Triển khai nhanh gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19
Chiều 5-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ xem xét dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTXVN
Dự thảo đã được đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ ngày 1-4 vừa qua và được Chính phủ thống nhất cao. Thủ tướng đã giao Bộ KH-ĐT phối hợp với một số bộ, ngành liên quan rà soát kỹ, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình Thủ tướng ký ban hành. Tại cuộc họp chiều 5-4, báo cáo về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong số các chính sách hỗ trợ phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện chưa có chính sách nào của Nhà nước hỗ trợ thêm cho các đối tượng thuộc nhóm yếu thế. Do vậy, cần tăng cường khả năng tiếp cận nguồn tín dụng, khuyến khích người sử dụng lao động chi trả đủ lương theo đúng quy định cho người lao động có hợp đồng bị ngừng việc. Trong trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng chi trả lương thì khuyến khích họ cam kết hoặc thỏa thuận với từng lao động để tạm ngừng, tạm hoãn hợp đồng và không hưởng lương, không đuổi việc người lao động. Tại cuộc họp, ý kiến các bộ ngành đều cho rằng, cần hỗ trợ trực tiếp và sớm. Đối tượng hỗ trợ là người dân bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch bệnh. Thời gian hỗ trợ của các chính sách là 3 tháng (4, 5, 6).
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không để “đói cơm lạt muối” cũng như dưỡng sức cho người lao động để tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Về đối tượng hỗ trợ, Thủ tướng cho rằng, cơ bản các ý kiến thống nhất với các nhóm đối tượng mà các bộ đề xuất, trong đó có 6 nhóm đối tượng mà ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp; một nhóm đối tượng là doanh nghiệp được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% để hỗ trợ người lao động; nếu còn đối tượng nào cần được hỗ trợ sẽ tiếp tục bổ sung. Thủ tướng lưu ý, không đưa đối tượng là người lao động ở nước ngoài về nước vào diện trợ cấp trong dịp này.
“Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu, trong đó có nhóm đối tượng người nghèo, cận nghèo, người có công, lao động có hợp đồng bị nghỉ việc không lương, lao động tự do mất việc làm… Song song với đó, việc chi trả phải làm sao tạo thuận lợi cho người lao động, người gặp khó khăn. Không kéo dài thời gian hỗ trợ để tránh nảy sinh đối tượng trục lợi”, Thủ tướng lưu ý.
Về nguồn để sử dụng cho việc hỗ trợ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần phải tiết kiệm chi thường xuyên 10%, giảm chi hội nghị, hội thảo, giảm đi công tác nước ngoài, giảm lễ hội; bên cạnh đó dùng nguồn tăng thu năm 2019, sử dụng nguồn dự phòng năm 2020 và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ cho người yếu thế bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. “Phải nêu rõ số tiền từng nguồn, ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương phân bổ thế nào. Các cấp đều phải có trách nhiệm chứ không chỉ Trung ương”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đời sống nhân dân. Thủ tướng cho biết, riêng ngành điện lực đã hỗ trợ gần 12.000 tỷ đồng từ giá điện; ngành viễn thông cũng hỗ trợ gần 15.000 tỷ đồng… Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu phải giảm giá nước.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, đặc biệt là Bộ LĐTB-XH chuẩn bị kỹ việc hướng dẫn các địa phương, cơ quan liên quan triển khai thực hiện, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi để người dân biết, các cơ quan đoàn thể, MTTQ Việt Nam giám sát thực hiện, chống tiêu cực, tham nhũng; xử lý nghiêm các vi phạm, không để người được hỗ trợ phải chờ lâu mới nhận được tiền. “Phải làm nhanh hơn vì cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị các bộ liên quan xây dựng báo cáo tổng quát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin ý kiến về những vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền. Việc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện ngay trong ngày 6-4.
PHAN THẢO
Video đang HOT
Thần tốc, quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống dịch Covid-19
Chiều 3-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp trực tuyến với các bộ, ngành, cơ quan, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ứng phó dịch bệnh Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, suốt thời gian, các cấp, ngành, các lực lượng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg; nhiều địa phương thực hiện triển khai quyết liệt, sáng tạo, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các địa phương cũng hết sức tích cực vào cuộc, tích cực nhất là việc khoanh, tìm xử lý các ổ dịch như công ty Trường Sinh, bar Buddha. Chúng ta đã có nhiều ca ra viện và chưa có ca tử vong. Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu cấp thiết là việc dự trữ hàng hoá dồi dào nhằm bảo đảm đời sống nhân dân, không để giá cả tăng, không để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, kích động, phá hoại. Chúng ta cũng chủ trương xuất khẩu gạo có kiểm soát, đồng thời không để trong nước thiếu lương thực. Tình nghĩa đồng chí, đồng bào sâu nặng, thủy chung khi dịch bệnh xảy ra; nhiều tấm gương nhân ái cũng xuất hiện.
Thủ tướng nêu rõ, tăng trưởng GDP quý 1 đạt 3,82% là thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng là mức tăng cao nhất trong khu vực trong hoàn cảnh hiện nay. Điều này cho thấy nỗ lực của các cấp, các ngành, nhất là chúng ta sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn để bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Thủ tướng nêu rõ, tình hình dịch bệnh thế giới hết sức phức tạp, số ca nhiễm, tử vong tăng nhanh, vì vậy không thể chủ quan với dịch bệnh, nếu không cương quyết, nghiêm túc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước thì sẽ rơi vào chủ quan, từ đó dịch bệnh sẽ lây lan trong cộng đồng. Chúng ta phải có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để thực hiện tốt các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ; nhất là thực hiện quyết liệt, đồng bộ ở các cấp, các ngành. Đây là giai đoạn cần huy động tổng lực, phối hợp nhuần nhuyễn, nghiêm túc, đó là tinh thần: khoá chặt từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, tìm ra các đối tượng lây nhiễm; các cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm sớm, kịp thời, tốt hơn người dân nghèo, không để bị ai bị đói kém; bảo đảm sinh hoạt thiết yếu cho người dân như điện, nước, lương thực, thực phẩm, thuốc men, rau... là yêu cầu cấp bách đặt ra cho các cấp, các ngành trong giai đoạn hiện nay. Xử lý nghiêm vi phạm như đầu cơ, hàng giả, kém chất lượng; xử lý hình sự một số cá nhân cố tình vi phạm để làm gương, răn đe, giáo dục chung trong bối cảnh hiện nay.
Thủ tướng đề nghị tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và các văn bản kèm theo: thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Yêu cầu người dân có việc hết sức cần thiết mới ra khỏi nhà; luôn đeo khẩu trang, giãn cách người khác tối thiểu 2m để chống lây nhiễm cộng đồng. Bộ Y tế sớm hoàn thành các công tác chuẩn bị cho tình huống phức tạp, đẩy nhanh hơn nữa việc tự chủ sản xuất các trang thiết bị phòng hộ, có chương trình phát triển, sản xuất các máy thở ở Việt Nam căn cơ, chặt chẽ, có sự hỗ trợ về cơ chế của Nhà nước, nhất là những đơn vị tình nguyện tham gia; trước mắt tiếp nhận tốt máy thở của các nhà tài trợ.
Thủ tướng hoan nghênh các đơn vị lập phương án sản xuất máy thở ở trong nước, bảo đảm đầu vào đầu ra, giá, chất lượng. Ban Chỉ đạo cần có kịch bản cho các tình huống dịch lan rộng. Việc phát hiện các ca bệnh sớm trong cộng đồng để kịp thời khoanh vùng, dập dịch. Xã hội chậm lại nhưng những người làm công tác chống dịch, các lực lượng, chính quyền các cấp, ngành y tế phải tăng tốc hơn nữa, quyết liệt, thần tốc hơn nữa để ngăn ngừa tình trạng lây lan. Bộ Y tế đẩy nhanh tốc độ tập huấn, chăm sóc, điều trị, chuẩn bị sẵn cho các kịch bản trong tình huống xấu trên toàn quốc, chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án bệnh viện dã chiến; trước hết trưng dụng các khách sạn, trường học, các cơ sở khác khi tình huống xảy ra.
Nhân dịp này, tất cả các cấp, các ngành, người dân cần thay đổi tư duy, phương pháp làm việc. Đây là nguy cơ nhưng cũng là thời cơ thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin, đẩy mạnh kinh tế số, thương mại điện tử đang có chuyển biến rõ rệt. Đây cũng là dịp cải cách hành chính mạnh mẽ hơn cung cấp các dịch vụ cho doanh nghiệp, nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu các thành phố lớn, các địa phương phải tiếp tục cung cấp, dự trữ cơ số cần thiết nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân; tiếp tục ngăn chặn đầu cơ, nâng giá; bảo đảm an ninh trật tự, nhất là ở nông thôn, xử lý nghiêm các trường hợp khai báo không trung thực; tạo mọi điều kiện cho người nước ngoài hết thời hạn ra khỏi Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao, Bộ y tế, các bộ, ngành chức năng theo dõi tình hình các nước để thúc đẩy hợp tác trong PCD phù hợp khả năng chúng ta, qua đó nâng cao vị thế Việt Nam.
Thủ tướng lưu ý công tác PCD tại các nhà dưỡng lão, trại giam, trung tâm cai nghiện. Ngành y tế cần quan tâm hơn nữa lực lượng trực tiếp trên tuyến đầu, nhất là đội ngũ bác sĩ, y tá, nhân viên y tế; thông qua Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam để tiếp nhận hỗ trợ của nhân dân và doanh nghiệp để mua sắm ngay các trang thiết bị cần thiết.
Thủ tướng cũng yêu cầu, các đơn vị chủ trì cách ly tập hợp các đối tượng hoàn thành cách ly không có phương tiện trở về địa phương do hoàn cảnh hiện nay để có biện pháp giải quyết.
* Ban Chỉ đạo Quốc gia PCD Covid-19 kiến nghị, đối với việc PCD và xử lý chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai: Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện quyết liệt thực hiện việc phân luồng bệnh nhân cấp cứu, bảo đảm các điều kiện PCD. Bộ Y tế có văn bản gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các địa phương rà soát các nhà dưỡng lão, Trung tâm bảo trợ xã hội thuộc phạm vi quản lý để tăng cường các biện pháp PCD Covid-19 cho các đối tượng dễ bị cảm nhiễm và dễ diễn biến nặng nếu mắc. Bộ Y tế thống kê số lượng bệnh nhân đến khám tại các cơ sở khám chữa bệnh trong phạm vi toàn quốc, trên cơ sở đó đề xuất tiêu chí sàng lọc để ưu tiên xét nghiệm những trường hợp có nguy cơ cao nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.
THANH GIANG, ẢNH: TRẦN HẢI.
Thủ tướng yêu cầu hiểu đúng và không làm suy giảm tinh thần Chỉ thị 16 Mục tiêu đưa ra là không để vỡ trận, lây lan ra cộng đồng ở mức độ cao có thể dẫn đến phá vỡ hệ thống cơ sở vật chất phòng, chống dịch. Phát biểu tại phiên họp của Thường trực Chính phủ chiều 3/4 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không làm suy giảm tinh thần...