Triển khai nhiều mũi thi công tại tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thành phố Cà Mau
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, kể từ sau lễ khởi công diễn ra cuối năm 2021, các nhà thầu xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thành phố Cà Mau ( tỉnh Cà Mau) đã triển khai nhiều mũi thi công trên công trường với khoảng 200 nhân sự cùng hàng trăm máy móc thiết bị nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành cơ bản dự án vào cuối năm nay.
Phối cảnh dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Cà Mau (ảnh minh họa).
Toàn dự án có 3 gói thầu chính, gồm: Gói thầu XL01 (đoạn Km 0 000 – Km 3 600 và các cầu kênh Bạc Liêu – Cà Mau, kênh 30/4, Lung Sen, kênh Mới); gói thầu XL02 (đoạn Km 3 600 – Km 8 900 và các cầu Bắc Tâm, Hòa Thành, Cây Tự, Ban Lến, Từng Tùng); gói thầu XL03 (đoạn Km 8 900 – Km 14 243 và cầu Gành Hào).
Thời gian hoàn thành gói thầu XL01 dự kiến vào 30/12/2022; gói thầu XL02 và gói thầu XL03 dự kiến vào 31/12/2022.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7, tính đến hết tháng 5/2022, giá trị sản lượng xây lắp cả dự án đạt hơn 303 tỷ đồng, đạt 25% giá trị các hợp đồng. So với kế hoạch, sản lượng trên đang bị chậm, vì vậy, các nhà thầu đang tận dụng tối đa thời tiết thuận lợi, thi công 3 ca 4 kíp để đảm bảo bù tiến độ trong thời gian tới.
Đánh giá về nguyên nhân tiến độ chưa đạt được so với mục tiêu đề ra, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7 cho biết, nguyên nhân chính là trong giai đoạn đầu của dự án, các nhà thầu không có mặt bằng để thi công vì bàn giao mặt bằng chậm. Ngoài ra, nguyên nhân giá nguyên vật liệu tăng cùng với nguồn cát đắp tại Cà Mau nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đang bị khan khiếm, nhà thầu đang phải vận chuyển nguồn cát từ nhiều nơi để phục vụ dự án.
Video đang HOT
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7 dẫn chứng do nguồn cát đắp bị hạn chế chưa đáp ứng được theo kế hoạch đề ra. Cụ thể, trong tuần vừa qua chỉ đắp được 18.600 m3 cát trong khi kế hoạch phải đạt khoảng 27.000 m3, chỉ đạt 69% nhu cầu. Ngoài ra, yếu tố thời tiết trong thời gian qua mưa nhiều (trong tháng 5/2022 tổng số ngày có mưa là 18 ngày đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung toàn dự án.
Về công tác giải phóng mặt bằng, hiện toàn dự án phần tuyến chính còn vướng 16 hộ dân tập trung tại phạm vi gói thầu XL03. Trong khi đó, phần nút giao đầu tuyến vẫn còn vướng 4 hộ dân thuộc phạm vi gói thầu XL01.
Đặc biệt, hiện tại vị trí xây dựng 10 cầu trên tuyến đều đang vướng các đường dây điện (tổng cộng 15 vị trí), đang tiến hành công tác di dời. Dự kiến thời gian hoàn thành ngày 18/6/2022. Cùng với đó là việc di dời đường nước cũng đang được các cơ quan chức năng của tỉnh Cà Mau triển khai.
Để đảm bảo tiến độ dự án hoàn thành cơ bản vào cuối năm 2022, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7 để nghị các cơ quan chức năng tích cực phối hợp với Công ty Điện lực Cà Mau để sớm lên kế hoạch cắt điện để hoàn thiện công tác đấu nối. Trong đó ưu tiên trước các cầu kênh Bạc Liêu – Cà Mau, Hòa Thành và Gành Hào. Đối với các hộ dân chưa được di dời, Ban Quản lý dự án 7 đề nghị chính quyền thành phố Cà Mau sớm giải quyết để bàn giao công địa cho các nhà thầu thi công.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Cà Mau được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, với tổng kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là hơn 1.200 tỷ đồng. Dự án thi công vào ngày 24/12/2021, thời gian thi công dự kiến trong vòng 1 năm, hoàn thành vào tháng 12/2022.
Tổng chiều dài tuyến khoảng 14,3 km; quy mô xây dựng đường cấp III đồng bằng; vận tốc thiết kế đạt 80 km/h; bề rộng nền đường 12 m (gồm 2 làn xe chạy); đầu tư 10 cầu mới trên toàn tuyến.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, dự án khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm tải cho Quốc lộ 1 đoạn đi qua trung tâm thành phố Cà Mau, giảm thiểu ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Cà Mau nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung…
Gía vật liệu ' phi mã ' , nhà thầu xây dựng lo ' vỡ trận '
Các nhà thầu xây dựng công trình giao thông, bất động sản (BĐS) đang đứng trước nguy cơ "vỡ trận" do giá vật liệu tăng nhanh dịp cuối năm.
Đứng trước thua lỗ
Tại dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2021 đoạn Dầu Giấy-Phan Thiết qua tỉnh Bình Thuận, liên danh các nhà thầu thi công cho biết, giá thép, cấp phối đá dăm tăng nhanh làm đội giá thành xây dựng so với dự kiến ban đầu, nhất là dịp cuối năm tăng từng ngày, khiến hầu hết các doanh nghiệp tham gia dự án lo lắng. Tại thời điểm đấu thầu (tháng 10/2020), giá thép tròn tại Bình Thuận là 12.000 đồng/kg, chưa bao gồm thuế VAT, nhưng hiện nay, các nhà thầu đang phải mua với giá 18.722 đồng/kg, tăng tới 60%. Chỉ một gói thầu của dự án, với khối lượng thép tròn phục vụ dự án cần 7.300 tấn, liên danh các nhà thầu dự kiến lỗ 49 tỷ đồng.
Giá vật liệu "phi mã", nhà thầu xây dựng lo "vỡ trận".
Tương tự, giá cấp phối đá dăm chỉ 245.455 đồng/m3 thời điểm đấu thầu, nhưng hiện nay, giá mua thực tế của các nhà thầu thi công đã "phi mã" tới 353.000-364.000 đồng/m3, tăng 50-55%. Theo tính toán, giá trị chênh lệch cấp phối đá dăm tại một gói thấu gần 45 tỷ đồng. Nếu tính cả các chi phí phải bù đắp cho việc tăng giá các loại vật liệu khác như đất đắp, nhựa đường, nhũ tương... liên danh các nhà thầu tại dự án này sẽ phải bù lỗ khoảng 278 tỷ đồng, tương ứng 18% giá trị hợp đồng, không bao gồm dự phòng... "Giá vật liệu tăng chóng mặt, nhưng các nhà thầu không phải vốn Nhà nước đều phải ký hợp đồng đơn giá cố định và không điều chỉnh ở thời điểm ký, nên đứng trước thua lỗ", đại diện liên danh nhà thầu Phương Thành-Cienco4 thi công tại gói thầu XL2 của dự án quan ngại.
Còn theo rà soát của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (Bộ Xây dựng), giá vật liệu xây dựng trong nước hiện đã tăng bình quân tới 25% so với đầu năm, nhất là sắt thép, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các công trình xây dựng. Nếu không kìm hãm
đà tăng giá vật tư đầu vào, thị trường bất động sản sẽ thiết lập mặt bằng giá mới, ảnh hưởng đến người mua. Thép xây dựng hiện chiếm khoảng 28-35% chi phí xây dựng dự án. Với giá thép hiện tăng lên tới 40-45% so với những tháng đầu năm, đơn giá bán nhà của các nhà đầu tư sẽ chịu tác động lớn.
Theo Tổng cục Thống kê, lĩnh vực hạ tầng giao thông - xây dựng là khu vực chịu nhiều tác động từ dịch COVID-19 trong hơn 1 năm qua, với tỷ lệ doanh nghiệp bị tác động lên tới 86%. Để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, phần lớn doanh nghiệp đều phải tiết giảm chi phí sản xuất, thi công xây dựng, cân đối nguyên liệu đầu vào.
Sớm bình ổn giá vật liệu
Theo ông Lê Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết, Bộ GTVT đang triển khai khoảng 40 dự án đầu tư công (gồm các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy và hàng không). Trong đó, các hợp đồng thi công xây dựng chủ yếu áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh theo phương pháp hệ số giá điều chỉnh (dùng chỉ số giá của địa phương công bố; các yếu tố chi phí trong công thức điều chỉnh giá gồm nhân công, máy thi công, nhiên liệu, nhựa đường, thép, cát, đá, xi măng...).
Bộ GTVT đã có công văn gửi Bộ Xây dựng đề nghị có văn bản hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu Sở Xây dựng các địa phương công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp giá cả thực tế của thị trường nơi xây dựng công trình để làm cơ sở cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện việc điều chỉnh giá hợp đồng. Bộ GTVT cũng đề xuất tách riêng các hạng mục công việc có sử dụng thép để áp dụng thống nhất công thức tính, nhằm phản ánh sát biến động giá của vật liệu, qua đó chia sẻ hài hòa rủi ro giữa Nhà nước và doanh nghiệp, để đảm bảo tiến độ, chất lượng thi công.
Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan và các địa phương đề nghị UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở Xây dựng thường xuyên theo dõi kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp; các cơ quan liên quan đánh giá tác động của dịch COVID-19 và biến động giá vật liệu xây dựng chủ yếu là thép xây dựng. Từ đó, đề xuất các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tăng giá vật liệu xây dựng, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công.
Trước thực tế trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ GTVT chủ động nghiên cứu các giải pháp nhằm giám sát, bình ổn giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép, cát, xi măng... Ngoài ra, theo dõi sát diễn biến của thị trường bất động sản, tránh khả năng tăng nóng cục bộ giá bất động sản trong tháng cuối năm và thực hiện có hiệu quả các giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao.
Quyết liệt xử lý triệt để tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Cà Mau về việc tập trung triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp chống khai thác IUU. Cà Mau có đội tàu khai thác thủy hải sản lớn. Ảnh tư liệu: Thế Anh/TTXVN Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...