Trẻ ăn phải ‘thịt bẩn, gà thối’ ở trường mầm non Bắc Ninh: Yêu cầu công an điều tra
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Công an tỉnh Bắc Ninh khẩn trương điều tra làm rõ trách nhiệm trong vụ việc trẻ ăn phải ‘ thịt bẩn’ ở trường mầm non.
Liên quan đến vụ việc trẻ phải ăn ‘thịt bẩn, gà thối’ ở trường mầm non Bắc Ninh, ngày 15/3, trong cuộc họp cùng các Sở, ban, ngành chức năng tỉnh Bắc Ninh và huyện Thuận Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh yêu cầu Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh căn cứ vào các xét nghiệm, báo cáo chính thức đến các cơ quan chức năng liên quan.
Yêu cầu Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức xét nghiệm đối với các học sinh của Trường Mầm non xã Thanh Khương và hướng dẫn người dân về ảnh hưởng, nguyên nhân và cách phòng chống sán lợn.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Công an tỉnh Bắc Ninh khẩn trương điều tra làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn cho các trường học.
Đồng thời, điều tra làm rõ việc cung cấp, phát tán thông tin không đúng sự thật gây hoang mang dư luận. Thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại Trường Mầm non Thanh Khương và các Trường học trên địa bàn huyện Thuận Thành, xử lý hành vi kích động gây rối làm mất an ninh trật tự.
Yêu cầu Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học.
Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở chủ động thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát, truy suất nguồn cho các bếp ăn tập thể bán trú tại trường học.
Ông Hoàng Đình Minh, Chủ tịch UBND xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết, sau gần chục ngày tạm dừng việc ăn bán trú tại Trường mầm non Thanh Khương, từ hôm qua trường đã tổ chức nấu ăn trở lại cho trẻ. Gần 90% trẻ trở lại trường học và khoảng 80% trẻ đăng ký ăn bán trú trở lại.
Video đang HOT
Đơn vị cung cấp thực phẩm cũ là Công ty TNHH Hương Thành bị cắt hợp đồng và nhà trường tìm đơn vị cung cấp thực phẩm mới.
Chính quyền xã đã tạm đình chỉ công tác đối với bà Cao Thị Hòe, Hiệu trưởng trường Mầm non Thanh Khương để phục vụ công tác điều tra.
TÙNG LÂM
Theo VTC
Ăn thịt lợn đầy hạch trắng, hơn 400 học sinh phải đi xét nghiệm bệnh nguy hiểm
Sau khi 2 trẻ được gia đình đi xét nghiệm dương tính với sán lợn, hơn 400 học sinh của trường mầm non Thanh Khương - Bắc Ninh đang tập trung xét nghiệm loại bệnh mà khi tìm hiểu về tác hại của nó, người ta sẽ không khỏi rùng mình.
Hơn 400 trẻ của trường mầm non Thanh Khương - Bắc Ninh đang tập trung xét nghiệm sán lợn tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương sau khi 3 bé ăn thịt lợn tại trường nghi nhiễm sán có kết quả xét nghiệm dương tính với sán lợn.
Phụ huynh có con học tại Trường mầm non Thanh Khương đang rất hoang mang
Sáng 15/3, đã có 400 cháu học sinh mẫu giáo của trường mầm non Thanh Khương - Bắc Ninh đã được bố mẹ đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để xét nghiệm sau vụ việc trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) bị phát hiện dùng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh thực phẩm để chế biến món ăn cho trẻ nhỏ.
Hình ảnh món thịt lợn nổi đầy hạch trắng - dấu hiệu thịt lợn nhiễm sán gạo - tại trường mầm non này được phụ huynh ghi lại khiến nhiều người lo lắng cho sức khoẻ của con em mình và không khỏi bức xúc.
2 trong số 3 học sinh của trường này được gia đình tự đưa đi xét nghiệm và có kết quả dương tính với sán lợn.
Kết quả xét nghiệm cho thấy dương tính với sán lợn của một trẻ mầm non ở Bắc Ninh
Trước đó cuối tháng 2, một số phụ huynh đăng video ghi lại hình ảnh món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường Thanh Khương. Ngay sau đó, tập thể phụ huynh lên gặp Ban giám hiệu nhà trường phản ánh, nhưng chỉ nhận được câu trả lời không thỏa đáng.
Đơn vị cung cấp thực phẩm cho cho tất cả trường học trên địa bàn Thuận Thành cho rằng, thịt lợn "không có bất thường gì". Phụ huynh đồng loạt cho con nghỉ học để phản đối, nhưng nhà trường không có động thái cụ thể, tiếp tục để công ty này cung cấp thực phẩm.
Đến trưa 5/3, phụ huynh bất ngờ vào kiểm tra bếp ăn của trường, lại phát hiện thịt gà nấu cho học sinh là thịt đông lạnh đã bị mủn, có mùi, khác với cam kết cung cấp thịt tươi sống. Trong khi đó, nhiều loại chân, xương gà dùng để nấu cháo cho các cháu bốc mùi hôi thối. Các phụ huynh này đã chụp ảnh, ghi hình để tố cáo. Cơ quan công an đã lập biên bản, niêm phong toàn bộ số thực phẩm và đưa đi kiểm nghiệm.
Rùng mình vì tác hại bệnh sán dây lợn
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt,..., trường hợp này là nhiễm từ môi trường bên ngoài cơ thể nên có thể thấy ít ấu trùng ở các mô.
Trong trường hợp người bệnh có sán trưởng thành trong ruột, khi đốt sán già rụng, có thể đốt sán bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột, như vậy sẽ tương tự như ăn phải đốt sán mới, do đó số lượng ấu trùng sẽ rất lớn. Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang.
Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 - 2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết; nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội; nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.
Các ấu trùng hình hạt gạo trong thịt
Bệnh sán trưởng thành ở ruột: người bệnh ăn phải thịt lợn sống hay chưa chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành.
Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 đến 12 mét, chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm.
Bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triêu chứng rõ rệt như gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Triệu chứng chủ yếu là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài, đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.
Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).
Hoàng Hải
Theo vnmedia
Người mẹ có 2 con cùng một lúc mắc sán lợn, chó mèo: 'Cầm tờ giấy kết quả tôi rụng rời chân tay' "Cầm tờ giấy kết quả tôi rụng rời chân tay, không tin con mình bị như vậy, không hiểu con đi học ăn uống như nào mà giờ đứa thứ 2 bị mắc cả sán lợn và sán chó mèo...", chị C bức xúc. Phụ huynh bất ngờ khi con bị nhiễm sán Sáng ngày 15/3, khoảng gần 400 học sinh thuộc trường...