“Trẻ không chơi, già đổ đốn”
Cô chú yêu rồi lấy nhau từ cái thời đất nước vừa đổi mới, kinh tế chưa có gì, ai cũng nghèo, nhưng cuộc sống lại vui. Tối chở nhau trên chiếc xe đạp cà tàng đi dạo quanh Bờ Hồ Hoàn Kiếm, xe thủng lốp mà trong túi chẳng có tiền vá, cứ thế dắt xe đi, vừa đi vừa tâm sự.
Đến trước cổng Bưu Điện thì chú tỏ tình. Chẳng gì hơn một cái nắm tay rụt rè, thế mà nên nghĩa vợ chồng từ ấy.
Nói không ngoa chứ cũng phải loay hoay mãi mới ra được thằng cu Kin. Chú là người chân chất, chẳng có mồm tán gái bao giờ, cô là mối tình đầu tiên, cũng là người duy nhất. Nghèo nên cái gì cũng giản đơn, tình yêu sáng trong, đẹp đến thánh thiện. Giờ già rồi mà cứ nghĩ đến cái thời ấy cô lại tủm tỉm, má ửng hồng, bọn trẻ bây giờ chưa chắc có được tình yêu đẹp như cô ngày ấy.
Đất nước xóa bỏ bao cấp, chuyển sang kinh tế thị trường nên vợ chồng cán bộ nhà nước như cô chú khá là vất vả. Cô chú cũng xoay xỏa đủ việc. Tan làm cô tranh thủ bán hàng nước ngoài bến xe, chú được người ta chỉ mối cung cấp quần áo, quân nhu. Lăn lộn mãi cũng dần ổn định, chú chuyển hẳn sang chuyên tâm phát triển cửa hàng. Mọi người bắt đầu trêu cô rằng để chú đi như thế khéo bà hai bắt mất. Nhưng cô tin chú, cô chẳng bao giờ lo. Chú lúc nào cũng chỉ biết có vợ con và công việc. Cả ngày chú quẩn quanh ở cửa hàng, lúc thì chúi đầu vào kiểm kê sổ sách, khi điện thoại với khách, với bạn làm ăn, chú làm việc không ngơi để tích cóp cho gia đình thì lấy đâu mà hư được. Ngày ấy cũng chẳng có cái văn hóa tối phải đi “quan hệ” cùng đối tác. Cứ đúng giờ chiều chú về.
Video đang HOT
Cho đến bây giờ cô chú đã có một ngôi nhà khang trang trên phố, còn mua thêm được cho hai thằng con trai mỗi đứa một cái chung cư, dành đến khi chúng nó lấy vợ. Chung cư cứ để đấy cho thuê cũng ra tiền. Công việc của chú vẫn tốt, cô đã về hưu, cuộc sống dư dả. Đã đến lúc chú không cần lăn lộn với đời. Cô bàn với chú thuê người quản lý công việc kinh doanh, để chú có chút thời gian thảnh thơi mà an hưởng tuổi già. Chú thấy cũng phải nên nghe. Chú bắt đầu ra hồ đánh cờ với mấy ông bạn già, rồi lập hội cầu lông, nhập hội khí công dưỡng sinh… Chú có nhiều bạn hơn, bạn bè chú còn rủ nhau đi chơi xa. Nghĩ cùng chỉ có mấy ông già với nhau nên cô không cản. Ai ngờ…
Cái bệnh bồ bịch là bệnh của thời đại. Mấy “ông bạn già” trong nhóm mà chú chơi chẳng ít ông có bồ. Đi chơi xa, đi ăn uống bia bọt hay thậm chí là đi đánh cầu lông các ông cũng mang bồ đi theo. Cô biết chuyện cũng là lúc manh nha phát hiện chú có bồ cho không thua bè kém bạn.
Lần đầu đọc được tin nhắn của chú với bồ trong điện thoại, mặt mày cô xa xẩm. Lâu nay cô không có thói kiểm tra điện thoại của chồng, chẳng qua dạo này chú cứ thậm thụt khiến cô tò mò. Chú nói dối cô nhiều hơn, lúc bảo đến nhà ông này, khi nói sang nhà ông kia, nhưng cô biết, chú không đến đó. Lòng cô rất rối, tâm sự với người thân trong nhà thì mỗi người một ý, người bảo phải làm tanh bành ra cho chú biết, người lại nói thôi, già cả rồi, còn được mấy năm nữa thì chú cũng… hết xí quách, ghen tuông làm gì.
Cô cũng biết đối với gia đình, chú có công hơn là có tội, chẳng qua cả tuổi trẻ không chơi nên đến giờ gặp cam dỗ chú không chống đỡ nổi. Nhưng biết bắt đầu từ đâu để kéo chú về? Cả đời cô chưa bao giờ biết ghen, chưa bao giờ phải rơi vào tình huống trớ trêu thế này cả. Già rồi, làm to chuyện người ta cười cho. Song cứ nghĩ đến kỷ niệm đẹp ngày xưa, lòng cô lại ấm ức…
Theo VNE
Mẹ vợ - con rể
Không ít những tình huống mâu thuẫn, trớ trêu xuất phát từ mẹ vợ - con rể.
Chỉ tại cái tính tự ái
Hoàng và Liên mặc dù yêu nhau đã lâu nhưng trục trặc mãi mới đi đến hôn nhân chỉ vì vợ anh là con gái độc nhất. Ba Liên đã mất từ khi cô còn bé nên nhà chỉ có hai mẹ con sống nương tựa vào nhau. Gia đình Liên có ý muốn Hoàng về ở cùng để có thể nhờ cậy lúc ốm đau hay trái gió trở trời. Anh thì chúa ghét cái cảnh ở rể nhưng nhìn Liên khóc lóc, năn nỉ, và tình cảm có với nhau cũng ngót nghét gần 5 năm nên Hoàng đành nhắm mắt đưa chân. Cưới nhau xong, cái cảm giác ở rể vẫn đeo bám anh vào tận trong giấc ngủ.
Lần ấy, ông bạn cũ của mẹ vợ anh đến chơi, do không có mẹ ở nhà nên anh lịch sự ra ngồi tiếp. Đang trò chuyện khá rôm rả và vui vẻ, vợ anh từ bếp bưng nước ra mời khách thì thấy anh sa sầm mặt xin phép lên phòng. Không hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng linh tính mách bảo có chuyện không lành, chị cũng nén lòng tiếp khách cho đến khi họ ra về rồi vội lên phòng tìm chồng.
Hóa ra, ông bạn cũ vô tình đụng đến "vết thương" đang âm ỉ trong anh bấy lâu. Trong lúc trà dư tửu hậu, ông bạn mẹ vợ anh kể về chuyện vợ chồng con gái ông cũng đang ăn nhờ ở đậu nhà ông với ý chê bai anh con rể mình. Rằng "anh là sướng nhất rồi, chuột sa chĩnh nếp, làm rể giám đốc Hương là quá sướng. Cơ ngơi có sẵn chỉ lo làm ăn chứ lương nhà nước ba cọc ba đồng thì đến đời nào mới mua được nhà". Nghe khách nói, mặt anh nóng ran mà cơn giận trong lòng bốc lên ngùn ngụt.
Thực ra lời ông khách nói chỉ như cơn gió làm thổi bùng ngọn lửa bấy lâu nay luôn cháy âm ỉ trong lòng. Anh ầm ĩ với vợ: "Không biết mẹ em nói gì với người ta không mà ông ta lại nói như thế với tôi. Tôi giống như một con chó bấy lâu nay luồn cúi trong nhà cô. Còn bây giờ thì tôi không chịu được nữa...". Rồi Hoàng một mực đòi thuê nhà dọn ra ở riêng. Mặc dù vợ năn nỉ hết lời và mẹ vợ giải thích Hoàng mới chịu ở lại nhưng lòng tự ái không biết khi nào mới hết.
Từ chuyện nhỏ thành chuyện lớn
Khác với chuyện của Hoàng, câu chuyện nhà Trang cũng vì tính tự ái mà ra. Nhưng lần này lòng tự ái không phải xuất phát từ chồng mà là từ mẹ của Trang. Chồng Trang vốn là con một lại là "độc đinh" ba đời trong họ nên được cưng chiều từ nhỏ. Lại thêm tính thật thà lại không khéo ăn nói nên rất dễ mất lòng người khác. Lúc mới lấy nhau, gia đình hai bên đều ở tỉnh nên vợ chồng Trang thuê nhà tại thành phố. Khi Trang có thai, mọi việc lớn nhỏ trong nhà do chồng phụ, từ nấu ăn, đến rửa chén. Đến kỳ sinh con, mẹ cô ở quê lên phụ giúp chăm nuôi cháu trong những ngày Trang ở cữ.
Từ khi mẹ vợ lên, chồng Trang đâm ra lười biếng và ỷ lại. Tất cả mọi việc đều giao phó cho mẹ vợ mà lại không khéo ăn nói, làm bà tự ái. Đỉnh điểm của sự việc khi con Trang được hơn 4 tháng. Lần ấy, bé đã biết lật khá cứng, mọi hôm bé tự lật không sao, nhưng hôm đó lại xảy ra việc mà đến giờ đã gần nửa năm mà mẹ vợ vẫn không quên mỗi khi nhắc lại. Bữa đó Trang đang trong nhà vệ sinh, bà ngoại đang lui cui ở bếp, bé lật nhưng không may lại nằm sát mép tấm nệm nên bị té xuống nền gạch. May mắn bé không bị thương tích gì nặng nhưng lại bị sưng ở đầu. Chồng Trang về nghe chuyện xót con, bụng chẳng nghĩ - vô tình thốt ra câu nói trong vô thức: "Ở nhà chăm con mà cũng không xong". Mẹ vợ vốn tính tự ái cao cứ nghĩ là nói bà nên bà tự ái nói: "Con nghỉ ở nhà một ngày vừa trông con vừa làm việc nhà thử xem như thế nào", rồi đùng đùng giận dỗi đòi về quê. Hối hận vì lỡ miệng, vợ chồng năn nỉ mấy ngày mẹ vợ mới hết giận và chịu ở lại.
Thiết nghĩ dù là mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu hay mẹ vợ - con rể thì cũng là những mối quan hệ trong nội bộ gia đình. Sẽ đẹp hơn nếu mỗi người biết hạn chế cái tôi, lòng tự ái cá nhân để cho tình cảm gia đình ngày thêm gắn bó.
Theo VNE
Cách bày tỏ nỗi nhớ không bao giờ lỗi mốt Nỗi nhớ không nhất thiết phải được diễn tả bằng lời "Em nhớ anh nhiều lắm" mà có thể bày tỏ bằng hành động như: tặng cho chàng (hoặc nàng) một bài thơ, một ca khúc, một tấm thiệp giản dị. Khi nỗi nhớ ngập tràn trong tim nhưng bạn không biết nên làm gì để bày tỏ lòng mình với người ấy,...