Trí thức trẻ về làm nông dân: “Luồng gió mới” cho các HTX xứ Lạng
Những năm gần đây, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không chỉ là mối quan tâm của riêng các HTX mà đã được chính quyền địa phương chỉ đạo, hỗ trợ cụ thể qua việc triển khai mô hình thí điểm đưa trí thức trẻ (TTT) về làm tại các HTX.
Bổ sung nhân lực cho HTX
Triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển HTX; thông tư Bộ Tài chính về hướng dẫn mức hỗ trợ và cơ chế tài chính hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực của HTX, thành lập mới HTX giai đoạn 2015-2020, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành kế hoạch và phê duyệt danh sách 10 HTX nông nghiệp thực hiện thí điểm đưa TTT tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc trong giai đoạn 2018-2020, bắt đầu từ ngày 1.6.
Người dân phấn khởi với thành quả lao động trong phát triển nông nghiệp tại địa phương. Ảnh: L.C.
Tiêu chí lựa chọn HTX thực hiện thí điểm: HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; có nhu cầu hỗ trợ lao động trình độ cao đẳng trở lên; HTX có phương án sử dụng lao động, văn bản đề nghị được hỗ trợ, ký hợp đồng lao động.
Trí thức trẻ phải đáp ứng được những tiêu chí: Có phẩm chất đạo đức tốt, dưới 35 tuổi, có đủ sức khỏe, trình độ chuyên môn cao đẳng trở lên chuyên ngành kinh tế, kế toán, quản trị doanh nghiệp hoặc chuyên ngành về nông, lâm nghiệp và thủy sản phù hợp với nhu cầu vị trí việc làm của HTX; có nguyện vọng về làm việc tại HTX tối thiểu 3 năm (đủ 36 tháng)…
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 8/10 HTX ký hợp đồng và đưa TTT về làm việc. Để các TTT làm việc tại các HTX có hiệu quả, Chi cục PTNT (Sở NNPTNT) cũng đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản trị HTX cho đội ngũ cán bộ quản lý, thành viên HTX và đội ngũ TTT được tuyển dụng.
Trao đổi với PV, ông Phạm Tuyến – Chi Cục trưởng Chi cục PTNT ( Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn) cho biết: “Trên địa bàn tỉnh, số HTX đăng ký thành lập tuy có tăng nhưng chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, hiệu quả thấp, đa phần cán bộ lãnh đạo HTX là những “lão nông tri điền”, những kiến thức họ có được đúc rút từ trong thực tế lao động và sản xuất nên khi hình thành HTX, họ trở thành nhà quản lý “tay ngang”.
Video đang HOT
Do đó, quá trình điều hành hoạt động, quản lý HTX còn lúng túng, hạn chế. Sau khi đưa TTT về làm việc, các HTX đã được bổ sung nguồn nhân lực có trình độ, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được nâng cao hơn, “trợ lực” cho các lãnh đạo HTX quản lý, điều hành từng bước hiệu quả hơn”.
“Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước theo lĩnh vực ngành, kiểm tra định kỳ việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng lao động đối với các HTX có TTT làm việc; xem xét TTT phù hợp với 2 HTX còn lại; tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn để cán bộ là TTT nâng cao trình độ…” – ông Tuyến nói.
Luồng gió mới…
Được thành lập từ tháng 10.2010, HTX thủy sản Lê Hồng Phong, huyện Bắc Sơn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy sản. Từ vốn điều lệ ban đầu 60 triệu đồng, đến nay số vốn đã tăng lên 600 triệu đồng, doanh thu tăng đều qua từng năm, cao nhất gần 1,7 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 20 lao động với mức thu nhập 5 triệu/người/tháng.
Hợp tác xã Hợp Thịnh phát triển chăn nuôi, trồng cây dược liệu là 1 trong 10 HTX thực hiện thí điểm đưa trí thức về làm việc tại HTX. Ảnh: Liễu Chang
Ông Dương Hữu Chức – Giám đốc HTX cho biết: “Là 1 trong 10 HTX được thí điểm đưa TTT về làm việc, HTX chúng tôi đã chọn được ngay vị trí kế toán. Đây vốn là khâu yếu, khó khăn nhất của HTX từ trước đến nay thì giờ đã được tháo gỡ. Người trẻ, sức trẻ và mới mẻ nên cũng sẽ năng động và nhiệt huyết hơn, mọi sổ sách, giấy tờ được thực hiện nhanh gọn. Chính vì vậy, ngoài hỗ trợ của nhà nước theo quy định, HTX trả thêm 1 triệu đồng/tháng cho vị trí nhân sự mới này”.
Là 1 trong 8 TTT được lựa chọn tham gia mô hình thí điểm đưa TTT về làm việc tại các HTX của tỉnh Lạng Sơn, chị Lương Thị Thúy Hoàn (sinh năm 1992) chia sẻ: “Mình thấy rất may mắn khi được HTX thủy sản Lê Hồng Phong lựa chọn về làm việc và giao đảm nhận vị trí kế toán. Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, HTX và được tham gia các lớp tập huấn do Sở NNPTNT tổ chức, những TTT như mình đều nhận được mức hỗ trợ của chương trình là hơn 2,7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra mình còn được HTX hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/tháng. Quá trình làm việc tại đây đã giúp mình được củng cố thêm kiến thức, học hỏi nhiều kinh nghiệm quý báu”.
Theo Danviet
"Cầm tay chỉ việc" dạy nghề cho nông dân
Không chỉ đẩy mạnh dạy nghề sơ cấp, tại Lạng Sơn nhiều mô hình dạy nghề cầm tay chỉ việc, thông qua khuyến nông được triển khai. Dù học nghề ngắn hạn hay chuyển giao kỹ thuật thì các mô hình này đều mang đến hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Phát huy thế mạnh khuyến nông
Quán triệt tư tưởng dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, dạy nghề gắn với cây con chủ lực hoặc hiệu quả tại địa bàn, nhiều năm qua Chi cục PTNT tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh dạy các nghề nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi.
Ông Phạm Tuyến - Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết: Chi cục đã gửi công văn đăng ký nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp nông thôn năm 2018 cho UBND huyện, thành phố và các xã về đích nông thôn mới năm nay. Trong đó, định hướng nội dung dạy nghề đối với cây, con chủ lực hoặc có hiệu quả tại địa bàn gắn với mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất.
Đồng thời, triển khai ký kết hợp đồng với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bắc Sơn để tổ chức dạy nghề.
Một lớp dạy nghề chăn nuôi cho lao động nông thôn ở huyện Đình Lập. ảnh: Thùy Anh
Hiện nay, chi cục đang tổ chức dạy 9 nghề cơ bản gồm: Kỹ thuật chăn nuôi lợn, dê, gà, cá nước ngọt, kỹ thuật trồng hồi, trồng cây ăn quả, trồng rừng kinh tế, trồng rau an toàn, trồng lạc. Được biết, hết năm 2017 đơn vị này đã mở được 13 lớp dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT), thu hút trên 440 LĐNT tham gia học nghề nông nghiệp, đạt 100% kế hoạch đề ra. Trong 6 tháng đầu năm 2018 đơn vị đã tổ chức dạy được 8 lớp nghề trồng cây ăn quả, chăn nuôi thú y.
Chị Vi Thị Oanh, thôn Quang Hòa (xã Cường Lợi, huyện Đình Lập, Lạng Sơn) cho biết: Vừa rồi, tôi được học lớp kỹ thuật chăn nuôi gà do Trung tâm Khuyến nông tỉnh dạy. Sau khi học xong, tôi vay tiền mua một lứa gà để nuôi theo phương pháp được học. Hiện tại gà đang sinh trưởng, phát triển tốt, hy vọng sẽ kịp bán dịp tết.
Theo đánh giá của Chi cục PTNT tỉnh, qua học nghề, có khoảng 80% học viên biết áp dụng kiến thức, kỹ năng được học vào thực tế sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động. Để chủ động mở các lớp dạy nghề nông nghiệp cho LĐNT trong năm 2018, chi cục đặt mục tiêu phối hợp với các đơn vị khác mở 123 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT với hơn 4.300 người tham gia.
Trong đó có 75 lớp dạy nghề trồng trọt cho trên 2.620 người học; 48 lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản cho trên 1.680 người tham gia.
Mở rộng dạy nghề phi nông nghiệp
Ngoài dạy nghề nông nghiệp, thời gian gần đây tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh dạy nghề phi nông nghiệp nhằm giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh nhà.
Bà Trương Thị Hợp - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Lạng Sơn cho biết: Trong những năm qua, ngành LĐTBXH luôn
thực hiện đạt và vượt 3 chỉ tiêu chính theo nghị quyết HĐND tỉnh, đó là: Chỉ tiêu giảm nghèo bền vững 3%/năm; chỉ tiêu về đào tạo nghề tăng 2%/năm và chỉ tiêu 12.500 lao động có việc/năm. Riêng năm 2017, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào nghề được hơn 9.000 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45,5%, tăng 2,1%. Số LĐNT học nhóm nghề phi nông nghiệp đạt trên 70%, tỷ lệ LĐNT có việc làm sau học nghề đạt trên 80%, chủ yếu tự tạo việc làm.
Do lựa chọn nghề phù hợp nên công tác đào tạo nghề đã đáp ứng được cho hầu hết số học viên sau khi kết thúc khóa học. Một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp sau khi sáp nhập đã dần ổn định.
Bà Hợp cho biết: Một số ngành, nghề đào tạo đã mang lại hiệu quả cao, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực nông thôn như: Lớp kỹ thuật sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi lợn nái, chăn nuôi gà, kỹ thuật trồng cây, trồng rau an toàn... .
Ông Đinh Quang Trí - Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTBXH Lạng Sơn cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tuyển sinh học sinh về học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, cơ cấu đào tạo nghề của tỉnh hiện nay chưa hợp lý, chủ yếu đào tạo nhóm nghề nông nghiệp, thiếu nhóm nghề phi nông nghiệp như: Dịch vụ khách sạn, nhà hàng, nghiệp vụ du lịch...
Thời gian tới, chúng tôi làm việc với các đơn vị hướng tới việc dạy nghề trọng điểm, mở rộng liên kết với doanh nghiệp. Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề - ông Chí nói.
Theo Danviet
Kết nối tiêu thụ nông sản các tỉnh biên giới Việt Nam-Trung Quốc Với mục đích cung cấp những thông tin về tình hình thương mại nông sản giữa hai nước, phổ biến các quy định liên quan đến xuất nhập khẩu nông sản, đồng thời giải quyết, hướng dẫn những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong việc xuất nhập khẩu nông sản, ngày 18.8 Bộ NN&PTNN phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn...