Trẻ em đang bị vắt kiệt sự hồn nhiên, trong sáng
Lâu nay, tình trạng trẻ em hát nhạc não tình của người lớn khá phổ biến trong các băng đĩa từng làm các bậc phụ huynh, giáo viên che mặt xấu hổ hoặc bất bình.
Tuy nhiên, điều lạ lùng hơn, hai chương trình dành cho thanh thiếu niên đang gây nhiều tranh cãi về việc sớm vắt kiệt sự hồn nhiên, trong sáng ở trẻ thơ, lại đang được đông đảo người xem trên VTV3 và VTV6.
Bắt chước rập khuôn
Mỹ Linh là ca sĩ đầu tiên “đặt vấn đề” khi đăng tải những suy nghĩ của mình trên Facebook cá nhân: “Lần đầu tiên xem Đồ Rê Mí. Tội nghiệp các bé quá. Mong sao các con sẽ không trở thành các thảm họa nhạc Việt tương lai. Thẩm mĩ âm nhạc và trang phục, bài trí, màu sắc sân khấu… Chết các con tôi rồi! Chưa kể bé tí đã ganh đua thế này…”
Chương trình Đồ Rê Mí bị xem là show “biến” trẻ em thành già chát, giả tạo.
Mỹ Linh không lo lắng sao được, nếu chị đã xem bé Bảo Trân 5 tuổi hát “Rock cánh diều”, bài hát mà mẹ cô bé cho là hay và khoe được giọng của con mình. Theo sự “ép” thái quá của các bậc cha mẹ lẫn biên đạo múa, các bé trong chương trình Đồ Rê Mí 2012 (VTV3) cũng khổ không kém gì Bảo Trân.
Các em còn bé tí mà đã bị buộc phải diễn và hát trong show nhạc kịch (Nhật Tiến 9 tuổi và Băng Giang 7 tuổi chọn hát bài “Trương Chi-Mỵ Nương” mới thật đau lòng), trong show nhạc quốc tế (dù có bé chưa biết tiếng Anh) và cả show hát ru. Để rồi cộng đồng mạng lại dấy lên tranh cãi dữ dội về việc Nhật Tiến khóc như mẹ chết khi hát bài “Gặp mẹ trong mơ”, trong khi mẹ của cậu ngồi ngay bên dưới là có phản giáo dục hay không, hay vì cậu bé đã quá nhập tâm vào bài hát.
Các bé bị bàn tay người lớn vẽ mặt bự phấn, môi đỏ chót, ăn mặc y như bà cô, uốn éo, nhảy nhót… gợi cảm như những hot girl và cuối cùng, sợ nhất là ban giám khảo lẫn MC chương trình cũng uốn éo, giả giọng trẻ con ỡm ờ không chịu nổi.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý – Khoa học giáo dục Hà Nội trong một bài phỏng vấn cũng lo lắng: “Đồ Rê Mí là chương trình lớn. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, đối với lứa tuổi thiếu nhi, việc dàn dựng công phu nhiều lúc gây nên sự nặng nề. Tôi thấy trong nhiều chương trình, trẻ em phải hát những bài quá khó, ăn mặc lòe loẹt, trang điểm cầu kì khiến các em trông già hơn so với tuổi.
Theo khoa học, những thứ bị chín ép hoặc phát triển sớm quá đều chóng lụi tàn. Hơn nữa nó bị biến đổi, biến dạng. Trẻ con bây giờ dễ thành “gà công nghiệp” vì phải chịu tác động của những sự giáo dục cứng nhắc, lý thuyết. Đối với việc phát triển của trẻ, chúng ta cần có sự thăm dò chứ không thể làm một cách ào ào được. Tuy nhiên, thực tế hiện nay lại hoàn toàn ngược lại cho nên cần có những bài học cảnh báo dành cho phụ huynh”.
Tương tự như Đồ Rê Mí, còn có chương trình thi dancesport (khiêu vũ thể thao) và nhảy đôi dành cho các bạn trẻ trong độ tuổi từ 10 đến 30 (thi nhóm từ 15-25 tuổi) mang tên “Vũ điệu xanh”, hiện đang phát trên VTV6. Nhiều hình ảnh tuổi teen uốn éo, nhảy nhót y như trong phim Mỹ hay các ban nhạc Hàn Quốc làm người lớn phải giật mình. Sự bắt chước rập khuôn, thiếu sáng tạo chỉ có thể thu về những bản sao yếu hơn hoặc làm người xem phải buồn lòng vì tình trạng “cóp” các vũ điệu một cách bình thản của người thi.
Video đang HOT
Teen nữ uốn éo như nhóm nhạc Hàn trong “Vũ điệu xanh”.
Những “sao nhí” kỳ quái
Hai show diễn lớn hàng tuần mà nhiều sạn như thế đã đành, trên thị trường băng đĩa cũng có thể tìm ra không ít những ca sĩ nhí hát nhạc não tình hay bắt chước phong cách y như người lớn, mà người ta hay gọi là những “ngôi sao nhí kỳ quái”, như bé Châu, Duy Phước, bé Lon Ton, bé Mộng Quỳnh…
Từ nông thôn đến thành thị vang lên những bài hát “Trả nợ tình xa”, “Lời tỏ tình dễ thương”, “Thà rằng như thế”… mà ca sĩ chính là những cô bé, cậu bé chỉ mới 5-6 tuổi mặc những bộ quần áo lưới mỏng dính, ôm sát cơ thể, mặt mũi nhăn nhúm, quằn quại diễn tả những câu hát yêu đương chưa sõi lời.
Một phần là tình trạng làm băng đĩa cho trẻ em lâu nay bị bỏ quên, sau những album gặt hát ra tiền của bé Xuân Mai, Xuân Nghi thành công. Những hãng băng đĩa vì lợi nhuận mà quên mất tính thẩm mỹ, giáo dục cho trẻ em, cha mẹ thì dễ dãi cho con xem những chương trình nhí nhố như thế, mà theo họ còn đỡ hơn chơi game!
Rõ ràng, trên thị trường bán chạy vẫn là đĩa “Đồ Rê Mí” của các năm trước, một số băng cũ của Xuân Mai, Lam Anh, Khánh Linh, nhóm Ve Sầu, TyMyTy, gần đây là bé Bào Ngư… Xuân Mai từng được coi là hiện tượng thần đồng khi album của cô bé giữ kỷ lục bán chạy nhất trong các băng đĩa thiếu nhi.
Thời đó, gương mặt non nớt của cô bé ít bộc lộ cảm xúc vì phải thu băng, quay hình quá nhiều, chưa kể là không kịp tập diễn xuất, nhưng ít ra, ăn mặc và trang điểm vẫn phù hợp với độ tuổi của bé, không bị biến thành “bà cô”, “bà mụ” già chát như các bé tham gia show “Đồ Rê Mí” bây giờ.
Khi thấy băng đĩa của con bán chạy, cha mẹ Xuân Mai tổ chức live show cho bé, hát cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh và điều này đã khiến nhiều người không đồng tình vì như thế là “ép tài năng khi còn non”. Song Xuân Mai đã hoàn thành sứ mệnh ngôi sao nhí của mình, và khi trở thành thiếu nữ, cô đã không đủ lực để trở thành ca sĩ vì đã bị vắt kiệt từ thuở còn đi học.
Hành xác tuổi thơ
Một quan chức ở Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em thuộc Bộ LĐTBXH từng than rằng điều ông đau khổ nhất khi xem “Đồ Rê Mí” là lúc các em bé ngước mắt nhìn lên để đợi các vị giám khảo ban cho nốt nhạc. Ông coi đó là một “sang chấn tâm lý” cho các bé, vì các bé đang vui tươi, đang rất ngộ nghĩnh, rất mong đợi, kỳ vọng, mà các đạo diễn lại yêu cầu các em diễn quá sức. Trẻ bị ép hát rock, rap, pha trò… làm mất đi sự hồn nhiên đã đành, lại còn bị ép tập luyện, ép hành xác (có nhiều bé quá lo không ăn, không ngủ được), ép thành tích mà lơ là việc học. Như vậy là bóc lột trẻ em. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý lâu dài của trẻ và nhiều tài năng bị ép đã không còn lớn nổi.
Điều mà vị quan chức này lo lắng là có cơ sở, nhưng không dừng lại đó. Nhiều chương trình truyền hình thực tế dành cho người lớn đã không hạn chế trẻ con tham gia. Thế nên mới có những vụ “ném đá” trên mạng đối với bé Quỳnh Anh 15 tuổi khi em tham gia chương trình “Tìm kiếm Tài năng” (VN’s Got Talent), trong khi em hoàn toàn vô tội và chẳng qua đã bị chính phụ huynh lái, ép làm những điều không muốn làm.
Thế nên mới có những tin đồn “mua giải” , ồn ào dư luận khi kết quả giải thưởng thuộc về hai tài năng nhí – như quả non bị chín ép – cũng trong cuộc thi nói trên. Không còn là bi kịch của trẻ con, mà đã là bi kịch của người lớn – nói như nhà tâm lý trên, thì những thứ bị chín ép hoặc phát triển sớm quá đều chóng lụi tàn, hơn nữa, đều bị biến đổi, biến dạng. Ai có thể chữa được sang chấn tâm thần lớn ấy cho trẻ em?
Theo Lao Động
Đồ Rê Mí: Đừng để mất nét hồn nhiên
Sự lên ngôi của cậu bé 9 tuổi người Hà Tĩnh trong đêm chung kết Đồ Rê Mí 2012 không phải là một bất ngờ với khán giả. Nhưng nếu để nói đó là một kết quả được mong chờ và xứng đáng với cuộc thi này, cũng như tiêu chí của một cuộc thi âm nhạc dành cho thiếu nhi, thì xem ra... không nhiều khán giả đồng ý. Lý do thật sự dễ hiểu: Sự hồn nhiên, đáng yêu, đúng với lứa tuổi vẫn không thể lên ngôi!
Một kết quả... già
Dẫu cô bé "Bánh rán" Bảo Trân 5 tuổi mới là "quán quân" trong lòng rất nhiều khán giả với 2 ca khúc tuyệt vời, trong veo, đầy xúc cảm thơ trẻ: "Một bầy heo con" và "Cánh chim tuổi thơ".
Dẫu chính sự hồn nhiên, đúng với lứa tuổi của Bảo Trân mới đáng là điều được tôn vinh ở cuộc thi này (nhưng cũng lại là điều cực kỳ thiếu vắng ở cuộc thi này), thì khi chỉ còn lại 2 cái tên: Lê Trần Nhật Tiến và Bảo Trân, mọi khán giả cũng đã hiểu cái kết mà BGK và BTC chọn sẽ là "sự già dặn", là sự "có phần chuyên nghiệp" của cậu bé tuổi lên 9 kia. Nhưng xem ra, nếu thế, liệu Đồ Rê Mí có còn là Đồ Rê Mí.
Một cuộc thi âm nhạc dành cho các em nhỏ, chúng ta mong chờ gì ở các em? Phải chăng là sự chuyên nghiệp? Phải chăng là sự già dặn so với tuổi? Phải chăng là khả năng "diễn" quá giỏi? Hoàn toàn không. Và ở những vòng sơ khảo của cuộc thi, dường như chúng ta cũng ít phải chứng kiến những sự "chuyên nghiệp" và "cụ non" ấy.
Hầu hết các bé đến với cuộc thi với sự trong trẻo của tuổi thơ, cũng có chút "tham vọng" đó, nhưng cũng hết sức hồn nhiên, đáng yêu. Thế nhưng, xem ra càng vào vòng sau, thì sự hồn nhiên, đáng yêu ấy càng mất đi rõ nét.
Có lẽ, duy nhất cô bé Bảo Trân là còn giữ được "nguyên vẹn" cái hồn nhiên khi "trong khi các bạn hồi hộp thi thì con vẫn đi lại, xách váy và... gãi, không hề phải chịu một áp lực nào" như nhận xét của giám khảo Trấn Thành... Còn thì thí sinh nào cũng thể hiện sự quá già dặn, sự "mất hồn nhiên" theo từng tuần thi. Nhật Tiến là một ví dụ rõ nhất.
Sau tuần thi hát ru, với bài hát "Gặp mẹ trong mơ" (về sự tích cây Vú sữa), cậu bé 9 tuổi với màn khóc mùi mẫn, dù lấy được nước mắt của cả BGK và được rất nhiều khán giả ủng hộ, nhưng lại cũng khiến rất nhiều khán giả mất cảm tình bởi khả năng "diễn" này.
Đặc biệt, trong đêm chung kết vừa qua, khả năng diễn của Nhật Tiến càng rõ nét hơn. Không nhìn thấy cảm xúc trong những phần thi của Tiến, không rung cảm bởi nét hồn nhiên của Tiến, mà chỉ thấy một sự chuyên nghiệp, một sự già dặn không đáng có trong một cuộc thi như vậy.
Khán giả Xuân Chung chia sẻ: "Đừng biến các cháu thành những ông cụ non vì bệnh thành tích. Hãy để các cháu vui vẻ, ngây thơ trong sáng, đó mới là sự thành công, hấp dẫn của chương trình và mong muốn của mọi người!". Cùng chung suy nghĩ này, khán giả Hoài Thu cho biết: "Tôi vốn rất quan tâm đến chương trình này của VTV.
Nhưng thật sự càng ngày càng thất vọng về Đồ Rê Mí. Chương trình đã dàn dựng quá già dặn, giải thưởng cũng đã nói lên điều đó, phải chăng chính người lớn đang già hóa các em nhỏ? Em Nhật Tiến hát cũng rất hay, nhưng những bài hát em này trình bày quá già so với tuổi tiểu học, sự già trước tuổi đáng lẽ là cái mà người lớn không nên khuyến khích!".
Có lẽ cũng dễ hiểu với phản ứng này của công chúng, bởi dù Nhật Tiến mới là thí sinh có số bình chọn cao nhất, và mới là quán quân của cuộc thi, nhưng phần thi khiến công chúng muốn đung đưa theo, muốn tươi vui theo, muốn trôi theo để trở về với tuổi thơ chính là cái cô lợn béo Bảo Trân trong ca khúc "Một bày heo con" và là cái con chim bồ câu trong trẻo trong "Cánh chim tuổi thơ", hát mà không diễn, hát mà vẫn giữ được sự trong trẻo, hồn nhiên, vút cao như cánh chim trên bầu trời, cánh chim nâng đỡ người xem về với một tuổi thơ của mình...
Và một hành trình... già
Không chỉ với kết quả đêm chung kết, mà xem ra xu hướng "già hóa" đã theo Đồ Rê Mí từ lâu nay rồi. Có thể thấy ở cách chọn bài rất ít "phổ cập" của các thí sinh. Hầu hết các ca khúc thí sinh chọn dự thi trong các đêm thi đều "xa lơ xa lắc" ngay với các khán giả nhí, chứ chưa nói tới các khán giả có tuổi.
Bên cạnh đó, hình ảnh các thí sinh mỗi tuần trên sân khấu cũng là điều khiến rất nhiều khán giả phản ứng. "Tôi chưa từng chứng kiến một thảm họa thời trang nào như những bộ trang phục mà các thí sinh Đồ Rê Mí phải mặc trên sân khấu, không chỉ quá xấu về hình thức, quá tệ về màu sắc, mà còn quá già so với tuổi của các con" - một khán giả bức xúc.
Một khán giả khác, chị Phương Linh - cũng có con gái 4 tuổi và đang định sang năm cho con đi thi Đồ Rê Mí thì phản ứng với việc trang điểm cho các con: "Chúng ta khuyến khích sự hồn nhiên, ngây thơ, thế mà các con lên sân khấu trang điểm như đi diễn tuồng, quá đậm, quá xấu, trông các con chẳng khác gì những người lớn thu nhỏ. Tại sao lại phải bắt các con già trước tuổi như vậy. Tôi đang cân nhắc lại xem có nên cho con mình đi thi sang năm hay không, vì cảm thấy e ngại với cách giáo dục này của BTC với các con".
"Tôi đã có dịp nhìn thấy một thí sinh Đồ Rê Mí ngoài đời, các con không tới mức xấu như trên sân khấu, điều này BTC thực sự cần cân nhắc lại. Chúng ta làm cho các con đẹp lên, chứ sao lại khiến các con xấu đi, già đi như vậy" - khán giả Tuấn Trung cho biết.
Trên thực tế, việc các thí sinh "già dặn" và "xấu" không chỉ ảnh hưởng tới chính các thí sinh của cuộc thi hiện tại, mà còn ảnh hưởng tới cả những thí sinh trong các cuộc thi sắp tới nữa. "Chắc chắn, xu hướng "chuyên nghiệp" hóa, "già dặn" hóa sẽ được các bậc cha mẹ, các nhà văn hóa "nhắm" tới khi đào luyện các con đi dự thi Đồ Rê Mí, bởi xem ra sự hồn nhiên, trong sáng... không hoàn toàn là điều "ăn điểm". BTC cuộc thi nên suy nghĩ tới điều này...
Hãy giữ lại sự trong sáng, hồn nhiên cho con trẻ, hãy để con trẻ được sống với đúng độ tuổi của các con. Muốn vậy, bản thân kết quả của cuộc thi cũng nên phản ánh điều này!" - một khán giả cho biết.
Theo P.V (Báo Tin tức)
Cậu bé khóc hát về mẹ thành Quán quân Đồ Rê Mí Lê Trần Nhật Tiến, cậu bé từng gây sốt với ca khúc "Gặp mẹ trong mơ", đoạt giải cao nhất trong cuộc thi tài năng âm nhạc nhí, tối 12/8 tại Hà Nội. Bé 9 tuổi này giành cả giải Khán giả yêu thích nhất với gần 20.000 phiếu bầu. Khác với format mọi năm, chung kết Đồ Rê Mí mùa thứ sáu...