Trào lưu “nhại” tác phẩm gốc đi về đâu?
Là thể loại được tạo ra để mua vui hoặc giễu nhại tác phẩm gốc, parody đang là trào lưu được nhiều bạn trẻ theo đuổi. Từ đó, nhiều nhóm nghệ sĩ trẻ đang đi lên trong nghệ thuật từ cách làm này.
“Tấm Cám – Chuyện Huỳnh Lập kể” từng gây “bão” khi ra mắt vì nhái lại bộ phim “Tấm Cám – Chuyện chưa kể” của Ngô Thanh Vân
Sản phẩm parody “gây bão” hơn bản gốc
Đã có mặt trên thế giới từ thế kỷ 20, parody (phim nhái) là thể loại đã có được chỗ đứng nhất định trong làng điện ảnh ở Hollywood. Nhiều tác phẩm parody được ra đời thậm chí còn nổi tiếng hơn bản gốc như: Epic Movie, Superhero Movie (nhại các phim siêu anh hùng Spider-Man, X-Men) ra rạp và mang về doanh thu khả quan. Bộ phim kinh dị nổi tiếng Scary Movie (nhái nhiều bộ phim kinh dị khác nhau như: Scream, Know what you did last summer, The Rings…) cũng từng thu được 278 triệu USD và trở thành một trong những bộ phim có doanh thu cao nhất của năm 2000 tại Mỹ. Scary Movie sau đó đã phát triển theo nhiều mùa và trở thành dòng phim ăn khách trong nhiều năm.
Dù đã có chỗ đứng nhất định nhưng parody vẫn gây nhiều tranh cãi, đặc biệt đối với giới chuyên môn. Bởi lẽ, dòng phim này sao chép các tình tiết, tạo hình nhân vật, câu thoại và làm lại bằng một góc nhìn hài hước để mang tới những giây phút giải trí thuần túy. Do đó, nhiều ý kiến chỉ trích các bộ phim này có tình tiết gây cười dễ dãi, có phần tục tĩu, cốt chỉ để mua vui cho khán giả chứ không có tính nghệ thuật.
Ở Việt Nam, thể loại này chỉ mới thực sự nổi lên khoảng 3 năm trở lại đây khi internet phát triển, nhưng mới chỉ là những clip ngắn. Ban đầu chỉ là những đoạn clip thực hiện khá cẩu thả, mang tính “câu view”, nhưng ngày càng có nhiều nghệ sĩ trẻ nhập cuộc và biến parody thành một sản phẩm nghiêm túc, được lòng người xem. Thời gian qua, nhiều MV parody gây chú ý và thu hút hàng triệu tới chục triệu lượt xem như: Em gái mưa (Huỳnh Lập – gần 23 triệu lượt xem), Duyên mình lỡ (Huỳnh Lập – hơn 10 triệu lượt xem), Bùa yêu (Quang Trung – hơn 7 triệu lượt xem), Ghen (BB Trần – 11,6 triệu lượt xem), Quan trọng là bản lĩnh (Đỗ Duy Nam -15,3 triệu lượt xem)…
Còn non trẻ ở Việt Nam nên trong mắt nhiều người, parody chỉ là thể loại chế và ăn theo sản phẩm gốc nổi tiếng chứ chưa được xếp vào loại hình nghệ thuật chính thống. Chia sẻ về điều này, Huỳnh Lập – chủ nhân của nhiều sản phẩm parody cho rằng, đó là cái nhìn tiêu cực của những người chưa hiểu nhiều về parody. Theo anh, parody là thể loại nghệ thuật đòi hỏi sự tư duy, óc sáng tạo, khó so với những sản phẩm sáng tạo độc lập. Bởi nếu sáng tạo sản phẩm nghệ thuật mang tính độc lập thì làm gì cũng được, miễn sao phù hợp với bối cảnh đã sáng tạo ra. Nhưng parody buộc phải có tạo hình, trang phục giống, bối cảnh giống bản gốc. Người làm phải nắm bắt những yếu tố “đinh” của sản phẩm gốc, để từ đó phát triển ra những tình huống hài hước bằng góc nhìn mới của mình.
Khó kiếm lời
Dễ dàng nhận thấy, nhiều sản phẩm parody hiện nay được các nghệ sĩ trẻ đầu tư khá công phu. Như trường hợp bản parody Tấm Cám – Chuyện Huỳnh Lập kể (nhái bộ phim Tấm Cám – Chuyện chưa kể) có kinh phí lên tới 2 tỷ đồng, tương đương kinh phí của một bộ phim điện ảnh chiếu rạp kinh phí thấp. Nhiều sản phẩm khác của các nghệ sĩ trẻ như: Đỗ Duy Nam, BB Trần, nhóm Mì Gõ… cũng được đầu tư chỉn chu và thu hút lượt xem thậm chí còn cao hơn bản gốc.
Neko Lê – đạo diễn của nhiều MV parody cho BB Trần như Ghen, Bùa yêu,… nhìn nhận thẳng thắn, làm parody không bao giờ có lời. Nếu may mắn có quảng cáo thì chỉ được tài trợ nhiều nhất là 70% và nghệ sĩ phải bỏ ra ít nhất 30%. Thậm chí, có những sản phẩm phải bỏ ra 100% kinh phí. Tuy nhiên, họ lại được lợi là được làm nghề, làm những sản phẩm mình mong muốn và được khán giả đón nhận. Thêm vào đó, tên tuổi của nghệ sĩ cũng sẽ được biết đến nhiều hơn vì trên thị trường hiện nay, không có nhiều người làm parody chuyên nghiệp và khẳng định được mình.
Huỳnh Lập thừa nhận, parody song song phát triển với sản phẩm gốc. “Chúng tôi tăng lượt xem thì sản phẩm gốc cũng vậy. Bởi vì, để hiểu được parody, người xem phải biết sản phẩm gốc thế nào mới có những chiêm nghiệm thú vị”, anh tiết lộ.
Đồng ý với quan điểm này nhưng đạo diễn Neko Lê phủ nhận việc có sự bắt tay giữa ca sĩ và người làm sản phẩm parody để nâng tầm hiệu ứng. Bởi theo anh, không phải sản phẩm nào cũng có thể làm được dạng parody. Một sản phẩm gốc tốt và thú vị, có tình tiết để triển khai tiếp được thì mới có thể làm được parody hấp dẫn. Nếu cảm mến sản phẩm, ê-kíp sẽ liên lạc với nghệ sĩ của bản gốc để xin làm bản parody. Các nghệ sĩ thường khá dễ chịu với việc này vì đó cũng là một cách giúp sản phẩm của họ lan tỏa hơn. Thậm chí, có người còn hỗ trợ trang phục, bối cảnh. Trừ trường hợp những người làm parody phản cảm, thiếu thuần phong mỹ tục không được nghệ sĩ ủng hộ.
Video đang HOT
Tuy nhiên, không thể phủ nhận tình trạng làm parody phản cảm để câu view trên mạng. Đó cũng là một phần lý do khán giả chưa coi parody là một loại hình nghệ thuật. Tuy nhiên, để xử lý việc này lại khá khó khăn vì phải theo luật của Youtube. “Những người dùng có chung mạng lưới với Youtube thì làm parody không cần xin phép bản quyền, trừ khi mang ra để kinh doanh. Chính các nghệ sĩ cũng ít khi lên tiếng về vấn đề này vì họ chỉ đơn thuần coi parody giống như bản cover sản phẩm của mình, giúp sản phẩm gốc của họ được biết đến nhiều hơn”, đạo diễn Neko Lê cho hay.
Theo baogiaothong.vn
Nhìn từ điện ảnh Trung, Hàn Quốc: Vì sao phim cổ trang Việt Nam tụt hậu?
So với điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc đang phát triển mạnh mẽ như vũ bão thì phim Việt Nam dường như đã bị bỏ lại một khoảng cách khá xa. Trong đó phim cổ trang Việt Nam thì hoàn toàn tụt hậu và dậm chân tại chỗ so với các nước bạn.
Nói đến phim cổ trang ở châu Á thì không nước nào qua mặt được "ông lớn" Trung Quốc. Cả châu Á từng bị mê đắm bởi những phim kiếm hiệp, lịch sử cho đến những phim ngôn tình chuyển thể, tình cảm hài hước, cung đấu, tình sử diễm lệ. Cho đến nay, phim cổ trang vẫn được sản xuất đều đều, chiếm tỉ trọng lớn trong nền điện ảnh nước này. Cổ trang Hàn Quốc tuy sinh sau đẻ muộn hơn một chút nhưng cũng đạt được những thành công vang dội với Nàng Dae Jang Geum, Truyền thuyết Jumon, Thần y Heo Jun.
Hoàn Châu Cách Cách từng làm mưa làm gió khắp châu Á
Không chỉ vang danh ở quê nhà, những bộ phim cổ trang nổi tiếng của xứa Hoa - Hàn còn lan rộng sang nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Tuổi thơ của nhiều người gắn chặt với những kỷ niệm về những bộ phim cổ trang Trung Quốc như Bao Thanh Thiên, Thần Điêu Đại Hiệp, Hoàn Châu Cách Cách. Đến tận bây giờ, người ta vẫn say sưa cày Phù Dao Hoàng Hậu hay gần đây có Diên Hi Công Lược, Như Ý Truyện đang gây sốt. Trong khi đó số lượng phim cổ trang Việt Nam rất khiêm tốn, mà số phim chất lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại đa số thảm bại ngay trên sân nhà, có phim còn bị chết yểu trước khi kịp công chiếu. Nguyên nhân vì đâu?
Làm phim cổ trang không dễ
Cái khó khăn đầu tiên khi đầu tư làm phim cổ trang là vấn đề chi phí. Những phim cổ trang nổi tiếng như như Lục Vân Tiên, Ngọn Nến Hoàng Cung, Khát Vọng Thăng Long, Long Thành Cầm Giả Ca... đều do nhà nước đầu tư, đặt hàng và mang tính chất "kỷ niệm". Những năm gần đây một số nhà sản xuất tư nhân cũng có đầu tư sản xuất phim cổ trang như Tây Sơn Hào Kiệt, Mỹ Nhân Kế, Thiên Mệnh Anh Hùng, Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể,... song vẫn còn khá dè dặt.
Phim cổ trang luôn đòi hỏi kinh phí đầu tư cao, từ phục trang đến bối cảnh, kỹ xảo hậu kỳ. Ở Việt Nam không có phim trường chuyên nghiệp cho phim cổ trang nên tiền đầu tư bối cảnh thường tốn kém. Đạo diễn - nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng than thở rằng: "Nếu chỉ có 20 tỷ đồng làm phim cổ trang sẽ rất khó. Chúng tôi muốn có nhiều thứ, cố gắng hết sức nhưng vẫn là điều không tưởng trong bối cảnh điện ảnh Việt." Hầu hết các bộ phim cổ trang đều có mức đầu tư cao hơn so với mặt bằng chung, Thiên mệnh anh hùng có mức đầu tư 25 tỷ, Mỹ nhân kế tiêu tốn 17 tỷ, Tây Sơn hào kiệt và Ngày nảy ngày nay thì "khiêm tốn" hơn với mức 12 tỷ.
Tấm Cám: Chuyện chưa kể là bộ phim có kinh phí khủng.
Ở Việt Nam không có những ê kíp làm phim cổ trang chuyên nghiệp nên mọi thứ còn rất mới mẻ, bỡ ngỡ. Một số phim cổ trang tạm chấp nhận được, dù vẫn còn sạn như Thiên mệnh anh hùng của Victor Vũ hay Lửa Phật của Dustin Nguyễn đều do những đạo diễn nước ngoài, Việt kiều hoặc những người từng học tập ở nước ngoài thực hiện. Bộ phim Lý Thái Tổ - Đường tới thành Thăng Long là một ví dụ cho việc thiếu hụt ê kíp sản xuất chuyên nghiệp. Là một bộ phim kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long nhưng trong số 3 đạo diễn của phim thì có đến 2 người Trung Quốc.
Bên cạnh đó, phim cổ trang thường đòi hỏi cao về yếu tố kỹ xảo với những cảnh võ thuật nhưng hầu như không bộ phim cổ trang Việt Nam nào có được cảnh đánh đấm ra hồn. Thiên Mệnh Anh Hùng, Lửa Phật, Mỹ Nhân Kế là một số ít bộ phim được đầu tư vào những cảnh võ thuật. Đa số những phim còn lại, dù được đánh giá tốt về nội dung như Lục Vân Tiên, Tây Sơn Hào Kiệt nhưng phần võ thuật, kỹ xảo còn rất yếu kém. Ngay cả bộ phim Lửa Phật của đạo diễn Dustin Nguyễn cũng bị chỉ trích khi có nội dung nói về cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước nhưng lại không có nổi một cảnh "binh đao khói lửa" nào nên hồn. Lý giải về điều này, đạo diễn Dustin Nguyễn nói: "Kinh phí của phim không đủ để thực hiện những cảnh vĩ đại của chiến binh chống giặc ngoại xâm. Điện ảnh Việt Nam còn quá nhỏ, kinh phí làm phim rất là eo hẹp, thù lao không xứng đáng với thời gian và công sức".
Thiên mệnh anh hùng được đánh giá khá tốt.
Vì sao phim cổ trang Việt bị chính khán giả Việt ghẻ lạnh?
Nếu đặt lên bàn cân thì rõ ràng phim cổ trang Việt Nam không có cửa để so sánh với "cây đa cây đề" Trung Quốc hay Hàn Quốc, vốn đã có bề dày kinh nghiệm làm phim với vốn đầu tư khổng lồ. Người xem vẫn không tranh khỏi việc so sánh. Trong Thư ký Kim Sao Thế?, phó chủ tịch Lee Yong Jun có nói rằng nếu một người đã được xem những bộ phim bom tấn, được đầu tư chi phí khổng lồ, kỹ xảo hoành tráng thì sẽ không chấp nhận được những bộ phim hạng B, hạng C. Đó là "lời nguyền bom tấn" mà không ai có thể cưỡng nổi. Lời nguyền mà phó chủ tịch Lee nói hoàn toàn đúng trong trường hợp này.
Ngay cả điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc cũng có phim hay, phim dở, có phim bom tấn thì cũng có phim hạng B, hạng C, hạng... bét nhưng đa số những bộ phim được khán giả Việt Nam tiếp nhận đều là những phim thuộc hàng bom tấn khủng, với rating đã được bảo chứng ở chính quê nhà. Thói quen xem những bộ phim được đầu tư khủng, diễn viên chuyên nghiệp, trang phục bắt mắt, kỹ xảo hoành tráng sẽ khiến khán giả Việt khó chấp nhận những bộ phim chất lượng kém, kỹ xảo ba xu.
Diên Hi Công Lược được ca ngợi hết lời vì trang phục đẹp và bám sát lịch sử.
Một trong những vấn đề bị khán giả soi nhiều nhất trong phim cổ trang, đó là trang phục. Nếu như Diên Hi Công Lược khiến người ta ngạc nhiên về sự đầu tư nghiên cứu, chỉn chu về phục trang thì phần lớn phim cổ trang Việt đều khiến khán giả khó chịu vì trang phục chưa đẩy được điểm mạnh, khiến người ta thích thú.
Bộ phim được đầu tư khá nhiều cho phục trang như Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể vẫn bị khán giả chỉ trích vì "làm màu" cho nhân vật, không phù hợp với bối cảnh. Có những phim chưa phát hành đã không qua nổi khâu kiểm duyệt hoặc bị khán giả chỉ trích gay gắt khiến chúng mãi mãi bị xếp kho. Bộ phim Lý Công Uẩn - Đường Tới Thành Thăng Long đã bị cấm chiếu vĩnh viễn vì sử dụng phục trang Trung Quốc, phim được quay ở phim trường Hoành Điếm - Trung Quốc nên bối cảnh không có một nét nào thuần Việt. "Cố đấm ăn xôi" như phim Mỹ Nhân cũng không thể trụ nổi quá một tuần khi ra rạp.
Lý Công Uẩn - Đường Tới Thành Thăng Long bị cấm chiếu vĩnh viễn vì từ bối cảnh đến trang phục đều đậm chất Trung Quốc.
Các nhà làm phim lại đổ tại kinh phí eo hẹp, thiếu tư liệu lịch sử khiến cuộc tranh cãi nảy lửa giữa các nhà làm phim và những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và cả khán giả vẫn chưa đến hồi ngã ngũ. Nhà nghiên cứu trang phục cổ Trần Quang Đức phải lên tiếng nhận xét rằng phim Mỹ nhân có phục trang quá ẩu, lấy hình Vua sư tử trong phim Disney in lên áo nhân vật nam, chiếc mũ gắn ngọc "học hỏi" từ phim Bao Công. Nhà thiết kế Thái Bá Dũng còn gọi đây là sự sỉ nhục cho phim đề tài lịch sử, cổ trang của Việt Nam. Đạo diễn Đinh Thái Thụy của phim Mỹ Nhân giãi bày: "Mỹ Nhân nói về thời kỳ cách chúng ta vài trăm năm, thời kỳ Trịnh - Nguyễn. Tất cả bối cảnh, đạo cụ, trang phục trong phim hầu như phải tái dựng. Sử liệu và những tài liệu chi tiết về thời kỳ này không còn nhiều nên thực sự gây khó cho chúng tôi trong quá trình thu thập".
Những bộ phim được đầu tư lớn về trang phục như Khát Vọng Thăng Long, Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể có mời những nhà thiết kế nổi tiếng nhưng bản thân các nhà thiết kế cũng chưa chắc đã am hiểu về trang phục cổ. Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho rằng không có bộ phim nào mà trang phục có thể bám sát 100% thực tế nhưng ông cho rằng trang phục trong phim vẫn có thể vừa đẹp và đúng nếu nghiên cứu kỹ về lịch sử, văn hóa.
Trang phục phim Mỹ Nhân bị chỉ trích thậm tệ.
Bên cạnh những yếu kém về hình thức, nhiều phim cổ trang Việt cũng gây thất vọng về nội dung. Những bộ phim như Anh Chàng Vượt Thời Gian, Cuộc Chiến Với Chằn Tinh là những đại diện tiêu biểu cho các bộ phim có chất lượng kém, cẩu thả từ nội dung đến hình thức. Anh Chàng Vượt Thời Gian đã bị ngừng phát sóng sau 18 tập vì chất lượng quá thảm hại.
Việc thiếu hụt những biên kịch chắc tay cùng đội ngũ cố vấn gồm những chuyên gia về lịch sử, văn hóa đã khiến nhiều phim cổ trang Việt có nội dung hời hợt, chưa chạm đến trái tim người xem. Bên cạnh đó, việc dễ dãi trong khâu chọn diễn viên cũng khiến chất lượng của bộ phim đi xuống. Hotgirl Hạ Vi đã thể hiện trọn vẹn vai trò bình hoa di động của mình trong Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể, biểu cảm "đơ có đẳng cấp" của cô khi ngã cây thì bị mang ra chế suốt một thời gian.
Hạ Vi rất xinh đẹp nhưng...
Nếu yêu nước, hãy làm phim cổ trang!
Hàn Quốc có Nàng Dae Jang Geum, Thần y Heo Jun, Truyền thuyết Jumon, Nữ hoàng Seon Deok. Trung Quốc có Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hồng lâu mộng, Thủy hử, Tây du ký và có kho tàng phim lịch sử để tự hào. Còn chúng ta có gì? Chúng ta xem phim và tìm hiểu tường tận về cuộc đời vua Càn Long, Lệnh Quý phi hay soái ca Phó Hằng nhưng Quang Trung, Nguyễn Huệ là ai thì không biết. Thậm chí có học sinh còn trả lời Quang Trung, Nguyễn Huệ là anh em. Nếu bạn chưa biết thì chính vua Càn Long của nhà Thanh đã điều quân sang tấn công nước Đại Việt ta và bị quân Tây Sơn do vua Quang Trung - Nguyễn Huệ chỉ huy đánh bại năm 1789, trong đó tiêu biểu nhất là trận Ngọc Hồi - Đống Đa.
Việc giới trẻ Việt am hiểu văn hóa, lịch sử Trung Quốc nhưng lại mù mờ về lịch sử nước nhà là một điều đáng lo ngại. Đây chính là một biểu hiện của thứ "quyền lực mềm" mà phim Trung Quốc đem đến. Vì thế, nếu yêu nước thì hãy tiếp tục làm phim cổ trang. Không phải những bộ phim hời hợt, cẩu thả mà là những bộ phim cổ trang nghiêm túc, có sự đào sâu nghiên cứu về lịch sử, văn hóa dân tộc.
Dustin Nguyễn trong phim Lửa phật.
Chính phim cổ trang Trung Quốc cũng bị khán giả nước nhà chỉ trích rất nhiều vì sai sự thật lịch sử, phục trang không sát với thực tế nhưng sau tất cả, phim vẫn hot, khán giả vẫn đón nhận nồng nhiệt. Không phải người ta sẽ học lịch sử qua phim cổ trang bởi phim thì ít nhiều đều hư cấu cho thêm phần hấp dẫn. Nhưng thông qua những bộ phim cổ trang, khán giả sẽ được khuyến khích tìm hiểu văn hóa, lịch sử dân tộc nhiều hơn.
Việc đầu tư lớn nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi khiến các nhà sản xuất vẫn còn dè dặt trong việc làm phim cổ trang. Nhưng nếu chỉ quanh quẩn với phim hài nhảm hay phim remake thì điện ảnh Việt sẽ mãi mãi tụt hậu so với nước bạn. Như đạo diễn Dustin Nguyễn trăn trở: "Chẳng lẽ mình cứ tiếp tục quanh quẩn làm mãi một thể loai phim hài thôi sao? Chúng ta phải làm nhiều loại phim mới nữa để đa dạng hóa nền điện ảnh của mình chứ. Tôi tin mình không phải là người duy nhất nghĩ như vậy".
Theo Trí Thức Trẻ
Huỳnh Lập bật khóc khi tiết lộ về mối tình đầu năm lớp 9 khiến fan xúc động Trò chuyện, giao lưu, chơi đùa cùng fan, Huỳnh Lập còn khiến fan xúc động và bất ngờ khi lần đầu tiên trong đời anh kể về mối tình đầu thời học trò nhưng nhiều điều sốc và tiếc nuối. Sau một thời gian dài chuẩn bị chỉn chu mọi thứ, chiều 16/9/2018 - Huỳnh Lập có buổi offline lần thứ 3 trong...