Triển khai các phương án ứng phó bão số 3
Ngày 31/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 08/CĐ-TW nhằm chủ động ứng phó với bão số 3.
Bão số 3 đang hướng về vùng biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng. Ảnh: Văn Đức/TTXVN
Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các phương án ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ) trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ:
Khu vực trên biển, cần tổ chức rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển để hướng dẫn di chuyển, tránh trú an toàn (kể cả đối với các tàu vận tải và du lịch). Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú; tổ chức, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho khách du lịch trên các đảo. Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương thực hiện việc cấm biển.
Khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân để chủ động phòng, tránh nhất là khu vực ngập lụt đô thị, vùng trũng thấp ven biển, sông, suối, khu khai thác khoáng sản; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men để chủ động ứng phó với mưa, lũ lớn theo phương châm “4 tại chỗ”; kiểm soát giao thông, nhất là các tuyến cao tốc, các tàu vượt biển để đảm bảo an toàn trong thời gian bão đổ bộ vào.
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người dân tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản; hệ thống đê điều, nhất là các đoạn đê xung yếu, bị sự cố, đang thi công; đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.
Video đang HOT
Khu vực miền núi, trung du thực hiện rà soát các khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn, đặc biệt là các khu vực đã có mưa to trong thời gian qua.
Kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập và hạ du hồ chứa, nhất là những hồ đập xung yếu đang thi công, sửa chữa và việc vận hành các hồ đập thủy điện nhỏ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Sẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn các công trình phòng chống lũ theo cấp báo động; tổ chức tuần tra canh gác, kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo quy định.
Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến; kịp thời đôn đốc các cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến của bão.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo bảo đảm an toàn cho tàu thuyển, phương tiện vận tải; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp; thủy sản; bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi, đê điều…
Bộ Công Thương chỉ đạo đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, hệ thống điện, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản. Bộ Xây dựng chỉ đạo đảm bảo an toàn các công trình xây dựng, các công trình cao tầng, công trình cột, tháp cao… Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin đến người dân và cơ quan liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.
Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Thông tin duyên hải và các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục làm tốt công tác thông tin, đưa tin kịp thời diễn biến của bão, mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng tránh.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc biển Đông đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 3 năm 2019 với tên quốc tế là WIPHA). Hồi 13 giờ, ngày 31/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam 250 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 – 75 km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 130 km tính từ tâm bão.
Dự báo, từ 13 giờ ngày 31/7 đến 13 giờ ngày 1/8, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 1/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông ngay trên bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 – 90 km/giờ), giật cấp 12.
Từ 13 giờ ngày 1/8 đến 13 giờ ngày 2/8, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5 – 10 km, khoảng chiều 1/8 sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ. Đến 13 giờ ngày 2/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 107, 6 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 – 90 km/giờ), giật cấp 11.
Theo Thắng Trung (TTXVN)
Hà Giang: Mưa lớn làm 4 người thương vong, 5 con trâu bị sét đánh chết
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Hoàng Su Phì cho biết, mưa lớn đã khiến huyện này bị thiệt hại cả về người và tài sản.
Diễn biến xảy ra mưa lớn và lũ quét từ tối 28/7 đến rạng sáng 29/7 tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.
Tại xã Nậm Ty, mưa lớn đã khiến cho 2 mẹ con chị Phàn Mùi Há (27 tuổi) và cháu Phàn Mùi Nghính (11 tuổi) trú tại thôn Ông Thượng bị thương, hiện đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang.
Theo người dân thôn Tân Phượng, xã Hồ Thầu (huyện Hoàng Su Phì) khoảng 3h sáng ngày 29/7, lũ lớn khiến đất đá trên núi đổ xuống vùi lấp 2 mẹ con Bà Triệu Mùi Khé (83 tuổi) và con gái Triệu Mùi Sếnh (40 tuổi).
Hiện trường ngôi nhà bị đất, đá vùi lấp tại xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì.
Thông tin với Phapluatplus.vn, ông Phượng Chàn Nu, Phó chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết, ngay sau khi biết tin UBND xã đã vận động dân quân và Công an xã hỗ trợ tìm kiếm đến khoảng 8h sáng nay đã tìm thấy chị Sếnh trong đống đổ nát. Hiện chị này đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoàng Su Phì.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN huyện Hoàng Su Phì, mưa lớn đã khiến 7 ngôi nhà bị sập, 5 con trâu bị sét đánh chết (xã Tân Tiến 1 con; xã Nam Sơn 2 con, xã Tả Sử Choóng 2 con).
Ngoài ra, tuyến đường Tỉnh lộ 177 nối huyện Bắc Quang - Hoàng Su Phì bị sạt taluy dương làm ách tắc một số đoạn như: Xã Nậm Dịch, xã Nậm Ty...
Trao đổi với phóng viên Pháp luật Plus, ông Triệu Sơn An, Phó chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo huyện đã xuống thăm hỏi, động viên các gia đình gặp nạn tại xã Nậm Ty và hỗ trợ gia đình bị nạn 15 triệu đồng, gia đình bị thiệt hại tại xã Hồ Thầu là 25 triệu đồng.
Phàn Giào Họ
Theo Phapluat
Lốc xoáy cuốn sập và tốc mái 75 căn nhà ở Cần Thơ Ngày 26/7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ cho biết, UBND quận Thốt Nốt đang thống kê tình hình thiệt hại và đề xuất phương án hỗ trợ đối với 75 căn nhà của người dân bị sập, tốc mái do lốc xoáy. Lốc xoáy tại 3 phường của quận Thốt Nốt đã làm...