Trị rạn da tại spa, cô gái bị mưng mủ, nhiễm trùng nặng
Bệnh nhân nữ T.T.H (24 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM trong tình trạng da hai bên trong đùi có nhiều vết trợt loét, mưng mủ, chảy máu, đi lại khó khăn.
Nhiễm trùng nặng, đi lại khó khăn sau khi điều trị rạn da
Bệnh nhân cho biết trước đó 1 tuần cô có đến một cơ sở spa để điều trị rạn da vùng đùi với chi phí 8.000.000 đồng và được cơ sở này cam kết sẽ điều trị hết các vết rạn sau khoảng 3-6 tháng. Ngay sau đó, bệnh nhân được bôi tê và thực hiện điều trị rạn da bằng phương pháp đốt điện (theo lời bệnh nhân).
Mấy ngày sau các vết đốt mưng mủ, chảy máu, đóng mài dày… gây đau đớn, không thể tự đi lại, sinh hoạt được. Bệnh nhân đã nhiều lần liên hệ cơ sở spa nhưng được hướng dẫn “yên tâm đi, cứ uống kháng sinh, giảm đau, ăn nhiều tôm với rau muống khoảng 1 tuần sẽ khỏi”. Tuy nhiên chỗ đốt càng ngày càng đau, bưng mủ, chảy máu…
Ngày 15.9, BSCK1 Phạm Ngọc Trâm (Khoa Lâm sàng 1, BV Da liễu TP.HCM) cho biết bệnh nhân H. bị nhiễm trùng nặng sau trị rạn da. Dựa trên tình trạng da của bệnh nhân có những vết loét sâu ở 2 bên đùi, đóng mài đen dày, chảy máu và dịch mủ , chứng tỏ rằng cơ sở thực hiện đã can thiệp bằng những phương pháp xâm lấn rất sâu vào trong mô, gây ra tình trạng tổn thương da rất sâu. Cộng với việc chăm sóc vết thương sau khi đốt dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng. Khả năng sau điều trị, nguy cơ hình thành sẹo xấu và tăng sắc tố sau viêm rất cao.
Bệnh nhân sau đó được điều trị bằng kháng sinh tiêm tĩnh mạch, kháng viêm, giảm đau và chăm sóc vết thương tại chỗ. Sau gần 1 tuần điều trị, các vết thương bong mài, lên da non… bệnh nhân được xuất viện.
Video đang HOT
Nguyên nhân gây rạn ra và cách điều trị
BSCK1 Lư Huỳnh Thanh Thảo (Khoa Thẩm mỹ da, BV Da liễu TP.HCM) cho biết rạn da là tình trạng xuất hiện những thương tổn da dạng đường ban đầu màu đỏ, sau đó chuyển trắng. Nguyên nhân do tình trạng đứt gãy collagen và elastin khiến cho tổ chức da bị phá vỡ, mất đi độ đàn hồi vốn có và kết quả là hình thành nên các vết rạn trên da.
Rạn da chia ra hai giai đoạn: giai đoạn rạn da đỏ và giai đoạn rạn da trắng. Khi điều trị rạn da, các bác sĩ da liễu sẽ căn cứ vào tình trạng vết rạn để chỉ định phương pháp điều trị phù hợp như laser vi điểm, lăn kim, RF vi điểm… đa số cần kết hợp nhiều phương pháp với nhau.
“Rạn da rất phổ biến và có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ lứa tuổi, giới tính nào. Những người tăng cân quá nhanh, béo phì, có vận động quá mức, mang thai, sử dụng những thuốc bôi chứa corticoid trong thời gian dài cũng làm da xuất hiện vết rạn. Ngoài ra, những người có làn da mỏng cũng dễ xuất hiện những vết rạn hơn”, bác sĩ Thảo chia sẻ.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trong quá trình điều trị
L.A
Đối với trường hợp bệnh nhân trên, bác sĩ Thảo nhận định cơ sở spa đã chỉ định phương pháp điều trị rạn da chưa phù hợp, hoặc không kiểm soát được mức năng lượng khi sử dụng các thiết bị laser cũng như việc hướng dẫn chăm sóc sau điều trị chưa tốt, dẫn đến loét da, mưng mủ sau điều trị, có thể diễn tiến thành nhiễm trùng lan rộng toàn thân, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử trí và điều trị kịp thời. Về lâu dài thì nguy cơ hình thành sẹo xấu như sẹo lồi to, lan rộng hay sẹo lõm, co rút, tăng hoặc giảm sắc tố rất cao.
Để phòng ngừa rạn da, các bác sĩ BV Da liễu TP.HCM khuyến cáo người dân nên thường xuyên luyện tập thể thao giúp kiểm soát cân nặng tốt, không để cơ thể tăng cân quá nhanh trong thời gian ngắn. Trong thời kỳ mang bầu, đặc biệt vào những tháng giữa thai kỳ, cần thường xuyên chăm sóc vùng da bụng bằng cách bôi kem giữ ẩm và kiểm soát cân nặng. Tuyệt đối không tự ý bôi các thuốc có chứa corticoid kéo dài. Riêng các chị em làm đẹp cần cảnh giác và thận trọng trước các lời quảng cáo “mỹ phẩm làm trắng”, tránh mua và sử dụng “kem trộn” có chứa corticoid.
Cuối cùng, nếu phát hiện các vết rạn da trên cơ thể, các bạn cần đến khám với bác sĩ da liễu giàu kinh nghiệm tại các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn việc kiểm soát và điều trị rạn da phù hợp..
Hai cô gái đi làm đẹp, miệng biến dạng như 'cá hô'
Sau khi tiêm filler vào môi để làm đẹp, hai cô gái bị biến dạng vùng miệng nặng nề, phải vào Bệnh viện Da Liễu cấp cứu.
Chiều 9/9, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho hay vừa cứu chữa cho 2 cô gái bị tai biến nặng.
Chị L.N.H.T (25 tuổi, ở Bình Chánh) vào viện trong tình trạng môi sưng nề, bầm tím, sờ vào có khối căng cứng trong môi. Do vùng môi có nhiều nếp nhăn nên trước đó có đến spa để tiêm filler xóa nhăn với giá 3,5 triệu đồng. Sau 3 ngày, môi căng cứng, phù nề, mua thuốc giảm sưng về uống nhưng tình trạng không cải thiện.
Chị T.H (30 tuổi, ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng nhập viện trong tình trạng môi sưng to, đau nhức, sờ vào có khối cứng lổn nhổn bên dưới môi. Trước đó, chị đến spa tiêm filler với giá 2,5 triệu đồng làm đẹp môi. Sau 2 ngày, môi sưng to, căng cứng.
TS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Trưởng Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da Liễu, cho biết vùng môi của cả hai bệnh nhân trên đều bị sưng phù, căng cứng, mủ trắng bên dưới, sờ vào rất đau, cho thấy tình trạng nhiễm trùng cấp với mức độ viêm khá nặng.
Nguyên nhân có thể do cơ sở spa không tuân thủ kiểm soát nhiễm khuẩn lúc tiêm, thực hiện vô trùng không đúng cách khiến vi khuẩn xâm nhập vào nơi tiêm. Ngoài ra, việc sử dụng các loại chất làm đầy kém chất lượng, trôi nổi trên thị trường, sản phẩm sản xuất, đóng gói không đảm bảo vô trùng cũng có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng.
Cả hai bệnh nhân sau đó được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chăm sóc vết thương hằng ngày. Sau khoảng 3 ngày, vết thương mới cải thiện.
"Mỗi tháng, bệnh viện tiếp nhận khoảng 10-15 trường hợp tai biến do tiêm chất làm đầy. Nhiều trường hợp tai biến nặng phải phẫu thuật để lấy hết filler ra, chi phí khá tốn kém và mất nhiều thời gian để phục hồi. Di chứng sau phẫu thuật có thể tạo sẹo xấu và mất mô da gây ảnh hưởng thẩm mỹ" - BS Tú thông tin.
Mùa hè cảnh giác với chốc lở ngoài da ở trẻ em Mùa hè khí hậu nóng ẩm mưa nhiều là cơ hội cho các bệnh về da phát triển, trong đó có bệnh chốc lở ngoài da. Bệnh thường hay xuất hiện ở trẻ em do trẻ có làn da mỏng và nhạy cảm hơn người lớn. Chốc lở dễ "tấn công" trẻ dưới 5 tuổi Chốc lở còn được gọi là bệnh Impetigo,...