Treo máy
Trong giờ thi tin học tại một trường trung học phổ thông, thầy giám thị bắt gặp một học sinh đang giở “phao”.
Ảnh minh họa
- Em đang làm gì thế?
Bị bắt quả tang, cậu học sinh lắp bắp:
Video đang HOT
- Dạ… thưa thầy, em đang… truy cập thông tin ạ.
Tịch thu tập tài liệu, thầy giám thị vừa lập biên bản vừa nói:
- Thế thì tiếc thật! Tội nghiệp cho em, mạng bị nghẽn mạch rồi và máy của em bị treo.
Theo Datviet
Vẫn phải dùng phần mềm dạy Tin học có "đường lưỡi bò" đến năm 2014?
Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết sau khi phát hiện phần mềm Earth Explorer có "đường lưỡi bò" đã chỉ đạo các trường không dạy bài này, và sách tái bản năm nay cũng đã có nội dung khác. Nhưng ông Bùi Việt Hà, Giám đốc Công ty Schoolnet khẳng định phải năm 2014 mới có thể triển khai giảng dạy theo nội dung mới.
Phần mềm Earth Explorer là sản phẩm của 1 công ty Trung Quốc nên hiển thị "đường lưỡi bò" khi phân chia đường biên giới, ảnh hưởng tới chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm tới vụ việc sách giáo khoa "Tin học dành cho trung học cơ sở quyển 2" hướng dẫn sử dụng phần mềm Earth Explorer để học môn địa lý lớp 7 trong khi phần mềm này hiển thị "đường lưỡi bò" làm sai lệch chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Trao đổi với ICTnews trưa 25/12/2013, ông Bùi Việt Hà, Giám đốc Công ty Công nghệ Tin học Nhà trường (Schoolnet), một thành viên của nhóm tác giả viết sách giáo khoa Tin học dành cho Trung học cơ sở thẳng thắn chia sẻ: "Năm 2006, nhóm tác giả đã đưa phần mềm Earth Explorer sử dụng kèm bộ sách, lúc đó không biết phần mềm này hiển thị "đường lưỡi bò". Khoảng giữa năm 2012, sau khi có người phát hiện ra việc xuất hiện "đường lưỡi bò" trong phần mềm, cả nhóm giật mình thấy đó là sai lầm lớn nên đã gửi thư lên Bộ Giáo dục & Đào tạo đề nghị thay nội dung này. Như vậy, Bộ biết việc này từ năm 2012 và đã họp bàn với nhóm tác giả để thay nội dung sách giáo khoa. Đến tháng 1/2013, chúng tôi được giao chính thức viết lại phần nội dung này trong sách giáo khoa với đề xuất ban đầu là thay bằng phần mềm khác. Đến tháng 8/2013 thì viết xong và phải sang năm 2014 mới triển khai giảng dạy tại các trường theo nội dung sách mới".
Lý giải về việc tại sao lựa chọn Earth Explorer, ông Bùi Việt Hà cho biết: "Việc tư vấn cho các trường tìm và chọn được phần mềm hỗ trợ dạy và học khá khó bởi trên thị trường mới xuất hiện những công cụ hỗ trợ soạn bài giảng chứ chưa có những phần mềm hỗ trợ trực tiếp cho từng môn học cụ thể như phần mềm hỗ trợ học Toán, Sinh, Hóa, Vật lý... Những phần mềm hỗ trợ xem bản đồ địa lý, tài nguyên biển của Việt Nam dành cho học sinh thì hoàn toàn chưa có. Trên thế giới có rất nhiều sản phẩm, phần mềm có thể tư vấn cho các trường sử dụng để hỗ trợ dạy và học, song lại thường được bán với giá cao. Bản thân các chuyên gia cũng khó tìm ra những phần mềm miễn phí đáp ứng yêu cầu".
Nhân câu chuyện này, ông Bùi Việt Hà bày tỏ sự trăn trở trước hiện trạng "có rất ít phần mềm cho giáo dục do người Việt Nam làm. Nguyên do không phải vì công nghệ mà do làm phần mềm rất khó bán khi nạn sao chép phần mềm vi phạm bản quyền phần mềm vẫn phổ biến và ngành giáo dục Việt Nam còn nghèo. Hiện tại số các công ty làm phần mềm giáo dục ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay đang sống ở trạng thái khó khăn, không có nguồn vốn để tái đầu tư. Bản thân Schoolnet rất vất vả nghiên cứu, phát triển sản phẩm nhưng giờ cũng chỉ mới mô phỏng được một số phần mềm dành cho cấp Tiểu học, còn cấp học cao hơn thì chưa thể làm được".
Sáng 24/12/2013, Bộ Giáo dục & Đào tạo có văn bản khẳng định sau khi phát hiện có "đường lưỡi bò" trong phần mềm Earth Explorer, Bộ đã chỉ đạo các trường không dạy học bài này nếu vẫn sử dụng sách cũ. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chỉnh sửa và sách "Tin học dành cho trung học cơ sở quyển 2" tái bản năm 2013 không còn bài "Học địa lý thế giới với phần mềm Earth Explorer".
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu ngay sau khi phát hiện hiện tượng "đường lưỡi bò", Bộ Giáo dục & Đào tạo công khai thông báo, khuyến cáo các trường tuyệt đối không sử dụng phần mềm Earth Explorer thì đã không có vụ việc gây xôn xao dư luận những ngày gần đây.
Ngoài ra, dư luận cũng đang băn khoăn Bộ Giáo dục & Đào tạo nhiều năm qua được xem như Bộ đi tiên phong và hàng đầu trong khối các Bộ, ngành về ứng dụng CNTT-TT, thế nhưng đến nay vẫn không có bộ phận chuyên trách kiểm định và tư vấn sử dụng các sản phẩm phần mềm hỗ trợ giảng dạy. Bộ vẫn đang duy trì định hướng khuyến khích các trường chủ động tìm hiểu và đưa phần mềm vào ứng dụng theo điều kiện và tình hình thực tế. Nhiều ý kiến lo ngại khó có thể đảm bảo các trường đều có khả năng chọn được những phần mềm "sạch", không dính các lỗi tương tự như vụ "đường lưỡi bò" vừa được báo giới đưa ra.
Theo ICTnews
Phần mềm đường lưỡi bò: Bộ Giáo dục đùn đẩy trách nhiệm Trước sự việc trên địa bàn TP.HCM, một số trường THCS đang sử dụng phần mềm tin học có hình ảnh đường lưỡi bò, đại diện Bộ GD-ĐT đã lên tiếng đùn đẩy trách nhiệm. Vụ đẩy cho Cục, trách nhiệm thuộc ai? Liên hệ với ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT để hỏi về...