Trẻ suýt tử vong vì đuối nước khi đi bơi: Cảnh báo tai nạn ngày hè
Mùa hè thời tiết nóng bức, trẻ sẽ hứng thú hơn khi trẻ được ba mẹ cho đi bơi. Tuy nhiên, nếu không được thầy cô, cha mẹ trông chừng cẩn thận thì nguy cơ trẻ tử vong vì đuối nước khi bơi là rất lớn.
Mới đây tại bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi nguy kịch vì đuối nước tại hồ bơi.
Theo BS Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, cách đây không lâu, khoa đã tiếp nhận trường hợp bé M.P.N (10 tuổi, ngụ TPHCM) được một bệnh viện ở Thủ Đức chuyển đến trong tình trạng khá nguy kịch vì đuối nước khi đi bơi.
“Bệnh nhi được nhập viện cấp cứu ban đầu tại hồ bơi sau khi được vớt lên bờ bằng phương pháp thổi ngạt hồi tim, sau đó được chuyển đến một Bệnh viện gần đó và tiếp tục chuyển lên BV Nhi đồng 2 vì tình trạng quá nguy kịch. Sau khi tiếp nhận, các BS đã tiến hành đặt máy thở cho bệnh nhi để tránh những tổn thương về thần kinh, dùng kháng sinh và tích cực theo dõi. May mắn, bệnh nhi đã qua khỏi.”, BS Phát nói.
Theo BS Phát, trung bình mỗi tuần, khoa cấp cứu tại Bệnh viện tiếp nhận từ 1-2 ca đuối nước ở trẻ, có những ca nhẹ nhưng cũng có những trường hợp trẻ nguy kịch. “Điều đáng nói là những ca trẻ đuối nước lại xảy ra ở những hồ bơi có huấn luyện viên, có người túc trực để cứu hộ”, BS Phát thông tin.
Thời gian vào hè là thời gian trẻ không phải đến trường nhưng cha mẹ vẫn phải tất bật làm việc nên dễ lơ là con trẻ. Từ trường hợp nêu trên, BS Phát liệt kê những tai nạn thường xảy ra vào ngày hè đối với trẻ:
Tai nạn giao thông: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất đối với các bệnh nhi khi nhập viện tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2. Theo BS Phát, tai nạn thường xảy ra khi trẻ đi chơi với gia đình hoặc đi riêng lẻ một mình (thường xảy ra ở trẻ từ 6-7 tuổi trở lên). “Trẻ được ba mẹ chở vô tình xảy ra va chạm với xe lớn hoặc trẻ chạy xe đạp một mình bị té ngã, chấn thương. Do đó khi chở con lưu thông trên đường, ba mẹ cần trang bị gài mũ bảo hiểm cẩn thận, đi với tốc độ vừa phải và hạn chế để trẻ nhỏ chạy xe đạp một mình, phòng những tai nạn có thể xảy ra”, BS Phát khuyến cáo.
Trẻ đang được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM.
Bị rắn, côn trùng cắn: Những tai nạn này thường xảy ra ở những tỉnh Bình Phước, Vũng Tàu..- nhất là những tỉnh có nhiều rừng, cây cối rậm rạp. Nếu không cẩn trọng, trẻ rất dễ bị rắn, ong đốt…Nếu không được xử trí kịp thời, trẻ rất dễ bị xuất huyết và liệt thần kinh hay liệt cơ… Thường trẻ khi nhập viện tại khoa hay bị rắn lục tre, rắn chàm quạp cắn… và được chuyển đến từ các BV tuyến dưới. BS Phát khuyến cáo phụ huynh không nên tự đắp thuốc, đắp lá khi con chẳng may bị rắn cắn mà phải nhanh chóng sơ cứu bằng cách rửa sạch vết thương sau đó nhanh chóng chuyển trẻ đến các cơ sở y tế để cấp cứu. Nếu cha mẹ lơ là dù chỉ một giây, trẻ vẫn có thể xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Video đang HOT
Tai nạn sinh hoạt: Như đã phân tích, ngày hè trẻ con được nghỉ ở nhà do đó cha mẹ rất dễ lơ là trong việc chăm sóc con. Đã có nhiều trường hợp trẻ chấn thương sọ não do những vật dụng trong gia đình rơi vào đầu; trẻ nhỏ tử vong do té vào xô đựng nước lau nhà khi cha mẹ bất cẩn quay đi; thậm chí từng có trẻ nguy kịch vì bị cửa cuốn quấn lên cao. “Đây là những tai nạn rất dễ xảy ra ở trẻ nhưng cha mẹ lại thường chủ quan. Do đó cần lưu ý trong việc chăm sóc con, luôn để trẻ nhỏ trong tầm mắt, những vật dụng nhọn, nguy hiểm nên đặt xa tầm với của trẻ để phòng những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra”, trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 2 khuyến cáo.
Tai nạn té ngã: Nhà có cầu thang và đặc biệt là ở chung cư; những khu vui chơi, siêu thị có thang cuốn, cầu thang…là những nơi rất dễ dẫn đến tai nạn té ngã ở trẻ nếu cha mẹ bất cẩn để trẻ một mình. Đã có rất nhiều những trường hợp trẻ tử vong thương tâm do bất cẩn ngã từ lan can xuống đất. “Do đó đối với nhà ở, nên rào chắn cẩn thận, tránh để trẻ lọt ra ngoài do kẽ hở từ lan can. Khi dẫn con đi siêu thị, du lịch, những khu vui chơi cao tầng, nên nắm chặt bàn tay trẻ và tuyệt đối không để trẻ tự đi một mình. Sẽ không ai biết điều gì sẽ xảy ra chỉ sau một vài giây cha mẹ lơ là với trẻ”, BS Phát cho biết.
Theo Tiền phong
Cách phòng tránh đuối nước ở trẻ nhỏ trong mùa hè
Đuối nước là tai nạn rất dễ xảy với trẻ nhỏ, đặc biệt trong mùa hè. Do đó, việc nắm chắc những nguyên tắc để phòng chống đuối nước là vô cùng quan trọng.
Đuối nước là tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè - Ảnh: Dân trí
Nguyên nhân gây đuối nước
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ.
Bên cạnh đó, một phần do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bị đuối nước.
Song cũng xảy ra trường hợp trẻ chết đuối do sự không an toàn của các môi trường sống xung quanh.
Hoặc cũng có những trường hợp các em cứu lẫn nhau, do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người chết đuối, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ chết đuối tăng lên.
Dạy trẻ tập bơi là biện pháp hàng đầu để phòng tránh đuối nước - Ảnh: Minh họa
Các biện pháp phòng tránh đuối nước
Để phòng tránh đuối nước ở trẻ nhỏ vào mùa hè, các bậc cha mẹ, thầy cô cần có những biện pháp:
Thực tế không phải trẻ nhỏ nào cũng có thể học bơi. Vì thế, trước khi cho trẻ tham gia hoạt động bơi lội các bậc phụ huynh phải chắc chắn sức khỏe của con mình đáp ứng đủ yêu cầu. Ví dụ như những em nhỏ mắc các bệnh hen phế quản; bệnh đường hô hấp mạn tính: Viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn; viêm da dị ứng...không nên xuống nước vì có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn, dẫn tới những tai nạn không mong muốn khi bơi.
Bên cạnh đó, để phòng đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là dậy trẻ biết bơi. Các bậc cha mẹ cần trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi cho các em nhỏ như: cần phải khởi động kỹ trước khi xuống nước, xử lý sao khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với lứa tuổi...
Song, hiện nay việc dạy bơi cho trẻ chỉ dừng lại ở mức độ tự phát, tình trạng thiếu bể bơi, thiếu kỹ thuật bơi căn bản cũng là yếu tố ảnh hưởng tới việc dạy trẻ kỹ năng này. Vì vậy, một giải pháp đó là các nhà trường có thể dạy kỹ năng bơi cho trẻ tại trường học như một chương trình bắt buộc.
Cần cảnh báo trẻ về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu.
Đối với các bể bơi, cần lưu ý các em chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ và đặc biệt phải tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Khi trẻ đi bơi cần phải luôn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Cần đảm bảo trẻ luôn mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền. Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao.
Phải làm gì khi bị đuối nước?
Nếu thấy mình bị đuối nước, ngay lập tức các em nhớ:
Kêu cứu thật to.
Bình tĩnh làm nổi người lên bằng cách hít một hơi dài, thả lỏng người.
Bơi theo dòng nước để thoát khỏi chỗ xoáy, chỗ sâu và bơi vào bờ.
Cách sơ cứu đuối nước:
- Đẩy đầu nạn nhân về phía sau, nâng hai hàm răng gần như chạm nhau, quan sát và lắng nghe hơi thở nạn nhân.
- Nạn nhân không còn thở, bịt mũi nạn nhân dung miệng thổi hơi thật mạnh cho đến khi lồng ngực nạn nhân phồng.
- Ta quỳ cạnh nạn nhân, hai tay thẳng, hai bàn tay chồng lên nhau đặt nơi lồng ngực xương ức của nạn nhân. Đè tay ép lồng ngực nạn nhân rồi từ từ buông ra làm theo chu kỳ khoảng 15 giây, chúng ta ép ngực nạn nhân khoảng 15 lần và thổi ngạt 2 lần, sau mỗi 4 chu kỳ ta kiểm tra mạch và hơi thở của nạn nhân 1 lần.
- Ủ ấm chống choáng. Khi nạn nhân vào bờ mà còn tỉnh tháo hoặc sau khi xốc nước và làm hô hấp nhân tạo, nạn nhân đã tỉnh lại hãy thay quần áo khô cho nạn nhân, dùng khăn ủ ấm và cho uống nước trà nóng hay café rồi chuyển đến cơ sở y tế.
Quỳnh Chi
Theo ĐSPL
Bất thường dịch bệnh trái mùa Sởi, ho gà được coi là dịch bệnh điển hình vào mùa đông xuân, nhưng ngay trong các tuần nắng nóng gay gắt, số người nhập viện do các bệnh này, đặc biệt là các ca mắc sởi, tăng cao ở người lớn. BS Đoàn Thu Trà kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân mắc sởi điều trị tại Trung tâm bệnh nhiệt...