Trẻ dễ bệnh đột ngột, quan trọng là phòng bệnh
Trong tuần qua, trời đổ mưa nhiều, dông bão liên tục xảy ra, thời tiết thay đổi đột ngột trong ngày khiến cho cơ thể người già và trẻ em không kịp thích nghi đã đổ bệnh, đặc biệt là các bệnh ở đường hô hấp.
Hai bé gái sinh đôi nằm điều trị tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 – Ảnh: THÙY DƯƠNG
Tại các cơ sở y tế, các bệnh viện số lượng bệnh nhi tăng cao đột ngột, gấp 2-3 lần so với thời điểm giãn cách xã hội trước đây.
Sở dĩ số lượng bệnh nhi tăng là do các cháu đã đi học, nhất là các bậc mẫu giáo, tiểu học là nhóm có nguy cơ lây lan bệnh rất cao, cùng với dịch cúm mùa đang bước vào giai đoạn khởi phát khi thời tiết từ hè chuyển sang thu đông, gặp sự thay đổi thời tiết kiểu La Nina – một kiểu thời tiết cực đoan nước biển trở nên lạnh hơn khiến tình hình mưa lũ nghiêm trọng hơn, siêu vi trùng cũng dễ dàng phát triển hơn.
Bé Nguyễn Minh T., 4 tháng tuổi, nhà ở xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, tự nhiên bỏ bú, nghẹt mũi, ho húng hắng, sau 3 ngày thì cháu thở khò khè, mẹ vội đưa cháu vào bệnh viện.
Tại bệnh viện, bé T. được siêu âm phát hiện bệnh tim bẩm sinh, chụp hình phổi thấy phổi bị tổn thương nhiều. Bệnh ngày càng nặng nên bệnh viện đã chuyển lên tuyến trên sau 3 ngày nằm viện mà không giảm.
Về chuyên môn, khi mưa nhiều, nhiệt độ ngoài trời giảm sâu làm cho mạch máu vùng mũi họng của các bé bị co lại, chất nhày ở mũi họng của bé thiếu máu nuôi đã trở nên khô hơn và dễ bong tróc, khiến cho vi trùng, siêu vi trùng dễ xâm nhập vào nơi này mà gây bệnh.
Hơn nữa khi thời tiết thay đổi sẽ kích thích hệ thần kinh phó giao cảm của các bé hoạt động mạnh hơn, hậu quả làm co thắt đường thở, kích hoạt bệnh suyễn khởi phát và biến chứng trầm trọng thêm.
Video đang HOT
Hiện nay bệnh cảm lạnh, cúm mùa đang phát triển, song song với dịch Covid-19, là những bệnh do siêu vi trùng lây nhiễm qua đường hô hấp gây ra, nhất là trong những môi trường đông đúc như trường học, xí nghiệp, khu dân cư. Ngoài ra còn những bệnh truyền nhiễm khác mà bà con mình cũng nên cảnh giác đề phòng là sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não do siêu vi, tiêu chảy…
Để phòng bệnh trong mùa mưa bão, bà con mình chú ý luôn chuẩn bị sẵn sàng áo mưa khi ra đường, không nên dầm mưa, không để cơ thể bị ướt quá lâu trong nước mưa, uống nhiều nước, luôn luôn mang khẩu trang khi ra khỏi nhà, rửa tay sạch sẽ thường xuyên, chích ngừa đầy đủ, ăn uống dinh dưỡng, tập thể dục nâng cao sức khỏe, lau dọn nhà cửa, bàn ghế, các bề mặt dụng cụ trong nhà thường tiếp xúc cho sạch sẽ. Khi mắc bệnh nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.
Trẻ bị bệnh hô hấp tăng kỷ lục theo bão, 400 trẻ 'chia nhau' 140 giường bệnh
Số trẻ em mắc bệnh hô hấp nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã tăng cao nhất trong năm và gấp 3 lần so với khoảng thời gian trước đó. Các bác sĩ cho biết bão cũng làm số trẻ mắc bệnh hen suyễn nhập viện gia tăng.
Các bà mẹ đang chờ đến lượt khám bệnh cho con tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 - Ảnh: Thùy Dương
Sáng 19-10, ngoài hành lang của khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 có rất nhiều bà mẹ ẵm con đợi đến lượt bác sĩ khám. Trong các phòng bệnh của khoa có rất đông bệnh nhi nằm điều trị.
Phòng bệnh hô hấp, các bậc cha mẹ cần tránh mưa, gió lùa, mặc ấm cho trẻ. Các bậc cha mẹ luôn mang theo áo mưa cho trẻ. Khi gặp mưa phải cho trẻ trú mưa đến khi mưa tạnh mới về, chứ không trẻ sẽ dễ mắc bệnh. Không để trẻ nhỏ tiếp xúc với người lớn mắc bệnh, cho dù chỉ bị cảm, ho, sổ mũi thông thường.
TS Trần Anh Tuấn
4 trẻ chung 1 giường bệnh
Trong phòng 201, chị H.T.N. (31 tuổi, ở Long An) đang đứng bên giường bệnh để chăm cho hai con gái sinh đôi của chị mới được 3 tháng tuổi. Chị N. kể hơn 30 tuần chị sinh hai bé ở Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, sau đó chị đưa hai con về nhà.
Khi hai con chị 1 tháng tuổi, một bé bị viêm phổi chị phải đưa đến khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị khoảng 1 tháng. Chị vừa đưa bé này về thì bé kia lại có triệu chứng ho, sốt. Sau đó, cả hai bé cùng có triệu chứng bệnh nên chị đưa cả hai bé lên khoa hô hấp điều trị.
Chồng chị đi làm ở quê, một mình chị ở bệnh viện chăm hai bé. Những ngày này khoa hô hấp thật đông bệnh nhi nên chị chăm con rất vất vả. Giường bệnh của con chị có 4 trẻ nằm điều trị. Ban ngày các bé nằm đủ trên giường nhưng đến đêm thì một bà mẹ có con lớn hơn đưa bé ra ngoài hành lang ngủ để nhường giường lại cho những bé khác.
Một bà mẹ khác gần bên, ngụ ở Vũng Tàu, cũng đang chăm con trai 3 tuổi mắc bệnh viêm phổi. Khi được hỏi: "Tại sao chị không đưa con đến bệnh viện gần nhà điều trị cho rộng rãi?" thì chị này trả lời luôn: "Không phải riêng bé này, bé lớn bị bệnh hô hấp tôi cũng đưa lên đây điều trị cho chắc".
Dù khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện đã được chuyển sang khu nhà mới khang trang, sạch sẽ hơn nhưng do số bệnh nhi nhập viện quá đông nên trong phòng bệnh luôn có tiếng khóc của các bé, tiếng thăm hỏi của người lớn, rất khó có được những phút giây yên tĩnh cho các bé nằm điều trị nghỉ ngơi.
Do số bệnh nhi nhập viện đông, gần gấp 3 số giường hiện có nên đến tối nhiều bà mẹ phải đi tìm những góc hành lang cho con mình ngủ.
Bão làm trẻ dễ lên cơn hen
TS Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết số trẻ mắc bệnh hô hấp (viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suyễn) nhập viện điều trị tăng cao nhất từ đầu năm đến nay. Hiện nay khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 có hơn 400 trẻ nằm điều trị, trong khi số giường bệnh trong khoa chỉ có 140 giường, do vậy nhiều bệnh nhi phải nằm ghép trên cùng một giường bệnh.
ThS Huỳnh Minh Thu, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, cũng cho biết số trẻ đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 tăng cao trong những ngày gần đây.
Theo bác sĩ Thu, so với mọi năm thì thời gian này chưa phải là đỉnh của bệnh hô hấp nhưng có thể do thời tiết những ngày qua thay đổi, mưa liên tục nên đã làm số trẻ mắc bệnh hô hấp đến khám, nhập viện tăng cao. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 số trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện điều trị tăng hơn gấp đôi so với đợt sau mùa dịch COVID-19.
Theo TS Anh Tuấn, bệnh mùa hô hấp thường bắt đầu từ tháng 8-11. Khoảng 3-4 tuần nay bệnh hô hấp tăng, nhập viện khoa hô hấp tăng nhanh và đến ngày 19-10 đã đạt tới số kỷ lục của năm với hơn 400 trẻ mắc bệnh hô hấp nằm điều trị tại khoa.
Trong mùa COVID-19, bệnh nhi điều trị tại khắp các bệnh viện trong cả nước đều vắng; sau mùa dịch COVID, ngày đông nhất khoa cũng chỉ có 140 trẻ nằm điều trị. Ở dưới phòng khám, 70% số trẻ đến khám hô hấp là người dân TP.HCM, còn trong khoa thì có đến 60-70% bệnh nhân ở tỉnh nhập viện điều trị. 70% số trẻ đang nằm điều trị tại khoa hô hấp đều dưới 12 tháng tuổi.
Ở phòng khám gặp nhiều trường hợp nhiễm trùng hô hấp như viêm mũi, viêm mũi họng, viêm tai giữa... Còn trên khoa, các trường hợp nhập viện là do mắc bệnh viêm tiểu phế quản, viêm phổi...
Cả tuần qua TP.HCM mưa suốt, thời tiết thay đổi như vậy đã tạo điều kiện cho các mầm bệnh, virus, vi khuẩn phát triển. Trẻ không thích nghi kịp thời với sự thay đổi của thời tiết sẽ rất dễ bị nhiễm bệnh.
Theo BS Anh Tuấn, trẻ mắc bệnh hen suyễn tăng trong thời gian này. Trẻ có cơ địa bị hen chỉ cần bị cảm sẽ dễ bị lên cơn hen. Đối với trẻ em, yếu tố khởi phát cơn hen hàng đầu chính là nhiễm trùng hô hấp.
Vài năm nay, ở Úc còn có thuật ngữ "hen liên quan tới bão". Những năm bị bão ở Úc, số lượng bệnh nhân bị hen phải đi cấp cứu tăng rất cao. Người ta thấy bệnh hen dễ bị lên cơn khi thời tiết thay đổi mà khi có bão về sẽ thay đổi áp suất khí quyển, thay đổi nồng độ các chất ở trong không khí, những điều này cũng làm cho bệnh nhân hen suyễn dễ bị lên cơn hen suyễn hơn.
Lưu ý các triệu chứng đặc biệt
Theo TS Trần Anh Tuấn, khi trẻ có những dấu hiệu nguy hiểm sau đây cần đưa đi cấp cứu ngay: trẻ ngủ li bì, khó đánh thức, trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi bỏ bú, bú kém bú ít hơn 1/2 lượng sữa bình thường, trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên không uống được, nôn tất cả mọi thứ, co giật. Một số triệu chứng như tím tái cần phải đưa đi cấp cứu ngay.
Ngoài ra khi trẻ khó thở (thở co lõm lồng ngực), đây là dấu hiệu của viêm phổi nặng phải đưa trẻ đi khám ngay. Hoặc là trẻ thở nhanh, báo hiệu có khả năng bị viêm phổi nên cần đưa trẻ đi khám để điều trị kịp thời.
Có một số triệu chứng đặc biệt cần để ý chẳng hạn như trẻ sốt cao trên 39 độ C liên tục trong 2-3 ngày trở lên, phải thu xếp đưa trẻ đi khám vì mùa này không chỉ mắc bệnh hô hấp mà có cả những bệnh như sốt xuất huyết, sốt siêu vi... Nếu trẻ ho trên 7 ngày không thuyên giảm, ho kèm với những triệu chứng khác như ho có đàm giống như mủ, ho ra máu... cũng cần đưa trẻ đi khám sớm.
Vừa ECMO vừa lọc máu liên tục, cứu bé sơ sinh nguy kịch sau mổ tim bẩm sinh Sau 4 ngày chào đời, bé sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh phải trải qua cuộc mổ tim để bảo vệ tính mạng. Sau mổ tim bẩm sinh, bé trai sơ sinh rơi vào tình trạng nguy kịch, phải áp dụng đồng thời 2 kỹ thuật ECMO và lọc máu liên tục để bảo vệ tính mạng - Ảnh: Bệnh viện cung...