Trị bệnh “quái chiêu”: Đạp bệnh nhân!
Một người đàn ông nặng 85kg, dùng bàn chân đạp lên lưng, đầu, chân, tay của bệnh nhân để trị bệnh. Cách trị bệnh này theo “thầy” là do nằm chiêm bao được… bề trên chỉ bảo cho.
Một thao tác trị bệnh của thầy Hiệp (!)
Người bạn đưa cho tôi một danh thiếp với nội dung: “Ba Thạnh. Chuyên trị: Gai cột sống, thoái vị(*) đĩa đệm, thần kinh toạ, tai biến. ĐC: 800A, Tân Đông 2, Tân Lập, Tân Biên- TN. ĐT: 0127 455… (Thạnh)/ 0136 010… (Vân)”. Mặt sau danh thiếp có in sơ đồ chỉ dẫn đường vào địa điểm trị bệnh. Người bạn tôi còn rỉ tai: “Thầy trị bệnh bằng cách đạp lên bệnh nhân, nên nhiều người gọi bằng thầy Ba đạp…”. Tò mò, nhân dịp nghỉ lễ vừa qua, tôi đi cùng bạn đến tận nơi xem thử.
Khi chúng tôi đến nơi, thấy người đàn ông mặc quần soọt, ở trần trùng trục, đang lui cui sửa chiếc máy cưa. Tận mắt nhìn cái thân hình hộ pháp của ông ta, tôi… phát sợ, muốn thối lui nhưng đã lỡ “phóng lao” đành phải “theo lao”. Sửa máy xong, người đàn ông- tức thầy trị bệnh bảo tôi nằm lên chiếc chiếu cũ, trải trên nền xi măng trong căn chòi nhỏ.
Cạnh chỗ tôi nằm là một cái lò lửa đang cháy phừng phừng. Trên miệng lò, có một cái mâm bánh xe máy cày đặt úp để nướng trên lửa. Giữa nơi tôi nằm và lò lửa là một cái thau đựng thuốc rượu. Chẳng hỏi han xem tôi bệnh gì, bao lâu, tình trạng hiện giờ ra sao, chỉ chờ cho tôi vừa nằm xuống, thầy liền nhúng bàn chân của mình vào thau thuốc rượu, rồi đặt chân lên mâm máy cày cho nóng (tôi nghe tiếng “xèo”).
Ngay sau đó, thầy đạp bàn chân nóng hổi của thầy lên lưng tôi, ấn mạnh rồi chà tới, chà lui. Cứ thế, sau tiếng “xèo” là bàn chân nóng bỏng với sức nặng chình chịch đè lên lưng tôi. Thỉnh thoảng, thầy nắm cả hai tay vào mái chòi rồi đứng cả hai chân lên người tôi. Những lúc ấy, tôi cảm thấy muốn… nghẹt thở, tim, gan, phèo, phổi như muốn nổ tung.
Đạp trên lưng xong, thầy tiếp tục đạp hai bên vai tôi. Kế tiếp, thầy bảo tôi nằm ngửa ra, tiếp tục đạp lên hai tay, chân, rồi đến hai bên thái dương của tôi. Chưa hết, thầy kêu tôi ngồi dậy, chịu hai chân vào gốc cột trước mặt, để thầy… đạp tiếp, dọc theo sống lưng lên đỉnh đầu.
Sau gần 20 phút bị ông thầy chà, đạp đã đời, tôi mới được nghỉ giải lao. Thầyphán: “Nghỉ khoảng một tiếng rồi tiếp tục… làm lại lần nữa. Lần này bảo đảm về tới nhà còn nghe nóng”. Trong lúc uống trà, nghỉ mệt, tôi tranh thủ hỏi chuyện.Thầy kể: “Tôi tên Hiệp, 38 tuổi, nặng 85kg, là em thứ mười của anh Ba Thạnh- người đứng tên trong danh thiếp.
Hôm nay, anh Thạnh đi chơi lễ, không có ở nhà”. Hỏi về cách thức trị bệnh lạ lùng này, thầy Hiệp lại kể: “10 năm trước, một lần nằm chiêm bao, anh Thạnh thấy đức mẹ hiện về chỉ dạy cho cách trị bệnh này. Thế là từ đó, hai anh em rủ nhau cùng làm nghề”.
Hỏi về thành phần thuốc rượu trong thau, thầy Hiệp không chịu tiết lộ, chỉ nói: “Trong đó có nhiều hạt củ chi, nên thuốc rượu này độc như thuốc trừ sâu. Chỉ được dùng để thoa lên người thôi chứ uống vô là chết. Tôi ngâm chân thường xuyên trong thuốc này, không biết vài năm nữa có bị cụt chân hay không. Nếu… có gì chắc phải tháo khớp tới đầu gối quá”.
Loại thuốc mà ông “thầy đạp” bán cho bệnh nhân.
Video đang HOT
Thầy Hiệp chỉ cho tôi xem cơ ngơi của gia đình ông Ba Thạnh. Đến lúc này, tôi mới có dịp quan sát. Có thể nói, cảnh vật nơi đây trông như một bệnh viện y học cổ truyền dân tộc. Cạnh nhà ông Ba Thạnh là một căn phòng xây tường, lợp tôn chắc chắn. Trong phòng, để sẵn một số giường để dành cho bệnh nhân lưu trú qua đêm. Tôi nhìn thấy có hai ông bà nọ đang nằm trong phòng.
Hỏi thăm, người đàn bà cho biết, bà ở Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), có bệnh đau cột sống, mấy tháng trước đã đến đây điều trị một lần, hôm qua lại đến để trị lần nữa. Bà ở lại một ngày sau mới về. Không rõ qua điều trị, bà có thuyên giảm bệnh hay không, tôi chỉ thấy sức khoẻ của bà có vẻ yếu ớt.
Trong sân vườn nhà ông thầy đạp, còn có hàng chục chiếc võng mắc sẵn trên cây. “Mấy cái võng này để dành cho bệnh nhân nằm nghỉ mệt giữa hai lần điều trị”- thầy Hiệp giải thích.
Thấy tôi tỏ ra hoài nghi về số lượng bệnh nhân đến đây điều trị, thầy Hiệp khoe: “Mấy năm trước, có lúc khách đến cùng một lượt mấy chục người, xe hơi đậu dài từ đây ra tới ngã ba đằng kia. Lúc đó, có tới 5 người như tôi thay phiên nhau… đạp mà còn không kịp”.
Qua chuyện trò, người đàn ông này cũng tiết lộ rằng hai anh em hành nghề trị bệnh nhiều năm như vậy nhưng chưa từng học qua trường lớp đông y nào và cũng không có giấy phép hành nghề. “Trị bệnh kiểu này, trường lớp nào biết đâu mà dạy?”- thầy Hiệp nói như phân bua và đưa bàn chân cho tôi xem. Sờ thử, tôi thấy lớp da dưới bàn chân của thầy dày cộp, có nứt nẻ một vài chỗ.
Sau một giờ nghỉ ngơi, thầy Hiệp bảo tôi tiếp tục nằm xuống chiếc chiếu và lặp lại “quy trình chà đạp” như lúc nãy, chỉ có khác là lần này, thầy tăng độ nóng lên lưng tôi nhiều hơn. Cách làm là thầy đặt chân mình lên chiếc mâm lửa lâu hơn rồi để trên lưng tôi lâu hơn. Quả đúng như lời thầy báo trước, sau khi điều trị lần hai xong, cả tiếng đồng hồ sau, tôi còn nghe lưng mình nóng rát.
Trước khi tôi ra về, thầy Hiệp đưa cho tôi 10 bịch thuốc bột, trên nhãn mác có ghi: Thuốc gia truyền- Y học dân tộc- VIÊM THẤP KHỚP cùng với một số thông tin về công dụng, cách dùng (ảnh) nhưng tuyệt nhiên không thấy ghi địa chỉ sản xuất, thời hạn sử dụng. Ngoài ra, thầy Hiệp còn đưa tôi một bịch thuốc viên loại lớn và 5 bịch thuốc viên loại nhỏ, mỗi bịch 50 viên.
Cả hai loại thuốc này đều có màu trắng bạc như nhau và đều không có nhãn mác gì. Cuối cùng, thầy thu- cả tiền chữa bệnh, tiền bán thuốc cho tôi tổng cộng 230.000 đồng.
Sau khi được ông thầy… vừa đạp vừa chà, đã một tuần trôi qua mà toàn thân tôi vẫn còn ê ẩm. Lo nhất là xương sống của tôi trở nên cứng đơ và có hiện tượng đau nhức một cách bất thường. Lúc này, tôi mới thấy giật mình hối hận vì đã dại dột đem thân mình đi… thử lửa!
Một kiểu trị bệnh không có căn cứ khoa học như thế không biết vì sao cứ ung dung tồn tại suốt 10 năm qua, trong khi địa điểm hoạt động nằm rất gần trụ sở UBND xã Tân Lập?
Theo báo Tây Ninh
10 động tác phòng, trị viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp là một bệnh viêm khớp mạn tính, chưa rõ nguyên nhân, gặp chủ yếu ở nam giới trẻ tuổi, gây tổn thương các khớp ở gốc chi và cột sống. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng dẫn đến dính khớp, biến dạng và tàn phế.
Sau đây xin giới thiệu 10 động tác tập luyện hỗ trợ phòng và trị bệnh.
Gập gối nâng lưng hông lên cao (hình 1):
Bệnh nhân nằm ngửa thoải mái trên sàn cứng, đầu, hông, chân tạo thành một đường thẳng, hai tay buông thẳng áp sát thân. Co gối đưa gót chân sát mông, nhẹ nhàng nâng lưng mông lên cao, càng cao càng tốt, giữ 15 - 20 giây rồi từ từ hạ xuống, làm 10 - 15 lần. Động tác có tác dụng giãn cơ vùng thắt lưng hông, đùi giúp giảm đau, giảm co rút vùng hông lưng.
Hình 1.
Hai tay ôm gối chạm cằm (hình 2):
Bệnh nhân nằm ngửa, hai tay ôm gối, co người kéo gối về phía bụng đồng thời đưa cằm chạm vào đầu gối và giữ 1 - 2 giây, từ từ trở về tư thế ban đầu, làm 10 - 15 lần. Làm giãn toàn bộ cơ lưng, cơ hông và cơ cạnh sống và các dây chằng, tăng cường lưu thông máu dinh dưỡng nuôi tổ chức liên quan tạo lại sự linh hoạt, mềm dẻo cho cột sống và các khớp.
Hình 2.
Gối gập nghiêng chậu hông qua trái - phải:
Vẫn tư thế trên, đầu, thân cố định trên mặt sàn, từ từ nghiêng chậu hông cho đầu gối sát mặt sàn, giữ 20 - 30 giây, trở về vị trí ban đầu, làm qua trái qua phải, mỗi bên 10 - 15 lần. Tác động đến toàn bộ hệ thống cơ lưng, cơ cạnh sống, dây chằng và vặn nhẹ cột sống làm cột sống mềm mại, linh hoạt hơn.
Gối khuỷu đối diện chạm nhau (hình 3):
Bệnh nhân nằm ngửa, hai tay đan vào nhau để sau gáy, chân duỗi thẳng, lần lượt co đầu gối nọ chạm vào khuỷu tay bên kia, chân, tay còn lại vẫn ép xuống sàn, mỗi bên 20 lần. Bài tập tác động chủ yếu vào khớp vai và khớp háng, giúp hai khớp này hoạt động tốt hơn, tăng tiết dịch ổ khớp, có vai trò quan trọng phòng viêm dính ổ khớp.
Hai chân duỗi thẳng, hai tay ra trước qua trái - phải:
Bệnh nhân ngồi thả lỏng người, thân và đùi tạo thành góc 90o, mũi bàn chân duỗi thẳng, cố định phần hông chân, cúi người về phía trước, mũi bàn tay hướng về mũi chân. Khi không tiến được nữa giữ 15 - 20 giây, từ từ trở về tư thế ban đầu. Vẫn tư thế trên lần lượt đưa tay qua trái qua phải, mỗi động tác 5 - 10 lần. Động tác làm giãn toàn bộ hệ thống cơ lưng, cơ vai, cơ hông đùi và bắp chân, có vai trò rất quan trọng trong phòng trị biến chứng của viêm cột sống dính khớp dẫn tới co rút cơ chân, cơ tay, cơ toàn thân cũng như cốt hóa các sụn ổ khớp.
Ngồi trên gót chân bò ra phía trước:
Bệnh nhân thả lỏng người ngồi trên gót chân, mũi bàn chân duỗi thẳng, từ từ đưa tay và thân về phía trước, bò sát mặt sàn tới mức độ chịu được, giữ 20 - 30 giây rồi trở về tư thế ban đầu, làm 10 - 15 lần. Bài tập có tác dụng kéo giãn cơ lưng, vai, cánh tay, giảm co cứng cơ vùng lưng vai, cánh tay.
Gập duỗi cột sống:
Bệnh nhân đứng thẳng người, hai chân đứng bằng vai, tay giơ cao, giữ gối thẳng, từ từ gập người xuống sao cho ngón tay trỏ chạm đầu ngón chân cái, giữ 10 - 20 giây, làm 10 - 15 lần. Động tác làm giãn cơ, tăng cường lưu thông máu, giúp cột sống mềm dẻo, giảm tình trạng co cứng viêm dính, cốt hóa sụn khớp và khe liên kết cột sống.
Nghiêng cột sống: Bệnh nhân đứng hai chân bằng vai, hai tay ngang bằng vai, đưa tay trái lên cao, tay phải chống hông, nhẹ nhàng nghiêng cột sống sang phải đạt mức tối đa, giữ tư thế 10 - 15 giây rồi đổi bên kia với động tác tương tự, mỗi bên làm 10 - 15 lần. Động tác tạo sự linh hoạt, mềm mại, phòng cốt hóa các khe liên kết đốt sống.
Xoay cột sống (hình 4):
Bệnh nhân đứng hai chân bằng vai, tay giơ phía trước ngang bằng vai, từ từ xoay cột sống 180o sang trái, giữ tư thế 5 - 10 giây, rồi đổi bên sang phải. Mỗi bên làm 10 - 15 lần. Bài tập giúp lập lại hoạt động sinh lý của cột sống cũng như hạn chế và phòng co cứng cơ cạnh sống và cốt hóa khe liên kết đốt sống.
Hình 4.
Ép ngực vào tường:
Bệnh nhân đứng thẳng, thả lỏng người, mặt hơi ngửa úp vào tường, từ từ ép sát lồng ngực vào tường, giữ 1 - 2 phút. Động tác có vai trò kích thích giãn nhóm cơ cạnh sống và hệ thống dây chằng, tăng cường hoạt động của đốt sống và đĩa đệm giúp cột sống mềm dẻo linh hoạt, giảm sự gù vẹo cột sống.
Theo Giadinh.net
Thuốc hay từ quả mơ Quả mơ có tác dụng cân bằng sự thẩm thấu giữa tế bào và máu, kích thích ăn ngon. Mơ còn có tên mai. Mơ xanh gọi là thanh mai, khi ngâm rượu gọi là thanh mai tửu. Mơ muối gọi là diêm mai hay bạch mai. Ô mai là mơ có màu đen. Diêm mai, bạch mai miền Nam quen với tên...