Tranh luận về 3 ‘mô hình’ Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng
Chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận 3 phương án sửa đổi quy định về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau, phương án cuối cùng vẫn còn bỏ ngỏ.
Chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Dự thảo luật sửa đổi lần này gồm 8 chương, 110 điều trong đó có tới hơn 50 điều sửa đổi. Theo Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, dự luật còn 3 vấn đề cần xin ý kiến của Thường vụ gồm các quy định về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập công khai bản kê khai tài sản, thu nhập và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Trên cơ sở kết luận hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành trung ương Đảng (khóa XI), Chính phủ đề xuất 3 phương án sửa đổi quy định về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Theo đó, phương án thứ nhất thể hiện theo đúng nội dung trong kết luận, Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực.
Phương án thứ hai quy định Ban chỉ đạo trong Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để đảm bảo tính thống nhất, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo sẽ do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Phương án thứ ba xác định Ban chỉ đạo là cơ quan của Đảng, không phải là cơ quan nhà nước, cho nên Luật sửa đổi sẽ không quy định về việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của cơ quan này. Vì vậy, hướng sửa Luật là bãi bỏ Điều 73 và bỏ cụm từ “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”.
Cả 3 phương án theo ông Huỳnh Phong Tranh đều còn những vướng mắc, vì vậy Chính phủ trình để Quốc hội quyết.
Video đang HOT
Việc luật hóa Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: N.Hưng.
Là cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, ngoài Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 quy định về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội thì các văn bản quy phạm pháp luật không quy định điều chỉnh về tổ chức, hoạt động đối với các cơ quan, tổ chức của Đảng. Do đó, việc quy định theo phương án một là không phù hợp. Tương tự như vậy phương án 2 lại đề xuất giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không có căn cứ và chưa có tiền lệ này.
“Chỉ còn phương án 3 là không quy định tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trong luật mà Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng là một ban của Đảng, do Ban chấp hành Trung ương hoặc Bộ Chính trị thành lập, trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư làm Trưởng ban”, ông Hiện nói.
Đồng thời, theo phương án này, cũng không tổ chức Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố về phòng, chống tham nhũng tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng và có trách nhiệm phối hợp với Ban chỉ đạo trung ương khi có vụ việc tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở địa phương. Lập Ban nội chính Trung ương, Bộ Chính trị xem xét, quyết định cụ thể việc lập Ban nội chính ở các tỉnh ủy, thành ủy.
Phương án này theo ông Hiện là cách thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương và tuân thủ tiền lệ xây dựng hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời vẫn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lại cho rằng, phòng chống tham nhũng không chỉ trong Đảng mà còn trong toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước. “Trong Luật cần có quy định về Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng vì thế nên chọn phương án 2″, ông Lý nói và giải thích thêm rằng, nếu Ban chỉ đạo mà do Quốc hội thành lập thì càng “uy” hơn. Hơn nữa, nếu do Tổng bí thư đứng đầu tức “vừa là Đảng, vừa là Nhà nước thì vừa có sức mạnh, quyền lực”.
Các phương án về Ban chỉ đạo được nhiều đại biểu tiếp tục mổ xẻ trong buổi làm việc song đều không thống nhất. Cuối buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, để sửa văn bản luật này thì điểm nào đủ cơ sở và cần sửa thì mới sửa. Còn điểm dù cần sửa nhưng chưa rõ thì nên gác lại.
Đối với Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, ông Hùng cho rằng cần tính toán. “Là Ban chỉ đạo chứ không phải Ủy ban phòng chống tham nhũng, không phải ban Đảng. Tôi chưa nghĩ ra cách nào, các anh nghĩ thêm cho”, ông Hùng nói.
Chốt lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hôi Uông Chu Lưu cho rằng, phạm vi của dự án luật này, nên tập trung vào nội dung, bám vào Nghị quyết trung ương 5 chứ chưa nên nói đến việc sửa toàn diện. Do còn nhiều tranh luận về luật hóa Ban chỉ đạo, ông Lưu đề nghị cần lý giải, phân tích được để chuyển hẳn mô hình từ nhà nước sang trực thuộc Bộ Chính trị do Đảng chỉ đạo, lãnh đạo và thành lập Ban Nội chính trung ương.
Do tiến độ của dự án luật phải thông qua vào kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới, Phó chủ tịch Lưu yêu cầu cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm, rà soát và gửi sớm dự thảo cho các đại biểu Quốc hội.
Theo VNE
Phát hiện tham nhũng, chuyển ngay sang cơ quan điều tra
Trước ý kiến về việc có dấu hiệu "hành chính hóa" các vụ tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết cơ quan thanh tra sẽ chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra nếu phát hiện vi phạm hình sự mà không chờ kết luận thanh tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: VGP/Thành Chung
Đây là một giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng được Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết trong phiên chất vấn sáng 22/8 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước đó, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đưa ra con số 464 vụ thanh tra được Thanh tra Chính phủ chuyển sang cơ quan điều tra (chiếm chưa tới 1% tổng số vụ thanh tra trong 5 năm qua), trong khi cơ quan thanh tra cũng thừa nhận thất thoát tài sản liên quan đến tham nhũng được phát hiện lên tới hàng nghìn ha đất, hàng chục nghìn tỉ đồng. Đại biểu đặt vấn đề "có xu hướng hành chính hóa các vụ tham nhũng hay không?".
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian qua, công tác thanh tra ở một số nơi, lĩnh vực còn chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa đi đến cuối cùng của vi phạm, nên việc phát hiện tham nhũng và đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc chưa nhiều là trách nhiệm của ngành.
Tiếp thu câu hỏi của đại biểu, Tổng Thanh tra cho biết cơ quan thanh tra sẽ tiếp tục xem xét và trong quá trình làm việc, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, sẽ chuyển ngay sang cơ quan điều tra mà không cần chờ kết luận thanh tra. Năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã chuyển 3 vụ thanh tra có dấu hiệu tham nhũng lớn sang cơ quan điều tra tiếp tục xử lý.
Trong phần trả lời bổ sung, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho biết nguyên nhân các vụ thanh tra chuyển sang điều tra ít là do tội phạm tham nhũng có kinh nghiệm che dấu hành vi phạm tội nên việc phát hiện không dễ dàng.
Những năm qua, Công an các địa phương đã nhận 8 vụ chuyển sang từ thanh tra địa phương. Thứ trưởng đề nghị, khi đã có dấu hiệu tội phạm thì thanh tra nên chuyển hồ sơ sớm để cơ quan Công an điều tra.
Kịp thời ra quyết định thanh tra
Một số đại biểu cho rằng ngành thanh tra ra quyết định thanh tra chậm chạp đã ảnh hưởng đến phòng, chống tham nhũng. Thừa nhận việc này xảy ra ở một số vụ việc, Tổng Thanh tra cho biết để khắc phục, ngành ban hành quy chế để ra quyết định kịp thời.
Tổng Thanh tra cũng chia sẻ, vấn đề chậm ra quyết định thanh tra là do ngành phải trao đổi ý kiến các cơ quan chuyên ngành vì nhiều lĩnh vực thanh tra không nắm hết được. Ông lấy ví dụ, "vừa qua, có bộ, ngành được chúng tôi xin ý kiến mà 2 tháng chưa trả lời" và kiến nghị nâng cao hơn trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương khi phối hợp tham gia với cơ quan thanh tra.
Bên cạnh việc "ra quyết định", việc thực hiện kết luận thanh tra cũng chưa tốt. Theo ông Huỳnh Phong Tranh, từ 2007- 2011, thanh tra nhiều việc nhưng tỷ lệ thực hiện kết luận sau thanh tra là dưới 40% về tiền và 20% về đất đai.
Theo Tổng Thanh tra, nguyên nhân là do chế tài xử lý việc không thực hiện kết luận thanh tra chưa mạnh, không có đơn vị theo dõi giám sát việc thực hiện kết luận.
Tổng Thanh tra đề nghị cần tăng chế tài và thành lập một Vụ Giám sát kết luận thanh tra để đôn đốc việc thực hiện.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, Luật Phòng, chống tham nhũng đang được sửa đổi theo ba hướng: Một là mở rộng đối tượng kê khai tài sản hai là công khai bản kê khai tài sản tại nơi công tác và cư trú ba là đối tượng kê khai phải giải trình lý do tăng thu nhập giữa hai kỳ kê khai.
Dự Luật sửa đổi này bao gồm 7 nội dung chính: Quy định trách nhiệm giải trình cán bộ, công chức trong đơn vị công tác quy định đối tượng kê khai quy định về bản kê khai tài sản thu nhập việc xử lý tài sản không được giải trình hợp lý biện pháp đình chỉ, chuyển công tác đối với người vi phạm trách nhiệm của Chính phủ và cơ quan nhà nước các cấp.
Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật này trong kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2012. Theo VNE
Chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ: Vinalines và nạn tham nhũng Lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) sáng 22.8, mặc dù liên tục nhận về ngành những tồn tại, hạn chế từ chất lượng công tác thanh tra, phát hiện dấu hiệu vi phạm ở các vụ việc tham nhũng ít... cũng như chưa quyết liệt trong đôn đốc...