Trên cung đường sắt nguy hiểm bậc nhất Đông Dương
Được mệnh danh là “ cung đường nguy hiểm bậc nhất Đông Dương”, tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân (tiếp giáp giữa Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng) với nhiều đồi dốc quanh co, một bên là núi cao, bên kia là vách đá cheo leo, dựng đứng nằm sát rìa biển Đông.
Hơn 21 km đường đèo nằm len lỏi giữa lòng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” từng là nỗi ám ảnh của những chuyến tàu trên đường thiên lý Bắc – Nam.
Được xây dựng từ thời Pháp thuộc nên tuyến đường sắt này mang nhiều nét kiến trúc độc đáo của phương Tây. Nổi bật nhất là những cây cầu mái vòm bắc qua những vực sâu đã có hàng trăm năm tuổi. Trải qua bao “biến thiên dâu bể”, chúng vẫn vững chãi, đứng sừng sững giữa ngọn Hải Vân quan.
Những chiếc cầu vòng theo lối kiến trúc phương Tây bắc qua những đoạn đường hiểm trở, vực sâu.
Từ ga Kim Liên, đoàn chúng tôi thực hiện một hành trình “cuốc bộ” trên những đoạn đường lởm chởm đá sắc nhọn để khám phá tuyến đường sắt nổi tiếng này. Dù nằm cách biệt với thành phố nhưng cuộc sống của những con người nhỏ bé trên cung đường này vẫn bình yên trôi qua theo những chuyến tàu.
Gần ba mươi năm nay, ngày hai ca sáng – tối, anh Nguyễn Văn Quý (đội tuần đường Nam Hải Vân) lại sắp xếp lại túi “đồ nghề” bắt đầu hành trình “tự đếm bước chân mình”. Đôi chân nhỏ bước thoăn thoắt, điệu nghệ trên thanh ray nhỏ chưa đến 15 cm. Để không bị ngã, anh phải mang theo cây gậy để chống. Lâu lâu, anh dừng lại để kiểm tra, chỉnh sửa lại từng con ốc, vặn chặt mấy thanh tà – vẹt. “Mỗi ngày, công nhân tuần đường chúng tôi phải đi bộ gần 30km. Cực nhất là vào mùa mưa, rét buốt lạnh thấu xương” anh Quý tâm sự.
Nhiều đoạn đường chạy uốn lượn bên bờ biển cheo leo vách đá. Nhìn xuống phía dưới chỉ thấy những con sóng cuồn cuộn đánh vào bờ, nổi bọt tung trắng xóa. “Ở những đoạn này, phải chấp nhận dẫm lên đá sắc nhọn để đi vào giữa hai thanh ray, tránh bị trượt ngã, rơi xuống vực bên dưới”, anh Quý cho biết.
Dưới đây là những hình ảnh về cuộc sống của những con người bé nhỏ ở “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
Đường sắt Bắc – Nam nhìn từ đỉnh đèo Hải Vân.
Video đang HOT
Đoàn tàu uốn lượn qua những đoạn đường quanh co, khúc khuỷu.
Công nhân đi tuần đường trên những thanh đường ray rất “điệu nghệ”.
Tàu hỏa đi qua một cây cầu vòm đã hàng trăm năm tuổi.
Bữa cơm trưa của công nhân sửa chữa đường sắt trên đỉnh đèo Hải Vân.
Người dân “nhảy tàu” đi nhờ về Thành phố.
Anh Trần Thanh Hà – đội trưởng đội tuần đường Nam Hải Vân chuẩn bị dụng cụ, trước khi lên đường tuần tra.
Pháo hiệu để dừng tàu khi phát hiện sự cố là thứ không thể thiếu khi đi tuần.
Đèn pin dùng để tuần các tuyến đường qua hầm dài cả km.
Sắp cờ hiệu vào balo để chuẩn bị chuyến tuần tra.
Anh Trần Thanh Hà – đội trưởng đội tuần đường Nam Hải Vân đi kiểm tra đường sắt, đoạn qua hầm số 6.
Siết chặt từng con ốc, thanh tà-vẹt để bảo đảm an toàn cho những chuyến tàu.
Theo Vũ Nguyên (Khám phá)
Di sản kiến trúc Pháp giữa Thủ đô
Đặt dấu ấn lên nhiều công trình ở Thủ đô Hà Nội với nhiều phong cách độc đáo, kiến trúc Pháp góp phần tạo nên nét cổ kính, duyên dáng của thành phố với những giá trị lịch sử không thể nào lãng quên.
Nhà thờ Lớn Hà Nội
Thời kỳ đầu của kiến trúc Pháp
Theo KTS Nguyễn Quốc Thông - tác giả cuốn sách "Thăng Long - Hà Nội, mười thế kỷ đô thị hóa" thì dấu ấn kiến trúc Pháp đặt lên Thủ đô Hà Nội có thể được tính từ năm 1873, khi Pháp được triều đình nhượng cho khu Nhượng địa với diện tích 2,5ha ven sông Hồng. Tuy nhiên trong một thời gian rất ngắn, diện tích này "nảy nở" tới hơn 18ha, kéo dài từ đầu Nhà hát Lớn cho tới cuối Bệnh viện Hữu nghị ngày nay. Những công trình đầu tiên được người Pháp xây dựng ở dải đất này chủ yếu là phục vụ quân đội và bộ máy hành chính của quân đội, nhà truyền giáo và một số nhà ở cho các sỹ quan. Đây là những công trình tiêu biểu cho kiến trúc thô sơ kiểu thực dân với hành lang chạy xung quanh nhà hai tầng. Cùng trong thời gian này cũng xuất hiện các công trình Thiên chúa giáo, mà điển hình là Nhà thờ Lớn Hà Nội - được xây dựng ở vị trí chùa Báo Thiên trước kia.
10 năm sau tức năm 1883, Pháp đánh thành lần thứ 2 và chiếm được Hà Nội. Người Pháp xây những trại lính, nhà hành chính. Tuy nhiên kiến trúc của các công trình này chưa có gì thay đổi so với trước đó, có thể kể tên ra đó là Bảo tàng Quân đội hay Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam hiện nay. Dấu mốc kể ra từ khi người Pháp cho xây dựng những con đường đầu tiên vào khoảng năm 1886, nối khu Nhượng địa với khu thành mà họ chiếm được, gồm phố Tràng Tiền, Tràng Thi, Hàng Khay. Công trình hành chính đầu tiên được xây dựng là Tòa Đốc lý - chính là UBND thành phố hiện tại, là trái tim của khu trung tâm hành chính được người Pháp thiết lập nên như Ngân hàng, Kho bạc, Tòa Thống sứ... Phía Tràng Tiền là các công trình buôn bán tư nhân của người Ấn, người Hoa, nhà in... tạo nên một tuyến phố thương mại. Bên kia hồ, người Pháp làm khu truyền giáo với nhà thờ, trường dòng, phố cho những cha cố ở...
Nhà hát Lớn Hà Nội - được ví như "món nữ trang" của thành phố
Những "viên ngọc" giữa Thủ đô
Nếu như người Pháp đã xây dựng những cơ sở đầu tiên về hành chính, chính trị, tôn giáo xung quanh hồ Hoàn Kiếm thì khu vực Ba Đình được chọn để thiết lập trung tâm hành chính - chính trị Đông Dương. Tiêu biểu nhất cho cụm công trình này là Phủ Chủ tịch, tức Phủ toàn quyền Đông Dương trước kia được xây dựng năm 1907. Đây là một công trình bề thế, mang phong cách tân cổ điển - phong cách kiến trúc thịnh hành điển hình cho văn hóa châu Âu, sử dụng những hình thức trang trí phong phú như Phục hưng, La Mã, Baroque... Phong cách này ảnh hưởng lớn đến các công trình văn hóa, trong đó có Nhà hát Lớn và khách sạn Metropole.
Trong cuốn sách "Hà Nội một chốn rong chơi", chuyên gia kinh tế Martin Rama đã ví von, Nhà hát Lớn giống như "món trang sức" của thành phố. Được hoàn thành vào năm 1911, nơi đây giữ được nét giản dị trong kiến trúc cổ điển Pháp thế kỷ 18 với kết cấu mái hai mảng lợp ngói đá đen, kết hợp với các họa tiết trang trí bên trong tạo nên dáng vẻ thanh thoát, tinh tế. Nằm không xa Nhà hát Lớn là khách sạn Metropole với kiến trúc có sự pha trộn giữa cổ điển và Art Décor với tường trắng, khung cửa xanh và những họa tiết tinh xảo, trang nhã, không quá phô trương, giữ được nhịp khu phố và hòa hợp với các kiến trúc xung quanh.
Ra đời muộn hơn nhưng lại được coi là thành tựu của kiến trúc Pháp, khi vừa đảm bảo yếu tố về cảnh quan, lại phù hợp điều kiện sống, văn hóa bản địa đó là phong cách kiến trúc Đông Dương. Đây là sự kết hợp giữa phong cách Pháp - với mặt bằng rất "phương Tây", đăng đối, bề thế, nhưng mặt đứng vay mượn các thành phần Á Đông như bộ mái, hành lang, hiên, mái rộng... chống mưa, chống nóng, đặc biệt thích ứng với điều kiện khí hậu Việt Nam. Những công trình thừa hưởng tinh hoa của phong cách này là Nhà thờ Cửa Bắc, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Viện Pasteur..., hiện vẫn còn lưu giữ được nét kiến trúc cực kỳ tinh tế.
Mặc dù, hiện nay đã có công trình hoàn toàn biến mất và cả những công trình không còn vẹn nguyên như trước, nhưng kiến trúc Pháp vẫn luôn được coi là di sản quý giá và niềm tự hào của người dân Hà Nội.
Theo ANTD
Tiền giấy Việt Nam và những biến đổi qua các thời kỳ Xuyên suốt chiều dài lịch sử đất nước, đồng tiền Việt Nam cũng đã trải qua những biến động thăng trầm. Cùng chiêm ngưỡng những tờ tiền đã và đang lưu hành tại Việt Nam theo dòng chảy thời gian! Giấy bạc Đông Dương: Nếu không kể đến tờ tiền giấy thất bại của Hồ Quý Ly thì giấy bạc Đông Dương được...