Triển vọng mới trong quan hệ đối tác chiến lược giữa Kazakhstan và Nga
Nhận lời mời của người đồng cấp Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thăm cấp nhà nước tới Kazakhstan từ 27-28/11.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tại cuộc gặp ở Astana, Kazakhstan ngày 9/11/2023. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong khuôn khổ chuyến thăm Kazakhstan, ngày 27/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm người đồng cấp nước chủ nhà Kassym-Jomart Tokayev tại thủ đô Astana, trong đó hai bên nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.
Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Tokayev nhấn mạnh chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong mối quan hệ song phương, được xây dựng trên nền tảng vững chắc của đối tác chiến lược và liên minh. Tổng thống Tokayev cũng đề cập đến bài báo của mình được truyền thông Nga đăng tải, trong đó khẳng định rằng Kazakhstan đã và luôn là đối tác chiến lược tin cậy của Nga trong giai đoạn khó khăn này.
Cũng theo ông Tokayev, Kazakhstan và Nga không chỉ duy trì mà còn gia tăng sự phát triển của quan hệ đối tác song phương. Tổng thống Tokayev cũng cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm của người đồng cấp Putin, hai nước sẽ ký 20 thỏa thuận quan trọng, tạo thêm động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của mối quan hệ láng giềng và hợp tác.
Về phần mình, Tổng thống Putin đánh giá quan hệ giữa nước này và Kazakhstan đang phát triển mạnh mẽ, với sự hợp tác sâu rộng và mang lại kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Ông Putin cho rằng quan hệ của hai nước vừa mang tính thân thiện vừa thực tế, dựa trên hợp tác kinh tế, thương mại, và các vấn đề chính trị.
Tổng thống Nga cũng cho biết trong khuôn khổ cuộc hội đàm lần này, một loạt văn kiện quan trọng đã được hai nước chuẩn bị, trong đó có tuyên bố chung và một gói thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Chuyến thăm Kazakhstan của ông Putin diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Cuộc chiến tại Ukraine đang có dấu hiệu gia tăng căng thẳng sau khi Mỹ, Anh, Pháp “bật đèn xanh” cho chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky sử dụng các tên lửa tầm xa bắn sâu vào lãnh thổ Nga. Đáp trả, Tổng thống Putin đã thông qua học thuyết hạt nhân cập nhật và sử dụng tên lửa tầm trung thế hệ mới Oreshnik tấn công Ukraine.
Video đang HOT
Tại Mỹ, ông Donald Trump đã thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống và trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ “chấm dứt xung đột tại Ukraine trong 24 giờ”.
Dư luận Trung Á đặc biệt quan tâm tới chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Kazakhstan lần này, cũng như bàn luận nhiều về vai trò của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) khi Kazakhstan làm Chủ tịch CSTO.
Hiện Nga là đối tác chiến lược và đồng minh chính của Kazakhstan. Những thập kỷ qua đã chứng minh quan hệ hai bên là mẫu mực về quan hệ giữa các quốc gia láng giềng. Cơ sở của các mối quan hệ này là hơn 300 hợp đồng và thỏa thuận. Đối thoại chính trị ở cấp cao nhất đang phát triển mạnh mẽ với những chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao thường xuyên. Kazakhstan và Nga hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong khuôn khổ các cấu trúc đa phương quốc tế và khu vực để đảm bảo ổn định khu vực và an ninh quốc tế.
Về quan hệ đối tác kinh tế, kim ngạch thương mại năm 2023 đạt mức kỷ lục lên tới 28 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2024 đã đạt hơn 20 tỷ USD và hai bên đang hướng tới mốc 30 tỷ USD vào năm 2025. Kazakhstan đóng vai trò quan trọng trong trung chuyển hàng hóa Nga tới Trung Quốc, các nước Trung Á. Ngược lại, Nga là nước đóng vai trò chủ chốt trong việc vận chuyển và xuất khẩu dầu khí của Kazakhstan ra thế giới. Mới đây, hai bên đã ký các thỏa thuận thành lập các liên doanh lớn trong các lĩnh vực dầu khí, giao thông và logistics, góp phần biến Kazakhstan thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa của Nga ra nước ngoài trong tương lai.
Quan hệ Nga và Kazakhstan còn được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực khác như hợp tác liên khu vực, văn hóa, giáo dục, nghiên cứu khoa học, giao lưu nhân dân. Hàng chục nghìn sinh viên Kazakhstan hiện đang theo học tại các trường đại học ở Nga. Tiếng Nga được công nhận là ngôn ngữ làm việc chính thức tại Kazakhstan.
SCO 2024: Kỳ vọng và thách thức
Diễn ra trong 2 ngày: 3 và 4/7 tại thủ đô Astana của Kazakhstan, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) năm 2024 với chủ đề "Tăng cường đối thoại đa phương - Theo đuổi hòa bình và phát triển bền vững" được đánh giá là quan trọng, có tác động sâu rộng đến các vấn đề khu vực và quốc tế.
Kết thúc 2 ngày làm việc, Hội nghị đã thông qua hơn 20 văn kiện thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm Tuyên bố Astana liên quan đến quan điểm của SCO về các vấn đề quốc tế và khu vực hiện nay cũng như Chiến lược phát triển SCO đến năm 2035.
Khẳng định vai trò lớn hơn của SCO trong khu vực và thế giới
SCO được thành lập năm 2001 trong bối cảnh khủng bố xảy ra nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là sau vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ. Nhiệm vụ ban đầu của SCO được 6 nước thành viên đồng sáng lập bao gồm Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Tajikistan và Uzbekistan chủ yếu là hợp tác chống khủng bố. Năm 2017, tổ chức này kết nạp thêm Ấn Độ và Pakistan; năm 2023, Iran được kết nạp và trở thành thành viên chính thức thứ 9.
Hội nghị năm nay lần đầu tiên có sự tham gia của một số nguyên thủ quốc gia đối tác như Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko... Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đang có chuyến thăm Trung Á cũng tham gia sự kiện này. Tuy nhiên, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã vắng mặt mà không đưa ra bình luận nào.
Với chủ đề chính là "Tăng cường đối thoại đa phương - Theo đuổi hòa bình và phát triển bền vững", các bên nhất trí tăng cường vai trò của SCO trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực hiện nay. Việc điều hướng thành công từ hợp tác chống khủng bố mở rộng sang các lĩnh vực khác đang định vị SCO như một tổ chức có ảnh hưởng và gắn kết hơn trong giải quyết các thách thức và cơ hội phức tạp của thế kỷ 21.
Hội nghị Thượng đỉnh SCO 2024 hướng đến xây dựng một thế giới đa cực.
Về hợp tác an ninh: Tổng thống Kazakhstan Tokayev, với vai trò Chủ tịch SCO - 2024, kêu gọi một đối thoại toàn cầu cởi mở và trung thực hơn để áp dụng mô hình an ninh mới này. Sáng kiến này thể hiện cam kết của Kazakhstan trong việc nâng cao hiệu quả của SCO như một cơ chế hợp tác đa phương, tăng cường khả năng đối phó với các thách thức và mối đe dọa chung, tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố, chủ nghĩa ly khai và bạo lực cực đoan. Đề xuất mô hình an ninh mới cũng phản ánh mong muốn của Kazakhstan trong việc tái định hình các mối quan hệ quốc tế dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và chủ nghĩa đa phương, phù hợp với sáng kiến "Thế giới đoàn kết vì hòa bình và hòa hợp" mà nước này đã đưa ra trước đó. Đây cũng là một phần của nỗ lực nhằm tăng cường sự ổn định và an ninh khu vực, đồng thời là nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế và hợp tác văn hóa.
Trong khi đó, Trung Quốc đã đặt nhiều mục tiêu chiến lược thông qua diễn đàn này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong phát biểu tại sân bay ở thủ đô Astana của Kazakhstan ngày 2/7 cho biết, ông trông đợi nhiều vào kết quả hội nghị lần này, nhấn mạnh đây là cơ hội cùng các bên thảo luận về tương lai của tổ chức cũng như các biện pháp thúc đẩy hợp tác nhằm đạt được phát triển mới, lớn hơn cho cơ chế đa phương quan trọng này.
Trung Quốc cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với sáng kiến về một mô hình an ninh mới của nước chủ nhà Kazakhstan, cho rằng, sáng kiến trên phù hợp với Sáng kiến An ninh Toàn cầu do Trung Quốc đề xuất và phản ánh những đóng góp mang tính xây dựng và nhất quán của hai nước trong việc duy trì ổn định và hòa bình trong khu vực.
Sau cuộc họp thượng đỉnh tại Astana, Trung Quốc sẽ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của SCO trong nhiệm kỳ 2024-2025. Đề cập đến vấn đề này, phía Trung Quốc cho biết, nước này sẽ cùng các nước thành viên tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, giao lưu nhân dân và văn hóa, thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của SCO.
Tại Hội nghị, Nga đã đề xuất kế hoạch xây dựng trật tự thế giới đa cực. Tổng thống Nga V. Putin kêu gọi kiên trì theo đuổi kế hoạch hướng tới một thế giới đa cực và nền an ninh "bình đẳng, không bị chia cắt". Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lập luận rằng các thành viên SCO có mong muốn chung là phối hợp các hoạt động của tổ chức tại Liên hợp quốc và trên khắp không gian Á-Âu thông qua các tổ chức như EAEU, ASEAN và BRICS.
Về hợp tác kinh tế: Các bên nhất trí các sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác kinh tế trong khu vực nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư và thương mại giữa các quốc gia thành viên. Trong đó, sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc đã được nhấn mạnh như một khuôn khổ quan trọng để tăng cường kết nối và quan hệ kinh tế, đồng thời khẳng định sự cần thiết của một môi trường kinh tế công bằng, bền vững và các biện pháp bảo vệ môi trường toàn cầu. Gần đây nhất, 3 thành viên của SCO là Trung Quốc, Kyrgyzstan và Uzbekistan đã ký thỏa thuận xây dựng hành lang đường sắt quan trọng nằm trong Sáng kiến Vành đai và con đường...
Kết quả, SCO 2024 đã thông qua 20 văn kiện thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm Tuyên bố Astana, phản ánh quan điểm của SCO về các vấn đề quốc tế và khu vực hiện nay cũng như các nghiên cứu triển vọng, "Chiến lược phát triển SCO đến năm 2035", "Chiến lược phát triển hợp tác năng lượng SCO đến năm 2030", "Chương trình hợp tác chống khủng bố, chủ nghĩa ly khai và cực đoan giai đoạn 2025-2027" và "Chiến lược phòng chống ma túy của SCO giai đoạn 2024-2029"...
Về việc kết nạp Belarus làm thành viên mới của SCO, nhiều ý kiến cho rằng, việc mở rộng một mặt nâng cao vị thế của SCO nhưng mặt khác lại làm phức tạp những mâu thuẫn và khác biệt vốn đã luôn tồn tại - điển hình là sự vắng mặt của Thủ tướng Ấn Độ tại Hội nghị năm nay. Đây là điểm đáng chú ý tại Hội nghị thượng đỉnh năm nay bởi mặc dù không có lời giải thích chính thức, nhưng có thể suy đoán rằng vị thế địa chính trị của Ấn Độ giữa Nga và phương Tây, cùng với căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Pakistan, có thể là nguyên nhân chính dẫn tới sự vắng mặt này.
Những kỳ vọng của cộng đồng quốc tế
Giới phân tích đánh giá Hội nghị năm nay diễn ra vào thời điểm quan trọng khi Tổ chức SCO đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng và tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề cấp bách của khu vực và toàn cầu. Với việc kết nạp thêm thành viên thứ 10 là Belarus, SCO đang hướng tới một liên minh kinh tế chính trị, an ninh ngày một đa dạng và có chiều sâu chiến lược.
Việc mở rộng các quốc gia thành viên cũng cho thấy SCO về cơ bản đang khẳng định vị thế của một giải pháp đối trọng với cơ chế NATO với tư cách bảo đảm toàn diện cho an ninh Á-Âu. SCO cho rằng việc phương Tây thúc đẩy tầm nhìn về an ninh toàn cầu bằng cách áp đặt hệ thống giá trị và ưu tiên của riêng mình đã thúc đẩy các bên không thuộc phương Tây xem xét các cơ hội khác để củng cố nỗ lực của họ trong việc đối mặt với những thách thức và mối đe dọa liên quan. SCO, bất chấp sự khác biệt giữa các thành viên về tiềm năng quân sự và kinh tế, có tất cả cơ sở và khả năng để tách khỏi quyền bá chủ của phương Tây, nhờ tiềm năng quân sự, kinh tế, nhân khẩu học và năng lượng tiềm tàng của các nước này.
Chương trình nghị sự chính của SCO 2024 là "Tăng cường đối thoại đa phương: Theo đuổi hòa bình và phát triển bền vững".
Giới quan sát kỳ vọng Hội nghị thượng đỉnh lần này là một bước đà quan trọng để khẳng định vai trò của SCO, thúc đẩy các chiến lược kinh tế, an ninh cũng như kết nạp thêm thành viên mới. Đặc biệt, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng tại không gian Á-Âu với cuộc xung đột tại Ukraine và dải Gaza cũng như cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các cường quốc trên thế giới, một số cơ chế đa phương và tổ chức hợp tác như Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và SCO đang nổi lên như những đối trọng giúp cân bằng các mối quan hệ khu vực và thế giới, đồng thời tạo ra động lực mới thúc đẩy môi trường an ninh ổn định, tiến tới thịnh vượng về kinh tế.
Sau 23 năm hình thành và phát triển, giờ đây SCO không chỉ là một liên minh quân sự. Các quốc gia thành viên SCO đã tăng cường hợp tác trong các sáng kiến kinh tế khu vực, như sự hội nhập của Sáng kiến Vành đai, Con đường do Trung Quốc khởi xướng và Liên minh kinh tế Á - Âu do Nga dẫn đầu. Sự chuyển hướng này phản ánh vai trò ngày càng tăng của SCO trong việc đáp ứng nhu cầu của các quốc gia thành viên, hướng tới sự ổn định kinh tế và an ninh năng lượng, cũng như giải quyết các mối lo ngại về an ninh
Nguyên nhân Kazakhstan chọn hợp tác nhưng không muốn tư cách thành viên BRICS Kazakhstan đã quyết định không nộp đơn xin gia nhập BRICS, nhưng vẫn duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với tổ chức này. Dù không trở thành thành viên chính thức, Kazakhstan vẫn ủng hộ các sáng kiến của BRICS và sẽ tiếp tục hợp tác với các nước thành viên trong các vấn đề toàn cầu. Tổng thống Kazakhstan...