Trị viêm mũi dị ứng – Cách nào?
Tôi năm nay 28 tuổi, thường xuyên bị hắt hơi sổ mũi mỗi khi thay đổi thời tiết hoặc bị lạnh. Tôi đi khám bệnh và được chẩn đoán viêm mũi xoang dị ứng.
Tôi đã điều trị bệnh nhiều đợt nhưng không khỏi được hẳn. Xin quý báo cho tôi biết thêm một số thông tin về bệnh này cũng như thuốc điều trị. Tôi xin cảm ơn.
Lê Việt Hà (Hà Nội)
Dị ứng mũi xoang hay còn gọi là viêm mũi xoang dị ứng gặp nhiều ở nước ta, có thể gặp mọi lứa tuổi, giới tính và có xu hướng ngày càng tăng do môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm. Đây là phản ứng miễn dịch đặc hiệu của niêm mạc mũi xoang trước sự tái xuất hiện của dị nguyên đặc hiệu.
Biểu hiện chủ yếu là ngứa mũi; hắt hơi từng hồi, không kiềm chế được; chảy nước mũi loãng, trong, nhiều sau cơn hắt hơi, ngứa mũi; ngạt mũi. Các dấu hiệu trên thường xuất hiện thành cơn, tăng khi thay đổi thời tiết, khi gặp lạnh hoặc khi gặp khói bụi… Ngoài cơn bình thường không để lại triệu chứng gì khi thăm khám.
Do khó xác định được dị nguyên gây bệnh nên khi điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Điều trị bao gồm điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân. Với điều trị tại chỗ chủ yếu sử dụng thuốc co mạch và thuốc sát khuẩn.
Video đang HOT
Thuốc co mạch có tác dụng tạo sự thông thoáng cho đường thở. Các thuốc co mạch thường dùng hiện nay là: éphédrin 1% đến 3% (1% cho trẻ em), naphazolin 0,05% – 0,1%.
Thuốc sát khuẩn: thường dùng argyrol 1% -3%. Thuốc vừa có tác dụng sát khuẩn, vừa làm săn niêm mạc và chống xuất tiết.
Tuy nhiên các thuốc này không dùng cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới 6 tháng tuổi. Với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có thể dùng NaCl 0,9%; Không được nhỏ các thuốc co mạnh, thuốc sát khuẩn nhiều lần trong ngày, kéo dài liên tục nhiều ngày vì sẽ gây viêm mũi do thuốc.
Khi sử dụng các thuốc nhỏ mũi cần chú ý:
Trước khi nhỏ mũi cần xì hay hút hết chất dịch nhầy, mủ ứ đọng trong hốc mũi thì rỏ thuốc mới có tác dụng. Đặc biệt với trẻ nhỏ chưa biết xì mũi, phải được hút chất dịch nhầy nhẹ nhàng, đúng cách.
Khi nhỏ mũi, tốt nhất là để tư thế nằm ngửa, nếu không có điều kiện nằm thì phải ngồi, ngửa đầu tối đa để thuốc vào được trong hốc mũi. Sau khi nhỏ nên hít nhẹ hoặc day nhẹ trên cánh mũi để thuốc vào được sâu trong hốc mũi.
Với điều trị toàn thân: dùng thuốc kháng histamin và corticoid. Tuy nhiên đây là các thuốc có nhiều tác dụng không mong muốn, do vậy khi dùng cần tham khảo ý kiến của nhân viên y tế.
Theo ThS. Vân Anh
SKDS
Viêm mũi dị ứng dễ nhầm với viêm xoang
Mũi dị ứng tuy không gây nguy hiểm cho người bệnh nhưng thường mắc bệnh mạn tính, kéo dài và gây nhiều phiền toái, khó chịu cho người bệnh...
Viêm mũi dị ứng là một bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều hơn ở tuổi thanh niên và trung niên. Viêm mũi dị ứng tuy không gây nguy hiểm cho người bệnh nhưng thường mắc bệnh mạn tính, kéo dài và gây nhiều phiền toái, khó chịu cho người bệnh nhất là có một số triệu chứng có khi xảy ra liên tiếp trong một thời gian ngắn nhưng gây khó chịu như hắt hơi, sổ mũi. Viêm mũi dị ứng đôi khi dễ nhầm với bệnh viêm xoang.
Các biểu hiện của viêm mũi dị ứng.
Nguyên nhân của viêm mũi dị ứng là gì?
Có một số giả thuyết giải thích về nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng chủ yếu do phản ứng của cơ thể khi gặp vật lạ (dị nguyên) đối với cơ thể, ví dụ như bụi, phấn hoa, lông chó, mèo, bào tử nấm (nấm mốc)... Những tác nhân này thường đóng vai trò như một kháng nguyên không hoàn toàn khi gặp kháng thể (có trong cơ thể) tương ứng thì xảy ra hiện tượng phản ứng. Hiện tượng phản ứng dị ứng này xảy ra ngay ở lớp nhày niêm mạc của hệ thống đường hô hấp trên như mũi, họng, xoang... gây nên hiện tượng viêm và kích thích niêm mạc. Viêm mũi dị ứng có liên quan đến các cơ địa dị ứng. Thông thường người bị viêm mũi dị ứng gặp ở người có cơ địa dị ứng nhiều hơn như viêm da dị ứng, mề đay mạn tính, tổ đỉa... Chính vì vậy cùng một tác nhân gây kích thích nhưng có người bị bệnh viêm mũi dị ứng nhưng cũng có người không bị. Các tác nhân gây kích thích cũng có thể theo đường hô hấp nhưng cũng có thể vào cơ thể theo đường qua da, hoặc theo đường ăn uống.
Biểu hiện của viêm mũi dị ứng như thế nào?
Hầu hết người bị viêm mũi dị ứng có nhiều triệu chứng giống nhau như ngứa mũi, chảy mũi nước, đặc biệt là hắt hơi hàng tràng liền. Nếu đã thành mạn tính thì có thể nghẹt mũi gần như thường xuyên, ù tai, nhức đầu (dễ nhầm với viêm xoang). Một số trường hợp viêm mũi mạn tính kéo dài có thể có hiện tượng loạn khứu giác (mất mùi) hoặc ngủ ngáy do nghẹt mũi.
Người ta phân viêm mũi dị ứng thành 2 loại chính là viêm mũi dị ứng theo mùa và viêm mũi dị ứng có quanh năm. Viêm mũi dị ứng theo mùa là tùy thuộc vào thời tiết từng mùa xuất hiện các loại dị nguyên trong gió như phấn hoa, nấm mốc... Viêm mũi dị ứng quanh năm tức là mùa nào cũng có thể bị viêm mũi dị ứng do có liên quan đến một số dị ứng nguyên như côn trùng (mò, mạt, bọ chét, ve...), bụi trong nhà, lông súc vật nuôi trong nhà nhất là lông của mèo, chó... Bệnh viêm mũi dị ứng tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây nhiều phiền toái cho người bệnh và do vậy ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ. Viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị thoả đáng thì nó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm xoang dị ứng, polyp mũi, polyp xoang...
Cách phòng bệnh viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng đa dạng và nhiều nguyên nhân, những trường hợp có cơ địa dị ứng cần cảnh giác cao với viêm mũi dị ứng. Để góp phần hạn chế bị viêm mũi dị ứng không nên nuôi chó, mèo trong nhà. Hạn chế đến mức tối đa không tiếp xúc với chúng. Cần vệ sinh định kỳ chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm. Nhà ở cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt nếu làm được như vậy sẽ hạn chế nấm mốc phát triển. Cần vệ sinh răng miệng hàng ngày nhất là đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Hạn chế đến mức tối đa hút thuốc lá, thuốc lào. Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với bụi. Cần đeo khẩu trang khi quét dọn nhà và lúc ra đường. Những lúc giao mùa, thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh cần giữ ấm cơ thể (mặc ấm) nhất là vùng cổ, mũi. Khi bị bệnh viêm mũi dị ứng nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tai, mũi, họng. Không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình và tự mua thuốc để điều trị.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Rau dền gai chữa viêm họng Đông y dùng cây dền gai chữa một số bệnh như viêm đường hô hấp, làm giảm ho, long đờm, điều kinh, lợi tiểu, dùng ngoài chữa chốc lở, mụn nhọt. Cây dền gai có vị ngọt, nhạt, tính hơi lạnh. Thân, rễ, lá, hạt của cây dền gai đều dùng để làm thuốc. Trị chứng viêm họng: Lá cây dền gai rửa...