Trên 450 người di cư vượt biển đến Anh vào ngày Giáng sinh
Theo phóng viên TTXVN tại London, ngày 25/12, sau hơn một tuần vắng lặng, hơn 450 người di cư lại tiếp tục cuộc hành trình vượt biển nguy hiểm với hy vọng sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn tại nước Anh.
Người di cư từ Pháp được giải cứu và đưa về thị trấn Dover, Đông Nam Anh khi đang nỗ lực vượt qua eo biển Manche để vào Anh. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo số liệu cập nhật từ Bộ Nội vụ Anh, vào buổi sáng ngày Giáng sinh năm nay, lực lượng chức năng của nước này đã phát hiện tổng cộng 11 chiếc thuyền nhỏ mang theo 451 người di cư thực hiện hành trình từ Pháp đến khu vực thị trấn ven biển Dover của Anh.
Lần gần đây nhất những người di cư bất hợp pháp thực hiện hành trình vượt biển đầy nguy hiểm này là vào ngày 14/12 với 160 người trên 3 chiếc thuyền. Trước đó, lần lượt 67 người và 90 người vượt biên cũng đã đến Anh trong các dịp Giáng sinh năm 2021 và 2022.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, 35.491 người di cư bất hợp pháp đã vượt eo biển Manche trên những chiếc thuyền nhỏ để đến Anh, tăng 21% so với năm ngoái, nhưng giảm mạnh so với mức cao kỷ lục 45.775 người được ghi nhận vào năm 2022.
Video đang HOT
Ngoài những người may mắn khi đến được Anh an toàn, đã có hơn 70 người dư cư bị chết đuối ở eo biển Manche trong năm nay khi đang thực hiện hành trình trên những chiếc thuyền hơi nhỏ và đặc biệt là không đủ điều kiện đi biển.
Từ tháng 7/2024, ngay sau khi lên nắm quyền, Chính phủ Công đảng đã hủy bỏ chương trình trục xuất người xin tị nạn sang Rwanda của Chính phủ tiền nhiệm để tập trung triệt phá các băng nhóm đứng sau hoạt động buôn người qua eo biển Manche.
Bên cạnh đó, ở trong nước, các cơ quan chức năng của Anh cũng đang đẩy mạnh hoạt động truy quét lao động bất hợp pháp tại công trường xây dựng, nhà hàng, cửa hàng kinh doanh tạp hóa, cắt tóc và tiệm làm móng tay.
Trong thời gian từ ngày 5/7 đến ngày 31/10/2024, Bộ Nội vụ Anh đã tiến hành 3.188 cuộc kiểm tra việc sử dụng lao động tại các doanh nghiệp. Trong thời gian này, 2.299 lao động bất hợp pháp đã bị bắt giữ và hơn 50 doanh nghiệp bị phạt 4 triệu bảng (5 triệu USD) do sử dụng lao động bất hợp pháp. Số vụ kiểm tra và bắt giữ đều tăng so với 2.371 vụ kiểm tra và 1.836 vụ bắt giữ trong cùng kỳ năm 2023.
Một số người bị phát hiện làm việc bất hợp pháp cho biết họ đã phải chi 16.000 bảng (20.000 USD) để đến Anh. Tuy nhiên, sau khi đến được miền đất “mơ ước”, họ đã phải sống chui lủi vì không có giấy tờ, trong khi nhiều người nhập cư đang bị bóc lột sức lao động khi phải làm việc 7 ngày/tuần, liên tục từ 9 giờ sáng đến 23 giờ đêm và công việc của những người này không được pháp luật Anh bảo vệ.
Anh: Hàng trăm người bị bắt trong các cuộc truy quét lao động bất hợp pháp tại London
Theo phóng viên TTXVN tại London, ngày 24/12, Bộ Nội vụ Anh cho biết hàng trăm người đã bị bắt trong đợt truy quét lao động bất hợp pháp tại London, bao gồm tại các tiệm rửa xe, tiệm làm móng, siêu thị và công trường xây dựng.
Theo đó, các đội thực thi di trú từ Bộ Nội vụ đã thực hiện gần 1.000 chuyến ghé thăm tới các cơ sở bị nghi sử dụng lao động bất hợp pháp trong những tháng gần đây. Số lượng các cuộc truy quét ở London đã tăng 11% kể từ cuộc tổng tuyển cử tháng 7.
Bộ trưởng an ninh biên giới, Hạ nghị sỹ Dame Angela Eagle, cho biết: "Chúng tôi biết rằng những người đến Anh và cuối cùng làm việc bất hợp pháp trong điều kiện tồi tệ thường bị lừa dối bởi thông tin sai lệch về khả năng mà họ có thể sống và làm việc tại đây. Điều này tạo ra sự hấp dẫn khiến mọi người liều mạng bằng cách băng qua Eo biển Manche trên một chiếc thuyền nhỏ - chúng ta phải ngăn chặn điều đó".
Theo thông báo từ Bộ Nội vụ, 996 chuyến thăm thực thi pháp luật từ tháng 7 đến tháng 11 đã dẫn đến 770 vụ bắt giữ và 462 cơ sở nhận được thông báo phạt dân sự. Điều này có nghĩa là các chủ lao động có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 60.000 bảng Anh cho mỗi công nhân nếu bị kết tội.
Các Bộ trưởng nhấn mạnh rằng cuộc truy quét ở London đặc biệt tập trung vào các tiệm rửa xe, tiệm làm móng, siêu thị và công trường xây dựng bị nghi ngờ thuê lao động bất hợp pháp. Thông báo cho biết thêm rằng thông thường, những cá nhân này bị buộc phải làm việc và đôi khi sống trong điều kiện tồi tàn và có thể được trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu.
Ông Eddy Montgomery, Giám đốc thực thi pháp luật, tuân thủ và tội phạm tại Đơn vị thực thi pháp luật nhập cư của Bộ Nội vụ, cho biết: "Hoạt động gia tăng của chúng tôi cho thấy chúng tôi hoàn toàn tập trung vào việc ngăn chặn tình trạng lao động bất hợp pháp tại Anh và bảo vệ những người bị buộc phải làm việc trong điều kiện tồi tàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc suốt ngày đêm để ngăn chặn tình trạng bóc lột của các băng nhóm tội phạm và đưa những người liên quan ra trước công lý".
Hơn 35.000 người đã liều mạng cố gắng vượt Eo biển Manche trên "những chiếc thuyền nhỏ" để đến Anh trong năm nay, nhiều hơn năm ngoái, nhưng thấp hơn mức đỉnh điểm vào năm 2022. Theo các chuyên gia về nhập cư, khoảng hai phần ba số người đến đây được cấp quyền tị nạn tại Anh.
Hơn 70 người đã chết đuối ở Eo biển Manche trong năm nay, khi họ tìm cách đến Anh, vì những kẻ buôn người nhồi nhét ngày càng nhiều người vào những chiếc thuyền bơm hơi không đủ điều kiện đi biển, trong đó phụ nữ và trẻ em thường là những người có nguy cơ cao nhất.
Sau khi nhậm chức, Chính phủ Công đảng đã hủy bỏ chương trình trục xuất người xin tị nạn sang Rwanda gây tranh cãi sâu sắc của
Đảng Bảo thủ và thay vào đó tập trung vào việc cố gắng phá vỡ các băng đảng đứng sau hoạt động buôn người qua Eo biển Manche.
Nhưng vẫn chưa rõ liệu chiến lược mới này có thành công hay không.
Nhiều người tị nạn thiệt mạng trên đường vượt biển đến Anh Ít nhất 5 người xin tị nạn, trong đó có một trẻ em, đã thiệt mạng khi băng qua eo biển Manche từ Pháp đến Anh trên một chiếc thuyền nhỏ, chỉ vài giờ sau khi Anh thông qua dự luật trục xuất nhiều người xin tị nạn đến Rwanda. Một chiếc thuyền phao chở theo hàng chục người vượt biển đến Anh....