Trẻ chết nhiều, vắc-xin vô can!
Lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh 1 trẻ tử vong vì sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin không bằng tính mạng của 1,5 triệu trẻ khác không được tiêm chủng.
Nhiều bậc cha mẹ đưa con đi tiêm vắc-xin nhưng vẫn lo âu sau một số ca tử vong sau tiêm Quinvaxem gần đây
Ngày 29/11, tại TP Đà Nẵng, Bộ Y tế phối hợp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức hội thảo về truyền thông trong công tác tiêm chủng nhằm đánh giá tổng quan về công tác tiêm chủng mở rộng trên thế giới và Việt Nam cũng như những rủi ro xảy ra gần đây.
Tất cả đều… không có bằng chứng
Sau hàng loạt trường hợp trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin, tại hội thảo, đại diện ngành y tế đã đưa ra nhiều dẫn chứng, lập luận để khẳng định vắc-xin vô can.
Video đang HOT
TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, nhận định sau 28 năm (1985-2013) triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc, ngành y tế đã đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu và thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế về tiêm chủng mở rộng. Hiện Việt Nam đã triển khai tiêm miễn phí 11 loại vắc-xin phòng chống các bệnh nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ. Việt Nam cũng đã sản xuất được 10 trong số 11 loại vắc-xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trong khi đó, BS Trần Minh Như Nguyện, đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết 96% trẻ em dưới 1 tuổi ở Việt Nam được tiêm vắc-xin hằng năm. Ông Nguyện cũng cho rằng trẻ ở vùng xa xôi hẻo lánh cần được tiêm vắc-xin hơn vì điều kiện sống có mức độ phơi nhiễm cao hơn trẻ ở đồng bằng, thành thị.
GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, thống kê trung bình mỗi năm, ngành y tế ghi nhận từ 10-15 trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin. Tất cả trường hợp tử vong đều được điều tra theo quy trình của WHO nhưng các kết luận đều không có bằng chứng cho thấy liên quan đến chất lượng vắc-xin.
Ông Hiển đặt vấn đề nếu các trường hợp trên tử vong do vắc-xin thì tại sao những trẻ còn lại được tiêm cùng lô vắc-xin lại không gặp vấn đề gì. Bên cạnh đó, quy trình tiêm chủng cũng được ông Hiển loại trừ khỏi nguyên nhân gây tử vong vì Bộ Y tế đã kiểm tra rất chặt chẽ. Ngoài ra, cũng không có bằng chứng để chê trách nhân viên ngành y tế năng lực kém, không kiểm soát được quy trình tiêm chủng mở rộng (?!).
Đề cập đến vấn đề cán bộ y tế non kém nghiệp vụ, lơ là dẫn đến sai quy trình khi tiêm chủng, ông Hiển khẳng định vấn đề này rất khó xảy ra. “Nếu tiêm cho trẻ vắc-xin không được bảo quản đúng điều kiện hoặc tiêm sai vị trí trên cơ thể cũng không dẫn đến tử vong” – ông Hiển nói.
Không có vắc-xin an toàn tuyệt đối
Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương khẳng định từ năm 2007 đến nay, đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B và Quinvaxem khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng không có lý do gì để dừng tiêm loại vắc-xin này. Việc các nước trên thế giới đã ngừng tiêm vắc-xin Quinvaxem thì ông Hiển cho hay ngành y tế “dần dần sẽ thay thế vắc-xin an toàn hơn nhưng tất cả các loại vắc-xin đều có phản ứng phụ. Bên cạnh đó, kinh phí cho việc thay thế vắc-xin có thể lên đến hàng ngàn tỉ đồng trong khi tổng chi phí cho chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2012 tại Việt Nam chỉ có 281 tỉ đồng”.
Ngoài ra, GS-TS Nguyễn Trần Hiển khuyến cáo nên đưa trẻ đến cơ sở y tế kiểm tra ngay sau khi xảy ra phản ứng sau tiêm.
“Nếu sốc phản vệ được điều trị kịp thời sẽ tránh khỏi tử vong. Số trẻ tử vong vì không tiêm vắc-xin cao hơn rất nhiều so với trẻ tử vong đã tiêm chủng. Trong đó, 1 trẻ tử vong vì sốc phản vệ không bằng tính mạng của 1,5 triệu trẻ khác không được tiêm chủng. Chính vì thế, ngừng tiêm vắc-xin sẽ phải trả giá rất đắt” – ông Hiển khẳng định.
Chờ công an kết luận
Đề cập đến vấn đề 3 trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Trần Hiển cho biết ngành y tế cũng đang chờ đợi kết luận từ cơ quan điều tra. Tuy nhiên, ông Hiển đã loại trừ nguyên nhân do chất lượng vắc-xin và cho rằng vẫn có khả năng cán bộ y tế tiêm nhầm vắc-xin dẫn đến trẻ tử vong.
Theo Xahoi
Tử vong sau tiêm Quinvaxem: Bộ Y tế nghi vấn chất lượng vắc xin
Hôm qua Hội đồng đánh giá về tai biến tiêm chủng của Bộ Y tế đã có phiên họp bất thường, bởi chỉ trong vòng một tháng, từ đầu tháng 12.2012 đến 5.1.2013 đã có 5/7 trẻ tai biến nặngtử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem.
Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, các trẻ tử vong và tai biến nặng sau tiêm Quinvaxem đều không có bất thường về sức khỏe, không có phản ứng bất thường về mũi tiêm lần đầu (với loại vắc xin khác). Điều tra khẳng định không có bằng chứng cho thấy phản ứng sau tiêm do sai sót quy trình bảo quản, vận chuyển vắc xin và dịch vụ tiêm chủng. "Vì vậy, dù chưa có bằng chứng đầy đủ về liên quan giữa phản ứng nặng sau tiêm chủng với chất lượng vắc xin nhưng cũng chưa thể loại trừ nguyên nhân này", ông Bình nhận định.
Liên quan đến chất lượng của vắc xin Quinvaxem, GS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm dự án Tiêm chủng quốc gia cho biết, vắc xin này hiện không còn dùng tại Hàn Quốc vì đây là vắc xin thế hệ cũ (sử dụng thành phần ho gà toàn tế bào), Hàn Quốc cũng như các quốc gia có điều kiện tài chính đã thay thế vắc xin này bằng vắc xin thế hệ mới có chứa kháng nguyên ho gà vô bào, có độ tinh khiết cao hơn, ít phản ứng hơn.
Lý giải về việc chưa ngưng sử dụng vắc xin Quinvaxem được bào chế theo công nghệ cũ, có tỷ lệ phản ứng cao hơn và tần suất tai biến nặng xảy ra dồn dập trong các tuần gần đây, ông Hiển cho biết: Đây là vắc xin có giá thành thấp (77.000 đồng/liều) và được viện trợ không hoàn lại. "Nếu chúng ta bỏ tiền mua để đủ cho 4-5 triệu liều/năm thì rất khó khăn. Còn nếu mua vắc xin thế hệ mới (giá thị trường khoảng 500.000 đồng/liều -PV), gấp khoảng 6 lần so với Quinvaxem thì càng khó khả thi. Vả lại Quinvaxem vẫn được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng", ông Hiển nói.
"Từ cuối năm 2012 và đầu năm 2013 ghi nhận tần số xuất hiện cao hơn các trường hợp phản ứng sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem khiến chúng tôi rất lo lắng. Trước mắt, các lô vắc xin liên quan đến phản ứng tại Bình Định, Kiên Giang và Hà Nội đã được tạm dừng sử dụng trên địa bàn", ông Bình cho biết.
Theo TNO
Vẫn khẳng định không có bằng chứng vắc xin Quinvaxem gây tử vong Ngày 29.11, tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo về Truyền thông trong công tác tiêm chủng mở rộng do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tổ chức. Trước dư luận về yếu tố thiếu đảm bảo an toàn của vắc xin Quinvaxem, nhiều bậc cha mẹ ở Đà Nẵng...