Trẻ con đứng đâu giữa hai làn đạn mà các cụ bạc đầu ra sức bóp cò?
Thiết nghĩ dù quan điểm có đối chọi thế nào thì xin các giáo sư hãy vì con cháu chúng ta chứ không phải vì cái sĩ của riêng mình.
Sự kiện cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhóm tác giả bộ sách giáo khoa “Công nghệ giáo dục” (Công nghệ) khiến cho bầu trời học thuật giáo dục đang u ám bỗng lóe sáng như có tia chớp giữa cơn giông.
Tia chớp ấy giống như tia X trong ngành Y dùng để chụp, chiếu bộ phận bên trong cơ thể con người.
Sự khác biệt giữa Y khoa và Giáo dục là ở chỗ thứ mà ngành Y quan tâm có hình dạng, kích thước, màu sắc cụ thể, còn thứ mà Giáo dục quan tâm là tâm và tầm của một số cây đa cây đề trong việc dạy trẻ con.
“Tâm và Tầm” tuy vô hình nhưng nhờ có tia chớp ấy mà người ta nhìn rất rõ, tuy vậy dùng nó để chẩn bệnh thì không phải ai cũng làm được.
Vì là người ngoài cuộc, lại chẳng có vai vế gì để xen vào câu chuyện học thuật cao siêu của các giáo sư, phó giáo sư nên xin không bàn chuyện đổi mới hay đổi cũ, hình tròn hay hình méo.
Có người không biết là cao hứng hay nịnh khéo bảo rằng, luận về kinh tế, cả thế giới mây mù phủ bóng, nhưng mặt trời vẫn rực rỡ ở Việt Nam.
Có điều, chuyện đôi co nảy đom đóm giữa các giáo sư, phó giáo sư trong cuộc họp tại trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến kẻ nghe, người nhìn ngơ ngác hỏi nhau “Thế trẻ con nằm ở đâu giữa hai làn đạn mà những vị đầu bạc liên tục bóp cò?”.
Các giáo sư bận cãi nhau, trẻ con ở đâu? (Tranh chỉ mang tính minh hoạ: clipartportal.com)
Một số tác giả tường thuật cuộc họp có vẻ khá vô tư, nhưng đọc kỹ sẽ thấy không phải bài nào cũng đưa tỉ mỉ từng lời vàng ý ngọc của những người tham dự cuộc họp mà không “nghiêng nghiêng vành nón” tí chút.
Một vị phía Công nghệ chẳng kiêng nể gì khi nói về quyền hạn của cấp Thứ trưởng:
“Thứ trưởng có đủ thẩm quyền quyết định những vấn đề Thủ tướng giao không thì mới làm việc tiếp vì tôi biết có những văn bản Thứ trưởng ký rồi nhưng Bộ trưởng vẫn thu hồi được”.
Theo ngôn ngữ của vị này, không biết có phải ám chỉ vụ Bộ Giáo dục và Đào tạo hủy quyết định xem xét kỷ luật 13 cán bộ công chức của Bộ hồi tháng 9/2019?
Được biết hàm Thứ trưởng do Thủ tướng ký quyết định bổ nhiệm và chức danh này do Ban Bí thư quản lý theo Quy định số 105-QĐ/TW của Bộ Chính trị.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 463/NQ-UBTVQH14 phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Đặng Đình Quý, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao thay mặt nhà nước Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Năm 2020 này, Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch Asean. Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng.
Video đang HOT
Hai vị phía Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Bộ Giáo dục và Đào tạo (Hội đồng) đốp chát:
Lời ông Phó giáo sư: “Nể Giáo sư Đại vì ông là nhà tâm lý học, không phải nhà toán học nhưng lại viết sách giáo khoa toán”;
Lời ông Giáo sư: “Giáo sư Đại là nhà toán học, nhà tâm lý học nhưng không hiểu về văn học”. [1]
Theo cách lập luận này, những người có bằng cấp về kinh tế không nên lấn sân sang lĩnh vực Văn hóa, Thể thao, Xây dựng,…? Còn ông Văn Cao chỉ nên sáng tác nhạc, đừng có vẽ, ông Nguyễn Đình Thi chỉ nên viết văn, đừng có sáng tác nhạc,…
Phía Công nghệ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải áp dụng quan điểm linh hoạt, mềm dẻo khi chỉ đạo việc thẩm định sách giáo khoa, viện dẫn ý kiến của một vị giáo sư, rằng “Sách của Giáo sư Đại cần một cách thẩm định khác”, rằng “thẩm định chỉ là bước 1 và cần tiếp tục thực nghiệm”,…
Tóm lại sách công nghệ cần được thẩm định theo quy trình riêng, phải bảo đảm “mềm dẻo, linh hoạt” không cùng cách thức với các bộ sách khác.
Đòi hỏi này hình như không có gì quá đáng, chẳng hạn đường sắt Cát Linh – Hà Đông vì là “biểu hiện của tình hữu nghị” nên phải được đội vốn gấp mấy lần, phải được kéo dài thời gian thi công hàng chục năm,…
Ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên coi việc thẩm định sách giáo khoa chỉ là một bước, tiếp theo cần đưa các sách giáo khoa đã qua thẩm định dạy thử nghiệm một thời gian hình như lại là một ý kiến xác đáng.
Nhưng nếu sách mới qua thẩm định cũng cần “thử nghiệm” thì liệu có nên để sách đang thử nghiệm tiếp tục thử nghiệm cùng rồi sau đó hãy kết luận?
Đỉnh điểm của cuộc họp là phát biểu của hai vị Giáo sư, đại diện phía Công nghệ cho rằng phát biểu của vị Phó Giáo sư phía Hội đồng là: “Tư duy kinh nghiệm của một người dạy thêm lão luyện”, vị Giáo sư phía Hội đồng thì cho rằng “Nếu cứ như thế ông sẽ khinh bỉ, không nói chuyện”. [1]
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc đối thoại bàn về sách giáo khoa cho trẻ cấp tiểu học chứ không phải để các giáo sư mạt sát nhau.
Người xưa rất ít ai sống được 70 tuổi nên Đỗ Phủ mới viết “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” (Người thọ 70 xưa nay hiếm).
Khổng Tử nói “Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ” nghĩa là khi người ta 70 tuổi sẽ đạt đến sự hoàn hảo về cách đối nhân, xử thế; Nói hay làm điều gì cũng dựa vào cái tâm của mình và không bao giờ vượt ra khỏi khuôn khổ.
Sống đến 80 thì càng hãn hữu, nếu có thì “Bát thập như nhi” nghĩa là người sống đến 80 tuổi sẽ như trẻ con, ăn phải có người bón, đi phải có người dìu, nói không biết đúng sai.
Sự thật không thể chối cãi là dù Thứ trưởng hay Bộ trưởng chủ trì cuộc họp tại Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cũng khó kiềm chế sự nóng giận của các bậc lão làng.
Phải chăng cuộc họp chỉ là diễn đàn để các giáo sư, phó giáo sư hai phía Công nghệ và Hội đồng giải tỏa bức xúc?
Nếu quả vậy thì cuộc họp này chỉ là con sâu trong nồi canh học thuật hay cũng cho thấy phần nào thực trạng của một bộ phận gọi là “nguyên khí quốc gia”?
Trên đời này, chẳng có gì hoàn thiện 100%, cũng chẳng có gì là vĩnh viễn không thay đổi, thế nên cổ nhân mới nói “bản tính khó dời” chứ không phải là không thể “dời”.
Người phương Tây đề cao tính cách cá nhân nhưng sẵn sàng cùng nhau hoàn thành công việc tập thể.
Còn người Việt hiện đại có lẽ chỉ quen làm việc trong cái gọi là “Nhóm lợi ích”. Những gì không mang lại lợi ích cho nhóm của mình thì sẵn sàng gạt bỏ.
Nếu cả hai phía Công nghệ và Hội đồng cùng bình tĩnh, cùng thực hiện các nguyên tắc: “Lắng nghe; Thuyết phục; Tôn trọng; Sẻ chia” thì đâu nên nỗi.
Thiết nghĩ dù quan điểm có đối chọi thế nào thì xin các giáo sư hãy vì con cháu chúng ta chứ không phải vì cái sĩ của riêng mình.
Tài liệu tham khảo:
[1] //tuoitre.vn/doi-thoai-gay-gat-giua-hoi-dong-tham-dinh-sach-va-giao-su-ho-ngoc-dai-20200103082203491.htm
Xuân Dương
Theo giaoduc.net
Bộ Giáo dục nên dứt điểm với sách của thầy Đại, không nên dây dưa nữa
Bộ đã có 3 lần thay đổi chương trình, sách giáo khoa nhưng sách Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại vẫn đứng riêng một góc trời, vẫn dạy thực nghiệm...
Tài năng, uy tín và những đóng góp của giáo sư Hồ Ngọc Đại cho ngành giáo dục nước nhà trong thời gian qua là điều mà không ai có thể phủ nhận được.
Bởi, sách Công nghệ giáo dục của ông đã góp phần đào tạo cho hơn 40 thế hệ học trò với hàng triệu học sinh đã học có nhiều người đã thành danh.
Chính vì thế, chúng tôi không bàn về uy tín của thầy Đại, không bàn về nội dung sách Công nghệ giáo dục mà trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giải quyết dứt điểm một lần về việc nên hay không nên sử dụng sách này bởi thời gian qua sự việc này đã bàn tới, bàn lui quá nhiều lần.
Cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Bộ và giáo sư Hồ Ngọc Đại đã không tìm được tiếng nói chung (Ảnh: Báo Vietnamnet)
Dù còn nhiều ý kiến băn khoăn về Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận một điều là để hoàn thiện được công việc này thì lãnh đạo Bộ, các chuyên gia ngành Giáo dục đã phải làm việc cật lực trong nhiều năm trời.
Một khi Chương trình tổng thể, Chương trình môn học đã được thông qua thì đó đã là pháp lệnh. Bộ Giáo dục đã thực hiện đúng theo chủ trương của Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội đề ra.
Xét về lý thì Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Các bước đi, lộ trình thực hiện đều được Quốc hội thông qua và đến giờ phút này thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cơ bản hoàn thành những vấn đề lớn nhất cho lần thay đổi chương trình và sách giáo khoa mới.
Bởi, trong Nghị quyết 88 của Quốc hội đã chủ trương lần thay đổi chương trình lần này là "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" và hiện tại đã có 5 bộ sách được Bộ trưởng phê duyệt và được công bố.
Điều đáng bàn là sách Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại không được Bộ phê duyệt vì nội dung sách không bám vào Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 nên đã bị Hội đồng thẩm định sách giáo khoa loại.
Những tranh luận nổ ra, có nhiều người lên tiếng và đứng về phía giáo sư Hồ Ngọc Đại nhưng cũng có nhiều người đã đồng thuận cách lý giải của lãnh đạo Bộ Giáo dục và các thành viên trong Hội đồng thẩm định sách giáo khoa vừa qua.
Bộ và Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đang làm đúng chức năng của mình
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có cuộc đối thoại với giáo sư Hồ Ngọc Đại cùng các cộng sự của ông nhưng cuộc đối thoại này đã không đi đến thống nhất về quan điểm, không tìm ra tiếng nói chung.
Chúng tôi cho rằng lãnh đạo Bộ và các các thành viên trong Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đã làm đúng chức năng của mình khi đề nghị tác giả chỉnh sửa nội dung sách Công nghệ giáo dục cho phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 để thẩm định lại.
Tuy nhiên, giáo sư Hồ Ngọc Đại cùng các cộng sự của mình đã khẳng định là không sửa lại sách và cuộc đối thoại đã đi vào ngõ cụt khi không đi đến thống nhất về quan điểm của nhau- đây cũng là một điều đáng tiếc.
Chúng ta biết rằng, hơn 40 năm qua, ngành giáo dục đã có 3 lần thay đổi chương trình vào các năm 1979, 2000 và 2018 nhưng sách Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại vẫn vậy. Vẫn là sách dạy thực nghiệm và không bám vào "dòng chảy chung" của chương trình giáo dục của Bộ.
Cho dù giáo sư Hồ Ngọc Đại và những cộng sự của mình đã khẳng định sách Công nghệ giáo dục có nhiều ưu điểm như giúp học sinh không nói ngọng, không tái mù và đang dạy với số lượng học sinh tương đối lớn trên hàng chục tỉnh thành của cả nước.
Nhưng, có lẽ đã đến lúc không thể để sách Công nghệ giáo dục lớp 1 đứng riêng chương trình giáo dục chung được.
Nếu không phải bây giờ thì bao giờ, số phận sách Công nghệ giáo dục mới chính danh là sách giáo khoa?
Dừng hay tiếp tục số phận sách Công nghệ giáo dục lớp 1 là điều mà Bộ nên dứt khoát. Nếu sách của thầy Đại hay tại sao lại không tiếp tục phát triển lên các lớp trên mà chỉ có mình sách lớp 1 và hơn 40 năm qua vẫn mang thân phận là sách "thí điểm" mà thôi?
Hơn 40 năm, Bộ đã có 3 lần thay đổi chương trình, sách giáo khoa nhưng sách Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại vẫn đứng riêng một góc trời, vẫn dạy thực nghiệm, vẫn được Bộ cho phép triển khai và còn mở rộng ra nhiều tỉnh, sách vẫn do Nhà xuất bản Giáo dục in ấn, phát hành...!
Vì thế, cũng đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần dứt khoát để đưa sách giáo khoa này trở lại quỹ đạo chung.
Nếu cứ chần chừ hoặc không dứt khoát thì lại thêm một vòng đời chương trình, sách giáo nữa kéo dài hàng chục năm sau. Lúc ấy, chẳng lẽ Bộ lại tiếp tục tranh luận, đối thoại về sách Công nghệ giáo dục nữa hay sao?
THANH AN
Theo giaoduc.net
Chấn chỉnh tình trạng học sinh hành xử bạo lực Sở GD-ĐT TPHCM vừa có công văn gửi phòng GD-ĐT các quận huyện và các trường trên địa bàn, cảnh báo tình trạng học sinh đánh nhau có chiều hướng gia tăng. Các nhà giáo, nhà tâm lý học, nhà xã hội học đã nêu ý kiến tham gia diễn đàn, phân tích, góp ý chấn chỉnh vấn nạn này. Hiện tượng bắt...