Trẻ đi tu để học chữ ‘Hiếu’
Rất đông trẻ nhí và teen đã tham dự vào khóa học tu kéo dài 3 ngày về lòng hiếu thuận với cha mẹ tại chùa Hưng Ký (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Đây là lần đầu tiên lớp học được tổ chức tại chùa Hưng Ký vào dịp hè với mục đích giáo dục, đưa trẻ em trở lại với tuổi thơ mình. Đặc biệt, khóa học chữ “Hiếu” muốn các em thấu hiểu được tấm lòng của người làm cha, mẹ. Bên trong chính điện này, các em đang được tụng kinh, niệm Phật.
53 các em nhỏ từ 4 đến 15 tuổi đang dự buổi Pháp đàm “Suy nghĩ của con về hai chữ Hiếu Thảo”. Bên cạnh đó các em còn được tham dự bàn luận về môi trường, nhặt lá, quét sân (thực hành yêu lao động).
Sư Thích Phúc Tuệ – người phụ trách lớp cho biết: “Cuộc sống hiện đại làm nhiều trẻ không biết đến tuổi thơ vô tư, hồn nhiên. Vậy nên trong khóa học, chúng tôi muốn các em thực sự sống với lứa tuổi của mình”. Trong ảnh sư bác đang dạy bé Nam Anh (8 tuổi, Tiểu học Bạch Mai, Hai Bà Trưng) biết cách nhận lỗi.
Video đang HOT
Đến đây các em không chỉ học về Phật giáo mà còn được vui chơi giải trí. Cô bé 8 tuổi Minh Thư cảm thấy rất vui vì mỗi buổi tối lại được xem các tiết mục văn nghệ của những sinh viên tình nguyện.
Buổi sáng các em dậy lúc 4h30 tụng kinh, tập thể dục. Đến 7h30, lên chính điện nghe giảng về Phật pháp. Buổi tối, tham gia nhảy theo những bài hát sôi động giúp cho các em lấy lại tinh thần thoải mái sau một năm học căng thẳng.
Vào buổi tối cuối cùng của lớp học, lễ hội hoa đăng được tổ chức, các em đem bông hoa đăng dâng lên bàn thờ, thể hiện lòng thành kính đối với đức Phật và sự biết ơn công dưỡng dục của đấng sinh thành.
Ngoài học về chữ “Hiếu”, các phụ huynh mong muốn sau khi tham gia lớp học này con cái sẽ chăm ngoan và biết đối nhân xử thế.
Theo VietNamNet
Thuê tảo mộ, chữ hiếu kia cũng có ba bảy đường
Tảo mộ là việc báo hiếu của con cháu, thể hiện tình cảm của người sống đối với người đã mất nhưng vì những lý do khác nhau nên hiện nay, nhiều gia đình đành gửi gắm cho người "đóng thế". Còn nhiều ý kiến khác nhau bàn về vấn đề này, nhưng đây lại là xu hướng được không ít gia đình lựa chọn...
Việc hiếu cũng phải... thuê
Tảo mộ là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt, biểu hiện sự hiếu thuận đối với các bậc sinh thành, cũng là quan niệm nhân sinh "sống sao chết vậy". Theo phong tục cổ truyền đến gần ngày Tết Nguyên đán, con cháu tụ tập lại sau một năm làm việc, cùng nhau đi tảo mộ. Đây cũng là dịp để mọi người trong gia tộc gặp gỡ ôn lại truyền thống về dòng họ, làm cho tình máu mủ ruột rà thêm mặn mà. Tảo mộ, con cháu thắp nén hương, thành tâm mời tổ tiên, ông bà về nhà ăn Tết.
Trong nhiều năm trở lại đây, cuộc sống hiện đại cuốn con người vào vòng quay mưu sinh, nhiều người bận rộn đến mức không còn có thời gian, họ đành thuê người tảo mộ cho tổ tiên của mình.
Ông Nguyễn Văn A, 86 tuổi, tộc trưởng dòng họ lớn nhất làng Thanh Bình, Kỳ Anh, Hà Tĩnh tâm sự: "Trước đây cứ vào sáng ba mươi Tết, con cháu trong họ tụ tập lại cùng đi tảo mộ. Tại nghĩa trang dòng họ, mỗi người một việc, người thắp hương, người đắp mộ, người phát cây, cười nói râm ran. Khi xong việc, tất cả kéo nhau về nhà tộc trưởng, làm cỗ tất niên cúng tổ tiên, ông bà. Nhưng bây giờ, cái không khí đó với nhiều gia đình đã là quá khứ". Khuôn mặt ông A trầm tư, tiếc nuối như vừa đánh mất cái gì đó.
Ông A tâm sự: "Họ tộc của tôi có đến hơn 100 đinh (con trai) nhưng đành phải thuê người đi tảo mộ, nghe tưởng như vô lý nhưng lại... có lý. So với người trong làng, con cháu trong họ đều thành đạt, có học vị, đi làm việc xa. Đa số ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, nhiều người bên Đức, Anh, Hàn Quốc thậm chí tận Angola... Con cháu đông đúc là thế nhưng không mấy ai có điều kiện về quê tảo mộ. Người ở nhà đều là người già, trẻ nhất cũng đã gần 70 tuổi. Những ngôi mộ xây cất cầu kỳ, sơn sửa đòi hỏi tỷ mỷ nên không ai kham nổi, đành thuê người làm".
Bà Ngô Thị M, 69 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội lại có hoàn cảnh khác. Bà xúc động cho biết: "Tôi và nhà tôi sống với nhau hơn ba mươi năm trời, nhưng không có con. Ông nhà tôi bỏ tôi về với tổ tiên được 7 năm rồi. Mấy năm trước, tôi còn khỏe, cứ độ Tết đến là bắt xe vào Quảng Bình sửa sang lại phần mộ. Giờ đây tôi không đủ sức khỏe để đi tàu xe nên đành gửi tiền về quê, nhờ thuê người sơn trang lại, nghĩ đến đây tôi thương nhà tôi lắm!".
Anh Trần Đức Đ, 50 tuổi, một cán bộ làm ở Ngân hàng ngoại thương Việt Nam phân trần: "Năm nào cũng vậy, đến sát Tết tôi mới được nghỉ, như năm nay là ngày 26 âm lịch. Phần mộ của bố mẹ tôi đặt tận Nghệ An nên việc tảo mộ cho các cụồ đành thuê người ở quê làm. Nghĩ tới điều này cũng hơi buồn nhưng phải chịu, vì công việc đành có lỗi với các cụ vậy!".
Tảo mộ, một nghĩa cử tâm linh
"Không thỏa mãn được về mặt tinh thần"
Cứ tưởng làm nghề "đóng thế" người khác báo hiếu là việc kén người làm nhưng thực ra không phải như thế. Dịch vụ tảo mộ thuê thu hút không ít người, thậm chí có cả những công ty hoạt động quy mô ở lĩnh vực này. Những người sống ở thành phố lớn chỉ một cú điện thoại là sẽ được mời chào và tư vấn nhiệt tình.
Tại Hà Nội, theo tư vấn giá lau chùi thắp hương một lần là 20.000 đồng, cả năm là khoảng 1, 5 triệu đồng. Nếu gia đình có nhu cầu khác như sơn sửa, hay xây mới tùy theo họp đồng tính tiền. Theo nhân viên của Công ty Vĩnh Hằng, Hà Nội thì nhiều năm trở lại đây dịch vụ thắp hương thuê, tảo mộ thuê đã trở nên phổ biến. Thân nhân của những người được chôn cất tại nghĩa trang Vĩnh Hằng rất an tâm vì sự tận tâm hết mình của công ty. Theo đại diện Công ty PVMT, Hải Phòng thì Công ty không chỉ đáp ứng nhu cầu tảo mộ dịp Tết, mà có cả dịch vụ trọn gói thắp hương cả năm.
Ngô Văn G.N, người làm việc lâu năm ở nghĩa trang Văn Điển cho rằng, việc thuê người thắp hương, cầu khấn tại đây là chuyện hết sức bình thường. Tảo mộ thuê cuối năm cũng nằm trong xu hướng đó. Là người nhiều năm đóng vai "thay người muốn nói", anh tâm sự: "Có nhiều gia đình phó thác cho công nhân trong nghĩa trang thắp hương quanh năm, họ thường chỉ đến thắp vào sáng 30 Tết. Thậm chí có nhiều gia đình ký hợp đồng thắp hương tận ba năm trời, trong thời gian đó họ đến có đôi lần".
Tại những vùng quê như Hà Tĩnh, Nghệ An hiện chưa có công ty nào hoạt động quy củ, nhưng xu hướng tảo mộ thuê không còn xa lạ. Theo ông Nguyễn Văn A: "Dòng họ của tôi thường thuê người trong làng để tảo mộ. Do sống với nhau lâu nên biết được tính cách của từng người chọn lựa cho phù hợp. Tìm người thường ngày sống hiền lành, chân chất, vô sự là được. Con cháu về Tết chỉ việc đến thắp hương cho tổ tiên ông bà là xong. Tôi nghĩ điều này phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, nhưng trong tương lai không xa khi lớp người như chúng tôi mất đi, con cháu ở xa về Tết ít đi, khi đó đến thắp hương cho tổ tiên ở phần mộ chắc cũng thuê luôn...".
Theo tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (giám đốc trung tâm Dư luận xã hội thuộc Viện Xã hội học): "Chúng ta không nên có cái nhìn quá khắt khe về xu hướng này, bởi trong cuộc sống hiện tại do nhiều người vì quá bận rộn nên không có thời gian tự mình chăm lo được phần mộ của tổ tiên ông bà. Tuy nhiên, việc thuê người khác tảo mộ nó chỉ đáp ứng được về mặt vật chất mà không thỏa mãn được về mặt tinh thần. Đối với người phương Đông nói chung và người Việt Nam ta nói riêng thì việc thờ phụng ông bà tổ tiên là thể hiện tinh thần biết ơn đối với những người đã khuất, tảo mộ cũng là hoạt động thể hiện tình cảm đó".
Dùng tưởng niệm online để chặn tệ đốt vàng mã!? Trong các nước có nét tương đồng thuộc văn hóa tâm linh á Đông như Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản thì Việt Nam chúng ta đi sau về khuynh hướng tảo mộ online. Tại Trung Quốc có nhiều trang Web cung cấp dịch vụ này, như Netor Memorial. Ở đây, người truy cập có thể chọn một trong 11.000 căn phòng tưởng niệm dành cho người đã mất, thắp nến và gửi những bó hoa ảo. Có nhiều người coi đây là một hành động không thành tâm đối với người đã khuất, họ cho rằng phải đến tận nơi mộ người mất thì mới thể hiện được tình cảm của mình, trong khi Chính phủ Trung Quốc ủng hộ xu hướng này. Các quan chức ngành văn hóa Trung Quốc cho rằng việc tảo mộ trên mạng tiết kiệm được một lượng tiền lớn đối với đất nước, bảo vệ được môi trường. Trước tình trạng đốt vàng mã tràn lan trong các dịp lễ Tết thì đây là xu hướng tích cực, cần phát huy.
Theo Nguoiduatin