Trẻ mồ côi ăn ‘nhà hàng’ hai lần một tuần
Chiều đến, thấy bóng các anh, chị học sinh mang đồ ăn tới, các em nhỏ ở làng trẻ Hòa Bình (Hà Nội) lại vui mừng chạy ra đón. Các cô cậu ăn ngấu nghiến các món vừa quyên được từ nhà hàng, khách sạn trong thành phố.
Thảo tới cửa hàng thu gom bánh sandwich. Ảnh: Bình Minh.
14h chiều thứ 7, Thảo (lớp 11 chuyên Anh 2, THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội) lại đến tiệm bánh quen thuộc nhận những chiếc sandwich đã được đóng cẩn thận trong túi giấy. Treo đủ 20 túi bánh lên ghi đông xe đạp, cô nàng phóng nhanh tới địa điểm khác, nơi có các bạn trong nhóm đang đợi lấy đồ ăn.
Công việc đi thu gom thức ăn đã quen thuộc với nhóm Thảo suốt 3 tuần qua. Kể từ lúc bắt tay làm dự án mang đồ ăn tới trẻ em khuyết tật, nữ sinh chuyên Anh thấy mình trưởng thành, thêm trân trọng cuộc sống và sự sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh.
Cuối tháng 9, nhóm Spotlight của Thảo gồm 3 học sinh chuyên ĐH Sư phạm và 3 bạn đến từ THPT chuyên Hà Nội Amsterdam nộp đơn tham dự cuộc thi lập dự án ngân hàng thức ăn do một tổ chức phi lợi nhuận phát động cho học sinh trung học. Mô hình ngân hàng thức ăn rất phổ biến ở nước ngoài nhưng tại Việt Nam, điều này vẫn còn mới mẻ.
Nhận thấy hầu hết các nhà hàng và tiệm bánh dư ra lượng lớn đồ ăn chưa sử dụng vào cuối ngày, Thảo cùng các bạn lập kế hoạch đi xin. Mô hình đưa ra cho các nhóm dự thi giống nhau, chỉ khác ở đối tượng hướng đến. Trong khi các nhóm khác chọn bệnh viện và trung tâm dành cho người HIV/AIDS, nhóm Thảo chọn làng trẻ Hòa Bình với 150 em khuyết tật cùng người già neo đơn.
Trước khi chọn địa điểm trên, nhóm đã đi thực tế và chứng kiến bữa ăn đạm bạc hàng ngày của các em nhỏ chỉ có hai miếng giò cùng bát canh. Bữa cơm nhàm chán khiến nhiều em không muốn ăn, thậm chí khóc thét mỗi khi bị bắt ngồi vào bàn. Điều này càng khiến các học sinh thêm quyết tâm đi xin đồ ăn.
Sau khi đi lấy đồ ăn từ các nhà hàng, tiệm bánh, các nhóm sẽ tập hợp để kiểm tra trước khi mang tới làng trẻ Hòa Bình. Ảnh: Bình Minh.
Trực tiếp đi xin nhà tài trợ, các thành viên trong nhóm của Thảo được trải nghiệm cảm giác ngượng ngùng, xấu hổ khi bị đuổi và tủi thân lúc bị từ chối. Mới đầu, cả nhóm 6 người phân công từng đôi một tới các nhà hàng “đặt vấn đề” nhưng ngay khi thấy các bạn trẻ nhắc tới cụm từ “đồ ăn thừa”, người quản lý ở đó đã xua đuổi vì cho rằng lấy thức ăn thừa đem cho người khác là “không nhân đạo”.
Chưa kịp giải thích, Thảo và cô bạn Phương Anh đã bị tống ra ngoài. Ở nơi khác, không bị đuổi nhưng hai cô gái nhận được cái nhìn thiếu thiện cảm vì “mặt non choẹt, ý tưởng mơ hồ và vớ vẩn như trò đùa của trẻ con”.
Video đang HOT
“Bản thân chúng em ban đầu cũng chưa hiểu đúng thức ăn thừa là thế nào nhưng sau tìm hiểu mới rõ đó là những đồ ăn chưa dùng tới. Cuối ngày, nhà hàng hoặc tiệm bánh sẽ đổ đồ không bán hết đi. Chúng em tới xin và mang về cho trẻ em nghèo”, Thảo giải thích.
Sau những lần “tay không” đi xin và bị đuổi, các thành viên trong nhóm rút kinh nghiệm rồi bắt đầu trình bày ý tưởng ra giấy, in thư mời tài trợ gửi cho các nhà hàng hay xin số liên lạc để đặt lịch hẹn. Suốt hai tuần đầu, cả nhóm gọi điện tới hơn 40 địa chỉ và trực tiếp đến các nhà hàng tiệm bánh trong thành phố nhưng chỉ nhận được lời từ chối.
Nhớ lại thời điểm khởi đầu ấy, cô học trò đeo kính cận hiền lành kể: “Thời gian đó, chiều nào nhóm cũng chia thành từng cặp đi xin. Học buổi sáng xong, buổi trưa chúng em ăn qua loa rồi đi xe đạp, thậm chí cuốc bộ tới các nhà hàng, quán ăn”.
Để dễ dàng bắt chuyện với quản lý, mỗi khi tới tiệm bánh nào, Thảo và Phương Anh lại bỏ tiền túi ra mua một món đồ rồi sau đó mới lôi bản kế hoạch ra trình bày với chủ quán. Một buổi chiều, hai cô nàng “ghé thăm” hàng chục nhà hàng, tiệm bánh để đổi lấy lời hẹn “xem xét”. Lắm hôm, khi ra về cả hai chẳng còn đồng nào trong túi.
Phương Anh cho biết thêm, “lộ phí” này là tiền tiết kiệm ăn sáng, tiêu vặt, lắm khi lấy cả tiền mừng tuổi ra dùng. Kiên trì suốt hai tuần không kết quả trong khi ngày thuyết trình dự án sắp tới, cả nhóm bắt đầu uể oải. Đang trong lúc chán nản, nhóm nhận được lời đồng ý hẹn của một nhà hàng.
“Chúng em mừng quýnh và hét lên sung sướng. Mọi người bàn nhau xem hôm gặp họ nên mặc gì cho lịch sự. Chúng em còn lựa chọn xem bạn nào trong nhóm có khuôn mặt người lớn, giọng nói không choe chóe. Trước khi đi, cùng phải luyện tập nói chuyện và thể hiện sao cho khéo léo”, Phương Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, hôm có lịch hẹn thì các thành viên trong nhóm đều có việc bận nên phải hoãn đến hôm khác. Hôm ấy đến thì người hẹn lại bận họp và đi vắng khiến ai cũng thất vọng. Theo Phương Anh, họ từ chối vì không tin và chưa hiểu mục đích dự án. Nhiều nơi đồng ý cho đồ ăn thừa nhưng lại lo ngại nhóm bảo quản không tốt, khi đến tay người dùng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, ảnh hưởng uy tín nhà hàng.
Khắc phục nhược điểm ấy, nhóm tuyển thêm tình nguyện viên phụ trách mảng an toàn thực phẩm là sinh viên ngành thực phẩm và các anh chị có kinh nghiệm quản lý nhà hàng, siêu thị. Những tình nguyện viên này có trách nhiệm kiểm tra chất lượng đồ ăn sau khi lấy từ nhà hàng xem còn dùng được nữa không. Sáng kiến ấy trở thành điểm mạnh trong bản dự án của nhóm Thảo.
Hiện tại, đã có hơn 5 địa chỉ nhận hỗ trợ đồ ăn cho dự án của Spotlight. Ngoài bánh ngọt, trong bữa ăn của các em giờ có thêm đồ ăn nhanh, bún cùng nhiều loại thực phẩm khác. Mỗi thứ 4 và thứ 7 hàng tuần, thấy bóng các anh, chị mang đồ ăn tới, các em nhỏ lại vui mừng chạy ra đón.
Các tình nguyện viên cùng chung tay phân loại thức ăn xin được. Ảnh: Bình Minh.
Thảo cho hay, so với các nhóm khác, dự án của Spotlight ấn tượng vì mang tính dài hơi, có ban kiểm tra thực phẩm và thức ăn đa dạng. Bận rộn với lịch học ở trường và sắp thi đại học, nhóm hướng tới là cầu nối giữa các nhà hàng và làng trẻ Hòa Bình. Những lúc các bạn trẻ bận không đi lấy đồ ăn được, người ở làng trẻ sẽ tới địa điểm hỗ trợ thức ăn để chuyển về.
Trước khi đến với cuộc thi, 6 thành viên của Spotlight nghĩ tham gia cho vui và cốt để học cách điều hành dự án. Tuy nhiên, càng về sau các bạn trẻ nhận thấy việc chiến thắng cuộc thi hay không không còn quan trọng.
Thảo và Phương Anh thừa nhận, thời gian đầu việc đi xin đồ ảnh hưởng không nhỏ tới việc học tập. Sáng đi học, chiều đi xin, tối về cả nhóm họp qua mạng. Nhiều hôm đến lớp, mệt mỏi và buồn ngủ, các thành viên gục xuống bàn. Tranh thủ giờ ra chơi, các bạn trẻ lại túm tụm bàn bạc.
Bố mẹ Thảo không những ủng hộ về tinh thần mà cả vật chất cho con gái. Một số bạn trong nhóm mãi tới khi dự án “xuôi chèo” mới dám tiết lộ với phụ huynh. Công việc này càng khiến các bạn trẻ thêm trân trọng mỗi bữa ăn của mình. “Trước đây, ở nhà hoặc ra ngoài ăn, em toàn để thừa. Đi ăn buffet cũng lấy nhiều, không ăn hết lại bỏ đi, nhưng từ lúc làm dự án em chẳng dám hoang phí đồ ăn nữa”, Thảo tâm sự.
Theo VNE
Khâm phục chàng trai không chân vào đại học
Nhiễm chất độc da cam từ bố, Lê Văn Chiến không may mắn có được đôi chân bình thường như bao đứa trẻ khác. Vượt qua bao khó khăn, Chiến nỗ lực học tập và trở thành sinh viên đại học. Hiện Chiến học năm thứ 2 chuyên ngành Kế toán Trường ĐH Đại Nam.
Thời gian qua, câu chuyện về em Lê Văn Chiến - người đầu tiên ở làng trẻ Hòa Bình (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) đỗ đại học đã khiến nhiều người phải khâm phục.
"Làng trẻ cho em cuộc sống mới"
Chúng tôi gặp Lê Văn Chiến trong buổi chiều khi em vừa tan giờ học. Em ấn tượng bởi trong những bước đi xiêu vẹo khó khăn là nụ cười rạng rỡ. Khuôn mặt lấm tấm những giọt mồ hôi cho dù đang trong tiết trời thu se lạnh đủ để tôi biết em mệt lắm sau cả ngày học tập trên trường. Tuy vậy, nhưng khi được hỏi về cuộc sống ở làng trẻ Hòa Bình, Chiến phấn khởi khoe: "Đây là ngôi nhà mà em đã gắn bó suốt 14 năm qua và em thấy mình may mắn vì đã được ở đây".
Sinh ra do nhiễm chất độc da cam từ bố - một người lính đã từng vào sinh ra tử ở chiến trường Tây Ninh, Chiến không may mắn có được đôi chân bình thường như bao đứa trẻ khác. Trong kí ức của chàng trai trẻ này, ngày còn nhỏ em hoàn toàn phải di chuyển bằng cách "bò ra đất" bởi không có chân để đứng. Ngày Chiến học lớp 1, lớp 2, những hôm bố mẹ đi vắng phải ở nhà một mình ,em vẫn miệt mài bò đến lớp trong tư thế cặp sách ngậm vào miệng. Và rồi như một cơ duyên em đến với làng trẻ Hòa Bình sau một chương trình Bắc Giang đã ghi lại hình ảnh cậu bé ham học ngày ngày "bò" đến trường.
Từ ngày được sống ở Làng trẻ Hòa Bình, cậu bé kém may mắn như được mở ra một trang mới.
Ngày đó mới 8 tuổi, Chiến nhớ lại: "Hồi được các cô trên làng trẻ đón về em còn bé lắm nên suốt ngày khóc vì nhớ nhà. Lần đầu tiên bố mẹ đã ở đây với em 1 tuần để em quen dần với ngôi nhà mới rồi bố về gửi em lại cho các cô. Đến bây giờ em vẫn còn nhớ lúc bố về em đã khóc thét lên rồi cứ lăn chiếc xe bám chặt lấy chân bố làm bố em cũng khóc. Thương em, các cô trong làng ai cũng dỗ dành và quan tâm chăm sóc nên dần dần em cũng quen và không khóc nhiều nữa, em bắt đầu hòa nhập với cuộc sống ở đây từ khi đó".
Do không có chân và di chuyển hoàn toàn bằng xe lăn nên việc vệ sinh cá nhân với Chiến là điều hết sức khó khăn. Nhớ lại quãng thời gian đó, em cười: "Ngày còn ở nhà em được mẹ tắm cho nên ban đầu lên đây không biết phải làm như thế nào nữa. Sau đó các cô và anh chị lớn tuổi hơn hướng dẫn và chỉ cho cách làm em vẫn loay hoay và không làm được. Những thao tác như di chuyển xe lăn vào nhà tắm, cách pha nước ấm... với em khó khăn lắm nên mãi một thời gian dài sau này mới quen được. Các công việc khác như mắc màn đi ngủ hay lấy đồ trên cao thì các anh chị làm hết cho em vì em không thể với lên được".
Từ những công việc nho nhỏ ban đầu, Chiến tập làm quen và thành thạo dần. Niềm vui đến với em bất ngờ hơn khi được một tổ chức phi chính phủ giúp lắp đôi chân giả. Lần đầu tiên được đứng lên và đi lại bằng chân, Chiến khóc òa trong niềm hạnh phúc. Một cuộc sống mới mở ra với em mà có trong mơ Chiến cũng không bao giờ dám nghĩ đến.
Đam mê CNTT
Công nghệ thông tin (CNTT) đối với Chiến như một cục nam châm có sức hút kì lạ khiến em mê mẩn ngày từ khi nhìn thấy. Lần đầu tiên nhìn thấy chiếc máy tính là khi em được lên Làng học và tỏ rất ra thích thú. Những ngày đầu tiên được các thầy cô dạy đánh văn bản Word rồi học đến Excel, Powerpoint... em thấy "lạ" và "hay lắm" nên dần dần tự mầy mò và học thêm. Càng học, Chiến càng say mê hơn và mơ ước sau này được làm việc với chiếc máy tính "thông minh" này.
Năm 2011, Chiến tham cuộc thi Thách thức CNTT với trẻ em khuyết tật và đã giành giải Nhất về phần thiết kế và trình chiếu Powerpoint. Giải thưởng như một động lực khiến em càng muốn cố gắng và phấn đấu hơn trong lĩnh vực này. Sắp tới, Chiến sẽ tiếp tục tham dự cuộc thi này nhưng sẽ được tổ chức tại Hà Quốc nên em đang gấp rút chuẩn bị mọi thủ tục để đi. Em chia sẻ sẽ cố gắng hết sức đạt thành tích cao nhất để không phụ lòng các thầy cô giáo ở Làng đã dạy dỗ và chăm sóc.
Hàng ngày ở làng trẻ Hòa Bình, Chiến vẫn miệt mài tìm hiểu về CNTT.
Kể chuyện về việc lựa chọn thi và học chuyên ngành Kế toán, Chiến cho hay: "Ban đầu em cũng thích các công việc như Kinh tế, Ngân hàng hoặc liên quan nhiều đến ứng dụng CNTT, tuy nhiên bố mẹ và các thầy cô giáo cũng phân tích và khuyên em nên học Kế toán. Bản thân em hiện đã có thể đi lại bình thường tuy nhiên cũng rất khó khăn nên chọn công việc ít phải di chuyển mà vẫn tiếp cận được Internet hàng ngày". Mong muốn của Chiến sau này ra trường được làm kế toán nhưng sẽ ứng dụng những phần mềm mới nhất và hiện đại để hiệu quả công việc cao hơn.
Chiến tâm sự: học Văn cho em thêm yêu cuộc sống.
Theo dân trí
Mái ấm thầy Nhiên 31 mái đầu thơ trẻ. 10 cháu học cấp một, 17 cháu cấp hai, 2 cháu cấp ba là những con số ấn tượng nơi "Mái ấm thầy Nhiên". Thầy tâm niệm, một đứa trẻ nên người sẽ bớt đi một gánh nặng cho xã hội. Vì lẽ đó, tất cả đều được đi học. Mái ấm đơn sơ Nằm giữa khung cảnh...