Tranh nhau “săn” vé tàu Tết tăng cường
Ga Sài Gòn (TP.HCM) bán vé tàu Tết tăng cường làm nhiều người lóe lên chút hy vọng “vét” được tấm vé về quê.
Hy vọng
Đúng 7 giờ ngày 6.12, quầy vé tại tầng 1 ga Sài Gòn mở cửa bán vé tàu Tết tăng cường dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011 cho người dân có nhu cầu. Trước đó, rất nhiều hành khách có mặt từ sớm để mong là người “sở hữu” tấm vé tàu trong tay.
Chị Nữ, mưu sinh bằng nghề bán hủ tiếu gõ trọ tận Quận Tân Phú (TP.HCM) chầu chực ở ga từ lúc 3 giờ sáng.
Hành khách đang ráo riết “săn” vé trên mạng hy vọng “săn” được vé tàu Tết về quê
“Đã 2 năm nay tôi không về quê (Quảng Ngãi) mà chỉ gửi chút tiền gom góp được trong năm cho cả nhà sắm Tết. Năm nay, bão lũ lại tàn phá nhà cửa, cả chiếc xe bò, tài sản có giá trị nhất trong nhà cũng bị nước cuốn trôi. Tôi muốn bằng mọi giá về thăm nhà”.
Chị Nữ chỉ là một trong số hàng chục ngàn người dân có nhu cầu về quê bằng phương tiện xe lửa “vuột mất” cơ hội mua vé trong đợt bán vé chính thức của Tổng Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn vừa qua.
Video đang HOT
Mua vé tàu Tết, phải nhắn tin
Nghe tin ga Sài Gòn bán vé tàu tăng cường, chị khấp khởi mừng. Chị Nữ rất vui khi cầm trên tay tích-kê (cung cấp số thứ tự cho hành khách đặt vé) số 1.
Chỉ hơn nửa tiếng mở cửa, quầy vé đã phát ra hàng trăm tích-kê. Thời gian giải quyết đặt vé cho mỗi hành khách mất khoảng 3-5 phút. Hàng trăm người vẫn kiên nhẫn bám trụ chờ nhân viên nhà ga xướng lên số thứ tự.
Nguyễn Thanh Tú (quê Nghệ An, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) bày tỏ: “Dù có đợi đến hết ngày cũng ráng chờ vì nếu để lỡ vé lần này, chắc không còn cơ hội”. Tú cho biết, ngoài cổng ga Sài Gòn, vẫn còn nhóm người rao bán vé chợ đen. “Bỏ tiền ra mua nhưng đến ngày đi gặp trục trặc không được lên tàu cũng sẽ rất phiền nên tốt nhất không nên mạo hiểm” – Tú nói.
Vé chợ đen chỉ còn đường quay về chợ đen
Ngoài số lượng vé tàu tết đã được bán hết trong đợt chính thức trước đây (bán qua website www.vetau.com.vn), hiện ngành đường sắt sẽ nối thêm toa đối với những đầu tàu dưới 15 toa để phục vụ thêm nhu cầu của hành khách, phần lớn số lượng vé tăng cường tập trung ở các khu vực chính có ga đến từ Vinh trở ra Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng ga Sài Gòn cho biết, như những năm trước, năm nay, ngành đường sắt cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu cho hành khách đi tàu trong dịp Tết.
Với những hành khách thật sự có nhu cầu mua vé tàu nhưng đến giờ vẫn chưa được “sở hữu”, ông Thành nói “vẫn còn cơ hội cho những hành khách này”. Và đợt bán vé tàu Tết tăng cường bắt đầu từ 6.12 chính là cơ hội đó. Tuy nhiên, ông Thành không biết ngày nào sẽ kết thúc đợt bán vé tăng cường. “Có thể kéo dài trong 2 hoặc 3 ngày hoặc hơn”.
Mệt mỏi chờ đến lượt mua vé tàu tăng cường tại ga Sài Gòn sáng 6.12
Ông Thành cam đoan, ga Sài Gòn sẽ mở cửa bán vé tàu Tết tăng cường cho hành khách bắt đầu từ 7 giờ đến 23 giờ mỗi ngày trong đợt bán vé thêm này.
Đáp ứng nhu cầu người dân, ngành đường sắt cũng cho biết đã lên phương bán ghế phụ với giá bằng 80% so với vé ngồi chính thức. Có tổng cộng khoảng 10.000 vé ghế phụ, và trong đợt này ga Sài Gòn sẽ bán khoảng 50% (tức 5.000 vé) cho hành khách có nhu cầu, khoảng 50% còn lại sẽ được bán trước giờ tàu chạy khoảng 48 giờ.
Để “dẹp đường làm ăn” của dân phe vé chợ đen, ông Thành khẳng định, hành khách đi tàu vào ngày cao điểm phải mang theo CMND và giấy tờ tùy thân hợp lệ. Ga Sài Gòn nhất quyết không cho hành khách có tên khác với tên ghi trong vé tàu. Trong trường hợp khách muốn chuyển vé cho người thân trong gia đình hoặc đồng nghiệp trong cơ quan, khách được yêu cầu phải chứng minh những mối quan hệ này bằng cách trình ra hộ khẩu hoặc giấy giới thiệu của cơ quan, đơn vị. Khách có nhu cầu đổi hoặc trả vé, phải liên hệ với ga Sài Gòn trước 10 ngày tàu chạy.
“Đây là một trong những biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn nạn vé chợ đen. Khách mua vé chợ đen chỉ có thể trả vé lại cho chợ đen” – ông Thành khẳng định. “Hành khách mua vé chợ đen năm nay đành chịu thiệt. Chúng tôi đã khuyến cáo họ rất nhiều lần rồi”.
Theo ga Sài Gòn, ngoài các đoàn tàu chạy cố định như hiện nay, sẽ có các đoàn tàu chạy thêm từ ngày 3.2 đến 6.2.2011. Cụ thể: Hai đôi tàu D4/D3 chạy Sài Gòn đến Đà Nẵng, các ngày 3, 4.2.2011, chạy Sài Gòn lúc 21 giờ. Hai đôi tàu D6/D5 chạy Sài Gòn đến Đà Nẵng, các ngày 5, 6.2.2011, chạy Sài Gòn lúc 13 giờ 10 phút. Đôi tàu SK4/SK3 chạy Sài Gòn đến Tam Kỳ, ngày 5.2.2011, chạy Sài Gòn lúc 22 giờ 10 phút. Đôi tàu SN8/SN7 chạy Sài Gòn đến Nha Trang, ngày 5.2.2011, chạy Sài Gòn lúc 14 giờ 45 phút.
Theo Thanh Niên
Vé tàu chợ đen vào mùa "săn" khách
Đội quân bán vé tàu Tết chợ đen hoạt động tấp nập quanh khu vực ga Sài Gòn, ai có nhu cầu thì đặt tiền cọc trước, còn vé đến gần ngày đi mới có.
Khoảng 10 giờ ngày 16-11, thấy chúng tôi lảng vảng trước cổng ga Sài Gòn, lập tức có hơn mười phụ nữ chạy đến mời mua vé tàu Tết. Một phụ nữ đội nón lá, gương mặt trang điểm khá đậm cầm tay chúng tôi nói: "Chỗ chị bán uy tín lắm, mua liền đi em, nhiều tụi chị giảm tiền công cho!".
Mua trên mạng còn lâu mới có vé về quê!
Chúng tôi hỏi mua 4 vé đi Huế vào ngày 26 Tết, chị ta liền dẫn chúng tôi đến gặp một người đàn ông tên Đệ đang ngồi trong quán cà phê. Tại đây, ông Đệ đang ngã giá với một người tên Thanh có ý định tìm mua 10 vé đi Thanh Hóa vào ngày 30 Tết: "Giá tiền công mỗi vé 170.000 đồng, tiền cọc đưa trước, còn tiền vé đến ngày đi mới đưa. Anh yên tâm đi, năm nào tụi tôi cũng bán vé kiểu này, bảo đảm có đủ vé cho anh mà, chứ mua trên mạng còn lâu mới có vé về quê!".
Khi anh Thanh đề nghị cho xem vé, ông Đệ nói thẳng: "Hiện giờ chưa có, trước giờ tàu khởi hành 4 tiếng mới có vé. Đồng ý thì mua, không thì thôi!".
Đội quân bán vé tàu chợ đen hoạt động tấp nập quanh khu vực ga Sài Gòn sáng 16-11
Nói xong, ông Đệ quay sang đưa cho chúng tôi hai xấp giấy để xem thời gian và giá vé lựa chọn. Chúng tôi dò hỏi có bán vé khứ hồi từ Huế vào TPHCM không, ông Đệ chắc chắn: "Chị muốn vào ngày nào cứ gọi, mạng lưới của tụi em dày lắm, chị alo trước một ngày là tụi em lo được. Một vé khứ hồi tiền công 300.000 đồng!".
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng ga Sài Gòn: Coi chừng mất... cả chì lẫn chài!
Đánh vào tâm lý nhiều người cần mua vé tàu Tết nên những đối tượng "cò" chủ yếu hoạt động mời chào, khuyến dụ khách đặt cọc, còn chuyện có vé tàu Tết như yêu cầu của khách hay không lại là chuyện khác.
Nhân đây, tôi cũng xin cảnh báo người dân không nên tin theo lời mời chào của "cò" vé mà đặt tiền cọc, coi chừng "mất cả chì lẫn chài" hoặc mua nhầm vé tàu giả vì thực tế những năm trước đã phát hiện một vài trường hợp bán vé tàu Tết giả. Hiện ga Sài Gòn đang phối hợp với Công an phường 9, quận 3 lên danh sách các đối tượng "cò" vé, không cho hoạt động bên trong khuôn viên nhà ga, còn bên ngoài, chúng tôi sẽ phối hợp với cảnh sát hình sự, công an các phường 9, 10, 11, quận 3 để bàn biện pháp xử lý.
Chúng tôi tiếp tục hỏi về nguồn cung cấp vé, ông Đệ kín đáo: "Hỏi nhiều làm gì, có tay trong là có vé thôi, ăn chia đầy đủ, đôi bên cùng có lợi!".
Chúng tôi hỏi tiếp: Đặt cọc rồi lấy gì bảo đảm không bị mất tiền? Ông Đệ nhăn mặt: "Tôi làm ăn ở đây lâu rồi, chị tin thì đặt cọc, không thì lên mạng mà mua. Trước giờ đi chắc chắn sẽ có vé cho chị. Không ai quỵt tiền chị đâu mà sợ!".
Vé ở đâu ra?
Chiều cùng ngày, chúng tôi quay trở lại ga Sài Gòn, chưa đến cổng nhà ga, chúng tôi đã được 4 phụ nữ vẫy tay mời gọi í ới: "Vé tàu Tết nè em!". Vừa tấp vào, một phụ nữ gầy đen kéo chúng tôi vào trong hẻm rồi hỏi: "Đi đâu, mấy vé, ngày nào?".
Khi nghe chúng tôi nói cần 4 vé đi Đà Nẵng ngày 26 Tết, bà Linh (tên người phụ nữ này tự xưng) trả lời gọn lỏn: "Trừ tiền vé tàu, mỗi vé tôi lấy thêm 200.000 đồng tiền công!".
"Tiền công gì cao thế" - chúng tôi hỏi, bà Linh trề môi: "Tiền công thuê người lên mạng đặt chỗ chứ tiền gì, không thấy báo chí nói mua vé trên mạng khổ cực hả?".
Sau đó, bà Linh vuốt ve chúng tôi: "Tiền này chị chia tứ hướng chứ có ẵm trọn đâu, chưa kể 26 Tết là ngày đẹp, khách đông khó đặt chỗ lắm. Nếu đồng ý thì photocopy CMND của người đi tàu đưa cho chị, đặt cọc mỗi vé 200.000 đồng, khi có vé sẽ gọi em ra lấy".
Viện cớ để đi tìm hiểu thêm, khi chúng tôi vừa đến cổng ga thì bị một người đàn ông tên T. kéo xe lại, hỏi dồn dập: "Mua vé tàu không?".
Thấy chúng tôi gật đầu, ông T. kéo chúng tôi đến tủ thuốc lá bên cạnh một quán cơm đối diện cổng ga để nói chuyện. Bà Tr., vợ ông T. nhanh nhảu: "Ngoài giá vé phải trả thêm cho tôi 200.000 đồng tiền công lên mạng đặt chỗ, không bớt".
Theo ông T., vé tàu Tết hiện mua rất khó vì mạng internet luôn bị nghẽn, ông và vợ phải rải quân là người nhà ngồi trên mạng suốt ngày để canh đặt vé.
Khi chúng tôi hỏi, nếu không đưa CMND có mua được vé không, bà Tr. trả lời: "Được, tôi dùng CMND của mình mua rồi gửi cô lên tàu, miễn sao không bị đuổi xuống là được".
Tương tự, trước đó vài giờ, khi chúng tôi gặng hỏi về nguồn cung cấp vé, ông Đệ trả lời: "Có tay trong là có vé thôi!?".
Theo Người lao động
Nhộn nhịp "chợ đen" bán máu Một số người vì trong bệnh viện không có nguồn máu hoặc trong nhà không ai hợp nhóm máu với bệnh nhân nên đành ra ngoài tìm mua. Chính vì vậy đã tạo nên một "chợ đen" về máu và thế giới "cò" sẵn sàng cung ứng mọi nguồn máu. Xe ôm kiêm "cò" bán máu Một lần đến thăm người nhà bệnh...