Tránh việc dân coi cán bộ vô cảm, TP.HCM nên huỷ quyết định xây nhà hát hơn 1.500 tỷ đồng
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng TP.HCM nên hủy quyết định xây dựng Nhà hát ở Thủ Thiêm, tránh để dân coi cán bộ là vô cảm, vô trách nhiệm.
Tại kỳ họp thứ 10 HĐND Khóa IX, TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư dự án công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với kinh phí dự kiến 1.508 tỷ đồng.
Trả lời VTC News về vấn đề này, đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng đây chưa phải thời điểm thích hợp để xây dựng Nhà hát, TP.HCM cần tỉnh táo và nên hủy quyết định này.
Chưa phải thời điểm thích hợp
Ông Lưu Bình Nhưỡng nhận định, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết giao TP.HCM thực hiện cơ chế đặc thù cũng là mong muốn thành phố phải đi trước cả nước về sự giàu đẹp, văn minh.
Sự văn minh đó được thể hiện ở nhiều khía cạnh, từ cơ sở hạ tầng hiện đại cho đến phát triển kinh tế, thu nhập, đời sống của người dân, ngân sách của thành phố cho đến những tấm gương về bảo vệ môi trường… những điều đó phải hòa quyện với nhau.
Hiện TP.HCM đang triển khai vấn đề này, cấp ủy chính quyền thành phố và người dân rất háo hức để thực hiện và mong muốn thành phố thực sự trở thành “hòn ngọc viễn đông”.
Nhà hát mới dự kiến xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh: Zing)
Tuy nhiên, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, không phải vì xây dựng thành phố như vậy mà lại dễ dàng đồng ý với công trình “chưa đáng được ưu tiên như Nhà hát ở Thủ Thiêm”.
“Chúng ta lấy tiền từ nguồn thu bán đấu giá khu đất ở đường Lê Duẩn (quận 1), để đem ra Thủ Thiêm xây Nhà hát hơn 1.500 tỷ đồng. Trong khi đây là nơi vừa nảy sinh rất nhiều câu chuyện, từ hệ lụy về việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư đến những dấu hiệu của sai phạm, có vấn đề của bà con 22 năm chưa giải quyết xong”, ông Nhưỡng nói.
TP.HCM còn nhiều vấn đề khác cần ưu tiên giải quyết như triều cường, ngập úng, mưa rào khiến thành phố khốn khổ, rồi vấn đề môi trường, giao thông còn đang phải xử lý. Đặc biệt là vấn đề chăm sóc đời sống khi thành phố vẫn còn hộ nghèo.
Video đang HOT
Vì vậy, việc xây dựng một nhà hát tốn hàng nghìn tỷ đồng trong khi đời sống bà con còn chưa được mỹ mãn, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng là một sự phí phạm.
Trong khi đó, các khu vực lân cận như đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn đang oằn mình chống chọi với thiên tai, với lũ lụt, lở đất.
“Nó không phải là công trình cần thiết vào lúc này, nên xây ở thời điểm mà thành phố đã giàu có hoặc khi mà chúng ta có đủ những điều kiện rồi”, ông Nhưỡng nói.
Theo ông, TP.HCM chưa đánh giá được tác động xã hội đầy đủ thì có thể thấy dự án không phản ánh ý chí nguyện vọng của người dân.
“Có đại biểu nói rằng nhìn những nghệ sỹ biểu diễn trong khó khăn thì phải xây và nói đây vấn đề của dân. Vậy thì là xây cho nghệ sỹ hay xây cho dân? Bây giờ người dân còn nói phải xem xét lại việc bầu cử Hội đồng nhân dân như thế là đã đáp ứng được nguyện vọng của họ không”, ông Nhưỡng nói.
Nên hủy quyết định xây dựng Nhà hát
Cũng theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, TP.HCM cần cân nhắc kỹ lưỡng, nếu không dân sẽ nói chúng ta là kẻ vô cảm, vô trách nhiệm.
TP.HCM cần xem xét lại từ quy trình ra Nghị quyết cho đến những vấn đề nội hàm của Nghị quyết này, cũng là tính chất của công trình này và trách nhiệm của các đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc quyết định xây dựng Nhà hát.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng TP.HCM nên huy quyết định xây dựng Nhà hát thời điểm này.
Theo dõi thông tin những ngày qua, ông Lưu Bình Nhưỡng nhận thấy người dân đang rất bức xúc về câu chuyện này. Các ý kiến được đưa ra một cách gay gắt, cho thấy việc xây dựng Nhà hát đã không đúng với ý của họ.
“TP.HCM nên lấy ý kiến của dân, đáp ứng yêu cầu của họ rồi mới xây dựng Nhà hát. Dân thấy không đúng, dân phản đối nghĩa là việc đó không đúng với ý Đảng, lòng dân. Từ đó dẫn đến lãng phí, mà lãng phí có thể là lãng phí đơn, lãng phí kép”, ông Nhưỡng đề nghị.
“TP.HCM nên tỉnh táo và hủy bỏ quyết định này, nếu không thì Chính phủ có thẩm quyền hủy bỏ quyết này bởi vì nó không hợp với ý Đảng, lòng dân”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Dân TP.HCM nói gì?
Khi nghe thông tin HĐND TP.HCM thông qua dự án xây Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch hơn 1.500 tỷ đồng, nhiều người Thủ Thiêm cho rằng kế hoạch này chưa phù hợp, họ trông chờ vào những dự án dân sinh thiết thực hơn là nhu cầu giải trí.
Theo ông Lê Văn Lung (Phường Bình An, quận 2), thành phố nên xây thêm bệnh viện phục vụ người dân vì nơi này thường quá tải. Việc xây dựng nhà hát trong giai đoạn thành phố chưa khắc phục sai phạm, đền bù cho dân càng dễ gây ra bức xúc.
Cho rằng Nhà hát với chi phí hơn 1.5000 tỷ đồng là lãng phí, chị Nguyễn Thị Hà (quận 2) cũng đề nghị thành phố xem xét khi có nhiều dự án khác cần được đầu tư hơn để cải thiện cuộc sống. “Người dân luôn sống trong cảnh ngập nước, tại sao không dành tiền đầu tư cho các dự án chống ngập, nâng cấp đường phố”, chị Hà bày tỏ.
Dù đồng tình kế hoạch xây Nhà hát nhưng theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, đề xuất của thành phố vào thời điểm này khá vội vàng. Trong bối cảnh TP.HCM đang gặp nhiều vấn đề về ngân sách thì việc sử dụng số tiền hơn 1.500 tỷ đồng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, việc xây dựng quy mô nhà hát 1.700 chỗ ngồi ở khu đất hẹp là không đúng tầm với TP.HCM, không tạo được khu biểu diễn nghệ thuật cao cấp, có cả trong nhà, ngoài trời và đủ cho các bộ môn nghệ thuật biểu diễn.
XUÂN TRƯỜNG – QUANG HẢI
Theo VTC
Xây dựng Nhà hát Thủ Thiêm 1.500 tỷ đồng: Hình như các vị không thấu nỗi đau, nỗi khổ của dân
Việc xây nhà hát 1.500 tỷ đồng là ý tưởng tốt nhưng qua việc các đại biểu bỏ phiếu cho dự án nhà hát mới này mới thấy rằng, hình như các vị không thấu nỗi đau, nỗi khổ của dân.
Dư luận lại được một phen "dậy sóng" khi Hội đồng Nhân dân TP.HCM biểu quyết thông qua việc xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng.
TP.HCM muốn xây nhà hát 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm. Ảnh phối cảnh quảng trường trung tâm và công viên bờ sông.
Ý kiến thuận chiều là cần phải xây Nhà hát xứng với sự phát triển của thành phố và phục vụ cho các nhu cầu văn hóa giải trí khác, nhưng là ở đẳng cấp "hàn lâm". Theo như lý giải thì nhà hát này không dành cho các loại ca nhạc biểu diễn kiểu "thị trường"... Ý tưởng này rất tốt và một nơi như TP.HCM thực sự cần một nhà hát hiện đại.
Ý tưởng thì tốt, nhưng lật ngược lại vấn đề thì cần biết "phân vân": Việc xây nhà hát 1.500 tỷ đồng lúc này đã thực sự cần thiết hay chưa?
Có thể trả lời ngay: Chưa cần thiết!
Bởi lẽ TP.HCM đang rất cần tiền để giải quyết những việc cấp bách như: Thiếu bệnh viện, thiếu trường học, chống ngập...
Giá mà khi biểu quyết thông qua dự án xây nhà hát, các đại biểu đặt một câu hỏi rằng: Cần phải xây thêm bao nhiêu bệnh viện để đảm bảo cho người dân khi ốm không phải nằm 2-3 người/ giường bệnh; không phải nằm vạ vật ở hành lang, thậm chí phải chui cả vào gầm giường?
Cần phải đầu tư thêm bao nhiêu tiền để chống ngập một cách cơ bản cho thành phố, để người dân không phải chịu cảnh mỗi năm vài chục lần bì bõm lội nước mỗi khi triều cường hay mưa lớn...?
Qua việc các đại biểu bỏ phiếu cho dự án nhà hát mới này mới thấy rằng, hình như các vị không thấu nỗi đau, nỗi khổ của dân! Các vị không hiểu được đạo lý của người làm quan là phải "lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ".
Lúc này, TP.HCM chỉ cần nâng cấp Nhà hát Thành phố, cải tạo lại một vài nhà hát là có thể thừa sức cho các dàn nhạc danh tiếng biểu diễn.
Vả lại, cũng phải thừa nhận một điều rằng, thẩm mỹ âm nhạc của người dân Việt Nam hiện còn thấp, đặc biệt là thế hệ trẻ! Một dàn nhạc giao hưởng danh tiếng đến mấy, mà biểu diễn kể cả ở TP.HCM hay Hà Nội thì cũng chỉ được đến tối thứ 3 là hết, bởi không có người nghe.
Cho nên xây một nhà hát thật lớn, thật hoành tráng, thật hiện đại chỉ để biểu diễn dòng nhạc thị trường thì... phí tiền!
Rất mong các vị lãnh đạo TP.HCM nên lắng nghe ý kiến của người dân và hãy đặt mình vào vị trí của người dân.
NGUYỄN NHƯ PHONG
Theo VTC
Xây dựng nhà hát là cơ hội để sửa sai những tồn tại ở Thủ Thiêm Quyết định xây dựng nhà hát vào thời điểm giải quyết các vấn đề Thủ Thiêm là một sự trùng hợp. Đây cũng là thời điểm để minh bạch hóa mọi vấn đề ở Thủ Thiêm, là cơ hội để giải quyết, "sửa sai" những tồn tại ở Thủ Thiêm", nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Tuấn Anh - Phó Giám đốc Nhà hát...