Trí tuệ Việt làm nên thủy điện lớn nhất Đông Nam Á
Thủy điện Sơn La, thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, tự hào là công trình được làm nên bởi bàn tay và khối óc của người Việt, từ khâu thiết kế đến xây dựng, vận hành.
Ngày nhà máy khánh thành, ông Hoàng Trọng Nam, Giám đốc Công ty thủy điện Sơn La chỉ lên thân đập lừng lững so sánh: “Thủy điện Hòa Bình gần 2.000 MW, ta làm trong 15 năm, lúc cao điểm có 2,5 vạn người, trong đó có tới 2.500 chuyên gia nước ngoài làm việc trực tiếp trên công trường để hướng dẫn cán bộ người Việt. Chuyên gia Liên Xô giúp ta từ khảo sát, thiết kế, đến thi công. Với thủy điện Sơn La, công suất 2.400 MW, chúng ta chỉ thi công có 7 năm, lúc cao điểm nhất cũng chỉ có 1 vạn người lao động trên công trường và chỉ có 220 kỹ sư, chuyên gia nước ngoài làm việc dưới sự chỉ đạo của người Việt. Chúng ta làm từ thiết kế, thi công đến vận hành”.
Những kiện hàng siêu trường siêu trọng được kéo ngược núi lên Sơn La – Ảnh: Hải Đăng
Câu chuyện về thành công của thủy điện Sơn La về đích sớm 3 năm đã ghi dấu mốc quan trọng về sự trưởng thành của những người chủ dự án mà Ban A Sơn La là đại diện chủ đầu tư (dự án do Tập đoàn điện lực Việt Nam là chủ đầu tư).
Ban A có tới hơn 80% là người ở Hà Nội và các tỉnh dưới xuôi. Suốt từ năm 2004 đến nay, ông Nguyễn Hồng Hà, Trưởng ban, ông Phạm Hồng Phương, Phó ban và cả trăm cán bộ khác làm việc cả thứ 7, chủ nhật, chỉ thỉnh thoảng dồn phép mới được về nhà 3-4 ngày, trong đó riêng thời gian di chuyển 2 chiều từ Sơn La về Hà Nội đã mất tới hơn 1 ngày.
Mái đầu ông “tổng điều hành dự án” Nguyễn Hồng Hà đã dần nhiều cọng bạc qua gần chục năm ở Sơn La. Đại công trường phát sinh hàng loạt vấn đề lớn nhưng những cán bộ của Ban A dưới sự điều hành của ông đã giải quyết ổn thỏa, từ chuyện lo vốn ứng cho các nhà thầu đến chuyện nhập thiết bị và vận chuyển thiết bị sao cho kịp tiến độ. Từ việc giải quyết sự cố đến thẩm định và chấp nhận những sáng kiến của các kỹ sư đề xuất…
Khi tôi hỏi ông Nguyễn Hồng Hà: “Điều gì làm ông lo lắng nhất trong suốt 7 năm thi công nhà máy?”. Ông Hà nhìn ra cây cầu Mường La: “Đó là khi ông Sâm đưa máy biến áp nặng 280 tấn của tôi vượt núi, vượt cầu yếu lên Sơn La”.
Ông Nguyễn Đăng Sâm, TGĐ Công ty CP vận tải đa phương thức (Vietranstimex) đã chứng minh cho mọi người thấy người Việt có thể làm nên những điều khó khăn tưởng như không thể.
Cửa ngõ tử thần với những người vận tải lại là cầu Mường La, cây cầu dài gần 1 km với những khoảng dầm dài cả trăm mét nên rất dễ bị võng, gãy cầu. “Cầu chỉ cho xe trọng tải 40 tấn qua nên nguy cơ gãy cầu là rất lớn. Chúng tôi phải nối mooc thành một tổ hợp dài gần bằng chiều dài cây cầu, rồi thiết kế một loại dầm phân tải đặc biệt đặt lên trên để trọng lực kiện hàng dàn đều ra hơn trăm bánh xe bên dưới rồi đặt máy biến áp 280 tấn lên trên. Khi đó, mỗi trụ cầu, mỗi thanh dầm đều được phân tải. Khi đưa hàng qua, dầm cầu chỉ võng chưa quá 5 cm”, ông Sâm nói.
Trí tuệ Việt còn thể hiện ở những con người như ông Nguyễn Thế Trinh, Phó TGĐ Lilama 10, chỉ huy lắp máy thủy điện Sơn La, người đề xuất hàng loạt sáng kiến lắp máy rút ngắn tiến độ tới cả năm trời; là ông Nguyễn Tăng Cường, người làm nên chiếc cẩu “chân què” có một không hai, làm ra chiếc cẩu 1.200 tấn lớn nhất Việt Nam để giúp đưa các tổ hợp thiết bị nặng cả ngàn tấn vào vị trí chính xác đến từng milimet.
Thủy điện Sơn La đã hoàn thành, Ban A Sơn La lại tiếp tục quản lý dự án thủy điện Lai Châu và những người làm nên thủy điện Sơn La sẽ tiếp tục xa nhà thêm 4-5 năm nữa để xây dựng thủy điện cuối cùng trên dòng chính sông Đà ở cuối trời Tây Bắc – thủy điện Lai Châu công suất 1.200 MW.
Theo TNO
Hành trình 37 năm Thủy điện Sơn La
Vốn đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng, gấp rưỡi dự toán ban đầu, Thủy điện Sơn La, dự án từng gây nhiều tranh cãi hơn một thập kỷ trước, vừa khánh thành và hứa hẹn cung ứng 10% sản lượng điện của cả nước.
Video đang HOT
Tháng 11/1975, những chuyến đi khảo sát chính thức đầu tiên trên dòng sông Đà phục vụ công trình Thủy điện Sơn La đã được thực hiện. Theo kế hoạch, dự án Thủy điện Sơn La sẽ là bậc thang thứ 2 nằm trên sông Đà, thuộc địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh: EVN
Ngày 29/6/2001, dự án Thủy điện Sơn La được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, nhưng các phương án xây dựng vẫn để ngỏ vì còn nhiều tranh cãi do lo ngại động đất, vỡ đập. Tháng 12/2002, Báo cáo nghiên cứu khả thi thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XI. Phương án xây dựng công trình cũng được Quốc hội thông qua với mục tiêu phát điện tổ máy số 1 vào năm 2012 và hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2015. Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đà. Năm 2003, EVN đã hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi thực hiện phương án Sơn La. Ảnh: Anh Vũ
Tháng 12/2003, những người thợ đầu tiên thuộc Tổng công ty Sông Đà có mặt tại công trường. Ngày 15/1/2004, Thủ tướng đã ra quyết định số 09/QĐ-TTg phê duyệt dự án Thủy điện Sơn La. Ảnh: EVN
Ngày 2/12/2005, công trình Thủy điện Sơn La được khởi công xây dựng. Cùng ngày, các đơn vị thi công trên công trường đã tiến hành ngăn sông đợt 1. Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước dự án công trình Thủy điện Sơn La khi đó là Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Ngọc Cảnh.
Ngày 11/1/2008, những khối bê tông đầm lăn đầu tiên được sản xuất. Quá trình đổ bê tông đầm lăn đập chính nhà máy kéo dài gần 3 năm, kết thúc vào ngày 25/8/2010, đạt 2,7 triệu m3. Ảnh: Hà Bắc
Các đơn vị cơ khí thi công hạng mục ống áp lực. Dự án thành phần xây dựng công trình thủy điện Sơn La do Tổ hợp nhà thầu là Tổng Công ty Sông Đà (tổng thầu), Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng (LICOGI) và Tổng Công ty Lắp máy (LILAMA) thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị. Ảnh: Vũ Lam
Thi công hạng mục cửa xả tràn của nhà máy, một hạng mục quan trọng của công trình chính - Ảnh: Anh Vũ
Thi công buồng xoắn tổ máy số 1. Ảnh: Anh Đức
Ngày 15/4/2010 sau hơn 7 năm triển khai, tỉnh Sơn La đã hoàn thành công tác di chuyển toàn bộ các hộ dân ra khỏi vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La. 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu đã hoàn thành việc di chuyển các hộ dân ra khỏi lòng hồ trước 30/3/2010. Tổng số hộ dân ở 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu phải di chuyển để nhường đất xây dựng công trình lên tới hơn 20.300, đây là dự án có số hộ dân di dời lớn nhất tính đến nay. Ảnh: EVN
Ngày 15/5/2010, các đơn vị thi công đã tiến hành đóng kênh dẫn dòng tích nước hồ chứa. Ngày 5/11/2010, hồ chứa đã tích nước đến cao trình 189,3m đáp ứng cho phát điện tổ máy số 1. Ảnh: Hà Bắc
Ngày 20/8/2010, rotor tổ máy số 1 đã được lắp đặt thành công. Đây là mốc quan trọng đáp ứng phát điện tổ máy số 1 đúng tiến độ, vào cuối tháng 12/2010. Trong khoảng thời gian 16 tháng, lần lượt 4 tổ máy từ 2 - 5 đã được tổ hợp và hòa lưới điện quốc gia. Ảnh: Hà Bắc.
Ngày 7/1/2011, lãnh đạo Đảng, Chính phủ tại ngày mừng tổ máy số 1 phát điện - Ảnh: Anh Vũ.
Ngày 26/9/2012, tổ máy 6 (tổ máy cuối cùng) của Nhà máy Thủy điện Sơn La đã hòa thành công vào điện lưới quốc gia. Tổng mức đầu tư của dự án là 60.196 tỷ đồng, trong đó vốn của EVN gần 43.306 tỷ đồng, còn lại trích từ ngân sách nhà nước. Như vậy, số vốn đầu tư tăng khoảng 60% so với nghị quyết của Quốc hội (từ 31.000-37.000 tỷ đồng, chưa tính lãi vay và theo giá quý 3/2002). Ảnh: Hà Bắc.
Ngày 23/12, công trình Thủy điện Sơn La hòa lưới quốc gia, trở thành đập thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với cao độ đỉnh đập 228,1 m; dài 961,6 m; chiều rộng đáy đập 105 m; chiều rộng đỉnh đập 10 m. Dung tích hồ chứa thủy điện tới 9,26 tỷ m3, trong khi đó dung tích hồ Thủy điện Hòa Bình là 9 tỷ m3 nước, với tổng công suất lắp máy 2.400 MW, sản lượng điện bình quân hàng năm trên 10 tỷ kWh, bằng gần 10% sản lượng điện của Việt Nam năm 2012. Ảnh: Vũ Lam
8h25 sáng 23/12, hai chiếc chuyên cơ của Công ty Trực thăng miền Bắc (Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Bộ Quốc phòng) cất cánh từ sân bay Gia Lâm, đưa đoàn công tác của Chính phủ, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu, lên khánh thành thủy điện Sơn La. Cùng đi với Thủ tướng có nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Ảnh: QĐND
Thủ tướng và các vị đại biểu ân cần động viên những người thợ Thủy điện Sơn La. Ảnh: Chinhphu.vn.
Ngày 23/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cắt băng khách thành thủy điện Sơn La . Thủ tướng nhấn mạnh, sau 7 năm xây dựng, lao động sáng tạo với bao vất vả, khó khăn, cả 6 tổ máy phát điện đã được vận hành. Công trình mang lại cho niềm tự hào, là một công trình thủy điện lớn nhất cả nước, mang tầm cỡ khu vực do Việt Nam tự thiết kế, thi công, vượt mốc thời gian so với tiến độ được phê duyệt là 3 năm. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu cần chăm lo cuộc sống của đồng bào tái định cư Thủy điện Sơn La với tỉnh Sơn La. Ảnh: EVN
Sự kiện công trình Thủy điện Sơn La khánh thành là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển ngành điện Việt Nam, là niềm tự hào chung của đất nước. Nhờ vận hành sớm hơn 3 năm so với dự kiến, mỗi năm công trình thủy điện Sơn La sẽ tạo ra doanh thu 500 triệu USD, tiết kiệm hơn 5 triệu tấn than để sản xuất ra lượng điện năng tương đương. Người dân Sơn La đốt lửa trại vui mừng vì dự án thủy điện "cán đích" sớm hơn kế hoạch. Ảnh: EVN
Theo VNE
Khánh thành nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam Ngày 23.12, tại Sơn La, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức khánh thành công trình thủy điện Sơn La. Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam. Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương hàng vạn cán bộ, kỹ sư, công nhân...