Trẻ em bị đầu độc bằng truyện online đồi truỵ
Chỉ cần vào goole gõ truyện online… chúng ta sẽ nhận được hàng loạt các kết quả, như truyện ngắn cực hay, truyện tình yêu, truyện tình cảm, tâm lý dành cho tuổi 18 cộng, nhiều bạn trẻ tò mò tưởng đây là một loại truyện giáo dục giới tính, nhưng khi click vào không ít trang mạng lại hiện lên hàng loạt thông tin văn hóa không lành mạnh.
Hiện nay trên các trang mạng tràn ngập thông tin về các thể loại truyện cũng như hình ảnh, và độc giả thực sự của những trang web này thuộc độ tuổi nào thì không ai kiểm soát được. Một số trang web mặc dù ghi truyện chỉ dành cho trẻ trên 18 tuổi, nhưng thực tế hầu hết các trang truyện online này đều có thể truy cập được mà không cần đăng nhập.
Ông Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động thương binh và xã hội cho biết: Hiện nay vấn đề này đúng là chúng ta kiểm soát không chặt chẽ, chúng ta chưa có phương án quản lí chặt chẽ, cho nên, từ đồ chơi bạo lực, đến các game online bạo lực, rồi đến cả sách cả truyện online cũng như truyện bày bán đều có cái mình gọi là văn hóa phẩm đồi trụy. Gọi chung thôi nhưng vấn đề này nó không phù hợp với trẻ em Việt Nam, và nó đã tiêm nhiễm các thói hư tật xấu cho trẻ em.
Trẻ em có thể truy cập mạng dễ dàng ở quán internet
Đã có nhiều những vụ án “hiếp dâm trẻ em” trong đó, không ít tội phạm là lứa tuổi trẻ vị thành niên, nguyên nhân là do các em bị ảnh hưởng qua phim ảnh và thông tin văn hóa online, dẫn đến việc các em có những suy nghĩ và lối sống lệch lạc.
Sự phát triển của mạng xã hội hiện khiến những sản phẩm văn hóa độc hại như cơn bệnh dịch đang lây lan một cách nhanh chóng, ảnh hưởng xấu đến tâm lý cũng như nhân cách giới trẻ.
Video đang HOT
Chị Nguyễn Thanh Hương, ở Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Tôi hết sức lo lắng những ảnh hưởng của công nghệ thông tin. Bây giờ học sinh lên facebook, học sinh đọc online, học sinh xem các phim mà đánh đấm, bạo lực hay đồi trụy là một cách quá dễ dàng mà không có sự kiểm soát”
Nhiều truyện tranh online có nội dung và hình ảnh không lành mạnh
Anh Nguyễn Văn Đức ở Tôn Thất Tùng, Đống Đa, lại có cách quản lý con cái rất cẩn thận: “Hai cháu nhà tôi đang học cấp 1, tôi cho cháu sử dụng máy tính nhưng kiểm soát chặt chẽ bằng cách cho các cháu vào mạng theo giờ, và khi truy cập mạng luôn có bố hoặc mẹ ở bên cạnh để kiểm soát và hướng cho con mình khai thác những thông tin mạng một cách tích cực, phục vụ tốt cho việc học tập và giải trí lành mạnh”.
Còn chị Nguyễn Thị Phương ở Mai Dịch, Cầu Giấy lại hết sức lo lắng khi chia sẻ vấn đề này. Chuyện liên quan đến con trai chị, cháu T, đang học lớp 9. Như thường lệ 8 giờ tối là cháu T phải ngồi vào bàn học, nhưng vô tình một lần chị Phương vào kiểm tra con học bài thì phát hiện con trai đang mải mê đọc truyện. Chị Phương cầm tệp giấy A4 phô tô mà con trai đang đọc lên xem thì giật mình vì đó là những truyện phòng the chỉ dành cho người lớn. Tra hỏi thì cháu T cho biết ở trên lớp một số bạn trai đã cóp truyện này từ trên mạng rồi in ra phát “ngầm” cho các bạn trai trong lớp cùng đọc…
Phó giáo sư Trịnh Hòa Bình chia sẻ: Hiện nay văn hóa phẩm đồ trụy như truyện người lớn, truyện dành cho trẻ em nhưng thực chất cũng là truyện người lớn, rồi phim, ảnh đồ trụy tràn ngập trên mạng, các em nhỏ dễ dàng truy cập ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào miễn là vào được mạng. Có thể nói văn hóa phẩm đồi trụy, như con vi rút đang dần gặm nhấm, thui chột tư tưởng và nhân cách trẻ nhỏ.
Theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cấm: tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc… Nhưng việc nghiêm cấm bằng những quy định cũng chưa đủ, để ngăn chặn tận gốc tệ nạn này cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý thông tin truyền thông lẫn cơ quan văn hóa, giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Theo ANTD
Khóc dở vì "công nghệ hóa" người giúp việc
Vì không có đủ thời gian chăm lo cho con cái, một số gia đình có điều kiện kinh tế đã mua cả laptop, iPad cho người giúp việc (NGV) để họ tiện tra cứu những kiến thức về nấu ăn, chăm sóc trẻ khi cần. Song xung quanh sự đầu tư "xa xỉ" này cũng lắm chuyện cười ra nước mắt...
Nhiều gia đình "đầu tư" và dạy người giúp việc sử dụng iPad trong việc đào tạo kỹ năng,
nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro (ảnh minh họa)
Vô tư phó thác
Mở công ty riêng kinh doanh về nội thất được 2 năm, công việc bận rộn khiến vợ chồng chị Trần Phương Nhung, ở quận Tây Hồ hầu như không có thời gian lo cho bữa ăn, giấc ngủ của các con. Thậm chí, nhiều hôm về đến nhà chị Nhung không còn đủ sức để dạy con học, hay nấu những món ăn mà chúng yêu thích. Chính vì vậy, chị đành giao phó cho NGV mọi việc trong gia đình. Những ngày đầu, chị Nhung khá lo lắng, nhưng sau 1 tuần hướng dẫn mọi chuyện có vẻ như khá ổn. Chỉ mỗi tội, ngày nào chị cũng phải nhận đến vài chục cuộc điện thoại của chị giúp việc hỏi cách nấu món này, món kia thế nào, Cu Tít bị ốm thì phải uống thuốc gì... Thế rồi, vợ chồng chị nghĩ ra một giải pháp, "đầu tư" một chiếc iPad cũ, rồi hướng dẫn cách sử dụng để NGV có thể vào mạng tìm kiếm những công thức nấu ăn, cách chăm trẻ, giúp trẻ vui chơi, học tập.
Mặc dù, phải mất hơn 1 tuần đánh vật hướng dẫn NGV cách làm thế nào để mở máy, tắt máy, vào google tìm kiếm thông tin cần thiết, lập nick chat để "chat" với vợ chồng chị trong trường hợp họ đi công tác,...song, vợ chồng chị Nhung cũng thu được kết quả không đến nỗi tệ. Từ ngày biết lên mạng tìm hiểu thông tin, NGV nhà chị đã biết cách chăm trẻ khoa học hơn, biết thay đổi món ăn để giúp các con chị đủ chất dinh dưỡng. Mặc dù, vợ chồng chị Nhung được nhiều bạn bè khuyên không nên để NGV tùy tiện sử dụng iPad bởi dễ gây "nghiện" rồi lơ là công việc chính, nhưng chị Nhung hỉ hả: "Vẫn chưa thấy chị ấy có biểu hiện "quá đà". Lúc nào đến giai đoạn nghiện thì "cấm"...".
Với những gia đình trẻ, có điều kiện kinh tế và suy nghĩ hiện đại như vợ chồng chị Nhung thì việc sắm laptop hay iPad cho NGV không còn là chuyện hiếm gặp. Nhiều gia đình cho rằng đây là sự đầu tư hợp lý vì khi NGV được tiếp xúc với công nghệ, cập nhật kiến thức trong công việc nội trợ, chăm sóc trẻ con, người già,... gia chủ vừa không mất thời gian chỉ bảo, vừa yên tâm hơn trong việc phó thác việc nhà cho NGV. Như vợ chồng chị Hoàng Nhật Thu, nhân viên kiểm toán, vì quá bận rộn nên chị đã hướng dẫn NGV sử dụng laptop và coi nó như vật bất ly thân để trong trường hợp "khẩn cấp" cứ làm theo chỉ dẫn của "Google" là ổn. "Thi thoảng, NGV lại làm vợ chồng tôi bất ngờ bằng những món ăn mới, thậm chí vào mạng đọc báo thấy thông tin thực phẩm nhiễm bẩn, có chất độc hại ngoài thị trường chị ấy lại nhắc hai vợ chồng tôi nên cẩn thận, không nên mua loại này, loại kia..." - chị Thu vui vẻ cho biết.
Đề phòng mặt trái
Bên cạnh sự tiện lợi khi cho NGV sử dụng iPad, laptop, giúp các gia đình trong việc chăm sóc con cái đúng cách, học cách nấu ăn, học cách làm việc nhà như mẹo là quần áo sao cho nhanh và đúng cách, cách nói chuyện với trẻ,... thì cũng có không ít câu chuyện dở khóc, dở cười liên quan đến việc ứng dụng công nghệ này. Cách đây 2 tuần, chị Nguyễn Thu Phương, ở quận Hoàn Kiếm đã bị NGV cho một phen đứng tim. Mặc dù, NGV nhà chị Phương sử dụng iPad, laptop khá thành thục nhưng do không đủ kiến thức để lựa chọn nguồn thông tin chính xác nên suýt chút nữa con trai chị đã mất mạng.
Nguyên nhân là do thấy con chị Phương lên cơn sốt, chị giúp việc đã lên mạng tra cứu xem loại thuốc nào nên cho trẻ dưới 1 tuổi uống để hạ sốt. Ngay sau đó, chị đã ra hiệu thuốc gần nhà mua loại thuốc này cho bé uống. Sau khi uống thuốc, con chị Phương bỗng lên cơn co giật. Nhận được điện thoại của NGV, chị Phương tá hỏa gọi xe cấp cứu đưa con đến bệnh viện, may mà còn kịp. Khi mọi việc đã ổn, chị Phương mới hỏi NGV sao không gọi điện cho chị trước khi cho bé uống thuốc thì nhận được câu trả lời: "Lúc trước cô chẳng bảo chị tự quyết vì cái gì trên mạng cũng có hết mà...". Biết mình "há miệng mắc quai" chị Phương lắc đầu ngao ngán: "Lợi thì có lợi thật, nhưng con tôi suýt mất mạng chỉ trình độ công nghệ "nửa mùa" của NGV.
Không ít gia đình còn phàn nàn, sau một thời gian sử dụng thành thạo những thiết bị công nghệ cao, NGV còn dạy lại cả gia chủ, làm như cái gì họ cũng biết, khiến chủ nhà phải nín nhịn. Thậm chí, có NGV còn nghiện iPad, laptop quên cả việc nội trợ, chăm sóc trẻ,... Nhiều cô giúp việc trẻ tuổi còn dùng những thiết bị này để chat và làm quen trên mạng, gây rất nhiều phiền toái cho các gia chủ.
Theo chị Phạm Thu Hồng - Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm ở quận Đống Đa thì xu hướng trang bị laptop, iPad cho NGV nhằm giúp họ cập nhật kiến thức, xử lý công việc hiệu quả hơn là điều cần thiết và tích cực. Tuy nhiên, các gia đình cũng nên đề phòng những mặt trái của các dịch vụ trên mạng. Chưa kể, nếu NGV tự do vào những trang mạng làm quen, kết bạn, cộng với trình độ có hạn sẽ dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào những việc vi phạm pháp luật, gây tổn hại cho gia chủ. Do vậy, trước khi hướng dẫn NGV tìm hiểu về những thiết bị này, các gia đình cần hướng dẫn cụ thể, nâng cao nhận thức để giúp họ hiểu và áp dụng đúng các thông tin và dịch vụ trên mạng. Và trước khi dùng phải thông qua ý kiến và tư vấn của chủ nhà, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra liên quan đến việc áp dụng thông tin máy móc, không đúng.
Ngọc Bảo
Theo ANTD
Siết chặt điều kiện kinh doanh internet công cộng Theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng vừa được Chính phủ ban hành, tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi đáp ứng các điều kiện như: Có đăng ký kinh doanh điểm...