Treo tổ ong Dú trong vườn chôm chôm vắt ra thứ mật đắt tiền
Những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) đã phát triển nghề nuôi ong Dú cho nguồn thu nhập khá ổn định.
Gia đình anh Trần Văn Thức (Thôn 3, xã Đức Phổ) là một trong những nông hộ đã thành công với nghề nuôi ong này.
Bốn năm trở lại đây, gia đình anh Thức được biết đến là một trong những địa chỉ tin cậy chuyên bán mật ong Dú nguyên chất với chất lượng mật thơm ngon. Gắn bó với nghề nuôi ong Dú 15 năm nay, nhưng anh Thức chỉ mới phát triển nuôi ong theo hướng kinh doanh 4 năm qua vì nhận thấy thị trường tiêu thụ mật ong rất tiềm năng.
Anh Thức kiểm tra một tổ ong Dú.
Video đang HOT
Nhiều người có nhu cầu tìm mua mật ong có chất lượng tốt để sử dụng cho việc chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Nắm bắt được nhu cầu này, anh Thức đã quyết định nuôi ong Dú trong vườn chôm chôm để lấy mật.
Đặc tính của loài ong Dú là không ăn đường mà chỉ hút nhụy hoa nên mật là tự nhiên và nguyên chất. Việc nuôi ong Dú trong vườn chôm chôm cũng đảm bảo cung cấp cho đàn ong có nguồn hoa để lấy mật và cũng vì vậy mà chôm chôm trong vườn của gia đình anh khi thu hoạch luôn đảm bảo sạch và an toàn cho người sử dụng vì không phun xịt bất cứ loại thuốc gì.
Hiện nay, anh Thức có 130 tổ ong Dú; trong đó, có 70 tổ ong đã cho thu hoạch. Mỗi năm, anh thu được hơn 60 lít mật ong với giá bán 700 ngàn đồng/ lít.
Anh Thức cho biết: “Một tổ ong sau khi được tách và nhân đàn mới thì hai năm sau sẽ cho thu hoạch đợt mật đầu tiên. Mỗi năm thu mật một lần vào khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm”.
Ông Trần Quang Trừng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên cho biết: “Toàn huyện Cát Tiên hiện có trên 10 hộ nuôi ong Dú để lấy mật. Nhằm hỗ trợ các hộ nuôi ong có thị trường tiêu thụ ổn định, với phương châm đặt uy tín, chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, Phòng đang tiến hành hướng dẫn các hộ thành lập Câu lạc bộ nuôi ong Dú…”.
Theo ông Trừng, việc ra đời câu lạc bộ nuôi ong Dú làm cơ sở để các hộ tiến hành đăng ký nhãn hiệu. Tạo ra sản phẩm mật ong Dú có xuất xứ từ Cát Tiên là một trong những hướng phát triển của sản phẩm nông nghiệp mang tính hàng hóa của huyện theo chương trình OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) dựa trên lợi thế của địa phương.
Ong Dú (tên tiếng Anh là Stingless bee), còn gọi là ong Rú, ong Lỗ và một số tên gọi khác theo địa phương là ong lấy mật. Đây là loại ong hiếm có trong tự nhiên và rất khó nuôi. So với các loại ong mật khác như ong Ruồi, ong Khoái…, ong Dú có kích cỡ nhỏ hơn. Ong Dú có tính hiền, ít chích đốt và không gây nguy hiểm cho người.
Theo Ngân Hậu (Báo Lâm Đồng)
Lũ quét nhấn chìm hoa màu, nhà cửa tại Cát Tiên (Lâm Đồng)
Lũ quét cục bộ đã làm mất trắng hơn 140ha lúa và ngập lụt 70 căn nhà tại huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.
Chiều 7/8, ông Bùi Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng cho biết, trận mưa lớn kéo dài từ chiều 6/8 đến trưa 7/8 đã gây lũ quét cục bộ tại xã Tiên Hoàng, làm cả trăm héc ta hoa màu và hàng chục căn nhà bị ngập lụt.
Nhà người dân ở xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng bị nước lũ cô lập.
Theo thống kê của ngành chức năng huyện Cát Tiên, tại địa bàn xã Tiên Hoàng có hơn 140ha lúa mới gieo sạ 20 ngày của các hộ dân bị lũ cuốn trôi, 70 ngôi nhà bị ngập. Nhiều hộ dân các thôn 3, 4, 5... bị nước bủa vây. Nước dâng cao khiến trụ sở UBND xã Tiên Hoàng, các trường học cũng bị ngập sâu.
Ngay khi xảy ra mưa lớn, UBND huyện Cát Tiên đã huy động lực lượng chức năng tham gia hỗ trợ, di dời các hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt. Ông Bùi Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết, trận lũ không gây thiệt hại về người. Các loại gia cầm, gia súc của nhân dân không bị ảnh hưởng./.
Theo Tuấn Anh/VOV-Tây Nguyên
Lâm Đồng: 9 huyện có dịch tả lợn châu Phi, mất 16.361 con lợn Tính đến ngày 25/7, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 9 huyện, thành phố và có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Địa phương đã tiến hành tiêu hủy 16.361 con, trọng lượng 1.438.022 kg Chỉ 1 tháng sau khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên tại thôn An Bình, xã Liên Hiệp...