Trao nhầm thi thể người nghi nhiễm nCoV
Bà Aura Maruri, ở thành phố Guayaquil, bàng hoàng biết chị gái mình còn sống sau khi hoả táng phần thi thể mà bệnh viện giao nhầm.
Bà Alba Maruri, 74 tuổi, chị gái của Aura, được đưa vào phòng điều trị tích cực hôm 27/3 do sốt cao và khó thở. Cuối ngày hôm đó, nhân viên y tế thông báo với gia đình rằng bà đã chết. Một tuần sau, họ bàn giao cho người thân của Alba thi thể được cho là của bà.
Tuy nhiên, hôm 24/4, các nhân viên y tế đã tìm đến gia đình bà Aura ở thành phố Guayaquil, tâm dịch của Ecuador, và thông báo nhầm lẫn.
“Một xe cứu thương xuất hiện cùng một bác sĩ, một chuyên gia tâm lý và nhân viên xã hội. Họ xin lỗi và nói rằng chị gái tôi còn sống, khiến chúng tôi bị sốc”, Aura kể qua điện thoại. “Những gì đã xảy ra là phép màu của Chúa”.
Lính cứu hỏa tại lễ tang của Luis Paez, một quan chức ở thành phố Guayaquil, Ecuador, tử vong vì nhiễm nCoV, hôm 24/4. Ảnh: Reuters.
Bà Alba bị nghi mắc Covid-19 nhưng chưa được xét nghiệm. Bà vẫn đang điều trị ở bệnh viện nhưng đã rời khỏi phòng hồi sức tích cực. Gia đình hôm qua mới được vào thăm bà, do các biện pháp giới nghiêm nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.
Video đang HOT
Aura cho hay không biết phải làm gì với phần tro cốt của thi thể mà cơ quan y tế giao nhầm cho gia đình mình.
“Tôi đã không thể ngủ vì sợ họ sẽ đưa thi thể chị đến những container dành cho người chết”, bà nói, đề cập đến các nhà xác dã chiến bằng container đông lạnh ở Guayaquil. “Đây là sai sót của bệnh viện”.
Sự việc nhấn mạnh những thách thức mà Ecuador phải đối mặt khi hệ thống y tế quá tải và các công nhân vệ sinh được giao nhiệm vụ phát hiện và xác định số thi thể ngày một tăng do Covid-19. Bộ trưởng Y tế Juan Carlos Zavallos cho hay sự việc đang được điều tra, thêm rằng cơ quan y tế sẽ đảm bảo xác định đúng danh tính người chết.
Ecuador hiện ghi nhận gần 23.000 ca nhiễm nCoV, trong đó 576 ca tử vong. 1.060 người chết khác bị nghi liên quan tới dịch bệnh. Chính phủ cho rằng tổng số người chết trên thực tế có thể cao gấp nhiều lần và nhiều người đã tử vong trước khi được làm xét nghiệm.
210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19, khiến khoảng 2,9 triệu người nhiễm, hơn 200.000 người tử vong.
Mai Lâm
Trump nói họp báo hàng ngày về Covid-19 'phí thời gian'
Trump cho biết các cuộc họp báo hàng ngày về Covid-19 không đáng để ông dành thời gian, cáo buộc các phương tiện truyền thông đưa tin không trung thực.
"Mục đích thực hiện các cuộc họp báo mới tại Nhà Trắng là gì khi giới truyền thông chỉ đưa ra những câu hỏi thù địch rồi sau đó từ chối đưa sự thật hay thông tin một cách chính xác. Họ đạt được lượt xem kỷ lục còn người Mỹ chẳng nhận được gì ngoài tin giả", Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên Twitter hôm 25/4. "Phí thời gian và công sức".
Ông chủ Nhà Trắng dường như xác nhận thông tin rằng mình đang cân nhắc tạm dừng các cuộc họp báo hàng ngày về Covid-19, do thất vọng trước các câu hỏi về cách ứng phó với đại dịch. Cuộc họp thường được phát sóng trên các bản tin của truyền hình cáp hơn hai tiếng mỗi tối.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp tại Nhà Trắng hôm 24/4. Ảnh: AP.
Trong cuộc họp hôm 23/4, Tổng thống Mỹ đã khiến người xem choáng váng khi nói rằng các bác sĩ có thể chiếu tia cực tím hoặc tiêm thuốc khử trùng vào cơ thể người nhiễm nCoV để điều trị cho họ.
"Tôi thấy chất khử trùng hạ gục virus trong một phút, một phút thôi. Và có cách nào để chúng ta làm điều tương tự bằng cách tiêm vào bên trong cơ thể hay tẩy sạch chúng không?", Trump nói.
Sau khi hứng chỉ trích từ các chuyên gia y tế và nhà sản xuất thuốc khử trùng, ông chủ Nhà Trắng hôm 24/4 cho biết mình chỉ mỉa mai khi đưa ra ý tưởng tiêm thuốc khử trùng.
Trump cũng giới hạn cuộc họp báo hôm đó chỉ trong khoảng 19 phút và không nhận bất kỳ câu hỏi nào từ các phóng viên. Họp báo hàng ngày về Covid-19 thường bao gồm Trump, phó Tổng thống Mike Pence và các thành viên trong lực lượng chuyên trách về Covid-19 của Nhà Trắng.
Ngày 25/4, sau 50 cuộc họp báo trong hơn hai tháng, Nhà Trắng lần đầu không tổ chức họp.
Trump sử dụng cuộc họp báo hàng ngày để lên truyền hình và thúc đẩy các chính sách cũng như chống lại các nhà phê bình hay công kích những "đối thủ chính trị" từ đảng Dân chủ cho đến Trung Quốc và truyền thông Mỹ.
Tuy nhiên, theo kết quả các cuộc thăm dò, những cuộc họp báo về Covid-19 không làm gia tăng sự ủng hộ của các cử tri với Trump, trong bối cảnh ông đang chuẩn bị cạnh tranh với đại diện đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.
Tổng thống Mỹ nhiều lần bị cáo buộc phát ngôn "nguy hiểm và gây hại" tới sức khỏe cộng đồng trong các cuộc họp báo về Covid-19 hàng ngày. Hầu hết các kênh truyền hình lớn tại Mỹ, trừ Fox News, hôm 23/3 đồng loạt cắt sóng cuộc họp báo của Trump với lý do chúng truyền tải thông điệp không đúng.
210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19, khiến khoảng 2,9 triệu người nhiễm, hơn 200.000 người chết. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 900.000 ca nhiễm, hơn 53.000 ca tử vong.
Ngọc Ánh
Ca nhiễm nCoV ở Anh vượt 140.000 Anh ghi nhận thêm hơn 5.000 ca nhiễm nCoV trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm cả nước lên hơn 140.000, trong đó hơn 19.500 người tử vong. Bộ Y tế Anh hôm nay cho biết họ phát hiện thêm 5.386 ca nhiễm nCoV, tăng so với mức 4.583 một ngày trước đó, khiến số ca nhiễm toàn quốc tăng lên...