Triển lãm Ảnh và Phim phóng sự – tài liệu ASEAN trên quê hương Đại tướng
Ngày 14/7, tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình (TP Đồng Hới), đã diễn ra lễ khai mạc “Triển lãm Ảnh và Phim phóng sự – tài liệu trong Cộng đồng ASEAN tại Việt Nam”, do Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp tổ chức.
Tham dự buổi lễ, có ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT & TT, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, đại diện Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam, cùng các cơ quan ban ngành liên quan.
Các tác phẩm trong triển lãm lần này đem đến cho người xem cái nhìn đa chiều hơn về đất nước, con người các nước Cộng đồng ASEAN
Triển lãm lần này được đánh giá là phong phú đa dạng về thể loại, có tính sáng tạo và có giá trị nghệ thuật cao. Với 200 tác phẩm ảnh, 50 phim phóng sự – tài liệu đã đạt giải và vào vòng chung khảo Liên hoan phim Quốc tế Ảnh và Phim phóng sự – tài liệu về đất nước con người năm 2010 (là năm Việt Nam làm chủ tịch ASEAN) và Liên hoan phim Quốc tế Ảnh và Phim phóng sự – tài liệu về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu trong cộng đồng ASEAN năm 2013.
Triển lãm được đánh giá là phong phú và đa dạng về thể loại, nhiều tác phẩm có chiều sâu,…
Đây là hoạt động đón chào sự ra đời chính thức của Cộng đồng ASEAN ngày 31/12/2015. Đồng thời, triển lãm còn nhằm nhằm kêu gọi chung xây dụng Cộng đồng ASEAN vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển hướng tới người dân. Tạo điều kiện cho các dân tộc ngày càng xích lại gần nhau, vì một nên văn hóa ASEAN đầy bản sắc, đa dạng thống nhất. Đặc biệt, đợt triển lãm lần này còn có ý nghĩa đặc biệt hơn khi được khai mạc vào đúng dịp kỷ niệm 66 năm Ngày Quảng Bình quật khởi.
Thứ trưởng Bộ TT&TT, ông Trương Minh Tuấn đã đánh trống khai mạc đại hội
Trao đổi nhanh tại cuộc triển lãm, bà Wanthanee Viputwongsakul, Phó Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam cho rằng, triển lãm này có ý nghĩa rất quan trọng, cũng như thông điệp lấy yếu tố con người là trung tâm, kết nối giữa con người với con người mới tạo ra những giá trị và thành tựu về kinh tế xã hội.
Video đang HOT
“ Con người Việt Nam thân thiện và hiếu khách. Còn về Quảng Bình, đây là một nơi duyên dáng và xinh đẹp, tôi rất muốn quay lại đây một lần nữa, đồng thời tôi sẽ cũng giới thiệu với bạn bè để các bạn biết đến nơi này”, bà Wanthanee Viputwongsakul cho biết thêm.
Bà Wanthanee Viputwongsakul ghi cảm tưởng tại triển lãm
Tại buổi lễ, ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT phát biểu: “Đây là một hoạt động nổi bật của Chính phủ về tuyên truyền, quảng bá ASEAN, sự hình thành Cộng đồng ASEAN,… “Triển lãm Ảnh và Phim phóng sự – tài liệu về Cộng đồng ASEAN” mang đậm tính nhân văn, đã được các nước trong Cộng đồng ASEAN chào đón và tạo được dấu ấn mạnh mẽ. Các tác phẩm triển lãm lần này với nhiều chủ đề đa dạng và phong phú về vẻ đẹp đất nước, con người các Quốc gia ASEAN, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và đặc biệt triển lãm còn có mẫu tem và dấu ấn chung của các nước ASEAN”.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm chung tại buổi triển lãm ảnh
“Triển lãm Ảnh và Phim phóng sự – tài liệu về Cộng đồng ASEAN” sẽ diễn ra từ ngày 14/7 đến hết ngày 17/7. Sau triển lãm, toàn bộ ảnh và phim phóng sự – tài liệu sẽ được trao tặng lại cho UBND tỉnh Quảng Bình nhằm để tiếp tục tuyên truyền và quảng bá về Cộng đồng ASEAN.
Văn Lịnh
Theo Dantri
Phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam
Ngày 13-14/7, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Điện ảnh Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự và phát biểu tại Đại hội. Cổng TTĐT Chính phủ xin trân trọng giới thiệu lược ghi phát biểu của Phó Thủ tướng.
Kính thưa Đoàn chủ tịch Đại hội,
Kính thưa Đại hội,
Trước hết, tôi nhiệt liệt chúc mừng các quý vị đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội Điện ảnh Việt Nam khóa VIII (nhiệm kỳ 2015-2020).
Ra đời trong khói lửa của cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại, điện ảnh Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; sự nghiệp bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển con người Việt Nam.
Chúng ta mãi khắc ghi với lòng biết ơn sâu sắc những nghệ sĩ đã đội mưa bom, hứng bão đạn trên các chiến trường ác liệt nhất; đã lăn lộn ở những nơi, vào những xung đột đỉnh điểm, giữa tốt và xấu, giữa đổi mới và trì trệ để có những thước phim, những tác phẩm vô giá - những tác phẩm được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu xương.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam khóa VIII (nhiệm kỳ 2015-2020). Ảnh: VGP/Đình Nam
Dũng cảm, kiên trì đổi mới, điện ảnh Việt Nam dần đứng vững trên đôi chân của mình, cùng cả nước mở cửa hội nhập và bước ra thế giới. Bên cạnh các cuốn phim được Nhà nước tài trợ, đặt hàng, đã có không ít phim tự chủ về tài chính, có nội dung sâu sắc và nhiều nét mới trong phong cách, cạnh tranh được với phim ngoại nhập. Một số phim có tính giáo dục cao về nhân sinh, đạo đức và lòng tự hào dân tộc. Công tác lý luận phê bình, phát triển nguồn nhân lực... cũng như các mặt công tác Hội có nhiều tiến bộ trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách huy động nguồn lực...
Những thành tích, nỗ lực, đóng góp của Điện ảnh Việt Nam là rất đáng trân trọng, tự hào. Tôi xin nhiệt liệt biểu dương và xin bày tỏ sự trân trọng, biết ơn tất cả các nghệ sĩ của chúng ta - cho phép tôi gọi chung như vậy - những người đã tiếp thêm sức mạnh, mang thêm hương vị tình yêu cho chúng ta, cho cuộc đời.
Hơn ai hết, các đại biểu có mặt ở đây hiểu biết tường tận về những yếu kém, bất cập trong điện ảnh và phim truyền hình nước nhà và chắc chắn đã, vẫn đang có nhiều, rất nhiều trăn trở để tìm giải pháp vượt lên. Hai mươi chín trang báo cáo với 4 mục kiến nghị gồm 10 điểm và có thể chia thành 21 kiến nghị cụ thể về chế độ đãi ngộ, nguồn vốn đầu tư, bảo vệ tác quyền, khuôn khổ pháp lý để phát huy tốt hơn vai trò của Hội... nói lên điều đó.
Tôi chia sẻ với Hội về những đánh giá, nhận định tình hình hoạt động điện ảnh nước nhà, về những thách thức đặt ra trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin đa phương tiện, ảnh hưởng trực tiếp tới điện ảnh.
Tôi cũng chia sẻ những kỳ vọng của khán giả về một nền điện ảnh chuyên nghiệp, giàu bản sắc và hội nhập với ngày càng nhiều tác phẩm hay, mang tính thời cuộc, có tính giáo dục cao; trước hết là các tác phẩm điện ảnh ngày càng bớt sạn, không còn những tình tiết quá dễ dãi, dung tục, phản cảm, phản giáo dục.
Đúng là rất khó để có những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và nhất là giá trị tư tưởng, giáo dục sâu sắc trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn về nguồn lực như hiện nay. Nhưng nếu nhìn lại những thời kỳ trước đây, trong điều kiện còn khó khăn hơn nhiều vẫn có những tác phẩm như vậy, vẫn được ra đời và sống mãi.
Đúng là cơ chế thị trường có nhiều tác động tiêu cực cho điện ảnh nói riêng và văn hóa nghệ thuật nói chung. Nhưng hãy nhìn ra thế giới sẽ thấy điện ảnh của các nước vốn là cái nôi của kinh tế thị trường vẫn có những tác phẩm đỉnh cao nghệ thuật và hết sức nhân văn.
Đúng là công nghệ truyền hình, công nghệ nghe nhìn, công nghệ mạng ảnh hưởng trực tiếp tới sức hút khán giả tới rạp. Nhưng nhìn lại, chính sự phát triển công nghệ đã nâng cánh cho điện ảnh và những nền điện ảnh phát triển nhất nằm chính ở những quốc gia, những công nghệ này phát triển nhanh nhất.
Chúng ta phải đối mặt và phải vượt lên được những thách thức đó. Cả đất nước cũng vậy. Nếu không tiếp tục đổi mới và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, chúng ta sẽ tiếp tục tụt hậu. Nếu không tiếp tục đổi mới và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, điện ảnh nước nhà cũng sẽ lạc điệu, không chỉ với điện ảnh thế giới mà ngay với cuộc sống sôi động trong nước. Đó hẳn không phải những gì mong muốn, không phải những gì các thế hệ đi trước, thế hệ cháu con chúng ta trông đợi.
Đúng là chúng ta còn thiếu, còn cần nhiều điều kiện để có thể vượt lên. Nhưng trên tất cả là tình yêu nghệ thuật, là óc sáng tạo, là tấm lòng mang đến cho mọi người, để lại cho cuộc đời những điều tốt đẹp. Những điều ấy chắc chắn không thiếu bên trong những nghệ sĩ, những người làm điện ảnh nước nhà và chính những điều ấy khiến các cô chú, anh chị, các em, các cháu mãi mãi trong lòng nhân dân như những gì thân thương, trân trọng nhất.
Cho dù những diễn viên - và đằng sau họ là những đạo diễn, họa sĩ, quay phim và những người làm những công việc âm thầm mà những khán giả bình thường ít biết - như anh Hoài, chị Vân, chị Dịu, Trần Sùng hay bé Nga, bé Hà... những ngày ấy... giờ đây có người đã khuất, đã già, đã không còn trẻ nữa nhưng trong lòng Nhân dân thì mãi mãi vẫn thế.
Với tinh thần Đoàn kết - Đổi mới - Dân chủ - Nhân văn của Đại hội, tôi mong và tin rằng Đại hội của chúng ta sẽ thành công và điện ảnh nước nhà tiếp tục có bước phát triển thật mạnh mẽ, thật vững chắc.
Tôi cũng yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Hội để khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chế độ chính sách, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho điện ảnh phát triển theo đúng định hướng của Đảng và Chiến lược, Quy hoạch phát triển điện ảnh mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Kính thưa Đại hội,
Có người nói Điện ảnh là nghệ thuật thứ 7, có người lại gọi Điện ảnh là Nàng thơ thứ 10, có người cho rằng Điện ảnh là hội tụ của mọi loại hình nghệ thuật... nhưng chắc ai đã xem phim cũng đều thấp thoáng nhận ra những nét của cuộc đời, của số phận và có thể thử đào bới, chiêm nghiệm như một thực tế ảo về yêu ghét, về tốt xấu, thiện ác, về lẽ đời...
Mong rằng sẽ có ngày càng nhiều tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật, tư tưởng, giáo dục cao góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xin chúc các đồng chí mạnh khỏe; chúc tất cả các anh, các chị nghệ sĩ luôn luôn, mãi mãi được Nhân dân ngưỡng mộ, yêu thương.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Theo Chinhphu.vn
Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong xây dựng đất nước Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết với nhan đề: "Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước", gửi gắm tình cảm và tâm huyết của mình tới đội ngũ những người làm...