Triển vọng kinh tế Mỹ có tín hiệu tích cực
Theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29/3, lạm phát cơ bản của nước này đã chậm lại trong tháng 2/2024, trong khi chi tiêu tiêu dùng tiếp tục mạnh mẽ, mang lại những tín hiệu tích cực cho triển vọng của nền kinh tế và khả năng Cục Dự trữ liên bang ( Fed) sẽ hạ lãi suất vào tháng 6/2024.
Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa trong siêu thị ở Millbrae, California, Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, tăng 0,3% trong tháng 2/2024, thấp hơn mức dự báo được các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters ( Vương quốc Anh) đưa ra là 0,4%.
Dữ liệu của tháng 1/2024 cũng được điều chỉnh cao hơn với PCE tăng 0,4%, thay vì 0,3% như báo cáo trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, PCE tháng 2/2024 tăng 2,5%, sau khi tăng 2,4% trong tháng 1/2024.
Giá hàng hóa tăng 0,5% trong tháng 2/2024, do giá xăng và các sản phẩm năng lượng khác tăng 3,4%. Giá xe và phương tiện giải trí cũng như quần áo, giày dép cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, giá đồ nội thất, thiết bị gia dụng và các hàng hóa lâu bền khác lại giảm.
Video đang HOT
Giá dịch vụ tăng 0,3% trong tháng 2/2024, chậm lại đáng kể so với mức tăng 0,6% của tháng 1/2024. Chi phí nhà ở và tiện ích tăng 0,5%, trong khi giá các dịch vụ giải trí, tài chính và bảo hiểm cũng tăng mạnh. Chi phí ăn uống và phòng khách sạn, nhà nghỉ không thay đổi, trong khi dịch vụ vận tải hầu như không tăng và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tăng nhẹ.
Loại trừ các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, chỉ số PCE lõi tăng 0,3% trong tháng 2/2024, so với mức tăng 0,5% được điều chỉnh tăng trong tháng 1/2024. So với cùng kỳ năm ngoái, PCE lõi tăng 2,8% trong tháng 2/2024, chậm lại so với mức tăng 2,9% của tháng trước đó.
Với việc lạm phát chậm lại, người tiêu dùng Mỹ đã chi tiêu nhiều hơn. Chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn 66% hoạt động kinh tế Mỹ, tăng 0,8% trong tháng 2/2024, mức tăng cao nhất kể từ tháng 1/2023, sau khi chỉ tăng 0,2% trong tháng 1/2024.
Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu tiêu dùng thực tế đã phục hồi 0,4% trong tháng 2/2024, sau khi giảm 0,2% trong tháng trước đó. Sự gia tăng chi tiêu tiêu dùng thực tế cho thấy lĩnh vực tiêu dùng có thể vẫn giữ được phần lớn động lực trong quý I/2024 và mang lại tín hiệu tích cực cho triển vọng của nền kinh tế Mỹ.
Các quan chức Fed tuần trước đã giữ nguyên lãi suất chính sách trong phạm vi 5,25-5,5%, sau khi tăng 525 điểm cơ bản kể từ tháng 3/2022. Các nhà hoạch định chính sách dự báo sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay và thị trường tài chính đang mong đợi đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6.
Kinh tế Mỹ tiếp tục khởi sắc nhờ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ
Theo báo cáo được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 28/3, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng cao hơn mức ước tính trước đó trong quý IV/2023, được thúc đẩy bởi chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ và đầu tư vào các cấu trúc phi dân cư như nhà máy và cơ sở chăm sóc sức khỏe.
Người dân mua sắm tại siêu thị ở Foster, Mỹ, ngày 29/6/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Trong ước tính thứ ba về tăng trưởng kinh tế quý IV/2023, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% được báo cáo trước đó.
Chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn 66% hoạt động kinh tế, tăng trưởng ở mức 3,3%, cao hơn ước tính được đưa ra trước đó là 3,0%, trong đó điều chỉnh tăng tập trung vào lĩnh vực dịch vụ.
Chi tiêu kinh doanh cũng được điều chỉnh tăng, phản ánh mức đầu tư cao hơn cho cơ cấu sản xuất cũng như thương mại và chăm sóc sức khỏe so với ước tính trước đây. Chi tiêu cho các sản phẩm sở hữu trí tuệ cũng được điều chỉnh cao hơn, trong khi mức giảm chi tiêu cho thiết bị không quá mạnh như ước tính trước đó. Trong khi đó, đầu tư vào hàng tồn kho giảm xuống mức 54,9 tỷ USD so với ước tính trước đó là 66,3 tỷ USD.
Gần như tất cả các ngành công nghiệp đều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Mỹ quý IV/2023, trong đó sản xuất hàng hóa không lâu bền dẫn đầu, tiếp theo là thương mại bán lẻ, sản xuất hàng hóa lâu bền, chăm sóc sức khỏe và trợ giúp xã hội. Tuy nhiên lĩnh vực nông nghiệp, thương mại bán buôn, nghệ thuật, vui chơi giải trí lại là những lực cản nhỏ.
Báo cáo từ Bộ Thương mại cũng cho thấy lợi nhuận tăng ở mức cao trong quý IV/2023 nhờ lực đẩy từ các tập đoàn phi tài chính. Lợi nhuận doanh nghiệp đã tăng 133,5 tỷ USD trong quý IV/2023, sau khi tăng 108,7 tỷ USD trong quý trước đó. Lợi nhuận của các công ty phi tài chính nội địa tăng 136,5 tỷ USD, trong khi lợi nhuận của các tổ chức tài chính tăng 5,9 tỷ USD, bù đắp cho sự sụt giảm 8,9 tỷ USD lợi nhuận từ các doanh nghiệp khác.
Áp lực lạm phát cơ bản trong quý IV/2023 cũng được Bộ Thương mại Mỹ điều chỉnh giảm xuống còn 2,0%, từ mức 2,1% được ước tính trước đó. Tuy nhiên, điều này không làm thay đổi kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024.
Nền kinh tế Mỹ hiện vẫn đang tăng trưởng nhanh hơn mức 1,8% được các quan chức Fed coi là tốc độ tăng trưởng phi lạm phát. Nền kinh tế số một thế giới đã tăng trưởng 2,5% trong năm 2023, tăng tốc từ mức 1,9% của năm 2022. Ước tính tăng trưởng trong quý I/2024 ở mức 2,0%.
Fed đưa phán quyết về lãi suất, Chủ tịch Jerome Powell nhấn mạnh một điều 'khó xảy ra' Ngày 31/1, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức từ 5,25-5,5% trong cuộc họp chính sách lần thứ 4 liên tiếp. Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp lần thứ tư liên tiếp. (Nguồn: Reuters) Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) bỏ những cụm từ thể hiện sự sẵn sàng tiếp...