Trị chứng đau đầu bằng bấm huyệt
Một số dạng đau đầu không phải là bệnh lý có thể chữa được mà chưa cần dùng tới thuốc.
Điều trị dựa vào đặc tính của cơn đau
Dù đau đầu do nguyên nhân gì thì đầu tiên người bệnh cũng phải kiểm tra bắt buộc việc đo huyết áp, rồi mới chữa trị.
Phần lớn các nguyên nhân gây đau đầu thường gặp hiện nay là do căng thẳng, stress, nhạy cảm với những thay đổi của thời tiết, làm việc trong môi trường thiếu ôxy, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn… Hay gặp nhất là các dạng đau đầu do phong hàn (có triệu chứng đau đầu, cứng cổ, đau nhức mình mẩy, không ra mồ hôi, sợ lạnh và gặp gió, gặp lạnh cơn đau càng tăng…). Đau đầu do phong nhiệt (đầu đau, phát sốt, khát nước, mặt đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng). Đau đầu do huyết áp cao (gây chóng mặt, mặt nóng đỏ, miệng đắng, dễ giận dữ…). Đau đầu do đàm trọc (đau đầu một bên đầu, tinh thần không tỉnh táo, bụng đầy, ngực tức, lợm giọng, buồn nôn, ăn kém)… Nếu không phải là cơn đau đầu bệnh lý, tuỳ đặc tính từng cơn đau bệnh nhân có thể chọn cách giảm đau phù hợp như sau:
Nếu nhức ở một số vùng trên đầu, chỉ cần xoa đầu và thái dương để kích thích não tiết ra các chất làm giảm cơn đau. Đặc biệt có hiệu quả với cơn đau đầu do học, đọc quá nhiều.
Video đang HOT
Nếu vùng gáy bị co cứng, làm nặng đầu, nhất là với những người làm văn phòng, chỉ cử động cổ nhẹ nhàng từ cao xuống thấp, từ trái sang phải đã giảm được đau. Nhưng không nên quay một vòng tròn vì sẽ bị chóng mặt. Nếu đau đầu do căng thẳng, chỉ cần ngủ hoặc nghe nhạc nhẹ một lát là tỉnh táo, nhưng chớ nằm ì, bởi nằm nhiều sẽ bị nặng đầu.
Nếu mắt bị mỏi mệt, dùng ngón tay xoa, bấm nhẹ vào điểm giữa hai lông mày và xoáy ngón tay theo những vòng xoáy nhỏ sẽ rất hiệu quả. Hoặc đặt hai ngón tay ở góc ngoài đuôi mắt, vuốt lên phía trên, vừa xoa bóp, vừa xoáy đến điểm ngoài của đuôi lông mày rồi từ từ lên phía trên lông mày đến gần đường chân tóc. Tiếp tục đặt hai ngón tay trỏ lên thái dương thực hiện những vòng xoáy nhỏ thêm 5 – 10 phút sẽ giảm đau.
Bấm huyệt Thái dương chữa bệnh đau đầu.
Huyệt vị cần tác động để chữa đau đầu
Huyệt Bách hội: Giao điểm giữa 3 đường thẳng từ hai vành tai và sống mũi kéo thẳng lên đỉnh đầu, sờ vào có 1 khe lõm nhỏ.
Huyệt Thái dương: Sau điểm giữa đoạn nối đuôi lông mày và đuôi mắt. Huyệt Phong trì: Nằm ở chỗ hõm chân tóc sau gáy.
Huyệt Hợp cốc: Huyệt giữa khe ngón tay cái và ngón tay trỏ.
Huyệt Ấn đường: Giữa đường nối 2 đầu lông mày.
Trị đau đầu bằng xoa bóp, bấm huyệt
Xoa bóp, bấm huyệt rất hiệu quả khi trị chứng đau đầu không phải do nguyên nhân bệnh lý. Các động tác xoa, véo, day, ấn, miết, bóp, chặt, đấm, còn đặc biệt hiệu quả với người bị cảm mạo, nhức đầu. Bài xoa bóp bấm huyệt được thực hiện như sau:
Đầu tiên, dùng ngón tay cái, trỏ (hoặc đốt 2 ngón cái và đốt 3 ngón trỏ) kẹp và kéo da cuốn liên tiếp giữa các ngón tay. Phân – hợp vùng trán (véo dọc trán từ ấn đường (khoảng giữa đường nối hai lông mày) lên chân tóc rồi lần lượt véo sang hai bên từ huyệt Ấn đường tỏa ra như nan quạt giấy trên trán). Sau đó véo nhẹ lông mày từ huyệt Ấn đường ra hai bên 3 lần, tiếp tục véo tại huyệt Ấn đường từ 5 – 10 lần.
Thủ thuật phân – hợp, dùng 2 ngón tay cái miết phân (hai ngón tay miết ngược chiều nhau) và miết hợp (hai ngón tay cùng miết đến một điểm) nơi vùng trán. Nếu sờ thấy chỗ nào da dày, cứng và đau thì day đến khi hết cứng, hết đau. Rồi ấn day huyệt Thái dương hai bên, miết vòng trên tai ra phía sau gáy từ 5- 10 lần. Khi thao tác, bệnh nhân có thể ngồi hoặc nằm thoải mái.
Động tác day dùng gốc bàn tay, mô của ngón út, mô của ngón cái, hơi dùng sức ấn xuống da của người được xoa bóp và di chuyển theo vòng tay của người thực hiện. Tiếp đó sẽ dùng hai ngón tay cái miết từ huyệt Ấn đường tỏa ra hai bên thái dương, miết sát lông mày rồi miết dần lên hết trán. Tập trung miết huyệt Ấn đường (điểm giữa hai lông mày), miết từ huyệt Thái dương (điểm nối của đường kéo dài cuối lông mày và đuôi mắt dịch ra một thốn) vòng qua tai ra sau gáy làm từ 3- 5 lần.
Tiếp tục bóp cơ hoặc gân ở nơi bị đau, vừa bóp vừa hơi kéo thịt lên (nhưng không để cơ, gân trượt dưới tay vì sẽ bị đau). Rồi đặt một bàn tay úp vùng trán, một bàn tay úp vùng chẩm sau gáy vỗ nhẹ quanh đầu theo hai hướng ngược nhau 2-3 vòng. Sau đó bóp da đầu và giật nhẹ từng mảng tóc. Rồi dùng rìa bàn tay phía ngón út gõ từ trước lên trên và ra sau khắp đầu một lượt. Sau đó nắm tay lại và đấm nhẹ vào những chỗ bị đau.
Dùng đầu ngón tay cái ấn vào một số điểm huyệt rất có tác dụng trị đau đầu: Ấn huyệt Bách hội (ở đỉnh đầu, thẳng chóp hai vành tai lên). Dùng ngón tay cái vừa ấn vừa day theo chiều kim đồng hồ 10 lần.
Bóp nhẹ nhàng 2 cơ thang ở cổ và chỗ trũng hai bên gáy (huyệt Phong trì) từ 3-5 cái. Cuối cùng là bóp cơ sau gáy và hai bả vai từ 10-15 lần.
Sau đó, để bệnh nhân nằm nghỉ 30 phút, nếu bệnh nhân mệt nhiều thì chỉ cần làm vài thao tác cũng được. Sau khi xoa bóp, người bệnh sẽ thoải mái, dễ chịu, nếu có đau trở lại thì xoa bóp thêm.
Nếu thường xuyên đau đầu có thể do cơ thể nhạy cảm với thức ăn, đồ uống như cà phê, rượu… hoặc để cơ thể khát nước, mất nước cũng gây đau đầu, mỏi mệt. Do đó, nên ăn nhiều chất đạm thực vật, uống nhiều nước lọc, hoa quả để cân bằng cơ thể và bài tiết các độc tố ra ngoài. Không nên uống nước có ga vì sẽ làm tăng cơn đau đầu. Khi đau đầu, không xem tivi, để mắt được nghỉ ngơi, giảm căng thẳng. Cũng không nên dùng các loại nước hoa có mùi đậm, hoặc nhai kẹo cao su, hút thuốc lá…
Theo Thạc sĩ – Bác sĩ Trần Văn Thuấn (Bệnh viện Xanh Pôn-Hà Nội)
Giadinhnet