Tranh nhau đĩa nhạc, con đòi thiêu sống cha
Một lần vì rượu mà Sơn đã đánh mất hạnh phúc gia đình. Lần này, được sự tiếp sức của ma men, Sơn biến thành một “ngọn đuốc sống” lao vào đốt người thân sinh ra mình chỉ vì cái đĩa nghe nhạc. Hậu quả là hai anh em Sơn bị bỏng nặng.
Tan mái ấm vì rượu
Vợ chồng ông Trần H (44 tuổi) và bà Châu Thị Th (46 tuổi, ngụ ấp Kiết, xã Lâm Kiếp, Thạnh Trị, Sóc Trăng) chung sống với nhau được 3 mặt con. Trong đó Trần Quang Sơn (24 tuổi) là anh cả và cũng là con trai duy nhất. Là gia đình thuần nông quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng vẫn không đủ ăn. Nhà nghèo, không có tiền đi học nên ước mơ con chữ với Sơn là quá xa vời. Học hết lớp một, Sơn gác chuyện học sang một bên để ở nhà coi em phụ bố mẹ. Khi ở cái tuổi hai mươi đẹp nhất của đời người, Sơn đem lòng yêu thương Lý Thị Tr (23 tuổi), một cô thôn nữ Khơ me làng bên. Sau thời gian tìm hiểu, hai bên tiến tới hôn nhân.
Trần Quang Sơn tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Cuộc sống của hai vợ chồng trẻ với bộn bề khó khăn nhưng Sơn và Tr luôn yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Trong căn nhà nhỏ bên bờ sông thơ mộng của vùng sông nước Cửu Long chưa một lần họ mâu thuẫn to tiếng với nhau. Hai đứa con, có nếp có tẻ làm cho tổ ấm mái tranh nghèo thêm hạnh phúc. Thiếu học, Sơn loay hoay đủ đường mà vẫn luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Nghe bạn, Sơn khăn gói lên TP.HCM kiếm việc làm. Công việc tuy nặng nhọc vất vả nhưng đồng tiền kiếm được cũng kha khá. Thấy làm ăn được, Sơn bàn với vợ gửi con bên ngoại rồi cùng mình lên thành phố làm công nhân. Hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn dành dụm, chắt bóp lấy tiền về xây lại căn nhà tranh.
Sơn làm phụ hồ, phải theo công trình về thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tr cũng theo chồng về đó. Hai vợ chồng thuê căn phòng nhỏ ở Đồng An 2, phường Bình Hoàng, thị xã Thuận An. Sơn vẫn sớm tối với công việc của mình còn Tr cũng xin đi làm công nhân may.
Vì làm phụ hồ nên sơn thường phải theo công trình, cái cảnh xa nhà xa vợ như cơm bữa là chuyện thường tình. Cũng từ đó Sơn hay nhậu nhẹt say xỉn với cánh công nhân làm cùng. Men rượu đã biến Sơn từ một con người hiền lành chịu thương chịu khó thành một kẻ khác. Cái nghèo ăn sâu vào Sơn và ý chí vươn lên ngày nào cũng mất. Đi làm sẵn tiền trong túi, Sơn thường tụ tập bạn bè nhậu nhẹt chơi bời, đã thế máu ghen cũng đi vào người Sơn theo con ma men. Cứ mỗi khi say thì Sơn lại kiếm chuyện với Tr. Người vợ hiền chân chất nhẫn nhịn chịu đựng, nhẹ nhàng khuyên bảo chồng nhưng cũng chẳng ăn thua.
Video đang HOT
Hạnh phúc gia đình Sơn sau bao năm vun vén đang dần rạn nứt. Cảnh đầu ấp má kề dần thay bằng những trận cãi vã, đánh đập chửi bới. Gần 4 năm tình nghĩa vợ chồng, ăn ở đã có 2 mặt con nhưng rồi vì không chịu đựng được sự vô lý của người chồng và những trận đòn roi, Tr đã ra tòa xin ly hôn với Sơn.
Biến mình thành ngọn đuốc sống để đốt cha
Hạnh phúc gia đình tan vỡ nhưng Sơn vẫn chứng nào tật nấy. Hôm chủ nhật (18/9) nhân mua bộ dàn karaoke mới, Sơn gọi bạn bè tới phòng trọ của mình ăn nhậu từ sáng tới chiều, say bí tỉ.
Khoảng hơn 3h chiều thì cuộc nhậu tàn. Trời oi bức, hứng hát nổi lên và cũng muốn thử chất lượng của bộ dàn karaoke mới tậu, Sơn chạy sang phòng trọ của của cha mình – ông Trần H- ở cách đó hơn 100 mét để lấy đĩa do mình mua ngày trước về hát. Sơn vào phòng trọ, lúc đó ông H đang coi đầu đĩa. Không nói không rằng, Sơn liền ra kệ tủ ti vi lấy đĩa trong đầu ra, miệng càu nhàu tỏ ra bực tức vì đó là chiếc đĩa mà mình mới mua chưa kịp xem. Trước thái độ ngang ngược vô lễ của con trai, ông H tức giận không kìm nén được đã tát Sơn một cái và chửi Sơn là bất hiếu. Sơn điên cuồng tức giận vớ gậy tầm vông lao vào đánh ông H.
“Hôm đó là chủ nhật, cả xóm trọ ở nhà hết, mọi người ra can ngăn nên chưa xảy ra chuyện gì. Sơn người sặc mùi rượu mặt đỏ tía tai hằn học đi về phòng trọ của mình. Được một lúc thì Sơn lại hầm hầm chạy sang trên tay cầm một con dao lao vào phòng trọ ông H đòi chém. May có con rể ông H, anh Dương Huỳnh Lê (SN 1985) nhanh tay gạt con dao ra nên không xảy ra án mạng. “Mọi người trong xóm trọ đều là anh em cùng quê xúm lại khuyên can thấy Sơn có vẻ nguôi nguôi ai ngờ”, Châu Nhiên (SN 1988), anh họ của Sơn người chứng kiến sự việc nhớ lại.
Theo thông tin từ cơ quan CSĐT sau khi chém hụt bố đẻ, Sơn đi về phòng trọ của mình. Uất ức vì bị bố tát, Sơn vùng dậy ra quầy tạp hóa đầu ngõ mua 18 nghìn tiền xăng và chiếc bật lửa đi vào phòng trọ bố mình. “Lúc đó tôi đang đứng trong con hẻm trước cửa xóm trọ thì thấy Sơn đi vào, vừa đi vừa chửi đòi giết ông H. Tôi liền ôm Sơn giữ lại thì Sơn đổ túi xăng lên người tôi và Sơn rồi châm lửa. Lửa cháy bùng bùng, bỏng quá, tôi buông Sơn ra và kêu cứu”, anh Nhiên bàng hoàng nhớ lại.
Anh Dương Huỳnh Lê, con rể ông H, kể tiếp: “Lúc đó tôi đang cho con là Dương Huỳnh Anh (4 tuổi) ăn trước cửa nhà thì thấy anh Sơn người rực lửa chạy vào tìm bố tôi. Sợ Sơn làm bỏng cháu Anh tôi liền lấy tay gạt Sơn ra và giữ Sơn lại không cho xông vào nhà. Mọi người trong xóm chạy ra hất nước, người tôi cũng cháy theo Sơn”.
Sau khi dập tắt được ngọn lửa, mọi người trong xóm trọ đã đưa Sơn, Nhiên và anh Lê đi bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Sơn bị bỏng 46 %, Nhiên bị bỏng 27 %, còn Lê bị bỏng hơn 3%.
Tiếp xúc với chúng tôi tại khoa Bỏng bệnh viện Chợ Rẫy, những giọt nước mắt đã rơi trên khóe mắt của “ngọn đuốc sống” Trần Quang Sơn: “Vì rượu say không làm chủ được bản thân mà em đã có hành động dại dột, gây tai họa oan cho 2 người anh em và làm khổ cả gia đình”.
Theo Nguoiduatin
Tập trung xử phạt vi phạm rượu bia (1): 1.001 chiêu né kiểm tra
Hiện nay, CSGT xử lý lỗi của người vi phạm Luật Giao thông khi họ tỉnh táo, bình thường đã khó, còn đối với những trường hợp trong trạng thái say hoặc giả vờ say thì khâu kiểm tra càng khó khăn hơn gấp nhiều lần. Hầu hết người vi phạm đều tìm đủ mọi cách để né tránh, thậm chí chống đối.
Lái xe cố thủ trong ô tô khi bị CSGT phát hiện sử dụng rượu bia
Khi "ma men" giở "võ say"
Tháng An toàn giao thông được phát động, công việc của CSGT vốn dĩ đã nặng nề nay lại thêm phần vất vả hơn. Cùng với việc đẩy mạnh phân luồng tổ chức giao thông, các chuyên đề xử lý vi phạm liên quan đến dừng đỗ... CSGT còn tập trung xử phạt những lỗi về người điều khiển phương tiện uống rượu, bia quá nồng độ cồn cho phép.
Ghi nhận của PV tại ngã tư Khuất Duy Tiến-Nguyễn Trãi, mặc dù đã được lắp hệ thống đèn đỏ nhưng chiều nào cũng vậy, Đội CSGT số 7 cũng phải bố trí ít nhất 6 CBCS trong đó có 1 chỉ huy đội trực tiếp hướng dẫn, phân luồng điều hành giao thông. Lý giải về thực trạng này, Trung tá Nguyễn Minh Tiến-Đội trưởng Đội CSGT số 7 cho biết: "Ngoài lý do đường chật người đông, nguy cơ ùn tắc giao thông tại ngã tư này lúc nào cũng thường trực vì những "ma men" dừng đỗ xe bừa bãi ở dọc đường Nguyễn Xiển trước cửa quán bia, nhà hàng. Khi họ rời quán trong trạng thái nồng nặc mùi bia rượu, ngồi sau vô lăng và chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu trong một phút họ không làm chủ được tốc độ".
Cũng theo Trung tá Nguyễn Minh Tiến, các hàng quán trên thành phố hiện nay mọc lên như nấm với hàng nghìn người bất kể vào thời điểm nào trong ngày cũng có thể say sưa "chén chú chén anh", nhưng để xử lý được một trường hợp uống rượu, bia điều khiển phương tiện không phải là điều đơn giản. Nhiều người giả say để trốn tránh sự kiểm tra của CSGT. Dẫn chứng, cũng tại ngã tư Khuất Duy Tiến-Nguyễn Trãi, Đội CSGT số 7 phát hiện lái xe Tạ Thu Nguyên (SN 1972), ở Hòa Bình điều khiển xe ô tô BKS: 28H-6300 đi sai làn đường cùng với những biểu hiện khác thường, đã yêu cầu lái xe dừng lại để kiểm tra. Thay vì đỗ gọn vào lề đường, xuống xe xuất trình giấy tờ, Nguyên cứ ngồi lỳ trong xe.
Hành vi của lái xe đã khiến dòng phương tiện phía sau bị dồn ứ lại mỗi lúc một nhiều hơn. Sau đó dù CSGT đã đưa được chiếc xe vi phạm lên vỉa hè nhằm tránh ùn tắc nhưng Tạ Thu Nguyên vẫn ngả lưng vào ghế, mắt lim dim giả vờ say và ngủ, phớt lờ yêu cầu xuống xe để giải quyết của CSGT. Phải đến khi rất nhiều người dân chứng kiến vụ việc và bất bình với thái độ của lái xe đã lao vào trợ giúp CSGT, lúc này lái xe Nguyên mới chịu xuống xe sau khi gọi rất nhiều cuộc điện thoại cho bạn bè nhờ can thiệp không được CSGT tiếp nhận. Nhưng cũng phải hàng chục phút sau, việc kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở mới được CSGT làm xong vì thái độ thiếu hợp tác của lái xe.
Thổi một hơi mất 30 phút
Để kiểm tra được 1 trường hợp vi phạm không phải là chuyện dễ dàng
Thống kê của Phòng CSGT đường bộ-đường sắt CATP cho thấy, thực tế hiện nay có tới 90% số trường hợp vi phạm rượu bia khi bị CSGT kiểm tra, xử lý đã viện dẫn đủ mọi lý do để mong thoát lỗi. Ví như tại ngã tư Trần Hưng Đạo-Trần Thánh Tông vào trưa 9-9, tổ công tác xử lý chuyên đề rượu, bia của Đội CSGT số 4 đã gặp không ít "ma men" trong tình trạng loạng choạng từ trong các quán bia, rượu lao ra đường. Nhiều người bất chấp nguy hiểm phóng thật nhanh vọt qua chốt xử lý và không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT. Phải đến khi có sự hỗ trợ của trinh sát, tổ công tác mới có thể dừng được xe người vi phạm để kiểm tra.
Hơi thở sặc sụa mùi rượu, bia và vẫn còn chưa hết chếnh choáng sau bữa liên hoan với nhóm bạn, lái xe Nguyễn Quốc Việt, ở Quan Hoa, Cầu Giấy luôn miệng lè nhè không chịu ngậm vào máy đo nồng độ cồn với lý do... nhìn không rõ. Còn anh Trần Quang Phát, ở Hà Đông khuôn mặt đỏ gay sau khi được CSGT yêu cầu kiểm tra cũng từ chối ngậm vào ống thổi vì sợ mất vệ sinh. Phải đến khi CSGT đưa ra bằng chứng ống thổi là loại dùng 1 lần, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thì lúc này lái xe Phát mới miễn cưỡng chấp hành. Tuy nhiên, lái xe chỉ ngậm vào miệng chứ nhất quyết không thổi. Sau 30 phút, với thái độ kiên quyết nhưng cũng mềm dẻo của CSGT, máy đo cho ra kết quả nồng độ cồn trong hơi thở của lái xe Phát đã vượt quá mức quy định cùng với quyết định xử phạt hành chính kèm theo.
Cũng theo ghi nhận của PV, dọc phố Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn hay đường Xã Đàn... vào buổi trưa và tối khuya được xem là "thiên đường" cho các "ma men". Không ít người khi đi từ quán bia, rượu ra và phát hiện CSGT đã quay xe bỏ chạy hoặc kín đáo dùng khẩu trang che kín mặt. Ngoài ra, những lý do "giời ơi" mà chỉ có thể khi say hoặc cố tình giả vờ say họ mới có thể viện dẫn như đau răng, miệng bị nhiệt và thậm chí là dị ứng với mùi nhựa để trốn tránh không ngậm ống thổi cho CSGT đo nồng độ cồn.
Trung tá Nguyễn Văn Tài-Đội trưởng Đội CSGT số 3 thông tin: "Đó là những trường hợp uống "vừa vừa", còn nhiều người khi "tới tầm" thì chẳng kiêng dè, nể sợ bất cứ điều gì. Rượu vào lời ra cùng với thái độ thách thức pháp luật, trong quá trình xử lý, việc CBCS bị người vi phạm lăng mạ không phải là chuyện hiếm gặp. Trong cơn say và dưới góc nhìn của họ lúc này thì pháp luật và sự an toàn tính mạng của bản thân và người khác chỉ là thứ yếu, đứng sau những tiếng hô "trăm phần trăm" kéo theo tốc độ kinh hoàng khi điều khiển phương tiện trên đường.
Theo ANTD