Trao giải cuộc thi phương án bảo tồn Hoàng thành Thăng Long
Hôm qua, 24-6, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Lễ công bố và trao giải cuộc thi Thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.
Phương án thiết kế đoạt giải Nhì của Studio Milou Singgapore Pte.Ltd và
Liên danh Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng
Căn cứ vào kết quả chấm chọn của Hội đồng cùng ý kiến đóng góp của nhân dân, UBND TP Hà Nội đã quyết định phê duyệt kết quả chấm chọn và trao giải cho các phương án. Không có giải Nhất, 2 giải Nhì thuộc về: Studio Milou Singapore Pte.Ltd cùng Liên danh Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng; Công ty TNHH Kỹ thuật bền vững Việt Nam. Giải Ba được trao cho Liên danh Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng số 36 và Công ty CP thiết kế và xây dựng công trình văn hóa.
Cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu nhằm lựa chọn phương án thiết kế tốt nhất, đảm bảo những nguyên tắc chung: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản của khu di tích; kiến trúc thanh lịch, hài hòa với các công trình kiến trúc liền kề và cảnh quan chung của khu vực, tiến tới xây dựng một công viên Lịch sử- Văn hóa Hoàng thành Thăng Long, tôn vinh giá trị khu di sản, mang lại lợi ích cao nhất cho sinh hoạt cộng đồng. Sau hơn 3 tháng phát động, triển khai, trung tuần tháng 4-2014, BTC đã nhận được 24 đồ án của 23 đơn vị trong nước và quốc tế tham dự. Từ ngày 30-4 đến 8-5, 6 phương án xuất sắc nhất được Hội đồng bỏ phiếu bình chọn đã được triển lãm tại Hội trường 19C Hoàng Diệu để lấy ý kiến đóng góp của người dân Thủ đô.
Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long cần phải đảm bảo các yêu cầu tối thượng: bảo quản tốt nhất và lâu dài nhất cho hiện trường khảo cổ, thành phần cấu thành với những yêu cầu kỹ thuật đặc thù. Bên cạnh đó phải xem đây như công trình văn hóa nghệ thuật tương xứng với thời đại. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam triển khai bảo tồn lâu dài một công trình khảo cổ học trong một không gian cực kỳ đặc biệt, vì thế, không chỉ tính đến yếu tố hài hòa cảnh quan mà còn phải chú trọng sự đặc sắc và vĩnh cửu. Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nhận định, việc bảo tồn di chỉ khảo cổ học với chủ yếu là các hiện vật đất nung trong điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của Hà Nội khá “đỏng đảnh” là vô cùng phức tạp. Nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư cũng lưu ý, hãy đừng coi đây là công trình kỹ thuật bảo quản, mà là một công trình kiến trúc – văn hóa nghệ thuật đặc sắc, một sự “hòa thanh” trong khu phức hợp, không gian xanh Ba Đình.
Tại buổi lễ công bố và trao giải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thăng Long tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, các kiến trúc sư, các nhà khoa học khẩn trương triển khai và hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án, bám sát các yêu cầu đã đề ra, nghiên cứu, tiếp thu ý tưởng các đồ án tham gia dự thi phù hợp với quy hoạch đã được duyệt, trình UBND TP Hà Nội phê duyệt theo quy định.
Theo ANTD
Thi phương án kiến trúc bảo tồn Hoàng thành Thăng Long
Sáng 12-2, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội tổ chức phát động cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.
Cuộc thi hướng tới việc phát huy giá trị của Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, xây dựng một không gian văn hóa cộng đồng hài hòa về kiến trúc cảnh quan, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật trong một tổng thể khu Trung tâm chính trị- hành chính Ba Đình đồng thời, tổ chức một không gian kiến trúc cảnh quan nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục tuyên truyền quảng bá phát triển du lịch.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn- Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội, cuộc thi còn là dịp để quảng bá tới người dân trong nước và cộng đồng quốc tế về Di sản Hoàng thành Thăng Long và rộng hơn nữa là về Hà Nội nghìn năm văn hiến. Cuộc thi còn là cơ sở lập Quy chế quản lý Quy hoạch, kiến trúc cảnh quan Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Theo yêu cầu, các phương án thiết kế kiến trúc tại đây không chỉ mang tính kỹ thuật đơn thuần mà còn nhằm phục vụ công tác khảo cổ và nghiên cứu tại khu vực này.
Theo ANTD
Áp dụng cơ chế đặc thù với khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến đối với đề nghị của UBND TP Hà Nội về việc cho phép áp dụng cơ chế chính sách đặc thù thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Mô hình Quy hoạch tổng thể khu vực trung tâm Hoàng...