Trẻ bị xâm hại tình dục: An toàn cho trẻ đang bị coi rẻ
“Đã có những em bé không thể phục hồi được tâm trí sau những vụ xâm hại tình dục. Đã có những em bé bị cắt đi toàn bộ phần phụ sau khi kẻ thủ ác đạt được điều hắn mong muốn. Với những em bé này, cuộc sống chấm dứt ngay từ khi vừa bắt đầu”…
Trên đây là tâm sự của TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP Hà Nội. Chị cho biết: “Ngay khi viết những dòng trên đây, tôi đã bật khóc như một đứa trẻ”!
An toàn cho trẻ đang bị coi rẻ
Theo TS Hương, gần 10 năm qua, chị đã nỗ lực hết sức để đem kiến thức giới tính và phòng tránh xâm hại đến với trẻ em. Từ việc tác động tới ý thức của phụ huynh, tiếp cận trẻ để giảng bài cho đến thiết kế, in và phát tờ rơi Phòng tránh xâm hại miễn phí cho trẻ nhỏ. Trong suốt thời gian đó, chị trở thành địa chỉ quen thuộc để các mẹ kêu cứu khi con nhỏ gặp chuyện hoặc là nơi trút bầu tâm sự của các mẹ đã có tuổi thơ bị động chạm, sờ mó. Đó không thể là 1 trải nghiệm dễ chịu.
Chị đã từng phải lắng nghe và đau đớn chứng kiến những giọt nước mặt của các mẹ có con bị xâm hại từ những người xung quanh, thân thiết. Đó là tiếng hét hoảng loạn khi chị đến thăm một em bé vừa bị xâm hại cách đó chưa lâu. Đó là những giọt nước mắt đau đớn, những lời nói uất nghẹn của các bà mẹ kể về tuổi thơ bị xâm hại của mình.
Ts Vũ Thu Hương
“Vậy nhưng, ngày khủng khiếp nhất đã đến trong cuộc đời tôi chỉ đến sau ngày 8/3/2017 có vài ngày. Đó là ngày mà tôi đã phải đau đớn tiếp nhận thông tin của 3 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Chỉ trong 1 ngày, biết được có đến 3 cháu nhỏ bị xâm hại tình dục ở 3 nơi khác nhau, nỗi đau không thể nào nói bằng lời.
Với một đứa trẻ bị xâm hại, giờ phút kinh hoàng chống trả yếu ớt lại hành vi của những kẻ đang coi mình là một thứ trò chơi, cảm giác thật khủng khiếp. Các con cảm thấy nỗi sợ hãi tột cùng, cảm giác sống không bằng chết khi cơ thể mình bị phơi bày ra đến tận cùng. Nỗi đau đớn đến từ những bộ phận nhạy cảm nhất, kín đáo nhất, bí ẩn nhất khiến nỗi khiếp sợ nhân lên gấp bội”, chị tâm sự.
Trao đổi với PV Dân trí vào ngày 13/3, TS Hương cho hay, hiện nay khung hình phạt cho loại tội phạm này còn quá nhẹ, thái độ giải quyết các vụ án dạng này quá chậm chạp và thờ ơ là điều mà tôi đã nói rất nhiều lần với rất nhiều người. An toàn trẻ nhỏ đang bị coi rẻ quá mức. Năm 2008, khi bắt đầu tiến hành công tác giáo dục trẻ về thoát hiểm, tư vấn cho cha mẹ về tầm quan trọng của các kĩ năng này, tôi nhận được sự thờ ơ của các bậc phụ huynh. Với các bố mẹ còn như vậy, liệu những người không có quyền lợi liên quan có thể nhận thức được sự nguy hiểm của loại tội phạm này.
Video đang HOT
Nhiều em không thể phục hồi tâm trí
Cũng theo TS Hương, với một đứa trẻ bị xâm hại, cho dù sau đó, con có được chữa chạy về cơ thể, về tâm lý đến đâu, vết sẹo lớn mà con mang trong người cũng khiến con như trở thành một con người khác, một con người khuyết thiếu mà sau đó con sẽ không bao giờ tìm lại được phần hồn đã mất của mình…
Đã có những em bé không thể phục hồi được tâm trí sau những vụ xâm hại tình dục. Đã có những em bé bị cắt đi toàn bộ phần phụ sau khi kẻ thủ ác đạt được điều hắn mong muốn. Với những em bé này, cuộc sống chấm dứt ngay từ khi vừa bắt đầu. Một đứa trẻ lành lặn, xinh đẹp, khỏe mạnh bỗng chốc trở thành tật nguyền về cả tầm hồn lẫn thể xác. Nỗi đau đớn đó con sẽ mãi mãi mang theo cho đến tận khi chết.
Đơn kêu cứu của một bà mẹ có con bị xâm hại tại Hà Nội
“Là người làm cha làm mẹ, có nỗi đau nào lớn hơn cảnh phải chứng kiến con mình vật vã giữa đêm khuya chỉ vì di chứng của một vụ xâm hại? Là người làm cha làm mẹ, có ai chịu nổi cảnh nhìn thấy quần áo con mình vấy máu chỉ vì con không thể bảo vệ được bản thân mình?…
Gần 10 năm nghe tâm sự của các mẹ, lắng nghe nỗi đau của họ, nhưng đêm nay, ngồi gõ những dòng chữ này, tôi vẫn bật khóc như một đứa trẻ. Là một người mẹ và là một nhà giáo, tôi thay mặt các cha mẹ có con nhỏ trên khắp Việt Nam xin tuyên bố sẽ tuyên chiến với tội phạm ấu dâm đến cùng”, chị Hương phẫn nộ nói.
Trao đổi thêm với chúng tôi, chị Hương cho hay, để hạn chế tình trạng trên, nhận thức của cộng đồng về loại tội phạm này cần phải được thay đổi.
Tất cả các cháu nhỏ cần được học về kĩ năng tự bảo vệ bản thân mình trong mọi tình huống. Các cha mẹ cần có ý thức dạy con điều này đầu tiên và được lặp lại cho đến khi trẻ thành thạo các kĩ năng. Những điều luật dành cho dạng tội phạm này cũng cần được điều chỉnh với hướng tăng nặng để phù hợp với mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm này. Chỉ có một xã hội nghiêm minh, trẻ nhỏ và cả cha mẹ hiểu biết thì mới có thể làm giảm tình trạng nguy hiểm này.
Theo Dantri
Xâm hại tình dục trẻ em: "Yêu râu xanh" núp bóng người thân quen
Thời gian qua liên tục xảy ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó nhiều vụ kéo dài, không được giải quyết dứt điểm khiến không chỉ nạn nhân và gia đình mà cả dư luận hết sức bức xúc.
Trong một thời gian ngắn, hàng loạt vụ việc xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em ở nhiều địa phương chậm được xử lý gây nên bức xúc lớn trong dư luận xã hội. Gần đây nhất là việc gia đình chị Nguyễn Thị L (ở Hoàng Mai, Hà Nội) tố cáo con gái chị bị một người đàn ông xâm hại.
Ngày 13.3, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND TP.Hà Nội khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ vụ việc này. Trước đó, Chủ tịch nước đã yêu cầu lãnh đạo Bộ Công an, Viện KSND Tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp, điều tra sớm làm rõ và có kết luận về vụ dâm ô trẻ em tại TP.Vũng Tàu.
Thủ phạm là người rất bình thường, quen biết
Nói về các vụ xâm hại tình dục trẻ em, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội (ISDS) cho biết: "Tôi cay đắng, thậm chí phát khóc khi nói về những vụ việc này". TS Hồng cho biết, nhiều người thường cho rằng kẻ XHTD trẻ em là những kẻ không bình thường, biến thái, mắc bệnh (tâm thần) mới có những hành vi khốn nạn đó. Nhưng thực tế hầu hết những "yêu râu xanh" đó hoàn toàn bình thường về mặt trí tuệ, sức khoẻ tâm thần. Đó có thể là công chức, cán bộ, thậm chí có chức vụ cao, là trí thức, là doanh nhân. Khi bị phát hiện, nhiều người còn nhận xét về kẻ xâm hại là "người tốt", "hiền lành", "đứng đắn", "hay giúp đỡ người khác". Nhưng tại sao những kẻ đó lại đang tâm hãm hại các cháu bé, thậm chí cả con đẻ, cháu ruột, hay học trò của mình...?
"Nếu chúng là người tốt, hiền lành, các cháu bé đáng thương của chúng ta có lỗi hay sao? Có phải các cháu có lỗi vì dễ thương quá, xinh xắn quá, ngây thơ quá và bất lực quá?" - TS Hồng phẫn nộ.
Bà Hồng chia sẻ, gần đây, bà đã thực hiện một nghiên cứu để tìm hiểu rõ hơn về vấn nạn này. Vì không thể tiếp cận được các số liệu của các cơ quan chức năng và cũng vì nguồn số liệu đó khá sơ sài nên bà đã tổng hợp các vụ XHTD phụ nữ và trẻ em được đưa tin trên báo điện tử trong vòng 5 năm (từ 2011-2016). Phân tích sơ bộ ban đầu cho thấy trong số 322 trường hợp bạo lực tình dục được đưa tin, có tới 21,2% nạn nhân dưới 10 tuổi, thậm chí có những bé chỉ mới 2 tuổi; 60% nạn nhân ở độ tuổi 11-25. Một số trường hợp bị bạo lực kép: Nạn nhân bị cưỡng hiếp, cướp tài sản, hành hung và thậm chí bị giết chết, chiếm 32%. Số vụ hãm hiếp tập thể với phần lớn là do 3 đến 5 thủ phạm chiếm 13,5%.
"Trái với quan điểm cho rằng phụ nữ và trẻ em gái có thể tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế giao du với người lạ hay không đi ra khỏi nhà vào đêm tối, phân tích của chúng tôi cho thấy 73% số thủ phạm XHTD là người quen, trong đó 10% là cha đẻ hoặc cha dượng. Thủ phạm gồm cả những người được cho là đáng tin cậy như người cao niên, người có uy tín, giáo viên, những người nổi tiếng hay cả những người trong hệ thống thực thi pháp luật. Ngoài ra, phần lớn các vụ XHTD cũng xảy ra ở những địa điểm thường được coi là an toàn như trường học, công sở hay chính trong nhà của nạn nhân" - TS Hồng cho biết.
Theo TS Hồng, XHTD để lại hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ thể chất, tinh thần và cả tài chính cho nạn nhân. Nhiều nạn nhân và gia đình đã phải vật lộn với việc thay đổi sinh kế do phải chuyển nơi sinh sống để tránh bị kỳ thị. Thậm chí, không ít người đã tìm đến cái chết để thoát khỏi ám ảnh và bế tắc sau khi bị XHTD.
Không thể thờ ơ
Theo nghiên cứu của Tổ chức Action Aid tại Việt Nam năm 2015, có tới 87% số phụ nữ từ 2 TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; 67% số người chứng kiến đã không có hành động gì. Còn theo nghiên cứu của Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam cũng trong năm 2015, 31% em gái vị thành niên và thanh niên đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng, 11% học sinh tại 30 trường phổ thông của Hà Nội từng bị xâm hại, quấy rối tình dục.
Bà Hoàng Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số (CCIHP) cho rằng, nếu chúng ta không lên tiếng thì các vụ XHTD sẽ tiếp tục "leo thang" càng ngày càng nghiêm trọng. Khi kẻ xâm hại không bị trừng trị sẽ có thêm nhiều kẻ xâm hại khác phạm tội. Và trẻ em, phụ nữ sẽ thành các "con mồi" của chúng mà không nhận được sự bảo vệ.
"Chỉ chưa đến một ngày sau khi báo chí đưa về vụ việc cháu bé 8 tuổi nghi bị xâm hại ở Thủ Đức, các báo lại đồng loạt đưa tin Phòng Giáo dục Thủ Đức có công văn nói rằng không có việc cháu bé bị xâm hại. Cháu bị chảy máu vùng kín là do tự ngã. Tôi thật sự phẫn uất khi đọc những thông tin này. Cũng nhân lời khẳng định của nhà trường và Phòng Giáo dục Thủ Đức về việc không có người lạ vào trường, tôi muốn nhắc lại rằng 90% số trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục do người quen, trong đó gần 50% là người trong gia đình, họ hàng. Do vậy, đừng vội loại trừ người có thể xâm hại các em không phải người "lạ". Vì thế, chừng nào vụ việc này chưa được làm rõ, các trẻ em khác vẫn có thể có nguy cơ" - bà Hoàng Anh cho biết.
Theo bà Hoàng Anh, gần đây đã có trường hợp em bé 13 tuổi ở Cà Mau quyên sinh sau khi bị XHTD và vụ việc của em cũng không được lắng nghe, được giải quyết. "Trong các phản hồi trên facebook, tôi thấy một bà mẹ thậm chí đã miêu tả nỗi đau như thế này "nếu con gái tôi bị lạm dụng, có thể tôi sẽ phải giúp nó chết để nó không bị dằn vặt trong nỗi đau cả đời". Đây là một ứng xử tiêu cực, nhưng để nói là nỗi đau do XHTD trẻ em là kinh khủng. Ngay cả việc kẻ thủ ác bị đưa ra ánh sáng, bị phạt tù, nỗi đau với trẻ em và gia đình của họ cũng khó mà giảm đi nhưng ít nhất để họ còn có niềm tin, tin vào một xã hội liêm chính và công bằng" - bà Hoàng Anh nói.
Theo bà Khuất Thu Hồng, một số vụ XHTD trẻ em đã gặp phải sự vào cuộc chậm trễ của cơ quan thực thi pháp luật và thái độ bàng quan, dung túng của cán bộ công quyền. Một số vụ khác lại được giải quyết theo cách "hoà giải" và đền tiền ngay cả khi vụ việc đã có dấu hiệu hình sự, tội phạm nhận tội. Ngoài ra, quy trình tố tụng thiếu chặt chẽ và thiếu nhạy cảm thậm chí còn khiến nhiều nạn nhân dường như bị bạo lực và lạm dụng thêm nhiều lần nữa.
"Nhiều cán bộ trong các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, thay vì nhận ra những lỗ hổng trong hệ thống phòng ngừa và thực thi luật pháp lại đổ lỗi cho phụ nữ và trẻ em là thiếu hiểu biết hoặc không hành xử đúng mực. Thay vì nghiêm khắc nhận trách nhiệm và củng cố, tăng cường các giải pháp bảo vệ và xử lý XHTD lại quy trách nhiệm cho phụ nữ và trẻ em phải tự bảo vệ mình" - TS Hồng phân tích. Theo TS Hồng, nếu những vấn đề này không được giải quyết thì XHTD đối với trẻ em và phụ nữ sẽ còn tiếp tục gia tăng, với diễn biến ngày càng phức tạp.
Trước các vụ XHTD trẻ em liên tục mà không được giải quyết dứt điểm, 15 tổ chức trong Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet) đã ra "tâm thư" kêu gọi những hành động quyết liệt hơn nữa để giải quyết vấn nạn này.
Theo Danviet
Xâm hại tình dục: "Tại sao những kẻ đồi bại vẫn nhởn nhơ?" Đó là thắc mắc của TS.Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội sau một số vụ xâm hại tình dục trẻ em gây chấn động dư luận nhưng vẫn rơi vào im lặng. Trong thời gian qua, có rất nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em bị gia đình tố cáo nhưng thủ phạm vẫn nhởn nhơ...