Trên 1,4 triệu lao động Hà Nội được hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
Qua rà soát bước đầu, tại thành phố Hà Nội có 83.352 đơn vị với 1.484.502 lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ.
Người lao động đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Do dịch bệnh COVID-19 nên một số lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã phải nghỉ việc. Để giúp số lao động này vơi bớt khó khăn, ngày 1/10, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ.
Về việc thực hiện nội dung của Quyết định trên tại địa bàn Thủ đô, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, qua rà soát bước đầu tại thành phố Hà Nội có tổng số 89.067 đơn vị với 1.674.308 lao động tham gia Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, số đơn vị đủ điều kiện hưởng hỗ trợ theo là 83.352 đơn vị với 1.484.502 lao động (số còn lại không đủ điều kiện thuộc diện nằm ở các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân). Theo quy định, người lao động bị nghỉ việc được hưởng từ 1,8 triệu đồng đến 3,3 triệu đồng từ Quỹ trên tùy theo thời gian và mức tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Còn đối với đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 12 tháng (từ 1/10/2021 đến 30/9/2022) sẽ không phát sinh thủ tục hành chính.
Căn cứ vào các quy định trên, tại Hà Nội có 83.352 đơn vị doanh nghiệp được hỗ trợ tương ứng số tiền được giảm bảo hiểm thất nghiệp 12 tháng là 1.182 tỷ đồng (98,5 tỷ đồng/tháng). Còn chi hỗ trợ bằng tiền cho 1,4 triệu người lao động ước khoảng 4.228 tỷ đồng.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội nhấn mạnh, với tinh thần khẩn trương trách nhiệm, dù là 2 ngày nghỉ cuối tuần nhưng Bảo hiểm xã hội Hà Nội vẫn huy động cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc trên tinh thần phân công rõ trách nhiệm tới từng bộ phận, cá nhân để hoàn thành tiến độ đề ra, nhanh chóng đưa Nghị quyết của Chính phủ sớm đi vào cuộc sống, đến tay các đối tượng thụ hưởng sớm nhất.
Tính đến thời điểm này, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã thực hiện hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng cá nhân cho 179 lao động của Công ty Cổ phần Sabre Việt Nam (đóng tại quận Hai Bà Trưng) với tổng số tiền hỗ trợ là 466.850.000 đồng.
Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội kiểm tra tại một số doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ khó khăn khi thực hiện Nghị Quyết 116 của Chính phủ. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN
Sau khi nhận được số tiền hỗ trợ, chị Trần Thị Khánh Diên, nhân viên Công ty Cổ phần Sabre Việt Nam bày tỏ niềm vui dù số tiền không lớn nhưng cũng giúp gia đình chị có thêm một khoản để trang trải, cuộc sống đỡ chật vật hơn. Về thủ tục nhận tiền hỗ trợ, chị Diên cho rằng cơ quan bảo hiểm chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cá nhân nên rất nhanh gọn, kịp thời không phiền hà cho người nhận hỗ trợ.
Còn chị Nguyễn Hoàng Thảo, nhân viên làm chính sách Công ty Cổ phần Sabre Việt Nam cho hay: Ngay khi Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ, công ty đã nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn rất chi tiết từ Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội. Theo đó, đơn vị không phải lập danh sách mà cán bộ phòng thu Bảo hiểm xã hội Hà Nội lập danh sách gửi cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp kiểm tra, đối chiếu, xác nhận lại thông tin. Ngay khi thực hiện đối soát xong, toàn bộ lao động đủ điều kiện trong công ty đã được chi trả tiền hỗ trợ qua tài khoản rất tiện lợi.
Nhận xét về tính ưu việt từ Nghị quyết 116 của Chính phủ nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp trong bối cảnh những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến công ty bị ảnh hưởng, ông Nguyễn Văn Linh, Giám đốc Công ty Hà Thành chia sẻ: “Doanh thu của doanh nghiệp bị cắt giảm, một số lao động phải nghỉ việc không lương nên việc Chính phủ giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống còn 0% giúp cho doanh nghiệp bớt đi gánh nặng chi phí, bảo tồn được phần nào dòng tiền để duy trì sản xuất, kinh doanh, tiếp tục tạo việc làm mới cho người lao động. Chúng tôi coi việc giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp từ Chính phủ là một động lực quan trọng và thiết thực lúc này giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn, cùng nỗ lực khôi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch”.
Video đang HOT
Về cách thức hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp theo Nghị quyết của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội sẽ ưu tiên những lao động, doanh nghiệp nộp hồ sơ trước; doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động; doanh nghiệp hiện tốt các quy định của Nhà nước về bảo hiểm xã hội… trên tinh thần hỗ trợ nhanh nhất, sớm nhất.
Đề cập về bối cảnh mấy ngày gần đây tại thành phố Hà Nội còn phát sinh một số ca dương tính với SARS-CoV-2, khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh còn hiện hữu gây ảnh hưởng đến tiến độ hỗ trợ cho người lao động, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội chia sẻ, đơn vị đã lường trước tình huống này nên đã trao đổi với một số ngân hàng trên địa bàn. Bước đầu đã có một số ngân hàng cam kết phát hành tài khoản cá nhân miễn phí cho người lao động, trong trường hợp người lao động chưa có tài khoản cá nhân.
Để việc hỗ trợ thuận lợi, Bảo hiểm xã hội thành phố sẽ tập trung tuyên truyền để người lao động nằm trong đối tượng được thụ hưởng chính sách sẵn sàng cung cấp tài khoản cá nhân nhằm đảm bảo việc thực hiện chế độ từ cơ quan bảo hiểm xã hội được nhanh chóng, kịp thời và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Ông Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh, cơ quan bảo hiểm thành phố sẽ không chi trả hỗ trợ qua người sử dụng lao động (chủ doanh nghiệp) mà sẽ trả hỗ trợ trực tiếp cho từng lao động. Làm như vậy sẽ tốn thời gian hơn, tuy nhiên sẽ tránh được tình trạng chủ sử dụng lao động nhận tiền hộ nhưng lại chậm trả cho người lao động…
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10
Ôtô chưa đóng phạt "nguội" được đăng kiểm tạm 15 ngày, đào tạo thạc sĩ trực tuyến, quân nhân có thêm ngày nghỉ phép..., là các chính sách có hiệu lực từ tháng 10.
Đăng kiểm tạm cho ôtô chưa đóng "phạt nguội"
Theo thông tư 16/2021 của Bộ Giao thông Vận tải (thay Thông tư 70/2015), từ 1/10, các xe cơ giới bị cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định (trường hợp quá thời hạn giải quyết sự việc vi phạm mà chủ phương tiện chưa đến xử lý) vẫn được tiếp nhận và đăng kiểm tại các trung tâm. Tuy nhiên, giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định chỉ có hiệu lực 15 ngày.
Cũng từ đầu tháng 10, các chủ xe không cần phải xuất trình bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc như trước đây khi đưa ôtô đi đăng kiểm lần đầu và định kỳ. Khi đăng kiểm ôtô lần đầu, chủ phương tiện cần xuất trình giấy đăng ký xe (bản chính hoặc giấy hẹn đăng ký được cấp bởi phòng cảnh sát giao thông, hoặc bản chính đang thế chấp của tổ chức tín dụng, ngân hàng); bản sao phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của xe sản xuất, lắp ráp trong nước (trừ xe cơ giới thanh lý); bản chính chứng nhận kiểm định cải tạo đối với trường hợp xe hoán cải.
Đối với ôtô đăng kiểm định kỳ, chủ xe chỉ phải xuất trình giấy đăng ký xe (bản chính, giấy biên nhận thế chấp bản chính tại tổ chức tín dụng, hoặc giấy hẹn cấp đăng ký xe với trường hợp xe sang tên đổi chủ). Bảo hiểm trách nhiệm dân sự không còn cần đối với thủ tục đăng kiểm nhưng đây vẫn là giấy tờ bắt buộc để xe lưu hành hợp lệ trên đường.
Một xe làm đăng kiểm ở Hà Nội hôm 26/9. Ảnh: Văn Lộc
Đào tạo thạc sĩ trực tuyến
Từ ngày 15/10, thông tư 23/2021 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ có hiệu lực. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ được tuyển sinh trực tuyến, tổ chức các lớp học trực tuyến.
Phương án tuyển sinh trực tuyến phải đáp ứng điều kiện chất lượng để kết quả đánh giá tin cậy, công bằng như đối với tuyển sinh trực tiếp. Trong điều kiện bình thường, cơ sở giáo dục được tổ chức lớp học trực tuyến với khối lượng học tập không vượt quá 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo.
Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp bất khả kháng khác, các trường đào tạo và đánh giá trực tuyến các học phần theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hình thức bảo vệ luận văn trực tuyến có thể được thực hiện khi có sự đồng thuận của các thành viên hội đồng và học viên; toàn bộ diễn biến của buổi bảo vệ trực tuyến được ghi hình, ghi âm và lưu trữ tại cơ sở đào tạo.
Vũ Hà Bảo Hân, học sinh lớp 6 trường THCS Nguyễn Du (quận 1) nghe cô giáo chủ nhiệm dặn dò nội quy học trực tuyến, sáng 1/9. Ảnh: Phụ huynh cung cấp
Xem xét không thu học phí khi thiên tai, dịch bệnh
Nghị định 81/2021 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý và miễn, giảm học phí (có hiệu lực từ 15/10) nêu rõ, khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, UBND tỉnh sẽ đề xuất với HĐND xem xét không thu học phí với trẻ mầm non, học sinh phổ thông, sinh viên, nghiên cứu sinh trong khu vực bị ảnh hưởng. Tùy mức độ và phạm vi chịu tác động, thời hạn được miễn học phí sẽ được cân nhắc.
Trường hợp vẫn thu học phí, các tỉnh, thành cần căn cứ vào số tháng học thực tế, gồm cả học trực tuyến và dạy bù, nhưng không được quá 9 tháng, tương ứng với thời gian một năm học. Học phí năm học 2021-2022 dựa trên tình hình thực tế của địa phương, không được vượt quá mức trần của năm 2020-2021.
Ngoài ra, Nghị định 81 còn quy định khung học phí (mức sàn - mức trần) với trường mầm non, phổ thông công lập năm học 2022-2023. Từ năm học 2023 - 2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp nhưng không quá 7,5%/năm.
Học sinh được hỗ trợ chi phí học tập sẽ được nhận mức 150.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 50.000 đồng so với trước đây) để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác. Thời gian được hưởng theo thời gian học thực tế, không quá 9 tháng một năm học và thực hiện chi trả hai lần trong năm vào đầu các học kỳ của năm học.
Chính phủ cũng bổ sung thêm nhiều nhóm học sinh, sinh viên được miễn học phí so với quy định trước đây như người học chương trình trung cấp, cao đẳng mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa; học sinh cấp hai ở thôn, bản đặc biệt khó khăn; người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù...
Tăng thời gian nghỉ phép cho quân nhân
Theo quy định tại Thông tư 109/2021 của Bộ Quốc phòng, từ ngày 10/10, Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng công tác dưới 15 năm được nghỉ 20 ngày; từ đủ 15 đến dưới 25 năm được nghỉ 25 ngày; từ đủ 25 năm trở lên được nghỉ 30 ngày. Số ngày nghỉ phép sẽ được tăng thêm đối với những quân nhân công tác ở một số địa bàn đặc biệt.
Cụ thể, quân nhân được nghỉ thêm 10 ngày mỗi năm nếu đóng quân cách xa gia đình từ 500 km trở lên; đóng quân tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và ở Nhà giàn DK1; đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 300 km trở lên.
Quân nhân được nghỉ thêm 5 ngày mỗi năm nếu đóng quân cách xa gia đình từ 300 km đến dưới 500 km; đóng quân tại các đảo được hưởng phụ cấp khu vực; hoặc đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 200 km đến dưới 300 km và có hệ số khu vực từ 0,5 trở lên (quy định hiện hành là phải đang hưởng phụ cấp khu vực hệ số từ 0,5 đến 0,7).
Thời gian đi đường sẽ không tính vào số ngày nghỉ phép. Tỷ lệ nghỉ thường xuyên không quá 15% quân số của đơn vị.
Bộ đội Biên phòng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch ở Quảng Ninh, năm 2020. Ảnh: Hoàng Thùy
Lao động nhận hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Theo Nghị quyết số 116 của Chính phủ, từ 1/10 đến chậm nhất 31/12, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 sẽ được nhận hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020 sẽ được dùng để hỗ trợ người lao động thuộc hai nhóm. Đó là người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).
Thứ hai là những người dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.
Mức hỗ trợ được tính trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Cụ thể, người có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng thì được hỗ trợ 1,8 triệu đồng một người; từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng được 2,1 triệu đồng; đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng được 2,4 triệu đồng; từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng được 2,65 triệu đồng; từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng được 2,9 triệu đồng; từ đủ 132 tháng trở lên được 3,3 triệu đồng một người.
Gần 13 triệu lao động được hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, sẽ có gần 13 triệu người lao động và 38 nghìn đơn vị sử dụng lao động được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ từ Quỹ hiểm thất nghiệp. Ngày 24/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao...