Trẻ em mất mạng vì lũ lụt Đông Nam Á
Chỉ trong tích tắc sơ sẩy, lũ ngập trắng đồng đã cướp đi sinh mạng đứa con gái mới 3 tuổi của anh Nguyễn Phước Hiền.
Một cậu bé bơi trong dòng nước lũ ở Bangkok. Ảnh: AFP.
Cô bé 3 tuổi đang chơi vui vẻ phía sau nhà, trong lúc dì ruột của bé học bài. Một cái trượt chân nhẹ đã cuốn bé vào dòng lũ dữ đang hoành hành tại đồng bằng sông Cửu Long, cũng như một số nơi tại châu Á.
Chị vợ anh Hiền đi cho lợn ăn về gọi mãi không thấy con gái đâu. Chị hộc tốc đi tìm xung quanh nhà. Hàng xóm cũng xúm vào đi tìm giúp, cũng không thấy cho đến khi xác cháu bé nổi lên trên dòng kênh gần nhà chừng một tiếng sau đó.
Video đang HOT
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, trong số gần 800 người tử vong từ tháng 7 ở các nước Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Lào và Philippines, trẻ em chiếm khoảng một phần tư. Trận lụt lịch sử trong vòng mấy chục năm đã tàn phá nặng nề cả khu vực. Mặc dù vậy, tình trạng người chết đuối lại ít khi được báo cáo đầy đủ ở châu Á. Hàng năm, theo ước tính có đến 240.000 trẻ em dưới 17 tuổi bị chết đuối mà nguyên nhân chủ yếu và rất đơn giản là do không biết bơi.
Mặc dù nếu nói về lượng, con số này tương đương với số tử vong trong trận sóng thần ở Ấn Độ dương năm 2004, nhưng những tai nạn kiểu thường ngày này lại ít khi được quan tâm.
“Những người bị chết trong trận sóng thần được đưa vào báo cáo bởi vì họ tất cả đều bị chết ở tại một nơi, trong cùng khoảng thời gian từ 6 đến 8 tiếng trong một khu vực làm mọi người sửng sốt với con số quá lớn”, Michael Linnan, Giám đốc kỹ thuật của văn phòng cứu trợ trẻ em ở Bangkok, phụ trách nghiên cứu tình trạng chết đuối ở trẻ em, nói.
“Thực tế là trong 364 ngày trước khi trận sóng thần ập đến số các bà mẹ và trẻ em bị chết cũng tương đương nhưng vì đây là những tai nạn ở những thời điểm khác nhau và không phải vì cùng một thảm họa thiên tai, nên không được thống kê”.
Vào mùa lũ, trẻ em dễ bị rơi xuống nước sâu khi chúng mải chơi đùa hay lội trong nước. Trong dòng nước đục đó trẻ không lường trước được những nguy hiểm đe dọa đến tính mạng dưới mỗi bước chân. Một số trẻ bị rơi xuống kênh hay dòng suối chảy xiết ngay tại sân nhà hay trong làng. Có những đứa trẻ thì bị rơi xuống nước bao quanh nhà khi trèo lên bậu cửa sổ hay hiên nhà chơi đùa. Đôi lúc tai nạn xảy ra với chúng khi trời tối. Bố mẹ và người thân trong gia đình thường không phát hiện ra con họ bị mất tích vì bận bịu với việc sơ tán đồ đạc, hoa màu, gia súc, những thứ được coi là tài sản giá trị của cả gia đình.
“Vào mùa lũ, những chỗ khô ráo cho trẻ chơi không có, vì chỗ khô thì ít mà lượng người cần sơ tán đến những chỗ này lại đông. Trong khi bố mẹ, các anh chị trong nhà bận rộn sơ tán đồ đạc, không có thời gian để mắt đến chúng, chỉ 2-3 phút sơ sểnh là có thể có tai nạn xảy ra với trẻ”, Linnan nói.
Trẻ em chơi đùa trong nước lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Ảnh: Phuot.com
Vào mùa mưa, những cơn mưa tầm tã đổ xuống làm ngập chìm các dòng sông, đập và kênh trong khu vực. Những trận bão tiếp nối nhau ập đến gây thiệt hại lớn cho các nước Philippines, Trung Quốc và Việt Nam. Khoảng gần 2 triệu héc ta đất đai nhà cửa của Thái Lan đã bị ngập trong trận lũ tồi tệ nhất trong nửa thế kỷ qua ở đất nước chùa vàng. Nước lũ đang tràn sâu vào Bangkok bao vây thủ đô 12 triệu dân của đất nước này bất chấp những bức tường dựng từ bao cát nhằm ngăn dòng nước lũ.
Theo số liệu của Ủy ban phòng chống bão lụt quốc gia Việt Nam, trong số 57 người chết ở đồng bằng sông Cửu Long từ tháng tám, có đến 49 trường hợp là trẻ em. Ở nước láng giềng Campuchia, lũ lụt nghiêm trọng ở nước này đã lấy đi sinh mạng của 80 trẻ. Con số này ở Thái Lan là trên 50. Myanmar cũng phải hứng chịu những trận lụt nặng nề nhưng không đưa ra con số cụ thể về số trẻ bị chết trong lũ lụt. Theo Liên hợp quốc, điều đáng báo động là hầu hết các trường hợp trẻ em bị tử vong này đều do chết đuối.
Ông Lê Văn Hưng, một quan chức của tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam cho biết: “Những cái chết của trẻ thật thương tâm. Phần lớn trẻ đều sinh ra trong các gia đình nghèo khó. Bố mẹ chúng phải vật lộn với việc mưu sinh nên không có thời gian để mắt đến con cái khi nhà cửa bị ngập”.
Linnan cho rằng mặc dù sống trong vùng nhiệt đới với hệ thống sông ngòi và kênh rạch chằng chịt nhưng có đến ba phần tư số trẻ em ở khắp các nước châu Á không được học bơi. Dù chết đuối được coi là nguyên nhân hàng đầu đẫn đến tử vong ở trẻ em nhưng lại không được quan tâm hoặc hỗ trợ bởi lẽ chỉ khoảng 15 % – 25 % số trường hợp bị chết đuối được đưa vào báo cáo của ngành y tế. Khi có trẻ bị chết đuối, việc đơn giản là đem chôn chứ không cần làm giấy chứng tử. Trước đó, trẻ không được đưa đến bệnh viện hay các trung tâm y tế nên nguyên nhân gây ra cái chết của chúng vì vậy mà cũng không được thống kê. Điều đó chứng tỏ rằng đối với các nước trong khu vực châu Á, tử vong do chết đuối ở trẻ em đang còn bị coi nhẹ.
Theo ông Justin Scarr ủy viên của tổ chức cứu nạn có văn phòng chính tại Bỉ, có những nơi những đứa trẻ lớn lên nước ngập mênh mông, đôi khi “diện tích mặt nước còn lớn hơn diện tích đất “. Tổ chức của Scarr hiện có chương trình dạy bơi cho trẻ và Scarr nhận ra rằng sợ nước là do văn hóa ở nhiều địa phương. Ông Scarr nói: “Ở những nơi này, người ta chứng kiến nhiều người chết đuối vì thế cố tránh không cho trẻ tiếp xúc với nước, trong đó có cả việc cơ bản nhất là học bơi”.
Có đến một nửa trong số em bị chết đuối dưới 5 tuổi, lứa tuổi mà người lớn cho rằng quá nhỏ để học bơi. Vì thế giáo dục cộng đồng cũng là một chìa khóa quan trọng để giảm thiểu số trẻ bị chết đuối do không biết bơi. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong khi bố mẹ bận bịu với việc kiếm sống và không có thời gian trông con thì việc lập ra các nhà trông trẻ trong làng có thể giảm đến 80% số trẻ bị tử vong do chết đuối.
Đối với gia đình anh Hiền thì đã quá muộn. Một phút bất cẩn trong mùa lũ năm nay khiến họ phải gánh chịu nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai. Anh Hiền, 31 tuổi, thu nhập khoảng 100 USD/tháng bằng nghề đánh cá và làm một số công việc lặt vặt khác.
Hiền nói: “Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó con gái mình lại bị chết đuối. Chúng tôi đau đớn vô cùng”.
Theo VNExpress