Trẻ vị thành niên gây án: Mầm mống được nuôi dưỡng từ lâu
Hàng loạt vụ phạm tội của một bộ phận người trẻ gần đây, đang dấy lên những lo ngại về tình trạng gia tăng bạo lực ở lứa tuổi này. Theo các chuyên gia tội phạm học, hành vi phạm tội của người trẻ, thậm chí bộc phát, đều được “nuôi dưỡng” từ khá sớm.
Hoảng… với động cơ giết người
Tháng 3 vừa qua, người dân xã An Thượng, huyện Hoài Đức bàng hoàng Vũ Tiến Sơn (SN 1996), học sinh THPT dùng dao cắt cổ chủ cửa hàng tạp hóa gần 60 tuổi, làm bà chết tại chỗ. Động cơ để Sơn ra tay sát hại người hàng xóm thân quen rất vớ vẩn: “Do nạn nhân không cho nợ tiền 2 que kem”. Sau khi cứa cổ hàng xóm, đối tượng cướp luôn chiếc nhẫn đeo tay để bán lấy tiền làm “lộ phí” trốn chạy.
Ít ngày sau đó, tại địa bàn phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm cũng xảy ra vụ cướp “ xe ôm” manh động, với tính chất, mức độ tàn bạo không thua kém. Hung thủ gây án là Đinh Quang Hưng (SN 1995), ở phường Liễu Giai, quận Ba Đình – hiện là học sinh lớp 10. Hỏi lý do nam sinh này vung dao truy sát lái xe ôm, Hưng nói “vì muốn có xe máy đi học cho bằng bạn bằng bè”. “Không chết dưới tay nam sinh này, người “xe ôm” cũng bị đối tượng đánh cho chấn thương vùng đầu, hiện lơ ngơ, không còn minh mẫn như trước…” – một cán bộ CAQ Ba Đình thông tin, sau khi bắt giữ được Hưng.
Các vụ phạm pháp hình sự do người trẻ tuổi gây ra, thông thường không gây khó cho cơ quan công an trong điều tra, truy xét, bởi sự vụng về, thiếu “kinh nghiệm” trong việc che đậy hành vi phạm tội. Tuy nhiên, một số vụ án gần đây cho thấy, đối tượng ngoài liều lĩnh, manh động còn có sự bàn bạc, tính toán để che mắt lực lượng chức năng. Vụ án cướp tài sản xảy ra ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình đầu tháng 5-2012 là một ví dụ điển hình. Hung thủ gây án – Tạ Tú (SN 1990) và bị hại – Trần Anh Hà (SN 1990) là bạn rất thân của nhau. Chỉ vì nghi ngờ bạn lấy trộm của mình hơn 30 triệu đồng, Tú cùng đồng bọn đã “mời” Hà vào một nhà nghỉ ở phố Tân Ấp “nói chuyện”. Tại đây, nhóm của Tú đã dùng gậy sắt đập gãy xương 2 tay, dùng kéo sắt xẻo tai trái nạn nhân. Đánh cho đến khi anh này tự nhận “tội”, Tú và đồng bọn ghi âm “lời khai” của nạn nhân vào điện thoại làm bằng chứng. Chưa hết, trong khi hành hạ nạn nhân, Tú còn ép anh Hà gọi điện về cho người thân tường thuật trực tiếp sự việc, nhằm sớm “đòi” lại số tiền bị mất. Nhận được tiền gốc và lãi, các đối tượng mới thả anh Hà về, đồng thời thuê nhân viên nhà nghỉ lên lau dọn vết máu trong phòng, xóa dấu vết hiện trường.
Video đang HOT
Theo các chuyên gia nghiên cứu tội phạm học: Trẻ hóa tội phạm, nếu nhìn từ góc độ tâm sinh lý phát triển của con người, là thực tế được dự báo từ trước, đã diễn ra ở nhiều quốc gia. “Tuổi dậy thì của trẻ em Việt Nam đã sớm hơn trước rất nhiều, song nhân cách các em thì chưa hoàn thiện, nghĩ sao làm vậy, bồng bột và dễ nổi máu yêng hùng khi gặp phải những mâu thuẫn dù nhỏ” – PGS. TS, Thượng tá Nguyễn Minh Đức – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm (Học viện CSND – Bộ Công an) nhận xét. Trước đây, tội phạm giết người ở độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất, nhưng hiện tại giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30, trong đó độ tuổi từ 14 đến dưới 18 chiếm đến 17%. Theo nhận định của cơ quan công an, người trẻ phạm tội những năm gần đây đã tăng hơn nhiều.
Gia đình và nguồn gốc tội phạm
Theo nghiên cứu của các chuyên gia tội phạm học, tội phạm cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, gây rối trật tự công cộng có ảnh hưởng lớn từ gia đình. Đáng chú ý, 70% số trẻ thành niên vi phạm pháp luật sống trong những gia đình có kinh tế khá giả, đầy đủ bố mẹ. Có 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất, nhiều phụ huynh mải làm ăn, quản lý con bằng cách cho chúng nhiều tiền, khoán trắng trách nhiệm cho người giúp việc, tức là họ mới nuôi con chứ chưa dưỡng. Tiếp đến là thói nuông chiều con thái quá. Nhiều gia đình sẵn sàng đuổi người giúp việc chỉ vì con họ không thích.
Nuông chiều, tạo cho trẻ nhỏ thói quen muốn gì được đấy, bắt người khác phải phục dịch mình. Khi ra đường, chỉ cần một va chạm nhỏ là chúng nghĩ ngay đến việc cậy quyền, cậy thế, cậy đồng tiền để ép người khác phải nghe theo chúng. Cuối cùng là nhóm những gia đình bênh con thái quá. Nhóm gia đình này nếu nghe thấy nhà trường, các đoàn thể, xã hội phản ánh con họ có biểu hiện hư hỏng, bỏ học…, sẽ một mực chối bỏ, bênh con, thậm chí dùng tiền bạc để chạy vạy, xin xỏ nếu con vi phạm pháp luật. Việc làm trên của phụ huynh đã tiêm nhiễm cho trẻ tư tưởng dùng tiền để điều khiển mọi thứ. Những vụ đâm chém, chống phá, bạo lực do mâu thuẫn bộc phát có “gốc” từ gia đình là vậy.
Bên cạnh đó, luật pháp các nước trên thế giới có nhiều quy định chặt chẽ nhằm loại trừ những điều kiện phạm tội của giới trẻ, song ở nước ta, các thiết chế này còn quá lỏng lẻo – đại diện Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm thẳng thắn. Luật pháp các nước cấm tuyệt đối việc kinh doanh dịch vụ game online, bia rượu ở gần các trường học, chứ không “mọc” lên vô tội vạ như nước ta hiện nay. Các rạp phim, mạng Internet cũng được “quản” chặt, giới hạn độ tuổi người sử dụng, chứ không đăng tải tùy tiện những bộ phim bạo lực, dạy tình dục như ở nước ta.
Còn nữa, nhưng quán bar, sàn nhảy nhiều nước chỉ được phép mở vào tối cuối tuần, chứ không suốt ngày như ở các thành phố lớn của Việt Nam. “Chúng tôi đã phỏng vấn nhiều đối tượng mang án giết người, để biết vì sao lại thực hiện hành vi đâm chém tàn ác như vậy, thì các em trả lời: bị ảnh hưởng nặng bởi game. Chơi game online, xem phim bạo lực…, đã vô tình dạy cho trẻ nhỏ cách hành xử côn đồ. “Khi gặp xô xát ở ngoài đời, chúng sẽ tưởng tượng ngay đến những cảnh phim đã xem và hành xử như trong thế giới ảo”. Đây chính là những kẻ hở trong quản lý xã hội, giúp các đối tượng có điều kiện, khả năng thực hiện phạm tội dễ dàng hơn – Thượng tá Nguyễn Minh Đức phân tích.
Theo ANTD
Báo động những kẻ giết người tuổi "teen" (2): Ranh giới tội ác
Gần đây, các vụ án hình sự mà đối tượng phạm tội ở độ tuổi vị thành niên tăng cao, hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, có tổ chức và xuất hiện nhiều vụ án trẻ vị thành niên phạm tội dã man, giết cả người thân thích.
Công an Hà Nội đấu tranh với tội phạm giết, cướp tài sản khi tuổi còn rất trẻ
Những kẻ mất nhân tính
Rất nhiều hồ sơ và các bút lục của những vụ án mạng mà đối tượng gây án tuổi đời còn rất trẻ được cơ quan điều tra lưu trữ. Ngoài vụ án Vũ Tiến Sơn sát hại bà chủ quán tạp hóa ở xã An Thượng, huyện Hoài Đức, vụ án Phan Thanh Tùng, ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) can tội giết người, cướp tài sản cũng đáng phải suy ngẫm. Điều xót xa nhất trong vụ án, nạn nhân lại chính là bà nội của kẻ thủ ác. Chỉ vì muốn có tiền để mua quà tặng bạn gái nhân dịp lễ Noel, Tùng đã cùng đồng bọn lập mưu lừa bà nội (76 tuổi), đưa từ nhà người cô ruột ra bờ ao gần Viện Khoa học Nông nghiệp Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, rồi bóp cổ bà cho đến chết. Sau đó, đứa cháu bất nhân này cướp đôi khuyên tai cùng với 30.000 đồng của nạn nhân. Hòng xóa sạch dấu vết, Tùng đang tâm ném xác bà nội xuống ao, trước khi đến hiệu vàng bán đôi khuyên tai lấy tiền mua quà tặng bạn gái. Khi gây án, Phan Thanh Tùng vừa đủ 18 tuổi và đồng bọn của tên tội phạm này là Trương Trung Hiếu, ở huyện Thanh Trì, mới 17 tuổi.
Nguyễn Tiến Dũng, ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, cùng người em họ cũng nhẫn tâm sát hại bà ngoại để cướp vàng. Chỉ vì ham mê cờ bạc dẫn đến nợ nần, Nguyễn Tiến Dũng và Hoàng Văn Tuấn (SN 1993) lợi dụng lúc bà ngoại đi ngủ đã lẻn vào trói chân tay, nhét giẻ vào mồm, rồi lục lọi cướp đi một số tài sản. Do bị 2 đứa cháu bất hiếu trói quá chặt và nhét giẻ đầy miệng, nên bà ngoại Dũng đã chết vì ngạt thở. "Cháu ân hận lắm. Cháu xin lỗi bà ngoại, nghìn lần xin lỗi..., bà ơi" - Lời khẩn cầu của Nguyễn Tiến Dũng, mong được bà ngoại tha thứ vẫn văng vẳng trong tâm trí chúng tôi, mỗi khi nhắc đến vụ án đau lòng này. Vốn là một học sinh ngoan ngoãn, hiền lành và rất sợ bị bố mẹ đánh, bỗng chốc Dũng biến thành kẻ phạm tội ác tày trời.
Diệt trừ mầm họa
Đối với một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, do các đối tượng tuổi đời còn rất trẻ gây ra, Thượng tá Trần Ngọc Hà, Đội trưởng Đội Điều tra trọng án 1, Phòng CSHS - CATP Hà Nội nhận xét: "Trẻ em mới lớn dễ bị ảnh hưởng bởi phim ảnh không lành mạnh dẫn đến lối sống lệch lạc và nhiều cách hành xử côn đồ, tàn bạo mà không thấy ghê sợ. Trong thời buổi nền kinh tế phát triển và hội nhập hiện nay, việc du nhập văn hóa không lành mạnh dẫn đến nhiều vụ án do trẻ vị thành niên gây ra mang tính chất nghiêm trọng như hiếp dâm, cố ý gây thương tích hoặc giết người, cướp của diễn ra rất phức tạp". Nhiều nhà nghiên cứu xã hội học cũng có chung quan điểm này. Họ cho rằng việc phát triển mạnh mẽ của internet, nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng đã gây ảnh hưởng lớn đến lối sống, tư duy của trẻ vị thành niên. Nghiện game online, chat sex... nhiều đứa trẻ đã trở thành những tên tội phạm hoặc làm tay sai cho bọn "buôn người", hay lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua "mạng" và lập mưu sát hại bạn "chat" để cướp tiền, vàng, cùng với nhiều hành vi phạm tội khác.
Một số ý kiến nhấn mạnh tới việc cần phải sửa đổi Luật Hình sự và tăng nặng khung hình phạt đối với trẻ vị thành niên gây án nghiêm trọng, để đủ sức giáo dục, răn đe. Về vấn đề này, Luật sư Trần Thu Nam, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Việt và cộng sự nêu quan điểm: "Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội của Bộ luật Hình sự chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ người phạm tội sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Vì vậy, việc đặt ra phải sửa luật mang tính tăng nặng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội là không nên". Ông Nam phân tích, người chưa thành niên chưa có năng lực hành vi đầy đủ, nên hình phạt nặng không phải là biện pháp phòng ngừa mang lại hiệu quả tích cực và chỉ mang tính chất răn đe mà thôi. Cái gốc của vấn đề là phải phòng ngừa, hạn chế ngay từ khi trẻ vào giai đoạn phát triển "dậy thì". Sự quản lý, giáo dục của cha mẹ, nhà trường và cộng đồng mang tính chất quyết định trong việc giải quyết vấn đề hạn chế người chưa thành niên phạm tội.
"Hiện nay, số lượng người chưa thành niên phạm tội ngày càng tăng, hành vi phạm tội rất nghiêm trọng do lỗi trực tiếp hay gián tiếp của người lớn là các bậc phụ huynh. Việc giáo dục, chăm sóc, quản lý trẻ em trước tiên là trách nhiệm của cha mẹ, sau đó mới đến nhà trường, cộng đồng và xã hội. Nhà trường và cha mẹ cần có sự kết hợp chặt chẽ, nhanh chóng mới quản lý, giáo dục được trẻ em" - Luật sư Trần Thu Nam chia sẻ. Hiện nay một số trường học đã áp dụng các biện pháp như giáo viên thường xuyên thông báo cho cha mẹ học sinh biết việc học tập của con em họ, để gia đình kết hợp quản lý, giáo dục cùng nhà trường là việc làm rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Mặt khác, việc giúp đỡ thường xuyên của cộng đồng như tổ dân phố, hội phụ huynh, chính quyền địa phương trong việc giáo dục, tuyên truyền pháp luật cho trẻ em rất quan trọng.
Theo ANTD
Vì sao,chuyện gì để một giáo viên phải "tung chưởng" hành hung cháu ? Chỉ vì xích mích nhỏ trong gia đình, một giáo viên tiểu học ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã hùng hổ xông sang nhà láng giềng hành hung gây thương tích người khác. Chị Đào Thị Hoài Chị Đào Thị Hoài (SN1980), quê ở thị trấn Phố Châu (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cơ đơn gửi Tamnhin.net phản ánh: vào khoảng 7h30'ngày 05/5/2012, chị...