Tranh luận Trump – Biden lần cuối ít người xem hơn lần đầu
Cuộc tranh luận Trump – Biden cuối cùng thu hút khoảng 63 triệu người xem truyền hình, thấp hơn lần đầu tiên khoảng 10 triệu khán giả.
Số liệu do công ty nghiên cứu thị trường Nielsen công bố ngày 23/10 thể hiện lượng khán giả trung bình trên 15 mạng lưới truyền hình trực tiếp sự kiện vào tối 22/10. Kênh Fox News thu hút lượng người xem lớn nhất với 15,4 triệu khán giả.
Cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên đã thu hút được 73,1 triệu người xem trên 16 mạng lưới. Màn “so găng” cuối cùng diễn ra cùng thời điểm một trận bóng chày được phát sóng trên kênh thuộc Fox.
Trump (trái) tranh luận với Biden tại Tennessee ngày 22/10. Ảnh: Reuters.
Các số liệu của Nielsen phản ánh những người đã xem qua TV và không bao gồm những người xem phát trực tiếp trên các nền tảng kỹ thuật số – hình thức đang ngày càng phổ biến khi lượng người xem truyền hình truyền thống giảm.
Cuộc tranh luận cuối cùng diễn ra trong bầu không khí điềm đạm hơn sự kiện đầu tiên, các ứng viên không liên tục ngắt lời nhau. Biden tiếp tục công kích cách Trump xử lý đại dịch Covid-19, trong khi Trump đưa ra cáo buộc tham nhũng đối với Biden và gia đình ông, đồng thời chỉ trích quãng thời gian hoạt động chính trị trước đây của đối thủ.
Cuộc tranh luận tổng thống thu hút nhiều người xem nhất trong lịch sử Mỹ là sự kiện năm 2016 giữa Trump và Hillary Clinton, với 84 triệu khán giả truyền hình.
Dự án Bầu cử Mỹ của Đại học Florida hôm 23/10 cho biết hơn 35 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu qua thư và hơn 15 triệu người đã tới bầu trực tiếp tại các địa điểm bỏ phiếu. Số người Mỹ bỏ phiếu sớm bầu tổng thống năm nay cao gấp nhiều lần so với cùng thời điểm năm 2016, do những lo ngại về vấn đề sức khỏe khi tập trung đông người tại các điểm bỏ phiếu thời Covid-19.
Ngôn ngữ cơ thể Trump - Biden trong cuộc tranh luận cuối
Trump mở lòng bàn tay, chuyển động như chơi đàn accordion, bĩu môi còn Biden cầm bút ghi chép, cười khi bị công kích đều toát lên tính cách và tâm lý của mỗi người.
Video đang HOT
Giống như cuộc tranh luận đầu tiên, hai ứng viên không bắt tay khi bắt đầu cuộc tranh luận và bầu không khí của sự kiện điềm đạm hơn do hai ông không liên tục ngắt lời nhau. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều điều để các chuyên gia ngôn ngữ cơ thể phân tích trong sự kiện diễn ra ở Tennessee ngày 22/10.
Chuyên gia Traci Brown tin rằng Trump đã tiếp nhận lời khuyên từ các phụ tá nên có thái độ bình tĩnh hơn. "Rõ ràng là ai đó đã nói chuyện với ông ấy, khuyên ông ấy nên chừng mực hơn", Brown nói.
Alison Henderson, chuyên gia tại công ty tư vấn về ngôn ngữ cơ thể Moving Image Consulting, cũng cho rằng Trump đã kiềm chế bản thân hơn để "không hùng hổ như cuộc tranh luận đầu tiên".
Động tác tay được ví như chơi đàn accordion của Trump trong cuộc tranh luận với Biden ở Tennessee ngày 22/10. Ảnh: AFP.
Henderson chỉ ra rằng Tổng thống Trump thường xuyên có động tác mở lòng bàn tay và chuyển động tay ra vào giống như chơi đàn accordion. "Cử chỉ nhằm thể hiện rằng 'tôi không có gì để che giấu'", bà nói.
Tuy nhiên, Henderson nhận xét đôi khi Trump so vai và gồng người khi đưa hai tay lại gần nhau. Động tác này có thể khiến khán giả thấy những lời ông nói bớt đáng tin hơn.
Trong cuộc tranh luận, Trump đã bị Joe Biden công kích về các vấn đề cá nhân như có tài khoản ở Trung Quốc và không công khai hồ sơ thuế. Trump giải thích tài khoản ở Trung Quốc đã bị đóng từ năm 2015 và bác bỏ thông tin New York Times đưa ra rằng ông chỉ đóng 750 USD thuế, nói rằng ông đã trả trước hàng triệu USD thuế.
Trump nhắc đến cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi vấn chiến dịch của ông thông đồng với Nga trong mùa bầu cử năm 2016, khẳng định đội ngũ của Mueller đã xem hồ sơ thuế và không phát hiện vấn đề gì. Ông nhấn mạnh cuộc điều tra này đã tiêu tốn hàng chục triệu USD vô ích.
Trong khi đó, Brown có cách nhìn khác về cử chỉ này. Bà chỉ ra rằng ông đã sử dụng cử chỉ vài lần khi nói về Covid-19 ở đầu cuộc tranh luận. Việc Trump hướng hai lòng bàn tay vào nhau nhằm "nhằm thể hiện rằng chúng tôi đã chặn được vấn đề này, chúng tôi đã kiểm soát được nó".
Chuyên gia Lauren Cohen cho rằng ở đầu sự kiện, Biden đã "có tính toán khi đeo khẩu trang lúc bước vào rồi sau đó mới tháo ra khi đến gần bục phát biểu". Bà đánh giá đây là cử chỉ để nhấn mạnh lập trường trái ngược với Trump về việc đeo khẩu trang trong đại dịch.
Biden cầm bút gần như toàn bộ thời gian thảo luận. "Cây bút giúp ông ấy có thể ghi chép và cũng là công cụ để giảm bớt căng thẳng", Cohen nói.
Biden cười trong cuộc tranh luận với Trump ở Tennessee ngày 22/10. Ảnh: AP.
Khi lắng nghe những lời chỉ trích của Trump về gia đình hoặc sự nghiệp chính trị, Biden thường cười, lắc đầu và nhìn xuống, thể hiện rằng những điều Trump nói quá vô lý.
Việc cười khi bị công kích có thể thể hiện rằng ông không coi trọng những lời công kích của Trump, bác bỏ chúng như những "lời tầm phào" và cho thấy ông đang ngầm kiểm soát tình thế. Tuy nhiên, cử chỉ này cũng có thể là con dao hai lưỡi vì khán giả có thể cảm thấy Biden tự phụ.
Cũng có những lúc Trump đẩy Biden vào thế mất bình tĩnh, đặc biệt khi Trump chỉ trích Biden và Obama đã làm rất tệ trong hai nhiệm kỳ đương nhiệm. Brown cho rằng phần thảo luận về vấn nhập cư có vẻ khó khăn đối với Biden. Tổng thống Trump đã hỏi Biden một cách khiêu khích: "Ai đã xây những cái lồng hả Joe?", nhắc đến việc chính quyền Obama xây những chiếc lồng để nhốt trẻ nhập cư không có giấy tờ. "Tôi nghĩ đó là một vấn đề nhức nhối đối với Biden", Brown nói.
Cohen nhận xét rằng Biden "đôi khi tránh nhìn vào mắt Trump, điều cho thấy cựu phó tổng thống cảm thấy Trump là người khó ưa và đáng ghét"."Biden cũng có khi nhắm mắt lâu để thể hiện rằng ông rất không đồng tình với những điều Tổng thống Trump nói".
Đôi khi Biden bặm môi khi ông bực bội." Khi Trump đề cập đến Tổng thống Barack Obama, "Biden liếm môi và có vẻ rất khó chịu". Cohen giải thích rằng liếm môi có thể là "một dấu hiệu của sự bối rối".
Tổng thống Trump bĩu môi tại cuộc tranh luận với Biden ở Tennessee ngày 22/10. Ảnh: AP.
Biên tập viên Misha Ketchell của Conversation chỉ ra rằng biểu cảm đặc trưng của Trump là bĩu môi khi đang lắng nghe và chuẩn bị ngắt lời hoặc phản bác Biden. Các nghiên cứu về biểu cảm này cho thấy nó thường xuất hiện trong các tình huống căng thẳng, liên quan đến sự tức giận và đe dọa khi một người muốn lấn át đối phương.
Henderson chỉ ra rằng khi lắng nghe Biden nói, Trump thường nghiêng đầu sang một bên và nhìn xuống, cho thấy ông "coi thường đối thủ" và "thể hiện mình ở chiếu trên".
Cựu phó tổng thống đôi khi nói vấp và đã có một khoảnh khắc được USA Today nhận xét là "kỳ quặc" vào gần cuối cuộc tranh luận khi nhìn khá lâu vào đồng hồ đeo tay. Động tác này khiến một số người liên tưởng đến hành động của Tổng thống George H.W. Bush trong cuộc tranh luận năm 1992 với Bill Clinton. Ông Bush cuối cùng thất bại trước đối thủ.
Biden xem đồng hồ trong cuộc tranh luận với Trump ở Tennessee ngày 22/10. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, Cohen cho rằng Biden đã ghi điểm bằng cách đôi khi nhìn thẳng vào camera thay vì đối thủ, như thể ông đang giao tiếp với khán giả đang xem truyền hình, khiến khán giả cảm thấy họ quan trọng hơn. Cohen cho rằng Biden đã tính toán khi làm vậy "để khiến ông hiện lên đáng tin cậy, dễ mến và dễ đồng cảm hơn" trong mắt công chúng.
Đây là chiến lược Biden từng dùng trong cuộc tranh luận đầu tiên. Và cách Biden phản bác khi bị Trump công kích về con trai cũng giống lần "so găng" đầu tiên. Ông nhìn thẳng vào máy quay và nói cuộc đua vào Nhà Trắng "không phải về gia đình ông ấy hay gia đình tôi. Đó là về gia đình các bạn, gia đình các bạn đang bị tổn thương nặng nề".
Tuy nhiên, Lillian Glass, chuyên gia ngôn ngữ cơ thể tại Los Angeles, từng lập luận sau cuộc tranh luận đầu tiên rằng "việc Biden nhìn vào máy quay và cố lấy lòng khán giả là không phù hợp". "Khi đang tranh luận, bạn nhìn vào đối thủ hoặc người điều hành. Vì vậy, cử chỉ đó của Biden có thể khiến nhiều người nảy sinh ác cảm", bà nói.
Trump dường như đã tìm ra được cách để hóa giải chiêu thức "bổn cũ soạn lại" này của Biden. "Đó là một tuyên bố chính trị điển hình", Trump nói. "Tôi không phải là một chính trị gia điển hình. Đó là lý do tôi được bầu".
Tranh cãi về 'người thắng' trong cuộc so găng Trump - Biden Khảo sát của CNN cho thấy Biden được đánh giá cao hơn trong cuộc tranh luận cuối, nhưng thăm dò của các trang tin bảo thủ cho kết quả ngược lại. 53% cử tri xem cuộc tranh luận tổng thống Mỹ cuối cùng đánh giá Biden chiến thắng, trong khi 39% có ý kiến ngược lại, theo khảo sát được CNN thực hiện...