Trên nóc nhà Y Tý – Kỳ 3: Đi trên đại dương mây
Sao khi chinh phục đỉnh Lảo Thẩn (Y Tý, Bát Xát, Lào Cai), chúng tôi về nghỉ đêm trong hang đá nhỏ vốn là nơi ăn nghỉ của vợ chồng em trai A Hờ trong những lúc đi làm nương trên núi.
Hang đá tuy nhỏ mà ấm cúng với củi lửa cùng mâm cơm thịnh soạn và chúng tôi thì ngồi quây quần bên nhau. Dù mệt nhưng không ai nỡ từ chối bát rượu thân tình mà A Hờ mời mọi người. Các bạn người Mông không ép uống, chỉ nhấp môi là đủ để bữa cơm rộn vang tiếng cười nói. Ai cũng cố nạp năng lượng sau ngày dài vật lộn với gió núi
Các thành viên đoàn vì đi trong gió nhiều nên có người bị cúm, nhức đầu khó chịu. A Hờ liền trổ tài chữa bệnh hết sức hiệu nghiệm. Màn “giật tóc” và ” cắn trán” thành tiếng như bẻ khớp xương ngón tay khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Ngoài hang đá, gió vẫn gào thét không ngừng
Sáng hôm sau, phải đến 6 giờ cả đoàn mới lồm cồm bò dậy. Không ăn sáng, chúng tôi quyết định lên ngắm bình minh phía bên kia núi
Đúng 7 giờ chúng tôi mới lên đỉnh, khi mặt trời đã tỏ rõ trên cao
Dãy núi Nhìu Cồ San vươn mình mạnh mẽ trên những sóng mây được dát vàng, nổi bật trên nền trời xanh vẫn còn trăng non
Khảo sát vùng đất trên đỉnh, chúng tôi phát hiện ra những tấm đá có khắc ghi dấu tích khám phá. Một trong số chúng có ghi năm 1994
Video đang HOT
Nhưng điều đặc biệt hơn là khi tôi thấy những dấu chân, cả cũ lẫn mới khá to như dấu chân trâu bò vậy. A Hờ giải thích với tôi rằng không thể có việc trâu bò lên đây được, bởi lẽ nơi đây rất dốc, lại nhiều gió và không hề có thức ăn phù hợp với chúng. A Hờ cũng kể về việc những người đi rừng lão luyện nói rằng bắt gặp loài vật lạ, to lớn với 2 sừng. Con vật rất khỏe, đến nỗi cách đây 3 năm có thợ săn bắn súng kíp (một loại súng tự chế của người Mông) mà nó không hề hấn gì khiến chúng tôi ớn lạnh
Rời đỉnh núi khi tất cả đang ngập trong ánh nắng chói chang, chúng tôi về điểm nghỉ, nhanh chóng dọn đồ xuống núi ngay. Từ đây bữa tiệc với mây mới bắt đầu
Nắng làm trời trong hơn và mây dâng lên khiến chúng tôi tiếp cận gần hơn với sóng mây. Chúng tôi vô cùng thích thú giữa đại dương trập trùng sóng mây và lẩn khuất phía xa là những dãy núi nhấp nhô giữa đại ngàn
Đôi khi những đợt sóng mây được gió lùa bay cao, khung cảnh trước mặt bỗng trắng xóa, cảm giác mát lạnh và rồi lại tan biến đi vào hư không
Bờ vực hướng thung lũng Dền Sáng với vô vàn phiến đá nhô cao tạo thành những điểm nghỉ ngơi lý tưởng cho đoàn chúng tôi. Nơi đây thật chả khác gì một bờ biển hoang sơ tuyệt đẹp với sóng mây cùng bầu trời trong xanh, không khí mát lành
Trong giây phút ngẫu hứng, những người bạn tôi còn thể hiện những màn nhào lộn độc đáo
Vui chơi mãi nhưng rồi cũng đến lúc phải rời nơi đây về chân núi. Những con đường trên sóng mây, rồi đâm xuyên mây mù, khu rừng huyền bí và đồng cỏ bao la thanh mát khiến những đôi chân không hề biết mỏi mệt
Dù đã đi nhiều núi, chứng kiến không ít những khung cảnh tuyệt đẹp nhưng những gì trải nghiệm được trong hành trình này quả thực ấn tượng, khó quên với mỗi thành viên trong đoàn. Chia tay A Lử và A Hờ trong những cái bắt tay thân tình và hứa nhất định chúng tôi còn quay lại vùng đất Y Tý mây trời lộng gió này
Hành trình leo núi tuyệt vời của chúng tôi không thiếu niềm vui và tình đồng đội
Theo iHay
Trên nóc nhà Y Tý - Kỳ 2: Hát quốc ca trong gió đại ngàn
Lảo Thẩn là đỉnh núi cao nhất, sừng sững vươn lên trên vùng đất nổi tiếng mây mù quanh năm là xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Người Mông còn gọi đỉnh núi này là Hâu Pông San.
Băng qua những khu đồi cháy, chúng tôi đã đến điểm nghỉ là một hang đá với lán trại nhỏ của người đi rừng
Rừng nơi đây cạn kiệt với những thân cây gỗ cháy nham nhở, những khóm cây xơ xác. A Hờ cho biết thêm, chỉ có phía bên Trịnh Tường là còn rừng nguyên sinh và thú hoang
Khung cảnh nơi đây hoang tàn với nhiều thân cây khô, cháy trơ trụi và nằm đổ ngổn ngang
Tuy thế ở một góc rừng, đoàn khá thích thú khi phát hiện ra những cây hoa đỗ quyên đỏ nở sắc thắm, rực rỡ trong nắng chiều
Bây giờ mới chỉ là 4 giờ chiều, chúng tôi quyết định để lại đồ tại hang đá và lên đỉnh ngắm hoàng hôn. Đường từ đây mới thực sự dốc và gió núi thì dường như gào thét quanh năm, đúng như những gì mà A Hờ đã cảnh báo chúng tôi
Nơi đây là lãnh địa của các loại cây bụi và trúc lùn, những loài chỉ cao dưới 1 m vốn tiến hóa để thích nghi với khí hậu lạnh, ít nước và đặc biệt là nhiều gió. Cây bụi không phải là trở ngại với chúng tôi, mà lẩn khuất trong đó là loại cây gai đáng sợ có tên là già từ. Với thân thẳng đứng, không cành và to chỉ bằng cây ngô nhưng chi chít gai sắc nhọn, già từ có thể để đâm xuyên cả găng tay nếu như bạn lơ đễnh
Trông cây lạ thế nhưng phần ngọn lại được những người Mông chế biến thành món ăn ngon tuyệt mà bữa tối chúng tôi được thưởng thức
Đỉnh Lảo Thẩn tưởng ngay trước mắt mà xa tít tắp và phải mất tới 1,5 giờ leo dốc, vật lộn với gió thì chúng tôi mới lên được đỉnh. Đúng như những gì tôi dự đoán, đây là một trong những ngọn núi cao hiếm hoi có đỉnh bằng phẳng, quang đãng với góc nhìn gần như toàn cảnh khu vực xung quanh
Chúng tôi có thể dễ dàng nhìn thấy dãy núi Bạch Mộc Lương Tử đằng xa và gần hơn là cụm núi Nhìu Cồ San hùng vĩ với đỉnh sừng trời vươn lên ngạo nghễ trong nắng chiều. A Hờ còn chỉ thay khoe với tôi những thân cây gỗ pơ mu cổ thụ nổi bật trên sống lưng núi. "Thú hoang bao gồm cả khỉ, lợn, gà có rất nhiều trong khu rừng cây đó", A Hờ nói thêm.
Tôi giục Đức mở máy GPS kiểm tra. Cao độ đo được là 2.826 m - tương ứng với những thông số hiển thị trên bản đồ địa hình mà tôi xem trước đó
Đã khá muộn nhưng mặt trời vẫn chưa xuống núi mà chiếu thứ ánh sáng vàng vọt mà ấm ấp xoa dịu phần nào cái giá rét từ những cơn gió gào thét không ngừng. Càng về tối, sương mây mờ ảo khiến đường chân trời hiện rõ hơn bao giờ hết khiến tôi cứ ngỡ là với tay có thể tóm, sờ, nắm lấy được sợi dây trời đó. Bóng của núi, hình chóp nhọn hoắt thì hiện rõ trên màn sương đó. Hào hứng với khung cảnh hùng vĩ, chúng tôi giăng lá cờ Tổ quốc và xếp hàng chụp hình lưu niệm. Đoàn còn tự hào hát vang quốc ca. Tiếng chúng tôi vang vọng trong gió đại ngàn, hòa quyện cùng núi non, mây trời
Gió vẫn thổi không ngừng. Dù đã mặc thêm áo ấm nhưng ai cũng cảm thấy khó chịu, bủn rủn chân tay khi dừng quá lâu trên đỉnh. Chúng tôi quyết định rời xuống về điểm nghỉ ngay khi mặt trời chưa khuất dạng. Đường xuống tất nhiên là nhanh hơn lên, khó khăn chỉ đến từ gió cùng những thân cây gai sắc lẹm
Dường như trên núi cao này, ngày kéo dài hơn nhiều khi mặt trời lâu chịu khuất dần sau đường chân trời thật xa mà cũng thật gần. Trên đường đi ngược chiều nắng, chúng tôi được ngắm khung cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp
Về tới điểm nghỉ cũng là lúc mặt trời khuất hẳn, ánh chiều hoàng hôn rực rỡ nơi cuối chân trời. Chúng tôi bắt tay vào công việc ngay, nhóm bếp núc, nhóm củi lửa và nhóm dựng trại. Hang đá nhỏ cũng kiêm luôn bếp củi vốn là nơi ăn nghỉ của cặp vợ chồng người Mông, em trai A Hờ trong những lúc đi làm nương trên núi. Họ lên đây trồng một thứ rau rừng có cái tên là sinh khung, nghe nói nó được thu mua nhiều làm vị thuốc
Khác với những điểm nghỉ trên núi mà chúng tôi đã trải qua thì nơi này cách khá xa nguồn nước. Thế nên sẽ thật là vất vả cho những ai có ý định tự chinh phục Lảo Thẩn mà không thuê porter dẫn đường và phụ đồ
Theo iHay
Trên nóc nhà Y Tý - Kỳ 1: Lảo Thẩn kỳ ảo Lảo Thẩn là một đỉnh núi nhọn hoắt, vươn mình sừng sững ở vùng đất nhiều mây trời là xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ngoài ra, có người còn gọi đỉnh núi này là Nhìu Cồ San bố (phân biệt với đỉnh Nhìu Cồ San mẹ ở hướng đối diện) hay người Mông gọi nó là Hâu Pông San....