Trí cò ơi, hãy yên nghỉ nhé, bạn tôi!
Trí cò Đà Nẵng – đấy là cái tên thân thiết mà tôi lưu trong điện thoại để nhận diện các cuộc gọi từ bạn tôi – trung tá phi công Khuất Mạnh Trí, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 921, thuộc sư đoàn 371, người vừa hy sinh cùng một đồng đội trong khi bay huấn luyện trên máy bay Su-22U ngày 26.7 tại Nghệ An.
Tôi quen Trí lâu lắm rồi, từ những năm 2000. Đợt đấy, tốt nghiệp Đại học, tôi vào Đà Nẵng công tác. Thông qua một người bạn học, tôi quen Trí và anh Lê Tuấn Nghĩa, hiện giờ đang là Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 929, thuộc sư đoàn 372. Thời bấy giờ, cả Trí và anh Nghĩa đang là phi công chiến đấu còn lái máy bay MIG.
Nó (cho phép tôi được gọi một cách thân thiết như vậy vì Trí kém tôi một tuổi – NV) là một gã trai mà mới gặp ai cũng có thể yêu quý ngay. Dáng gầy, cao lênh khênh, có lẽ vì thế mà nó được gọi là Trí cò? Nhưng nó có nụ cười duyên dáng khiến người lần đầu mới tiếp xúc không thể không lưu luyến.
Trung tá Khuất Mạnh Trí và gia đình nhỏ của mình. (Ảnh gia đình cung cấp)
Sau lần đầu gặp nhau, từ đó, mỗi lần có việc vào Đà Nẵng, chẳng hẹn mà gặp, ba anh em chúng tôi lần nào cũng phải hội ngộ và lúc nào cũng thân thiết như anh em trong nhà, ngồi vừa nhậu, vừa cà kê tâm sự đến quên lối về. Chẳng thế mà có lần, ba anh em say bí tỉ ngồi taxi về mà ví rơi hết cả trên xe. Hôm sau lại lôi nhau đi tìm ví, rồi tìm thấy thì lại có cớ để… nhậu tiếp.
Tôi nhớ một tối nọ, anh Nghĩa và Trí “bí mật” dẫn tôi vào trong doanh trại để cho tôi được trải nghiệm một lần ăn cơm cùng lính bay. Trước khi vào bữa cơm, tôi ngồi phòng Trí cò chơi và trò chuyện say mê về các loại máy bay.
Đợt đấy tôi nghiên cứu về máy bay dân sự ghê lắm. Còn nó và anh Nghĩa có kiến thức về máy bay quân sự nên ngồi chia sẻ với nhau như không thể dứt ra được. Những câu chuyện giữa những thằng đàn ông, không đầu không cuối nhưng đậm chất lính.
Trí kể chuyện của Luyện – người phi công đồng đội đã có thành tích xuất sắc sau khi hạ cánh an toàn một chiếc MIG trong hoàn cảnh máy bay bị bật nắp buồng lái trong khi bay. Câu chuyện kỳ vĩ, nguy hiểm đến nghẹt thở như thế mà Trí chỉ gói gọn trong mấy câu kể giản đơn, mới thấy rằng với lính phi công, họ luôn coi cái chết nhẹ tựa lông hồng…
Ngồi ăn cơm cùng anh em phi công trong phòng ăn của doanh trại, lính phi công ông nào ông ấy cứ cao lớn lừng lững, mỗi lần đứng lên chúc nhau là tôi lại thấy xấu hổ vì cái chiều cao quá khiêm tốn của mình.
Nói về uống rượu, đúng là lính phi công vô đối vì tiền đình của lính lái may bay là rất khủng. Trí cũng vậy. Nó uống tới mặt trắng bệch ra mà vẫn nhiệt tình uống. Uống vào nó nói nhiều hơn một tí chứ bình thường cậy răng cũng chẳng nói. Nó bảo, lính phi công tuyệt đối không được uống rượu, bia trong thời gian tập luyện, nên chỉ thỉnh thoảng mới uống vào những đợt nghỉ phép, vui vẻ bên anh em bạn bè, người thân.
Video đang HOT
Một chiếc Su-22 thực hiện phóng mồi bẫy nhiệt. (Ảnh: Kiến thức)
Trí còn kể, lúc cất cánh bay rời sân bay, nhiều phi công hay thực hiện động tác lượn một vòng như gửi lời chào tới đồng đội, gia đình dưới mặt đất trước khi rời đi làm nhiệm vụ, khuất sau những tầng mây trắng. Và buồn thay, trong số những người đồng đội đó của Trí, vài năm qua, đã có không ít người có đi mà không quay trở lại.
Mấy anh em chúng tôi ngồi bỗ bã tâm sự với nhau, nhiều lúc khi cả đám lắng lại, tôi khẽ bảo Trí: “Mày đừng có chào chiếc gì đấy nhé”. Nó cứ cười hề hề rồi lại nâng ly.
Trí được chuyển công tác từ Đà Nẵng ra Bắc năm 2005, điều về công tác tại sân bay Kép ở Bắc Giang. Đến năm 2009 Trí chuyển về Sơn Tây. Gần Hà Nội hơn nhưng tôi cũng ít gặp nó hơn vì công việc ngày càng bận.
Có lần anh Nghĩa ra ngoài Hà Nội tham dự khóa đào tạo chỉ huy bay ở Sơn Tây. Tôi lại có dịp lên thăm anh Nghĩa và nó. Giao lưu tennis xong cả ba cũng về nhà nó ăn cơm.
Thời đó, nó mới lấy vợ. Cưới nó, tôi cũng có mặt. Mình thì một vợ hai con rồi còn nó lúc đấy mới lấy, rõ muộn. Lận đận mãi mới lấy được. Nó cười bảo: “Tôi lính bay trên trời suốt, có thời gian rảnh dưới mặt đất để mà đi tán gái như ông đâu”.
Ngoài ra, thời gian rảnh nó còn dành cho đam mê lớn nhất trong cuộc đời là chơi hoa phong lan. Lần gặp gần đây nhất cũng cách đây vài năm, tôi cũng mừng vì thấy nó đã ổn định công việc, giữ tới chức Trung đoàn phó Trung đoàn không quân 921.
Thế rồi cuộc sống bận bịu, tôi không có nhiều thời gian để lên thăm và ăn với nó bữa cơm lính bay nữa…
Cho đến hôm qua, bất ngờ đọc báo, thấy tên nó và một đồng đội trong bản tin máy bay rơi trong lúc bay huấn luyện tại Nghệ An, tôi rụng rời hết cả chân tay. Người cứ hụt hẫng lâng lâng cả buổi. Bao nhiêu ký ức, kỷ niệm giữa tôi với nó lại ùa về. Cái thằng hiền thế, ít nói thế, vợ mới lấy, 2 đứa con còn nhỏ dại, vậy mà ra đi quá sớm.
Trí cò ơi, hãy yên nghỉ nhé, bạn tôi. Chúng tôi luôn tin rằng ở nơi phương xa, cậu vẫn sẽ được làm những việc cậu thích, vẫn được nâng niu, chăm sóc những nhánh lan mà cậu yêu.
Vĩnh biệt cậu, chàng phi công cao gầy với nụ cười duyên dáng khó quên..
Theo Danviet
Con trai phi công Su-22 hi sinh: "Bố Trí của con kìa"
"Mỗi khi có máy bay bay qua, con trai nhỏ của anh Trí lại reo vui, hớn hở: "Bố Trí, bố Trí của con kìa!". Giờ nghĩ lại khoảnh khắc ấy, tôi thấy thương cho cu cậu quá", một hàng xóm kể lại.
Gia đình nhỏ của anh Khuất Mạnh Trí. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Bộ Quốc phòng vừa phát đi thông báo cho biết hai phi công trong vụ rơi máy bay chiến đấu Su 22 đã hy sinh, gồm trung tá Khuất Mạnh Trí (sinh năm 1978, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, quê thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội) và thượng tá Phạm Giang Nam (sinh năm 1972, Chủ nhiệm bay Trung đoàn 921, quê Thái Thụy, Thái Bình).
"Anh Trí là chỗ dựa cho cả gia đình"
Theo lời kể của gia đình, từ nhỏ, anh Trí đã được biết đến là chàng trai thông minh, học giỏi. Anh nuôi ước mơ và ý chí trở thành bộ đội sân bay kép, chinh phục bầu trời.
Chị Khuất Minh (em gái phi công Trí) chia sẻ, từ khi nhận tin dữ, mẹ chị suy sụp, bà không tin mọi chuyện xảy ra với con trai mình.
"Trước đây, lần nào có thông tin máy bay rơi, tôi đều nhắn hỏi anh ấy bay ổn không. Lúc nào anh cũng nhắn lại: "Cô yên tâm, anh bay ổn". Lần này, vô tình tôi nhắn tin hỏi thì không gửi được, gọi điện thì thuê bao tắt máy", chị Khuất Minh kể.
Nhiều người đến chia buồn khi biết tin anh Trí hi sinh.
Theo chia sẻ của chị Minh, trung tá Trí sinh ra và lớn lên trong gia đình nề nếp, có truyền thống binh nghiệp. Bố anh là cựu tù binh Côn Đảo, bị tra tấn và trao trả về năm 1973. Đầu năm 2003, ông qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo.
"Anh bay liên tục, hầu như không ở nhà. Những năm đầu tiên bay ở Nha Trang, sau chuyển về Bắc Giang, giờ thì đơn vị anh đóng tại Nội Bài. Anh ấy học rất giỏi, sống tình cảm. Từ khi bố mất, anh là trụ cột của gia đình, là chỗ dựa của mẹ, vợ con và em gái", chị Khuất Minh ngậm ngùi.
Anh Trí sống giản dị, tình cảm
Trong trí nhớ người dân địa phương, phi công Khuất Mạnh Trí là người giản dị, sống tình cảm.
Anh Trần Văn Thắng (50 tuổi, hàng xóm) nói, do đặc thù công việc phục vụ trong quân ngũ, anh Trí thỉnh thoảng mới về thăm gia đình.
Khi nhận được tin dữ, anh Thắng cùng nhiều hộ dân trong xóm đến động viên người thân trong gia đình, cùng chuẩn bị công việc lo hậu sự.
"Trí được tuyển đi lái máy bay khi vẫn còn đang đi học, trước kia đóng quân tại Nha Trang, cậu ấy ít về nhà. Khi đơn vị chuyển ra Nội Bài, Trí về thường xuyên hơn, tháng về một lần", anh Thắng nói.
Anh Nguyễn Ngọc Cương, Quân y Trung đoàn 921, người làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe phi công và là người chăm sóc, kiểm tra sức khỏe cho anh Trí mỗi khi bay huấn luyện cho biết, Trí luôn được đánh giá có tố chất.
Thời gian qua, anh Trí tham gia huấn luyện bay cho các học viên ở Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Yên... Anh luôn nhắc các học trò khác phải cẩn thận, nắm vững các quy tắc an toàn bay.
Trang cá nhân của trung tá Khuất Mạnh Trí tràn ngập hình ảnh hoa lan do chính tay anh vun trồng. Ảnh: FBNV.
Cũng theo anh Ngọc Cương, anh Trí là người rất yêu hoa lan. Hai người từng lặn lội lên vùng núi ở Hòa Bình để tìm hoa. Nhà của anh Trí cũng trồng nhiều loài hoa lan khác nhau.
"Có lẽ Trí yêu thiên nhiên, thích sự lãng mạn, yêu cái đẹp, nên mới yêu hoa lan đến như vậy".
Một người hàng xóm của anh Trí (xin được giấu tên) chia sẻ với phóng viên, anh Trí thường xuyên vắng nhà vì làm nhiệm vụ huấn luyện bay. Khi cô sang nhà anh Trí chơi, mỗi khi có máy bay bay qua, con trai nhỏ của anh Trí lại reo vui, hớn hở: "Bố Trí, bố Trí của con kìa!" Giờ nghĩ lại khoảnh khắc ấy, tôi thấy thương cho cu cậu quá".
CƯỜNG NGÔ
Theo LDO
Đưa thi thể 2 phi công trong vụ rơi máy bay Su-22U về nhà tang lễ Thi thể hai phi công rong vụ rơi máy bay Su-22U đã được đưa về Nhà tang lễ Quân khu 4, thành phố Vinh. Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Quân khu 4, tối 26/7, các lực lượng chức năng đã tìm được thi thể 2 phi công trong vụ máy bay rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn,...