểm lâm là quan trọng hàng đầu, song không thể hoàn toàn dựa vào lực lượng này để đối phó với tệ nạn trên. "Nhiều năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản về xã hội hóa việc quản lý bảo vệ rừng như Nghị định 99 về chi trả dịch vụ môi trường rừng, chính sách đồng quản lý và thí điểm chính sách chia sẻ lợi ích một số rừng đặc dụng; đặc biệt là chính sách kiểm lâm địa bàn cấp xã, nhằm tăng cường lực lượng kiểm lâm về tận địa bàn để kịp thời" - ông Tuấn cho hay.
Kiểm lâm phụ trách địa bàn trong cùng một cụm xã được tổ chức hoạt động tập trung tại một trạm kiểm lâm địa bàn. Hình thức tăng cường này đã được triển khai tại nhiều tỉnh có tình hình chặt phá rừng phức tạp như Lào Cai, Nghệ An, Thái Nguyên, Bắc Cạn.... Không thể phủ nhận hoạt động kiểm lâm địa bàn đã góp phần làm giảm số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn cả nước. Trong vòng 5 năm, đã giảm từ gần 40.000 vụ (năm 2007) hiện xuống còn hơn 29.500 vụ, đặc biệt các vụ khai thác lâm sản trái phép giảm từ hơn 4.400 vụ xuống còn khoảng 2.675 vụ.
Tuy nhiên, theo Cục Kiểm lâm, cục diện tình hình vẫn khó thay đổi một sớm một chiều, dù có tăng cường lực lượng này hết mức có thể. Nguyên nhân lớn nhất là do địa bàn rừng núi quá hiểm trở, bao phủ lớn, trong khi lực lượng kiểm lâm địa bàn lại quá mỏng, xem ra chưa "ăn thua" gì so với sự "hùng hậu" của lâm tặc. Chưa kể điều kiện làm việc, sinh hoạt còn quá khó khăn, thu nhập vẫn hạn chế khiến dễ nảy sinh tình trạng chán nản, sao nhãng trong một bộ phận kiểm lâm nhất định.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm Lâm Triệu Văn Lực cho biết: "Cuộc chiến chống lâm tặc vẫn còn rất dài, trong đó cần đẩy mạnh hơn việc xã hội hóa trong bảo vệ rừng. Người dân vào cuộc, đồng thời đội ngũ kiểm lâm địa bàn cũng cần được tăng hơn về số lượng và đầu tư hơn cho chất lượng. Trong năm tới, cục sẽ bổ sung thêm số lượng kiểm lâm địa bàn theo quy định, đề nghị bổ sung các phương tiện, trang thiết bị hoạt động để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ".
Hơn 2.000 vụ phá rừng trái pháp luật. Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, tính đến nay cả nước đã phát hiện 2.029 vụ phá rừng trái pháp luật, giảm 68 vụ (tương đương 3%) so với cùng kỳ năm trước và 1.145 vụ khai thác rừng trái phép (giảm 21%so với cùng kỳ năm 2011). Diện tích rừng bị phá là 622,86ha - giảm 386,38ha so với cùng kỳ năm 2011.
Trung bình, mỗi kiểm lâm phụ trách 1,4 xã có rừng. Cục Kiểm lâm cho biết, hiện cả nước có gần 11.800 kiểm lâm viên, trong đó kiểm lâm địa bàn toàn quốc là hơn 4.400 người, phụ trách 5.531 xã. Theo kết quả theo dõi diễn biến rừng, đến hết năm 2011 cả nước có hơn 13,5 triệu hécta rừng, nằm trên 6.009 xã. Như vậy, trung bình cả nước cứ 1 kiểm lâm phụ trách 1,4 xã có rừng.
Theo laodong
Giao đất rừng cho... lâm tặc Cuối tháng 5-2012, Công an huyện Nguyên Bình được Hạt kiểm lâm Nguyên Bình, Cao Bằng cung cấp hồ sơ vụ việc khai thác gỗ nghiến trái phép (loại gỗ nhóm IIA, thuộc loại gỗ nguy cấp, quý hiếm) tại khu Nà Vài, xóm Bản Chang, xã Mai Long, huyện Nguyên Bình. Công an huyện Nguyên Bình đã tổ chức khám nghiệm hiện...