Trao quyền tự chủ tuyển sinh cho trường tư thục: Tạo thế bình đẳng
Luật Giáo dục 2019 sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2020. Theo đó, trường tư thục hoàn toàn tự chủ về tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, kế hoạch phát triển nhà trường… Tuy nhiên trong lĩnh vực tuyển sinh, việc phân chia tuyển sinh ngoài công lập có một số bất cập, vô tình tạo ra cơ chế xin – cho.
Tự chủ trong tuyển sinh sẽ là cơ hội để hệ thống trường ngoài công lập khẳng định vai trò và chất lượng trong quá trình phát triển. Ảnh: INT
Chung sức “gỡ khó” áp lực sĩ số trường công
Theo báo cáo của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội, nhiều trường phổ thông công lập nội đô đang rơi vào tình trạng quá tải sĩ số. Quận Hà Đông năm học 2018 – 2019 có tổng số 43.131 HS; 21 trường tiểu học công lập và 1 trường tiểu học tư thục. Sĩ số bình quân tại trường công lập: 50,45 HS/lớp (nếu không có 1 trường tư thục, sĩ số bình quân: 55,43 HS/lớp). Số lớp bình quân 58,68 lớp/ trường tiểu học, trong khi đó chuẩn mức độ 2 không quá 30 lớp/trường tiểu học.
Có thể nói, nhiều trường tư thục đang ngày càng thể hiện được vai trò tiên phong trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, góp phần quan trọng vào việc giảm áp lực sĩ số trường công, tăng thu ngân sách Nhà nước, giảm áp lực biên chế, đồng thời đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của con em nhân dân trong việc thụ hưởng các dịch vụ giáo dục chất lượng, đẳng cấp và trách nhiệm.
Cũng trong năm học 2018 – 2019, quận Thanh Xuân có tổng số 24.819 HS tiểu học chia cho 13 trường (12 công lập và 1 tư thục). Sĩ số bình quân công lập 53,95 HS/lớp (nếu không có 1 trường tư thục, sĩ số bình quân 61,43 HS/lớp). Số lớp bình quân 59,09 lớp/trường tiểu học.
Năm học 2019 – 2020, quận Thanh Xuân đặt mục tiêu giảm từ 2 – 3 lớp, xây 2 trường tiểu học mới. Để đảm bảo sĩ số đúng điều lệ trường tiểu học, quận Thanh Xuân phải xây thêm 9,97 trường tiểu học.
Luật Giáo dục 2019 sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2020. Khoản 3, Điều 60 (Nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường), Luật Giáo dục 2019 quy định: Trường dân lập, tư thục tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục.
Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động tuyển sinh của các trường tư thục vẫn áp dụng mô hình quản lý Nhà nước của hệ thống trường công lập (phân chỉ tiêu), cùng một kế hoạch, thời gian, thậm chí phương thức.
Cách làm này không chỉ hạn chế quyền và cơ hội lựa chọn của học sinh đầu cấp, làm giảm hiệu quả giảm tải áp lực sĩ số cho trường công lập, mà còn kìm hãm quyền tự chủcủa các trường tư thục, cản trở khả năng phát triển của giáo dục tư thục theo chủ trương, chính sách xã hội hóa.
Tự chủ tuyển sinh đầu cấp sẽ tạo sức cạnh tranh chất lượng cho các trường phổ thông
Mong muốn được tự chủ về tuyển sinh
Chia sẻ về tầm quan trọng của tự chủ tuyển sinh đối với trường tư thục, cô Lê Thị Bích Ngọc – giáo viên Trường Phổ thông
Newton (Hà Nội) cho biết: Với hệ thống trường tư thục, từ A đến Z nhà trường đều phải tự lo. Cơ sở vật chất là vấn đề không hề nhỏ và không dễ dàng gì, đặc biệt là ở Thủ đô.
Luật sư Nguyễn Kiến Thiết, Trưởng Văn phòng Luật sư Kiến Thiết (Hà Nội) cũng nêu quan điểm: Các trường tư thục gặp khó trăm bề về cơ cở vật chất, GV, mặt bằng, kinh phí hoạt động nhưng lại phải gánh thêm nỗi lo về tuyển sinh. Nếu các cơ quan, ban, ngành khống chế chỉ tiêu sẽ đi ngược với chủ trương xã hội hóa GD, đi ngược với chủ trương đường lối chính sách của Đảng.
Cô Bích Ngọc nêu băn khoăn: “Chúng tôi phải tự lo tất cả với chi phí rất lớn. Nếu trường không thực sự có chất lượng tốt, phụ huynh không tin tưởng và tìm đến với chúng tôi. Và nếu như chúng tôi sẽ không tuyển sinh được đủ chỉ tiêu, trong trường hợp đó thì các cơ quan chức năng có giúp chúng tôi bù lỗ việc đó không? Vì thế, chúng tôi mong muốn được tự chủ về tuyển sinh, cũng như quá trình hoạch định chính sách của mình”.
Theo cô Lê Thị Bích Ngọc, việc cấp chỉ tiêu tuyển sinh như cơ chế xin – cho; mà đã xin – cho sẽ không tránh khỏi phát sinh tiêu cực, làm cho nhà trường mất đi sự tự chủ. Việc này đi ngược lại chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước. “Khi chúng tôi đã phải tự lo thì hãy cho chúng tôi tự chủ tuyển sinh” – cô Bích Ngọc nhấn mạnh.
Cần gỡ chính sách từ gốc
Chia sẻ ý kiến cá nhân về tự chủ tuyển sinh đối với trường tư thục hiện nay, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa 13 cho rằng, chúng ta cần gỡ từ gốc chứ không chỉ ở ngọn. Xã hội hóa giáo dục là hoàn toàn đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Trong những năm vừa qua, hệ thống giáo dục tư thục đã có đóng góp rất lớn cho xã hội nói chung và cho Hà Nội nói riêng.
Hệ thống các trường tư thục là doanh nghiệp đặc thù, đã là doanh nghiệp thì phải tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng bị chi phối bởi Luật Giáo dục.
Nhiều trường tư thục xây dựng được thương hiệu, rất nổi tiếng và nhiều phụ huynh tìm đến, mà sự lựa chọn của xã hội đã thể hiện cái danh hiệu cao quý của trường. Chúng ta cần gỡ chính sách để triệt tiêu việc xin cho, tạo thế bình đẳng trong luật pháp.
“Tôi thấy trong Luật Giáo dục có những quy định về tự chủ khá đầy đủ, ví dụ tự chủ trong tổ chức, tài chính, nhân lực. Tôi đề nghị địa phương cần công khai minh bạch tất cả về quy hoạch hệ thống trường công, trường tư, với quy mô thế nào? Nếu không làm tốt được việc này thì vẫn sẽ tồn tại cơ chế xin cho”, bà Bùi Thị An cho biết.
“Về vấn đề quản lý, tôi nghĩ Nhà nước nên chỉ quản đầu ra, quản chất lượng. Về phía nhà trường, các trường cũng phải minh bạch tất cả mọi vấn đề về trường lớp, loại hình đào tạo, chất lượng giáo viên… và thậm chí cả mức học phí. Cả 2 bên nhà trường và các cơ quan quản lý đều phải minh bạch, có như vậy thì mới hy vọng triệt tiêu được xin – cho”. – Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa 13
Lê Đăng
Theo GDTĐ
Luật Giáo dục không có 2 chữ chỉ tiêu
Các cơ quan quản lý giáo dục khống chế về chỉ tiêu là đi ngược lại xu thế phát triển xã hội hóa Giáo dục, ngược lại với chủ trương đường lối của Đảng.
Đến dự buổi Tọa đàm "Quyền tự chủ tuyển sinh của các trường tư thục khi triển khai Luật Giáo dục sửa đổi 2019", do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức vào ngày 2/10, Luât sư Nguyên Kiên Thiêt - Trương văn phong luât sư Kiến Thiết, chia sẻ ý kiến cá nhân về tự chủ tuyển sinh đối với trường tư thục hiện nay.
Mô hình trường tư thục hơn 30 năm nay đã có sức lan tỏa mạnh và mang tính tất yếu của thời đại, một xã hội phát triển không chỉ lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo như ngày xưa, mà bây giờ phải nhìn kinh tế tư nhân, kinh tế thị trường phát triển như vũ bão.
Nhà nước chỉ đứng ra làm công tác quản lý về mặt pháp lý và cơ chế chính sách, chính vì vậy mà không phải ngẫu nhiên đồng chí Tổng Bí thư đã nói: Đã đến lúc chúng ta phải đối xử công bằng với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp ở đây có phải là các trường tư thục không? Và đây cũng là một mô hình của các trường tư thục. Có thể đến một lúc nào đó cũng sẽ xóa bỏ như chế độ tem phiếu, và mô hình công lập chỉ còn là một kỷ niệm.
Sự giám sát của phụ huynh học sinh rất tốt, bởi theo tôi thì không có ai giám sát đồng tiền của mình bằng chính mình. Khi đồng tiền không phải của mình và cũng không cái gì là của mình thì giám sát cũng chỉ là hình thức thôi.
Mô hình trường tư thục hôm nay chúng ta bàn tới một mắt xích cơ chế chỉ tiêu tuyển sinh, anh cho người ta tự chủ nhưng anh giữ lại phần quan trọng nhất, tức là cho anh tự chủ tất cả nhưng không có con người thì tuyển sinh cái gì?
Thay vì chúng ta đi vào vấn đề xin cho, nếu như thuộc về vấn đề an ninh quốc phòng thì nhất định không thể bàn giao cho ai cả ngoài nhà nước quản lý. Nhưng có những cái như Y tế, Giáo dục thì nên xã hội hóa và tốt nhất là nhà nước nên đóng vai trò là quản lý nhà nước.
Quản lý nhà nước thông qua vai trò của pháp luật, thông qua cơ chế về quản lý chính sách, kiểm soát thanh tra. Ví dụ: Một trường A vừa xây dựng được một cơ sở Giáo dục thì dứt khoát họ sẽ phải cân đối xem xin bao nhiêu chỉ tiêu.
Theo tôi vấn đề xin bao nhiêu thì nhà nước không cần quan tâm, mà chỉ cần xem một lớp có quá 35 học sinh hay không, xem đội ngũ giáo viên, môi trường sư phạm...mà việc này là sở giáo dục sẽ kiểm tra và cũng không nên báo trước hay kiểm tra định kỳ.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có dẫn ra điều 60 điểm B khoản 1 về công tác tuyển sinh, rồi điều 60 khoản 3 bộ luật Giáo dục năm 2019, điều 104 quản lý nhà nước về Giáo dục.
Chỉ thị 2268 của Bộ Giáo dục ngày 8/8 về phân cấp tự chủ đối với cơ sở Giáo dục, sau đó lại được điều chỉnh bằng thông tư số 11 năm 2014 và gần đây nhất là thông tư số 05 năm 2018 có hướng dẫn sửa đổi một số về quy chế tuyển sinh, nhưng đều không có mục nào nói đến vấn đề cản trở hoặc gây khó khăn, chế định về chỉ tiêu tuyển sinh.
Trường tư thục đã khó trăm bề về cơ sở vật chất, về mặt bằng và còn khó về giáo viên, vậy mà bây giờ còn gánh thêm nhiều khoản khống chế nữa thì làm sao mà phát triển được.
Các cơ quan ban ngành quản lý giáo dục, mà nhất là ở Hà Nội bây giờ lại khống chế về chỉ tiêu thì rõ ràng là đi ngược lại xu thế phát triển xã hội hóa Giáo dục và ngược lại với chủ trương đường lối của Đảng và nhà nước.
Trong trường hợp này tôi có quan điểm về pháp lý: Cái gì pháp luật không cấm thì chúng ta làm, mà đã làm thì phải tuân theo pháp luật.
Tôi đề nghị, thứ 1, các sở giáo dục phải làm đúng chức năng quản lý về giáo dục và đào tạo, và tạo điều kiện cho giáo dục phát triển theo xu hướng chung của xã hội.
Thứ 2, cơ quan quản lý nhà nước hãy thực hiện đúng chức năng quản lý về giáo dục, không lạm quyền và tạo ra những rào cản ngoài quy định của pháp luật để hạn chế sự phát triển của giáo dục.
Thứ 3, các trường phải thực hiện đúng các chức năng tự chủ, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan hữu trách.
Cũng cần kiến nghị thêm là đối xử với các trường tư thục bình đẳng như các trường công lập.
Tùng Dương
Theo giaoduc.net
Tỉ lệ học sinh Việt Nam tại Trường liên cấp quốc tế Singapore tại Đà Nẵng vượt quá quy định Theo Kết luận số 3276/KL-SGDĐT của Sở GD&ĐT Đà Nẵng về việc thanh tra công tác quản lý và tổ chức hoạt động dạy học tại Trường liên cấp quốc tế Singapore tại Đà Nẵng thì ngoài biển trường chưa ghi đúng tên trường như quyết định thành lập trường, không ghi bằng tiếng Việt, nhà trường tuyển sinh HS Việt Nam vượt...