Trẻ bị ung thư vì bú sai cách
Nhiều trẻ bị trào ngược dạ dày – thực quản thường xuyên chỉ vì mẹ cho bú sai tư thế. Chứng này về lâu dài sẽ gây nhiều biến chứng.
Trẻ nhỏ cũng bị trào ngược dạ dày
Nhiều người bỏ qua dấu hiệu cảnh báo trẻ bị trào ngược dạ dày – thực quản, khiến trẻ bị biến chứng, thậm chí mắc ung thư. Theo bác sĩ Nguyễn Bạch Đằng, Học viện Quân y, có đến 2/3 trẻ nhỏ đã gặp phải tình trạng trào ngược dạ dày – thực quản (TNDDTQ) trong những tháng đầu đời.
Mắc bệnh vì tư thế bú
Bình thường, khi trẻ bú, sữa đi qua miệng, xuống thực quản, qua tâm vị rồi vào dạ dày. Tại tâm vị có cơ vòng thực quản dưới tạo nên van một chiều có tác dụng ngăn dòng trào ngược từ dạ dày vào thực quản. Ở trẻ sơ sinh, các cơ van tâm vị còn yếu và xốp. Nếu tư thế trẻ bú không đúng sẽ làm cho không khí trong dạ dày dâng lên cùng với một ít sữa, qua tâm vị trào ngược lên thực quản và ra ngoài.
Bên cạnh đó ở trẻ sơ sinh, dạ dày nằm ngang, góc giữa dạ dày và thực quản là góc tù nên trẻ rất dễ bị trào ngược. Vì vậy, nếu trong quá trình bú, trẻ có nuốt hơi và sau đó được đặt nằm ngang (đầu bằng) hoặc nghiêng bên phải, trẻ cũng dễ bị trớ sữa.
Theo bác sĩ Đằng, nêu hiện tượng này xảy ra trong thời gian ngắn, tần suất ít, sau ăn và không gây ra triệu chứng gì thì được gọi là trào ngược sinh lý. Còn trào ngược bệnh lý có tân suât xảy ra thường xuyên hơn, kéo dài hơn và có thể gây ra triệu chứng lâm sàng với nhiều mức độ khác nhau. Nếu bé dưới 6 tháng tuổi, một ngày bị trớ sữa vài lần nhưng chơi đùa, lên cân tốt, bú đều đặn, không bị khò khè tái đi tái lại… thì nhiều khả năng chỉ là trào ngược sinh lý, sẽ hết dần theo thời gian. Nếu trẻ vẫn thường ọc sữa sau 1 tuổi hoặc trẻ chậm lên cân, gầy gò, biếng ăn, sợ ăn, hay bị khò khè kéo dài đáp ứng kém với điều trị, viêm phổi tái phát nhiều lần… thì nhiều khả năng là trào ngược bệnh lý. Khi đó cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Một ca nội soi dạ dày cho trẻ tại BV Nhi TƯ. Ảnh: M.Ninh.
Video đang HOT
Có thể gây ung thư
Nếu không được điều trị, bệnh TNDDTQ sẽ để lại nhiều biến chứng. Đầu tiên là tình trạng viêm thực quản với các mức độ khác nhau, trong đó nặng nề nhất là barret thực quản (thay đổi bất thường lớp tế bào lát trong ống thực quản) có thể dẫn đến ung thư. Cơ quan bị ảnh hưởng hay gặp nữa là hệ hô hấp. Bé sẽ dễ bị ho, khò khè kéo dài mà không đáp ứng với các điều trị thông thường. Có thể bé sẽ bị khàn tiếng hoặc hen suyễn liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra, trẻ bị bệnh trào ngược có thể bị mòn răng, viêm tai, viêm xoang, sụt cân, suy dinh dưỡng, chậm lớn.
Khi trẻ mắc bệnh, việc chăm sóc đúng cách sẽ giúp giảm triệu chứng, mang lại sự dễ chịu cho bé. Đối với trẻ bú mẹ: Nên cho bú bầu vú bên trái trước (bé mới bú nên lượng sữa trong dạ dày còn ít, có thể nằm nghiêng phải). Sau đó, chuyển bé sang bú bầu bên phải (lúc này dạ dày bé đã nhiều sữa, cần nằm nghiêng trái). Như vậy, sữa sẽ dễ dàng xuống dạ dày mà không gây trào ngược.
Nếu bú bình, để đầu núm vú bình sữa luôn đầy sữa, không để bình sữa nằm nghiêng. Khi bú xong, bế trẻ cao đầu trong 15-20 phút, vỗ lưng cho bé ợ hơi, sau đó đặt nằm nghiêng bên trái và kê gối hơi cao. Không để trẻ bú nằm dễ bị sặc, trớ sữa và không tâng bé lên xuống sau khi bú. Không ép trẻ ăn nhiều, chia thức ăn ra nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo đủ số lượng thức ăn cần thiết. Thời gian tối thiểu giữa hai lần bú là 2 giờ, tối đa là 4-5 giờ.
An Nguyễn
Theo Đất Việt
Nguyên nhân gây nấc
Có rất nhiều nguyên nhân gây nấc, nhưng gặp nhiều nhất là do bệnh tật gây ra.
Ít khi người bị nấc phải cấp cứu, nhưng cũng có những trường hợp hạn hữu nấc liên tục và kéo dài trong nhiều giờ, nhiều ngày làm cho người bệnh rất khó chịu và lúc này lại rất cần đến sự can thiệp của bác sỹ.
1. Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng gặp nhiều nhất là do bệnh tật gây ra. Một số bệnh thuộc hệ thống tiêu hóa như viêm thực quản cấp hoặc mạn tính, bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, các bệnh thuộc dạ dày - tá tràng như viêm dạ dày, viêm tá tràng, viêm loét dạ dày - tá tràng (viêm hang vị, viêm bờ cong lớn hoặc nhỏ); loét môn vị, loét bờ cong (lớn, nhỏ), loét tâm vị hoặc ung thư dạ dày...
Hầu hết các bệnh thuộc dạ dày - tá tràng đều tăng tiết dịch vị kích thích gây đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, nôn và một số người bệnh có thể bị nấc do thần kinh hoành bị kích thích. Bệnh về đường dẫn mật như viêm đường dẫn mật (viêm túi mật) hoặc viêm tụy tạng cũng có thể kích thích dây thần kinh phế vị hoặc thần kinh hoành gây nên triệu chứng nấc.
Cũng có thể bị nấc trong một số trường hợp do stress hoặc histerie, hoặc do tổn thương hệ thần kinh trung ương với bất kỳ một lý do nào đó như viêm não (do vi khuẩn hoặc do vi rút), hoặc chấn thương sọ não. Cũng có xuất hiện nấc ở một số người bệnh sau phẫu thuật như sau phẫu thuật ổ bụng (phẫu thuật dạ dày - tá tràng, mổ gan mật...).
Nguyên nhân nấc còn gặp khá nhiều trong sử dụng một số dược phẩm hoặc hóa chất độc như thuốc thuộc nhóm coticistreroid, thuốc an thần gây ngủ benzodiazepine hoặc một số loại thuốc điều trị parkinson. Thuốc kháng sinh cũng có thể gây nấc như kháng sinh thuộc nhóm macrolid (erythromycin, roxythromycin...) hoặc kháng sinh thuộc nhóm fluoroquinolon (ciprofloxacin, ciprobay, ofloxacin...)
Stress cũng là nguyên nhân gây nấc (ảnh minh họa)
Vì vậy khi dùng bất kỳ một loại thuốc này gây nấc cần ngừng ngay. Sau khi ngừng dùng thuốc cần báo cho bác sỹ điều trị để thay thế thuốc khác thích hợp. Cũng có thể gặp nấc trong một số trường hợp dùng hóa chất điều trị ung thư. Sẽ khó xử lý hơn trường hợp nấc không rõ nguyên nhân.
Bài liên quan:
Nấc, khi nào là do bệnh tật?
Làm gì khi bị nấc cụt?
Người ta phân loại nấc thành dạng cấp tính và mạn tính. Nấc cấp tính thông thường chỉ nấc một thời gian ngắn (khoảng vài giờ đến vài ngày, tần số thấp). Nấc mạn tính là những trường hợp xuất hiện liên tục và kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày, thậm chí kéo dài trong vài tháng hoặc lâu hơn làm cho nạn nhân rất khó chịu, lo lắng và bức xúc gây mệt mỏi, mất ngủ, sụt cân.
Đối với một số người bệnh sau mổ vùng bụng, vùng ngực đang thời kỳ hậu phẫu, bị nấc sẽ làm cho vết mổ bị đau hoặc vết mổ chậm liền sẹo.
2. Cách điều trị
Khi bị nấc cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt nhằm mục đích tìm ra nguyên nhân. Ví dụ nếu nấc do các bệnh thuộc đường tiêu hóa thì nên điều trị dứt điểm, bởi vì các bệnh về đường tiêu hóa nhất là bệnh thuộc thực quản và dạ dày - tá tràng gây kích thích cơ hoành gây nấc. Khi bệnh về đường tiêu hóa được giải quyết dứt điểm thì hy vọng những người bệnh bị nấc do các bệnh này cũng sẽ hết.
Điều trị nấc dựa vào nguyên nhân là rất thuận lợi và có nhiều hy vọng, tuy vậy trong trường hợp không xác định được nguyên nhân thì phải điều trị triệu chứng nấc. Ngay từ khi mới bị nấc lần đầu có thể chưa dùng thuốc ngay mà có thể dùng một số biện pháp đơn giản, dễ thực hiện mà vẫn có kết quả nhất định như uống một cốc nước lạnh (mát), uống từ từ từng ngụm một hoặc bịt mũi, nín thở thật sâu rồi thở ra từ từ.
Có thể uống nước từ từ từng ngụm nhỏ để hết nấc (ảnh minh họa)
Người ta cũng có thể áp dụng biện pháp tâm lý như tập trung vào một vấn đề gì đó mang tính phức tạp hoặc thật lý thú như xem bóng đá, bóng chuyền...
Châm cứu cũng có thể đưa lại hiệu quả nhưng phải là lương y hoặc bác sỹ có kinh nghiệm thực hiện. Tân dược cũng có nhiều phác đồ điều trị phong phú, tuy vậy muốn dùng thuốc Tây cần có chỉ định và theo dõi của bác sỹ bởi một số thuốc có hiệu quả nhưng gây nhiều tác dụng phụ hoặc chống chỉ định. Vì vậy người bệnh dứt khoát không được tự mua thuốc để điều trị bệnh nấc khi không có đơn của bác sỹ.
Phẫu thuật cắt dây thần kinh hoành là phương án cuối cùng, khi mọi biện pháp đã kể không mang lại kết quả.
Theo Eva
Dấu hiệu cảnh báo từ những cơn đau bụng Chẳng ai là không một lần bị đau bụng, nhưng không phải ai cũng biết, mỗi cơn đau bụng ẩn chứa một thông điệp về bệnh tật khác nhau. Nếu để ý, bạn có thể cung cấp cho bác sĩ tiếng nói chính xác của cơ thể mình để sớm kiếm tìm liệu pháp điều trị thích hợp. Cường độ đau Đột nhiên...